Skip Ribbon Commands
Skip to main content
Ngày 08/12/2020-15:04:00 PM
Đánh giá tác động của một số loại hình kinh tế chia sẻ chính tới nền kinh tế
(MPI) - Thực hiện nhiệm vụ được giao, Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì xây dựng “Báo cáo đánh giá tác động của một số loại hình kinh tế chia sẻ chính tới nền kinh tế”. Trên cơ sở báo cáo đánh giá của các bộ, ngành và cơ quan liên quan, Bộ đã hoàn thành nội dung Dự thảo báo cáo. Để tiếp tục hoàn thiện Dự thảo trước khi trình Chính phủ, ngày 08/12/2020, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM), Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổ chức Hội thảo lấy kiến góp ý đối với Dự thảo này.
Phó Viện trưởng CIEM Nguyễn Hoa Cương phát biểu tại Hội thảo. Ảnh: MPI

Phát biểu tại Hội thảo, Phó Viện trưởng CIEM Nguyễn Hoa Cương cho rằng, mô hình kinh tế chia sẻ (KTCS) sẽ mang lại nhiều thay đổi trong các ngành nghề, doanh nghiệp, cá nhân có liên quan đến hoạt động theo mô hình này. Mô hình này cũng sẽ mang lại lợi ích cho doanh nghiệp. Do đó, Ban soạn thảo sẽ phối hợp với các cơ quan, bộ, ngành xem xét, rà soát các chính sách liên quan nhằm thúc đẩy phát triển mô hình KTCS.

KTCS là mô hình mới và việc đánh giá tác động của mô hình này tới nền kinh tế một cách toàn diện không phải là điều đơn giản. Do vậy, ông Nguyễn Hoa Cương đề nghị các đại biểu tập trung đánh giá tác động của mô hình này đến kinh tế, xã hội, việc làm, môi trường,… Trên cơ sở đó, cơ quan chủ trì soạn thảo đưa ra các kiến nghị với Chính phủ về các chính sách theo hướng phát huy các ảnh hưởng tích cực và hạn chế các ảnh hưởng tiêu cực tới nền kinh tế.

Trình bày dự thảo Báo cáo, Trưởng ban Nghiên cứu các vấn đề xã hội, CIEM Lưu Đức Khải cho biết, đối tượng nghiên cứu của Báo cáo là mô hình KTCS và tác động của các loại hình KTCS chính tới nền kinh tế Việt Nam. Chủ thể tác động được xem xét trong Báo cáo là một số loại hình KTCS chính đang hoạt động ở Việt Nam hiện nay như vận tải trực tuyến, chia sẻ phòng ở lưu trú và cho vay ngang hàng.

Trưởng ban Nghiên cứu các vấn đề xã hội, CIEM Lưu Đức Khải phát biểu. Ảnh: MPI

Theo Dự thảo, loại hình KTCS tác động tới huy động nguồn lực xã hội cho phát triển kinh tế; thúc đẩy kinh doanh, mở rộng và phát triển thị trường; thúc đẩy cạnh tranh và tăng tính minh bạch của thị trường; tăng trưởng và chuyển dịch cơ cấu nền kinh tế; công tác đảm bảo độc lập, tự chủ và an ninh của nền kinh tế; về thuế và quản lý thuế; việc làm cho người lao động; quan hệ lao động trong nền kinh tế; sử dụng tài nguyên và bảo vệ môi trường; thể chế quản lý nền kinh tế.

Trong đó, tác động của mô hình KTCS tới huy động và sử dụng nguồn lực cho phát triển kinh tế ở Việt Nam thời gian qua thể hiện qua việc huy động phương tiện, tài sản nhàn rỗi vào sản xuất kinh doanh, góp phần nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn lực cho phát triển; Thúc đẩy và thu hút đầu tư mới vào kinh doanh theo mô hình KTCS, đặc biệt vào lĩnh vực đổi mới sáng tạo, góp phần đẩy nhanh phát triển kinh tế số ở Việt Nam.

Đối với tác động tới thúc đẩy kinh doanh, mở rộng và phát triển thị trường, Dự thảo nêu rõ, sự phát triển của các loại hình KTCS thời gian qua đã góp phần vào khuyến khích kinh doanh, mở rộng và tăng quy mô thị trường (cả về quy mô giao dịch và số lượng chủ thể tham gia trên thị trường), mở rộng phạm vi không gian của các giao dịch kinh tế, cụ thể, mở rộng và tăng nhanh các giao dịch kinh tế trên thị trường, bổ sung kênh kinh doanh mới cùng với kinh doanh theo mô hình truyền thống; Mở rộng cơ hội kinh doanh, tăng số lượng chủ thể tham gia thị trường trong nền kinh tế; Tăng quy mô (số lượng, khối lượng, giá trị) các sản phẩm hàng hóa, dịch vụ được trao đổi, mua bán trên thị trường theo mô hình KTCS; Mở rộng phạm vi không gian cho thị trường hàng hóa, dịch vụ nhờ các giao dịch xuyên biên giới của hoạt động KTCS.

