(MPI) – Theo Báo cáo số 245/BC-TCTK ngày 27/12/2020 của Tổng cục Thống kê, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân năm 2020 tăng 3,23% so với bình quân năm 2019, đạt mục tiêu Quốc hội đề ra là dưới 4%.
|
Ảnh minh họa. Nguồn: MPI |
Cụ thể, CPI bình quân năm 2020 tăng chủ yếu do giá các mặt hàng lương thực tăng 4,51% so với năm 2019 góp phần làm CPI chung tăng 0,17%, trong đó giá gạo tăng 5,14% do giá gạo xuất khẩu và nhu cầu tiêu dùng trong nước tăng. Bên cạnh đó, giá các mặt hàng thực phẩm tăng 12,28% so với năm 2019, làm CPI chung tăng 2,61%, trong đó riêng giá thịt lợn tăng 57,23% góp phần làm CPI chung tăng 1,94%.
Ngoài ra, giá thuốc và thiết bị y tế tăng 1,35% do dịch Covid-19 trên thế giới vẫn diễn biến phức tạp nên nhu cầu về mặt hàng này ở mức cao. Đồng thời, Chính phủ tiếp tục thực hiện lộ trình tăng học phí theo Nghị định số 86/2015/NĐ-CP ngày 02/10/2015 của Chính phủ quy định về cơ chế thu, quản lý học phí đối với cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân và chính sách miễn, giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập từ năm học 2015 - 2016 đến năm học 2020 - 2021 làm chỉ số giá nhóm dịch vụ giáo dục năm 2020 tăng 4,32% so với năm 2019.
Bên cạnh đó, có một số yếu tố góp phần kiềm chế tốc độ tăng CPI năm 2020 là do giá các mặt hàng thiết yếu như xăng, dầu giảm 23,03% so với năm 2019. Cùng với đó, nhu cầu đi lại, du lịch của người dân giảm do ảnh hưởng của dịch Covid-19 làm giá của nhóm du lịch trọn gói giảm 6,24% so với năm 2019, giá cước vận tải của các loại phương tiện như tàu hỏa, máy bay giảm, Chính phủ triển khai các gói hỗ trợ cho người dân và người sản xuất gặp khó khăn do dịch Covid-19, như gói hỗ trợ giảm giá điện, tiền điện cho khách hàng. Đồng thời, các cấp, các ngành tích cực triển khai thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ để ngăn chặn diễn biến phức tạp của dịch bệnh Covid-19, bảo đảm cân đối cung cầu và ổn định thị trường.
Lạm phát cơ bản tháng 12/2020 tăng 0,07% so với tháng 11/2020 và tăng 0,99% so với cùng kỳ năm 2019. Lạm phát cơ bản bình quân năm 2020 tăng 2,31% so với bình quân năm 2019.
Theo báo cáo của Tổng cục Thống kê, giá vàng trong nước biến động theo giá vàng thế giới. Giá vàng thế giới giảm nhanh trong những ngày đầu tháng 12 sau khi đạt đỉnh bởi thông tin vắc-xin Covid-19 được nhiều quốc gia phê duyệt và Mỹ có thể sớm bổ sung gói hỗ trợ kinh tế. Tuy nhiên, giá vàng thế giới tăng trở lại trong những ngày gần đây sau khi Quốc hội Mỹ thống nhất về gói kích thích kinh tế 900 tỷ USD. Bình quân giá vàng thế giới đến ngày 26/12/2020 giảm 0,42% so với tháng 11/2020. Trong nước, chỉ số giá vàng tháng 12/2020 giảm 0,83% so với tháng 11/2020 tăng 30,95% so với cùng kỳ năm 2019, bình quân năm 2020 tăng 28,05% so với năm 2019.
Đồng đô la Mỹ trên thị trường thế giới giảm sau khi gói kích thích kinh tế đã được Quốc hội Mỹ thống nhất. Trong nước, lượng dự trữ ngoại tệ của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam dồi dào đáp ứng nhu cầu về ngoại tệ của các doanh nghiệp nhập khẩu. Chỉ số giá đô la Mỹ tháng 12/2020 giảm 0,23% so với tháng 11/2020 và giảm 0,09% so với cùng kỳ năm 2019, bình quân năm 2020 giảm 0,02% so với năm 2019./.
Minh Trang
Bộ Kế hoạch và Đầu tư