(MPI) – Ngày 06/12/2020, Kỳ họp lần thứ 43 Ủy ban liên Chính phủ về hợp tác song phương giữa Chính phủ nước CHXHCN Việt Nam và Chính phủ nước CHDCND Lào diễn ra tại Hà Nội dưới sự đồng chủ trì của Thủ tướng Chính phủ Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc và Thủ tướng Chính phủ Lào Thoong-lun Xi-xu-lít.
|
Thủ tướng Chính phủ Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc và Thủ tướng Chính phủ Lào Thoong-lun Xi-xu-lít. Ảnh: MPI |
Tham dự Kỳ họp có Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Việt Nam, Chủ tịch Ủy ban hợp tác Việt Nam - Lào Nguyễn Chí Dũng và Phó Thủ tướng Chính phủ kiêm Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Lào, Chủ tịch Ủy ban hợp tác Lào - Việt Nam Xỏn-xay Si-phăn-đon cùng đại diện lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương của hai nước Việt Nam và Lào.
Tại Kỳ họp hai nước đã thông qua chương trình làm việc; đánh giá tình hình thực hiện Thỏa thuận về Kế hoạch hợp tác Lào - Việt Nam năm 2020; trao đổi về phương hướng nhiệm vụ hợp tác năm 2021; ký các văn kiện: Thỏa thuận Chiến lược hợp tác Việt Nam - Lào giai đoạn 2021-2030, Hiệp định hợp tác song phương Việt Nam - Lào giai đoạn 2021-2025, Thỏa thuận về Kế hoạch hợp tác Việt Nam - Lào năm 2021, Biên bản Kỳ họp lần thứ 43.
Hai bên đánh giá, trong năm 2020, mặc dù tình hình kinh tế thế giới và khu vực tiếp tục biến động, song dưới sự chỉ đạo cụ thể, quyết liệt của hai Thủ tướng Chính phủ hai nước, nỗ lực của các bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp hai bên, Thỏa thuận về Kế hoạch hợp tác Việt Nam - Lào năm 2020 đã được phối hợp triển khai tốt, mang lại hiệu quả thiết thực trong việc thúc đẩy quan hệ hợp tác giữa hai nước trên các lĩnh vực.
Trong đó, hợp tác về chính trị ngoại giao giữa Việt Nam và Lào ngày càng phát triển và đi vào chiều sâu, gắn bó tin cậy. Hợp tác quốc phòng, an ninh tiếp tục là trụ cột, thực hiện tốt việc giữ vững ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội của mỗi nước; xây dựng tuyến biên giới Việt Nam - Lào hòa bình, ổn định, hữu nghị, hợp tác và phát triển toàn diện.
Hợp tác kinh tế thương mại và đầu tư được hai nước quan tâm, thúc đẩy và thu được những kết quả rất đáng ghi nhận. Về hợp tác thương mại, hai bên ghi nhận những khó khăn trong hoạt động thương mại xuất nhập khẩu giữa hai nước trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19. Hai bên đã phối hợp chặt chẽ, ban hành các quy trình thông quan hàng hóa đối với hàng xuất nhập khẩu, đảm bảo hoạt động xuất nhập khẩu thông suốt tại các cửa khẩu biên giới. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, tình hình thiên tai ở hai nước, kim ngạch thương mại song phương giữa hai nước trong 10 tháng năm 2020 chỉ đạt 815,5 triệu USD, giảm 12,2% so với cùng kỳ năm 2019. Ước cả năm 2020, kim ngạch thương mai hai nước sẽ đạt 980 triệu USD, giảm 15,6% so với cùng kỳ năm 2019.
Hợp tác giáo dục đào tạo dưới nhiều loại hình ngày càng mở rộng, được hai Chính phủ quan tâm, ưu tiên, từ năm học 2016 đến nay, hai bên đã phối hợp dạy tiếng Việt cơ bản trong 04 tháng cho các cán bộ, sinh viên Lào trước khi sang học tập tại Việt Nam; quan tâm triển khai nhiều biện pháp nhằm nâng cao chất lượng đào tạo nhân lực cho Lào; tổ chức các diễn đàn gặp gỡ nâng cao chất lượng đào tạo giữa Việt Nam-Lào...