KTCS mở ra nhiều cơ hội, tạo ra sự tiện lợi và rút ngắn thời gian gia nhập thị trường của các chủ thể kinh tế, với chi phí giao dịch thấp hơn nhiều so với kinh tế truyền thống nhờ ứng dụng công nghệ và tiến bộ kỹ thuật. Đa dạng hóa và tăng chủng loại sản phẩm hàng hóa, dịch vụ, cung cấp và đưa ra nhiều hơn các loại sản phẩm hàng hóa, dịch vụ được trao đổi, mua bán trên thị trường.

Nhìn chung, hoạt động KTCS mang tính chất đổi mới, sáng tạo không ngừng, sử dụng các thành tựu công nghệ của Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, có phần giao thoa với kinh tế số nên KTCS luôn luôn tạo ra các sản phẩm dịch vụ mới đa dạng, tạo thêm nhiều sự lựa chọn cho người tiêu dùng.

Đối với tác động tới thúc đẩy cạnh tranh và tăng tính minh bạch của thị trường, theo Dự thảo, phát triển của các loại hình KTCS thời gian qua góp phần làm tăng tính cạnh tranh và tính minh bạch của thị trường, nâng cao chất lượng hàng hóa và dịch vụ, góp phần nâng cao hiệu quả của nền kinh tế, cụ thể thúc đẩy cạnh tranh và nâng cao chất lượng sản phẩm, dịch vụ trong nền kinh tế; Tăng tính minh bạch của thị trường trong nền kinh tế; Nâng cao hiệu suất của thị trường một số ngành sản phẩm, dịch vụ trong nền kinh tế...

Đối với tác động tới tăng trưởng và chuyển dịch cơ cấu nền kinh tế, đến nay, do chưa có số liệu thống kê chính thức về KTCS, nên khó lượng hóa đóng góp của KTCS tới tăng trưởng và chuyển dịch cơ cấu nền kinh tế. Tuy nhiên có thể thấy các đóng góp mô hình KTCS tới lĩnh vực này như các loại hình KTCS tác động thúc đẩy tăng trưởng và nâng cao hiệu quả của nền kinh tế. Theo đó, phát triển các loại hình KTCS góp phần mang lại thu nhập và tăng thu nhập của dân cư, góp phần tăng tiết kiệm nội địa, tăng tích lũy tài sản, tạo nguồn vốn mới cho tăng đầu tư trong nền kinh tế. Không chỉ các bên tham gia mô hình KTCS được hưởng lợi, mà mô hình KTCS còn tạo hiệu ứng lan tỏa và mang lại thu nhập tăng thêm cho nhiều chủ thể kinh tế có liên quan.

KTCS mang lại lợi ích lớn cho nền kinh tế nhờ tiết kiệm được nguồn lực do người tiêu dùng loại bỏ được nhu cầu “sở hữu” và chia sẻ mức phí sử dụng giữa những người có nhu cầu sử dụng sản phẩm hay dịch vụ, qua đó góp phần vào tăng trưởng và nâng cao hiệu quả của nền kinh tế.

Bên cạnh đó, KTCS tác động thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế sang các ngành có hàm lượng công nghệ cao, đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao chất lượng tăng trưởng của nền kinh tế. Phát triển KTCS có xu hướng tập trung vào các ngành nghiên cứu và sáng tạo, với sự xuất hiện ngày càng nhiều start up đổi mới sáng tạo. Vì thế, thúc đẩy mô hình KTCS là một cách thức hiệu quả để thúc đẩy đổi mới mô hình tăng trưởng của nền kinh tế. Phát triển KTCS góp phần thúc đẩy quá trình chuyển đổi mô hình tăng trưởng từ chiều rộng sang phát triển theo chiều sâu, nâng cao chất lượng tăng trưởng của nền kinh tế. Đồng thời, góp phần tăng nhanh mức đóng góp của khoa học công nghệ cho tăng trưởng kinh tế.

