(MPI) - Đây là chủ đề của Tọa đàm diễn ra ngày 01/12/2020 giữa Cục Đầu tư nước ngoài, Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Công ty Cổ phần Tư vấn Ernst & Young (EY) Việt Nam theo hình thức trực tuyến. Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài Đỗ Nhất Hoàng và Phó Tổng Giám đốc, Lãnh đạo Dịch vụ Thuế Việt Nam, Campuchia, Lào, EY Việt Nam Robert King đồng chủ trì tại các điểm cầu.
|
Cục trưởng Đỗ Nhất Hoàng phát biểu. Ảnh: MPI |
Phát biểu tại điểm cầu Trung tâm Điều hành Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Cục trưởng Đỗ Nhất Hoàng đánh giá cao sáng kiến tổ chức Tọa đàm, đặc biệt là trong bối cảnh dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp để kịp thời chia sẻ thông tin về môi trường đầu tư của Việt Nam. Đồng thời cho biết, Bộ Kế hoạch và Đầu tư sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với EY để giới thiệu, quảng bá về môi trường đầu tư của Việt Nam và luôn sẵn sàng để hỗ trợ các nhà đầu tư.
Giới thiệu tổng quan về tình hình kinh tế - xã hội của Việt Nam, Cục trưởng Đỗ Nhất Hoàng cho biết, trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, GDP quý III/2020 của Việt Nam vẫn tăng 2,62% và dự kiến cả năm tăng khoảng 2-3%; năm 2021 tăng khoảng 6%. Quy mô GDP năm 2020 ước tính đạt 340 tỷ USD. GDP/người đạt khoảng 3.500 USD. Quy mô thương mại khoảng 530 tỷ USD, dự trữ ngoại tệ ngày càng tăng.
Về tình hình đầu tư nước ngoài, Cục trưởng Đỗ Nhất Hoàng cho biết, đến nay, có 139 quốc gia và vùng lãnh thổ có đầu tư vào Việt Nam với 32 nghìn dự án, khoảng 383 tỷ USD, trong đó Hàn Quốc đứng thứ nhất, tiếp đến là Nhật Bản, Xinh-ga-po, Đài Loan,... Về cơ cấu đầu tư, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo chiếm gần 60%.
Trong 11 tháng năm 2020, mặc dù trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp nhưng Việt Nam vẫn thu hút được hơn 26 tỷ USD; số vốn đăng ký mới giảm so với cùng kỳ do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên các nhà đầu tư mới không thể đến tìm hiểu và thực hiện hoạt động đầu tư. Tuy nhiên, vốn đầu tư của các nhà đầu tư đã có mặt tại Việt Nam tăng gần 8% so với 2019. Điều này cho thấy, các nhà đầu tư đã đầu tư tại Việt Nam hiểu, tin tưởng và mở rộng đầu tư. Hiện có rất nhiều nhà đầu tư trên thế giới đang có mong muốn đầu tư vào Việt Nam.
Cục trưởng Đỗ Nhất Hoàng nhấn mạnh, Việt Nam được xem là điểm đến hấp dẫn đầu tư bởi nền chính trị ổn định, tăng trưởng kinh tế nhanh và ổn định trong nhiều năm; chi phí cạnh tranh; nguồn nhân lực dồi dào với 60% dân số trong độ tuổi lao động; thị trường năng động, Việt Nam đã tham gia hội nhập kinh tế quốc tế sâu rộng như tham gia các Hiệp định RCEF, EVFTA, EVIPA, CPTPP và các hiệp định thương mại tự do khác giúp Việt Nam tiếp cận với thị trường 55 quốc gia, trong đó có 15 quốc gia thuộc nhóm G20; kết nối 2/3 GDP toàn cầu, 3/4 dân số thế giới. Bên cạnh đó, Việt Nam có chính sách rộng mở, luôn có chính sách ưu đãi cạnh tranh và có vị trí nằm ở trung tâm khu vực Đông Nam Á...
Trong bối cảnh hiện nay, có hai vấn đề nổi lên là xung đột thương mại giữa các nền kinh tế lớn và do dịch Covid - 19 làm đứt gãy cung ứng dẫn đến các doanh nghiệp muốn đa dạng hóa chuỗi cung ứng, tìm kiếm địa bàn mới dẫn đến làn sóng đầu tư mới, đa dạng hóa đầu tư. Trong khi đó, Việt Nam đã tham gia nhiều hiệp định thương mại song phương, đa phương, có điều kiện thay đổi môi trường đầu tư theo hướng tích cực, thông thoáng, tạo điều kiện để các nhà đầu tư đến với Việt Nam.
Về chủ trương thu hút đầu tư trong thời gian tới, Cục trưởng Đỗ Nhất Hoàng cho biết, Việt Nam thu hút, hợp tác đầu tư nước ngoài theo hướng có chọn lọc, lấy chất lượng, hiệu quả, công nghệ và bảo vệ môi trường là tiêu chí đánh giá chủ yếu. Ưu tiên các dự án có công nghệ tiên tiến, công nghệ mới, công nghệ cao, công nghệ sạch, quản trị hiện đại, có giá trị gia tăng cao, có tác động lan tỏa, chuyển giao công nghệ, kết nối với doanh nghiệp trong nước để tham gia chuỗi sản xuất và cung ứng toàn cầu...
