(MPI) – Ngày 30/11/2020, Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổ chức Hội thảo Đánh giá tác động của chính sách ưu đãi thuế đến thu hút đầu tư vào địa bàn khuyến khích đầu tư tại Việt Nam.
|
Toàn cảnh Hội thảo. Minh Hậu (MPI) |
Trong bối cảnh hiện nay, Việt Nam đang cung cấp nhiều loại hình ưu đãi thuế. So với nhiều quốc gia trong khu vực, mức độ ưu đãi trong hệ thống chính sách thuế của Việt Nam là tương đối cao. Trong khi đó, hiệu quả của các chính sách ưu đãi vẫn chưa được đánh giá một cách cụ thể. Ngoài các ưu đãi thuế nói chung, Việt nam còn cung cấp các ưu đãi thuế riêng cho các địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, đặc biệt khó khăn và các khu kinh tế với mục đích thu hút và khuyến khích đầu tư vào các khu vực đó. Vì vậy, cần có những nghiên cứu đánh giá tác động của chính sách ưu đãi thuế tới thu hút đầu tư, hoạt động của các doanh nghiệp tại các địa bàn đặc biệt khó khăn, địa bàn khó khăn và các khu kinh tế.
Với mục tiêu nhằm đánh giá tổng quan việc thực hiện các chương trình ưu đãi thuế tại Việt Nam nói chung và tại các khu kinh tế, địa bàn khuyến khích đầu tư nói riêng. Đồng thời, đánh giá tác động của chính sách ưu đãi thuế nói chung đến thu hút đầu tư và hoạt động của doanh nghiệp tại địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn; địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn; các khu kinh tế, khu công nghệ cao. Tại Hội thảo, Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) đã có bài nghiên cứu đánh giá về những tác động của chính sách ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp đến thu hút đầu tư và hoạt động của doanh nghiệp tại các khu công nghiệp và địa bàn khuyến khích đầu tư tại Việt Nam.
Theo đó, nghiên cứu chỉ ra có tới hơn 62,8% số huyện tại Việt Nam thuộc vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn và đặc biệt khó khăn, phân bổ chủ yếu tại các tỉnh thuộc khu vực Trung du và miền núi Bắc Bộ, Tây Nguyên và một số tỉnh thuộc vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Có khoảng 43,8% dân số cả nước sống tại các vùng có điều kiện khó khăn và đặc biệt khó khăn. Các loại hình ưu đãi thuế tại các khu kinh tế, vùng có điều kiện đặc biệt khó khăn và khó khăn khá đa dạng, chủ yếu tập trung vào các dự án đầu tư mới và dự án mở rộng hoạt động. Doanh nghiệp nằm trong khu công nghiệp tại khu vực Tây Nguyên có hoạt động đầu tư thấp nhất cả nước.
Kết quả cho thấy đầu tư của doanh nghiệp hoạt động trong khu công nghiệp, địa bàn kinh tế khó khăn và đặc biệt khó khăn không nhạy cảm với yếu tố ưu đãi thuế, trong khi ưu đãi thuế có tương quan cùng chiều với đầu tư của các doanh nghiệp nằm ngoài khu công nghiệp và các doanh nghiệp không thuộc vùng kinh tế khó khăn hoặc đặc biệt khó khăn. Bên cạnh đó, ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp tương quan ngược chiều với khả năng đóng góp vào ngân sách của tất cả các nhóm doanh nghiệp.
Tại Hội thảo, đại diện Vụ Quản lý các khu kinh tế có bài trình bày về tình hình phát triển khu công nghiệp, khu kinh tế. Trong đó, việc đầu tư xây dựng hạ tầng khu kinh tế là nhà nước hỗ trợ một phần từ vốn đầu tư phát triển, vốn tín dụng ưu đãi và áp dụng các phương thức huy động vốn khác để xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội trong khu kinh tế. Đầu tư xây dựng các hệ thống giao thông chính trong khu kinh tế; bồi thường, giải phóng mặt bằng và xây dựng hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội của các dự án khu nhà ở công nhân và khu tái định cư phục vụ người bị thu hồi đất trong khu kinh tế; đầu tư xây dựng khu xử lý chất thải rắn và hệ thống xử lý nước thải tập trung của các khu chức năng trong khu kinh tế … Các chính sách ưu đãi được Chính phủ quy định tại các Nghị định số 134/2016/NĐ-CP ngày 01/9/2016 quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu Nghị định số 135/2016/NĐ-CP ngày 09/9/2016 về sửa đổi, bổ sung một số điều của các Nghị định quy định về thu tiền sử dụng đất, thu tiền thuê đất, thuế mặt nước và Nghị định số 35/2017/NĐ-CP ngày 03/4/2017 quy định về thu tiền sử dụng đất, thu tiền thuê đất, thuê mặt nước trong khu kinh tế, khu công nghệ cao.
Trong đó, tại Nghị định số 134/2016/NĐ-CP của Chính phủ thì dự án đầu tư hạ tầng khu công nghiệp, khu kinh tế và dự án đầu tư trong khu công nghiệp, khu kinh tế được hưởng ưu đãi miễn thuế nhập khẩu đối với hàng hóa nhập khẩu để tạo tài sản cố định. Dự án đầu tư hạ tầng khu công nghiệp, dự án đầu tư sản xuất sản phẩm công nghiệp hỗ trợ, dự án đầu tư trong khu kinh tế được hưởng ưu đãi miễn thuế nhập khẩu đối với nguyên liệu, vật tư, linh kiện trong nước chưa sản xuất được nhập khẩu để sản xuất của dự án trong thời hạn 05 năm, kể từ ngày bắt đầu sản xuất.
Tại Nghị định số 135/2016/NĐ-CP và Nghị định số 35/2017/NĐ-CP thì dự án đầu tư hạ tầng khu công nghiệp, khu chức năng trong khu kinh tế được miễn tiền thuê đất sau thời gian xây dựng cơ bản như sau: 11 năm, 15 năm nếu đầu tư tại địa bàn cấp huyện có điều kiện kinh tế xã hội khó khăn; Toàn bộ thời gian thuê đất nếu đầu tư tại địa bàn cấp huyện có điều kiện kinh tế xã hội đặc biệt khó khăn. Riêng đối với phần diện tích đất xây dựng kết cấu hạ tầng sử dụng chung trong khu công nghiệp thì được miễn tiền thuê đất cho cả thời hạn thuê. Từ đó, đưa ra định hướng chính sách phát triển khu công nghiệp, khu kinh tế là hoàn thiện thủ tục đầu tư vào khu công nghiệp, khu kinh tế đảm bảo đơn giản, thông thoáng trong khâu tiền kiểm và hậu kiểm; tăng cường phân cấp, kiện toàn các bộ máy quản lý theo hướng “một cửa”; đảm bảo các chính sách ưu đãi ổn định, lâu dài cho nhà đầu tư, đặc biệt là lĩnh vực công nghệ cao, công nghiệp hỗ trợ; phát triển chất lượng công tác xây dựng và triển khai quy hoạch khu công nghiệp, khu kinh tế; huy động các nguồn lực đa dạng để phát triển hạ tầng khu công nghiệp, khu kinh tế.
Tại Hội thảo, các đại biểu đã trao đổi, làm rõ thêm về tình hình triển khai các chính sách ưu đãi thuế tại Việt Nam, tình hình hoạt động của doanh nghiệp, các tác động của chính sách ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp đến thu hút đầu tư và hoạt động của các doanh nghiệp tại các khu công nghiệp và địa bàn khuyến khích đầu tư tại Việt Nam./.
Minh Hậu
Bộ Kế hoạch và Đầu tư