Đối với tác động tới thể chế quản lý nền kinh tế, theo Dự thảo, hệ thống thể chế quản lý nền kinh tế Việt Nam hiện nay về cơ bản vẫn là thể chế quản lý kinh tế truyền thống, chưa hướng tới quản lý các loại hình KTCS. Mô hình KTCS là một mô hình kinh tế mới không chỉ đối với Việt Nam mà còn đối với cả các nước khác trên thế giới, với nhiều loại hình KTCS đa dạng, nhiều mô hình kinh doanh chia sẻ đa dạng và còn tiếp tục biến đổi và cả biến tướng so với KTCS truyền thống.

Mô hình KTCS mang thuộc tính của kinh tế số, là một bộ phận quan trọng của kinh tế số trong nền kinh tế nước ta. Do đó, thúc đẩy mô hình KTCS là một trong những phương cách quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế số và chủ động, tích cực tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư của nước ta. Vì thế, việc xây dựng, hoàn thiện thể chế tạo thuận lợi cho phát triển mô hình KTCS cũng là một phần thể chế phát triển kinh tế số. Việc thúc đẩy mô hình KTCS với các loại hình KTCS và mô hình kinh doanh đa dạng có tác động tích cực tới quá trình phát triển kinh tế số và chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghệ lần thứ tư của nước ta.

Trên cơ sở các phân tích, đánh giá, Dự thảo đưa ra một số đề xuất như hoàn thiện hệ thống luật pháp quản lý KTCS, quy định rõ trách nhiệm giữa các bên trong KTCS, trách nhiệm của các cơ quan nhà nước trong quản lý đối với mô hình KTCS. Đồng thời, nghiên cứu rà soát các quy định pháp luật hiện hành về đầu tư liên quan đến các nhà đầu tư nước ngoài hoặc có nguồn gốc từ nước ngoài là bên cung cấp nền tảng kết nối và hoạt động theo mô hình KTCS ở Việt Nam để xác định lỗ hổng pháp lý và bổ sung (nếu cần thiết).

Bên cạnh đó, tiếp tục bổ sung, hoàn thiện khung khổ luật pháp, chính sách về tạo lập môi trường kinh doanh và cạnh tranh bình đẳng giữa các doanh nghiệp hoạt động kinh doanh chia sẻ và doanh nghiệp kinh doanh truyền thống, giữa các doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp nước ngoài hoạt động kinh doanh chia sẻ trên thị trường trong nước. Có chính sách tạo điều kiện và hỗ trợ cho các doanh nghiệp truyền thống chuyển đổi hình thức kinh doanh; giải quyết các vấn đề nảy sinh về lao động, việc làm, an sinh xã hội của khu vực kinh doanh truyền thống khi bị thu hẹp thị phần trong cạnh tranh với các loại hình kinh doanh chia sẻ, giảm thiểu các xung đột xã hội có thể nảy sinh.

Cùng với đó, tập trung nâng cao năng lực độc lập, tự chủ về công nghệ, phát triển nhanh các công nghệ nền tảng, nhất là các công nghệ nền tảng lớn, giảm dần lệ thuộc của nền kinh tế vào các nền tảng công nghệ lớn ở nước ngoài. Triển khai đồng bộ các biện pháp bảo vệ chủ quyền quốc gia trên không gian mạng và đảm bảo an ninh mạng. Nghiên cứu hoàn thiện hệ thống pháp luật, chính sách về thị trường lao động liên quan đến phát triển từng loại hình KTCS để các hoạt động của KTCS được hoạt động theo đúng quy định và kiểm soát chặt chẽ tại Việt Nam…

Toàn cảnh Hội thảo. Ảnh: MPI

Tại Hội thảo, các đại biểu là các chuyên gia, đại diện các bộ, ngành, hiệp hội doanh nghiệp, các cơ quan nghiên cứu, trường đại học, trung tâm nghiên cứu, doanh nghiệp đã tập trung đánh giá những tác động tích cực, tiêu cực của một số loại hình KTCS chính tới nền kinh tế Việt Nam. Từ đó, đề xuất giải pháp phát huy các ảnh hưởng tích cực và hạn chế các ảnh hưởng tiêu cực của KTCS tới nền kinh tế Việt Nam. Trên cơ sở các ý kiến góp ý, cơ quan chủ trì soạn thảo sẽ nghiên cứu, tiếp thu để hoàn thiện Dự thảo và trình cấp có thẩm quyền theo quy định./.

Tùng Linh
Bộ Kế hoạch và Đầu tư

  • Tổng số lượt xem: 2504
  •  

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)