Việt Nam đang nhận dạng các làn sóng đầu tư mới để chuẩn bị phù hợp. Theo đó, rà soát để bổ sung quỹ đất công nghiệp; tăng cường đào tạo nhân lực chất lượng cao, lao động có tay nghề; rà soát nhu cầu đầu tư ngành năng lượng, đặc biệt là năng lượng sạch; đẩy nhanh công nghiệp phụ trợ với nhiều chính sách để doanh nghiệp trong nước ngày càng lớn mạnh, kết nối với doanh nghiệp nước ngoài; rà soát luật pháp chính sách theo hướng các thủ tục đơn giản, thông thoáng, dễ tiếp cận thị trường cho các nhà đầu tư, đồng thời, bổ sung các quy định ưu đãi đặc biệt, có tính cạnh tranh cao; thành lập Tổ công tác thúc đẩy hợp tác đầu tư nước ngoài để tham mưu cho Thủ tướng Chính phủ các cơ chế, chính sách, tiêu chí, chuẩn mực hợp tác đầu tư mang tính cạnh tranh quốc tế và các giải pháp nhằm nắm bắt kịp thời cơ hội hợp tác đầu tư trong tình hình mới;…
Bên cạnh đó, một loạt các bộ luật liên quan đến đầu tư, kinh doanh như Luật Đầu tư (sửa đổi), Luật Doanh nghiệp (sửa đổi), Luật Đầu tư theo phương thức hợp tác công tư (PPP) được thông qua với nhiều điểm mới theo hướng đơn giản hóa thủ tục đầu tư, tăng cường phân cấp, minh bạch, đa dạng hóa các hình thức đầu tư, bổ sung cơ chế ưu đãi đầu tư đối với các dự án quy mô lớn thuộc các lĩnh vực cụ thể như đổi mới sáng tạo, nghiên cứu và phát triển...
|
Ông Robert King phát biểu. Ảnh: MPI |
Ông Robert King cho rằng, Tọa đàm là cơ hội tuyệt vời để hai bên cùng nhau tìm ra cách thức, chỉ ra vấn đề liên quan đến môi trường đầu tư của Việt Nam, từ đó, thông tin kịp thời đến các doanh nghiệp để thực hiện các hoạt động đầu tư. Đồng thời nhấn mạnh đến những nội dung, vấn đề được các nhà đầu tư quan tâm như các chính sách hỗ trợ; các khó khăn mang tính kỹ thuật cần lưu ý; những yêu cầu mang tính chi tiết; các thủ tục để thành lập văn phòng đại diện tại Việt Nam; các quy trình đăng ký cần phải thực hiện theo quy định; các ưu đãi khi đầu tư vào khu công nghiệp, logistics và các lĩnh vực, ngành nghề khác. Bên cạnh đó, vấn đề ưu đãi thuế, đặc biệt là thuế thu nhập doanh nghiệp, mức độ, khả năng được hưởng ưu đãi theo ngành nghề cụ thể…
Cùng với các ưu đãi, các nhà đầu tư cũng quan tâm đến các chính sách về thuế, các hỗ trợ, khuyến khích khác nhau tùy thuộc vào ngành nghề như chính sách thuê đất; vấn đề kê khai thuế, vấn đề kiểm toán thuế; chuyển giá; kiểm soát ngoại hối; quản lý lao động, đặc biệt là người lao động nước ngoài…
Về cách thức EY hỗ trợ Việt Nam, ông Robert King cho biết, EY sẽ có những dịch vụ để giúp các nhà đầu tư tìm địa điểm đầu tư phù hợp tại Việt Nam. Đồng thời, hỗ trợ, xem xét khả năng thực hiện chuỗi cung cứng toàn cầu, mang lại lợi ích tốt nhất; giúp nhà đầu tư xây dựng mô hình đầu tư, xác định khả năng kết nối và thực hiện các quy định về thuế, chi trả lương…
Việt Nam đã có nhiều cải thiện tích cực về điều kiện hạ tầng. Là quốc gia đang phát triển, Việt Nam có những khó khăn chung, đặc biệt là trong bối cảnh dịch bệnh như hiện nay nhưng Việt Nam đã có những cải cách rất đáng kể trong thời gian qua và đạt được những kết quả quan trọng. Luật pháp Việt Nam đã có nhiều thay đổi, tạo điều kiện thuận lợi cho nhà đầu tư nước ngoài. EY sẽ chuyển tải những thông tin kịp thời đến nhà đầu tư, giúp họ nắm rõ các vấn đề khi thực hiện đầu tư, kinh doanh vào Việt Nam, ông Robert King nhấn mạnh.
Tại Tọa đàm, Cục trưởng Đỗ Nhất Hoàng và ông Robert King đã làm rõ một số vấn đề được các nhà đầu tư quan tâm liên quan đến chính sách, môi trường đầu tư kinh doanh của Việt Nam; các chính sách trong quản lý vốn, thành lập trung tâm tài chính quốc tế; các rào cản về môi trường đầu tư, pháp lý;…/.
Tùng Linh
Bộ Kế hoạch và Đầu tư