Skip Ribbon Commands
Skip to main content
Ngày 02/12/2020-09:12:00 AM
Tiếp tục các giải pháp đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công
(MPI) - Theo Báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, kết quả giải ngân vốn đầu tư công của các bộ, cơ quan trung ương và địa phương tháng 10, 11 năm 2020 đã có chuyển biến tích cực, nhiều địa phương đến ngày 30/9/2020 giải ngân dưới 60% kế hoạch nhưng đến ngày 30/11/2020 ước giải ngân đạt trên 80% kế hoạch, cao hơn mức trung bình của cả nước.
Toàn cảnh Phiên họp. Ảnh: chinhphu.vn

Trình bày Báo cáo về tình hình triển khai và giải ngân kế hoạch đầu tư công 11 tháng, các giải pháp chủ yếu đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công trong tháng còn lại của năm 2020 tại phiên họp Chính phủ thường kỳ diễn ra ngày 02/12/2020, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, với mục tiêu đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công, hỗ trợ cho tăng trưởng kinh tế, Chính phủ đã ban hành nhiều giải pháp quyết liệt tại các Nghị quyết phiên họp Chính phủ thường kỳ hằng tháng và Nghị quyết số 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 về các nhiệm vụ, giải pháp tiếp tục tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công và bảo đảm trật tự an toàn xã hội trong bối cảnh đại dịch Covid-19.

Bên cạnh việc ban hành các văn bản chỉ đạo công tác giải ngân vốn đầu tư công, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã tổ chức 04 cuộc Hội nghị thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công, trong đó 01 Hội nghị chuyên đề về các chương trình, dự án ODA và vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài, thành lập Đoàn công tác kiểm tra, đôn đốc tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, sửa đổi, hoàn thiện nhiều quy định pháp luật về đầu tư, xây dựng, đất đai và tăng cường phân cấp cho các bộ, cơ quan trung ương và địa phương nhằm thúc đẩy việc thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công; ban hành nhiều giải pháp thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công như rà soát hệ thống pháp luật về ngân sách, đầu tư xây dựng, tháo gỡ kịp thời các rào cản khó khăn, vướng mắc và tạo điều kiện thuận lợi đẩy nhanh tiến độ thực hiện giải ngân và nâng cao hiệu quả các dự án đầu tư công; Khẩn trương hoàn thành việc giao chi tiết kế hoạch vốn đầu tư công năm 2020 cho các dự án; Tổ chức thực hiện dự án nhằm giải ngân 100% vốn đầu tư công năm 2020.

Theo báo cáo của bộ, cơ quan trung ương và địa phương, đến nay đã có 52/53 bộ, cơ quan trung ương và 63/63 địa phương có phương án phân bổ vốn NSNN năm 2020 cho các đơn vị trực thuộc và Ủy ban nhân dân cấp dưới, tuân thủ nguyên tắc, tiêu chí, phân bổ vốn đầu tư công quy định tại Luật Đầu tư công và các Nghị quyết của Quốc hội về NSNN năm 2020.

Tổng số vốn NSNN các bộ, cơ quan trung ương và địa phương đã có quyết định/văn bản giao chi tiết cho các dự án đủ điều kiện giải ngân vốn là 456.909,12 tỷ đồng, đạt 97,1% kế hoạch đầu tư vốn được Thủ tướng Chính phủ giao (470.600 tỷ đồng).

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh, nhờ sự chỉ đạo quyết liệt, sát sao của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ cũng như sự đôn đốc, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc giải ngân vốn của các Đoàn công tác do Thủ tướng Chính phủ, các Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng các Bộ: Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính làm Trưởng đoàn, tiến độ giải ngân từ cuối tháng 7 đến nay đã có sự chuyển biến tích cực, đặc biệt là trong tháng 10 và 11 năm 2020. Có 15 Bộ, cơ quan trung ương và 18địa phương có ước tỷ lệ giải ngân đến ngày 30/11/2020 đạt trên 75%, trong đó có 09 Bộ, cơ quan trung ương và 07địa phương có tỷ lệ giải ngân trên 85%. Có 13 Bộ, cơ quan trung ương và 05 địa phương có tỷ lệ giải ngân đạt dưới 50%, trong đó: có 07 Bộ, cơ quan trung ương và 01 địa phương có tỷ lệ giải ngân đạt dưới 30%.

Về tình hình giải ngân một số dự án lớn, dự án quan trọng quốc gia, theo báo cáo của Bộ Giao thông vận tải đến ngày 25/11/2020, tổng số vốn đã giải ngân của 11 dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam phía Đông là 7.864,712/10.828,276 tỷ đồng kế hoạch năm 2020 (bao gồm cả năm 2019 chuyển sang và điều chỉnh kế hoạch nội bộ kế hoạch năm 2020), đạt 72,6%.

Về dự án thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư Cảng hàng không quốc tế Long Thành kém tích cực hơn, Dự án được giao kế hoạch đầu tư công trung hạn vốn ngân sách Trung ương giai đoạn 2016-2020 là 18.500 tỷ đồng và được bố trí vốn lũy kế vốn từ 2018-2020 là 18.195,035 tỷ đồng (kế hoạch năm 2018: 4.500 tỷ đồng; kế hoạch năm 2019: 6.990 tỷ đồng và kế hoạch năm 2020: 6.705,035 tỷ đồng).

Trong thời gian qua, tỉnh Đồng Nai đã chỉ đạo quyết liệt các Sở ban ngành tích cực triển khai, thúc đẩy giải ngân. Tuy nhiên, lũy kế giải ngân đến nay là 4.096,052 tỷ đồng, đạt 22,5% kế hoạch được giao, trong đó, giải ngân kế hoạch vốn năm 2020 là 224 triệu đồng.