Hợp tác giữa các bộ, ngành, địa phương, đơn vị, doanh nghiệp tiếp tục được đẩy mạnh và đi vào thực chất hơn. Quan hệ hợp tác, giúp đỡ lẫn nhau giữa các địa phương, nhất là các địa phương có chung biên giới, tiếp tục được tăng cường, đặc biệt là trong việc xây dựng cơ sở hạ tầng, chăm sóc y tế, đào tạo phát triển nguồn nhân lực, bảo đảm an ninh, trật tự an toàn tại các khu vực biên giới hai nước.
|
Toàn cảnh Kỳ họp. Ảnh: MPI |
Về phương hướng và nhiệm vụ chủ yếu hợp tác trong năm 2021 và những năm tiếp theo, tại Kỳ họp hai bên thống nhất tiếp tục thúc đẩy, đưa quan hệ chính trị, ngoại giao đi vào chiều sâu, đạt hiệu quả cao hơn nữa, định hướng tổng thể quan hệ hợp tác Việt Nam - Lào; duy trì và nâng cao hiệu quả của các cơ chế hợp tác (bao gồm Ủy ban hợp tác hai nước); tổ chức có hiệu quả các chuyến thăm, các cuộc gặp gỡ, tiếp xúc giữa lãnh đạo cấp cao với nhiều hình thức linh hoạt; cải tiến và nâng cao tính thiết thực, hiệu quả hợp tác ở tất cả các cấp, các ngành, các địa phương. Tăng cường trụ cột hợp tác giữa hai nước về quốc phòng, an ninh; phối hợp chặt chẽ, bảo đảm giữ vững ổn định chính trị, an ninh, trật tự và an toàn xã hội ở mỗi nước, nhất là bảo đảm an ninh trên tuyến biên giới.
Đồng thời, tăng cường tính kết nối, bổ trợ giữa hai nền kinh tế Việt Nam - Lào, nhất là kết nối về giao thông vận tải, năng lượng điện, viễn thông, du lịch; có biện pháp cụ thể để nâng cao hiệu quả hợp tác đầu tư, tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc tại một số dự án đầu tư của Việt Nam tại Lào và của Lào tại Việt Nam, kiên quyết khắc phục tình trạng chậm trễ, dàn trải trong hợp tác đầu tư, tạo thuận lợi phát triển giao thương giữa hai nước; thúc đẩy tăng nhanh kim ngạch thương mại hai chiều…
Về hợp tác giữa các bộ, ngành, tổ chức, địa phương hai nước, cần nâng cao hiệu quả, tính thiết thực; khuyến khích các bộ, ngành, tổ chức, địa phương và các doanh nghiệp giúp đỡ lẫn nhau trên các lĩnh vực mà hai bên có thế mạnh; phía Việt Nam tiếp tục dành sự hỗ trợ tối đa trong khả năng của mình cho các bộ, ngành, tổ chức, địa phương của Lào.
|
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Thủ tướng Thoong-lun Xi-xu-lít chứng kiến ký kết Biên bản Kỳ họp giữa Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Việt Nam, Chủ tịch Ủy ban hợp tác Việt Nam - Lào Nguyễn Chí Dũng và Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Lào, Chủ tịch Ủy ban hợp tác Lào - Việt Nam Xỏn-Xay Xi-Phăn-Đon. Ảnh: MPI |
Phát biểu tại họp báo sau Kỳ họp, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, Kỳ họp đã thành công tốt đẹp và đạt được nhiều kết quả quan trọng, góp phần làm cho mối quan hệ hai nước ngày càng sâu sắc hơn. Đây là mối quan hệ mẫu mực, thủy chung, trong sáng hiếm có, là tài sản chung quý báu của hai nước, hai dân tộc và các thế hệ hai nước cần gìn giữ cho muôn đời sau.
Với sự tham gia của lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương, các tập đoàn, Kỳ họp đã tập trung đánh giá toàn diện các lĩnh vực, đảm bảo hiệu quả và phát triển giữa hai nước trong thời gian tới.
