(MPI) - Ngày 04/01/2021 diễn ra Họp báo thông tin về Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 01/01/2021 về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và Dự toán ngân sách nhà nước năm 2021 và Nghị quyết 02/NQ-CP ngày 01/01/2021 về tiếp tục thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2021. Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương tham dự họp báo.
|
Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng phát biểu tại họp báo. Ảnh: Chinhphu.vn |
Phát biểu tại họp báo, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng cho biết, trong các ngày 28 và 29/12/2020, Chính phủ đã tổ chức Hội nghị trực tuyến với các địa phương. Tại Hội nghị, Chính phủ và các địa phương đã thảo luận, thống nhất đánh giá tình hình, kết quả năm 2020 và 5 năm giai đoạn 2016-2020. Đồng thời thống nhất cao đối với 02 dự thảo Nghị quyết của Chính phủ về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, dự toán ngân sách nhà nước và cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2021. Ngày 01/01/2021, Thủ tướng Chính phủ đã thay mặt Chính phủ ký ban hành 02 dự thảo Nghị quyết nêu trên.
Giai đoạn 2016-2019, Chính phủ đã tập trung cải thiện môi trường kinh doanh, cải cách thủ tục hành chính, xây dựng Chính phủ điện tử; xây dựng và đưa vào vận hành các hệ thống thông tin nền tảng của Chính phủ điện tử, giúp đổi mới lề lối làm việc trong các cơ quan hành chính nhà nước và công tác chỉ đạo, điều hành dựa trên dữ liệu số, cung cấp dịch vụ công trực tuyến cho người dân, doanh nghiệp.
Bộ trưởng, Chủ nhiệm Mai Tiến Dũng nhấn mạnh, nhìn lại cả chặng đường 05 năm giai đoạn 2016-2020, Việt Nam đã đạt được nhiều kết quả tích cực như đã tạo ra hơn 1.200 tỷ USD giá trị GDP; Quy mô kinh tế đạt hơn 340 tỷ USD - đứng trong top 40 nền kinh tế lớn nhất thế giới; Năng suất lao động được cải thiện rõ nét, vượt mục tiêu đề ra (5%); Đóng góp của năng suất các nhân tố tổng hợp (TFP) bình quân 5 năm đạt khoảng 45,2% (vượt mục tiêu đề ra là 30 - 35%). Tăng trưởng từng bước chuyển dịch từ chiều rộng sang chiều sâu, trên cơ sở ứng dụng mạnh mẽ hơn khoa học, công nghệ. Bội chi ngân sách nhà nước bình quân giai đoạn ở mức 3,6-3,7% GDP, đạt mục tiêu đề ra (khoảng 4%) và giảm so với giai đoạn trước (khoảng 5,4% GDP theo Luật NSNN 2015).
Bên cạnh đó, hơn 8 triệu việc làm mới đã được tạo ra, thu nhập của người dân ngày càng tăng lên. Tính cả nhiệm kỳ qua, thu nhập bình quân của người dân đã tăng gần 145%. Ngân hàng Thế giới đánh giá nếu tính theo sức mua tương đương, thu nhập trung bình đầu người của chúng ta đạt tương đương gần 9 nghìn USD.
Vai trò của kinh tế tư nhân ngày càng được khẳng định là một động lực quan trọng của đất nước. Doanh nghiệp của Việt Nam đang dần chiếm lĩnh một số vị trí then chốt của nền kinh tế. Ngày càng nhiều doanh nghiệp Việt Nam chuyển hướng đầu tư vào công nghệ, sáng tạo, nắm bắt và làm chủ các thành tựu của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Nông nghiệp tiếp tục khẳng định vai trò trụ đỡ của nền kinh tế; Công nghiệp chuyển biến theo chiều sâu với tỉ trọng hàng xuất khẩu qua chế biến tăng từ 65% năm 2016 lên 85% năm 2020; tỷ trọng xuất khẩu sản phẩm công nghệ cao tăng từ 23% lên 50% trong cùng kỳ. Nhiều ngành dịch vụ có tiềm năng, lợi thế, hàm lượng khoa học, công nghệ cao như viễn thông, công nghệ thông tin, tài chính, ngân hàng, du lịch, thương mại điện tử phát triển khá nhanh.
Công tác cải thiện môi trường kinh doanh, cải cách hành chính, trọng tâm là cải cách thủ tục hành chính đạt nhiều kết quả ấn tượng. Công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế tiếp tục được cải cách, đổi mới mạnh mẽ về tư duy, phương pháp xây dựng theo hướng tích hợp, cắt giảm tối đa số lượng đầu văn bản quy định chi tiết để đơn giản hóa hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, tránh phát sinh thủ tục hành chính, giảm chồng chéo, tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp trong quá trình tra cứu và thực thi.