Về dự án cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ, tại Quyết định số 515/QĐ-TTg ngày 15/4/2020, Thủ tướng Chính phủ đã giao 932 tỷ đồng kế hoạch đầu tư công trung hạn cho dự án từ nguồn dự phòng chung. Bộ Giao thông vận tải đã có Quyết định giao 932 tỷ đồng cho Dự án và đến nay, dự án đã giải ngân được 634 tỷ đồng, đạt 68% kế hoạch.

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh, việc chậm giải ngân vốn đầu tư do nhiều nguyên nhân khách quan, chủ quan đã được Bộ Kế hoạch và Đầu tư báo cáo, phân tích trong các Phiên họp Chính phủ thường kỳ, tại các Hội nghị giao ban trực tuyến đôn đốc triển khai công tác đầu tư công năm 2020. Bên cạnh đó, một số bộ, cơ quan trung ương và địa phương còn thiếu quyết tâm chính trị, vai trò người đứng đầu chưa được phát huy đầy đủ; sự phối hợp giữa các bộ, cơ quan trung ương, địa phương còn thiếu chặt chẽ. Công tác tổ chức thực hiện giải phóng mặt bằng, xác định nguồn gốc đất, lập thẩm định phê duyệt đơn giá đền bù, di dời các công trình tiện ích, chồng lấn về công tác thi công, đây là nút thắt lớn nhất trong giải ngân vốn đầu tư công. Chủ đầu tư chậm trễ trong lựa chọn nhà thầu, ký kết hợp đồng. Thời tiết bão, lũ thất thường, mưa bão tại các địa phương miền Trung ảnh hưởng lớn đến tiến độ thi công các dự án, đặc biệt là các dự án giao thông, thủy lợi.

Đối với vốn ODA và vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ, còn các nguyên nhân khác như công tác lập kế hoạch vốn ODA chưa sát với nhu cầu thực tế, dự án có nhu cầu bổ sung vốn giải ngân không được bố trí vốn kịp thời hoặc bố trí thiếu, vốn đối ứng không được bố trí đủ; Tính sẵn sàng trong chuẩn bị dự án chưa tốt; Công tác đền bù, giải phóng mặt bằng dự án ODA còn gặp khó khăn, vướng mắc do phải thực hiện hài hòa giữa thủ tục trong nước và chính sách của nhà tài trợ; Công tác giải ngân, rút vốn còn chưa linh hoạt, một số chủ dự án, Ban Quản lý dự án còn tâm lý ngại làm thủ tục rút vốn giải ngân nhiều lần mặc dù đã có khối lượng nghiệm thu hoàn thành; Thủ tục thẩm định, phê duyệt, đàm phán ký kết Hiệp định và điều chỉnh các dự án ODA còn phức tạp, kéo dài dẫn đến nhiều dự án khi được triển khai không còn phù hợp, phải điều chỉnh, gia hạn; Các quy định pháp luật về vốn ODA còn chưa đồng bộ, một số thủ tục còn phức tạp...

Chỉ còn 02 tháng là kết thúc thời gian giải ngân kế hoạch đầu tư công năm 2020, trong khi số vốn NSNN còn lại, đặc biệt là vốn ODA và vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài còn lại tương đối lớn. Để phấn đấu giải ngân hết số vốn NSNN năm 2020, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng đề nghị các bộ, ngành, địa phương cần triển khai các giải pháp như tiếp tục quán triệt các Nghị quyết của Bộ Chính trị, Trung ương Đảng, của Quốc hội, Chính phủ và chỉ đạo Thủ tướng Chính phủ về đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công; có quyết tâm chính trị cao hơn nữa, coi nhiệm vụ giải ngân vốn đầu tư công là nhiệm vụ chính trị trọng tâm của năm 2020 và những năm tiếp theo. Tiếp tục triển khai thực hiện nghiêm túc Nghị quyết số 84/NQ-CP và các văn bản về đôn đốc triển khai công tác đầu tư công năm 2020.

Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và Bí thư Tỉnh ủy, Thành ủy quan tâm chỉ đạo quyết liệt hơn nữa, huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị. Thường xuyên giao ban, kiểm tra, bám sát tiến độ thực hiện từng dự án của đơn vị mình; Rà soát, chấn chỉnh, có giải pháp cụ thể để khắc phục, đẩy nhanh giải ngân vốn NSNN trong thời gian tới; chịu trách nhiệm trước Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ nếu để xảy ra chậm trễ giải ngân vốn NSNN; Xử lý kịp thời cơ quan tổ chức, cá nhân gây cản trở, chậm trễ giải ngân vốn NSNN.

Bên cạnh đó, các bộ, cơ quan trung ương và địa phương rà soát, đôn đốc chủ đầu tư phối hợp với Bộ Tài chính, Kho bạc Nhà nước để giải quyết hồ sơ thanh toán, giải ngân đối với các khối lượng đã hoàn thành, nghiệm thu, không để dồn đến cuối năm. Thực hiện nghiêm quy định của Chính phủ về cơ chế phối hợp giữa các cơ quan, phối hợp chặt chẽ trong xử lý vướng mắc; nâng cao tính trách nhiệm của từng cơ quan trong bảo đảm thời hạn và chất lượng thẩm định, góp ý trong phê duyệt và điều chỉnh dự án theo quy định pháp luật.../.

Tùng Linh
Bộ Kế hoạch và Đầu tư

  • Tổng số lượt xem: 3912
  •  

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)