Trong đó đánh giá, hợp tác trong lĩnh vực đối ngoại, quốc phòng, an ninh, kinh tế, văn hóa, xã hội, giao lưu Nhân dân không ngừng được mở rộng. Hợp tác giáo dục đào tạo được quan tâm thúc đẩy. Mặc dù dịch bệnh gây khó khăn cho việc đi lại giữa hai nước, nhưng Việt Nam đã đón hơn 9 nghìn học sinh, sinh viên Lào quay lại Việt Nam học tập. Trong bối cảnh có nhiều khó khăn, vốn đăng ký đầu tư của Việt Nam vào Lào đạt khoảng 4,2 tỷ USD và trong 11 tháng năm 2020 đã có 08 dự án cấp mới, điều chỉnh với tổng vốn lũy kế gần 143 triệu USD, tăng hơn 130% so với cùng kỳ năm 2019. Hợp tác thương mại biên giới giữa hai nước được đẩy mạnh.
Về hợp tác trong thời gian tới, hai bên thống nhất cần thực hiện tốt các tuyên bố chung, các thỏa thuận giữa lãnh đạo cấp cao hai nước được ký kết tại Kỳ họp này, trong đó có Thỏa thuận về Kế hoạch hợp tác Việt Nam - Lào năm 2021. Hai nước đã đưa ra nhiều biện pháp hữu hiệu, đặc biệt khuyến khích các các bộ ngành, địa phương hỗ trợ, hợp tác giúp đỡ nhau trên tinh thần “hạt muối cắn đôi, cọng rau chẻ nửa” giữa hai nước Việt Nam – Lào.
Trên tinh thần quan hệ đặc biệt, tin cậy lẫn nhau, hai nước khẳng định sẽ phối hợp chặt chẽ, hỗ trợ, ủng hộ lẫn nhau trong các diễn đàn của khu vực và trên thế giới, nhất là về hợp tác trong ASEAN, ASEM, Liên hợp quốc và diễn đàn hợp tác Mê-Công… Các hợp tác này đã được cụ thể hóa vào các văn kiện của Kỳ họp được Ủy ban hợp tác, các bộ ngành, địa phương hai bên ký kết.
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc khẳng định, ngay sau Kỳ họp, Chính phủ Việt Nam sẽ tập trung chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp, các đơn vị liên quan phối hợp chặt chẽ với các đối tác phía Lào để triển khai hiệu quả các cam kết, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp đầu tư, kinh doanh hiệu quả tại Lào.
|
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng và Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Xỏn-Xay Xi-Phăn-Đon trao đổi
Biên bản Kỳ họp. Ảnh: MPI
|
Thủ tướng Chính phủ Lào Thoong-lun Xi-xu-lít nhất trí với những ý kiến của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Kỳ họp lần thứ 43 đã đạt được những kết quả chưa từng có kể từ khi hai bên tổ chức họp Ủy ban liên Chính phủ đến nay với 17 văn kiện được ký kết tại Kỳ họp.
Lào đánh giá cao phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam, người bạn, người đồng chí gần gũi, thân thiết nhất của Nhân dân Lào. Mặc dù có những khó khăn, đặc biệt là dịch bệnh Covid-19, thiên tai trong thời gian qua nhưng Việt Nam vẫn đạt tăng mức trưởng dương. Đồng thời, chúc mừng và hoan nghênh Việt Nam đã hoàn thành xuất sắc vai trò Chủ tịch ASEAN trong năm 2020. Lào và Việt Nam sẽ cũng phát triển vững chắc, góp phần vào hòa bình, ổn định và phát triển, Thủ tướng Chính phủ Lào Thoong-lun Xi-xu-lít nhấn mạnh.
Thủ tướng Chính phủ Lào Thoong-lun Xi-xu-lít hy vọng các bộ, ngành và địa phương của hai nước sẽ triển khai thực hiện tốt các nội dung của Kỳ họp góp phần vào phát triển kinh tế - xã hội của Lào và góp phần phát huy tình hữu nghị giữa hai nước Lào và Việt Nam.
Hai bên tin tưởng rằng, thành công của Kỳ họp sẽ tạo động lực cho giai đoạn mới, đưa hợp tác giữa hai nước ngày càng rộng mở, đi vào chiều sâu, thực chất và hiệu quả, góp phần quan trọng vào tăng cường, củng cố mối quan hệ vĩ đại, đoàn kết đặc biệt Việt Nam - Lào trong giai đoạn mới./.
Thúy Quyên
Bộ Kế hoạch và Đầu tư