Phát huy hơn nữa tinh thần đoàn kết, chung sức đồng lòng của cả hệ thống chính trị, phấn đấu hoàn thành vượt mức các nhiệm vụ, mục tiêu đề ra
Theo thông lệ kể từ đầu nhiệm kỳ đến nay, bước vào năm mới, Chính phủ ban hành các Nghị quyết 01 và 02 nhằm đề ra các giải pháp quyết liệt triển khai các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội ngay từ những ngày đầu, tuần đầu của năm mới. Nghị quyết 01 tập trung vào 8 trọng tâm chỉ đạo điều hành, với 11 nhóm nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu và 188 nhiệm vụ cụ thể cho các bộ, ngành, địa phương. Tiếp tục đổi mới tư duy phát triển, hành động quyết liệt, hiệu quả hơn, quyết tâm vượt qua mọi khó khăn, biến thách thức thành cơ hội, tận dụng tốt các thành tựu của Cách mạng công nghiệp lần thứ tư và xu hướng dịch chuyển đầu tư, thương mại, chuyển đổi số trong khu vực và thế giới.
Phát huy hơn nữa tinh thần đoàn kết, chung sức đồng lòng của cả hệ thống chính trị, với niềm tin, ý chí, khát vọng vươn lên mạnh mẽ, nỗ lực phấn đấu hoàn thành vượt mức các nhiệm vụ, mục tiêu, chỉ tiêu Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và Dự toán ngân sách nhà nước năm 2021, củng cố niềm tin của người dân, doanh nghiệp, tạo nền tảng vững chắc cho việc thực hiện thắng lợi Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm giai đoạn 2021-2025 và Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm giai đoạn 2021-2030, sớm hiện thực hóa khát vọng phát triển về tầm nhìn đến năm 2045 đưa nước ta trở thành nước phát triển, thu nhập cao theo Nghị quyết của Đảng, Quốc hội.
Để thực hiện được những yêu cầu đề ra, phương châm hành động của năm 2021 được xác định là “Đoàn kết, kỷ cương, đổi mới, sáng tạo, khát vọng phát triển”. Chính phủ yêu cầu các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trước ngày 20/01/2021 xây dựng, ban hành chương trình, kế hoạch hành động để triển khai thực hiện Nghị quyết 01; theo chức năng, nhiệm vụ được giao, nghiêm túc triển khai thực hiện nhanh, hiệu quả, thực chất và toàn diện các nhiệm vụ, giải pháp đã đề ra tại Nghị quyết, tạo chuyển biến rõ nét ngay từ đầu năm; theo dõi sát diễn biến trong nước và quốc tế, chủ động phân tích, đánh giá, dự báo để có các giải pháp kịp thời, tổng thể, đồng bộ, tận dụng thời cơ, thuận lợi, giảm thiểu tác động tiêu cực, thúc đẩy phát triển ngành, lĩnh vực, địa phương.
Để tiếp tục tạo sự chuyển biến mạnh mẽ hơn nữa về môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh, Chính phủ ban hành Nghị quyết 02 về tiếp tục cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia. Mục tiêu của Nghị quyết là tập trung hoàn thành mục tiêu tổng quát và mục tiêu cụ thể năm 2021 đã đề ra tại Nghị quyết số 02/NQ-CP ngày 01/01/2019 của Chính phủ về tiếp tục thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2019 và định hướng đến năm 2021.
Tại Nghị quyết, Chính phủ giao các bộ, ngành, Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tổ chức thực hiện quyết liệt, đồng bộ, hiệu quả các nhiệm vụ và giải pháp đề ra.
Gói hỗ trợ kinh tế lần thứ hai sẽ có tính khả thi cao
|
Thứ trưởng Trần Quốc Phương trả lời các nhà báo. Ảnh: Chinhphu.vn |
Phát biểu tại họp báo, liên quan đến vấn đề được nhà báo quan tâm về gói hỗ trợ kinh tế lần thứ hai, Thứ trưởng Trần Quốc Phương cho biết, Thủ tướng Chính phủ đã giao cho Bộ Kế hoạch và Đầu tư là cơ quan chủ quản phối hợp với các cơ quan liên quan nghiên cứu, xây dựng và báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về gói hỗ trợ này, đây là nhiệm vụ xây dựng giải pháp hỗ trợ tốt nhất cho nền kinh tế, cho các doanh nghiệp, các đối tượng khác khi bị ảnh hưởng bởi Covid-19 trong năm 2021. Trong báo cáo đánh giá, Bộ cũng báo cáo Chính phủ lộ trình trong năm 2021, tình hình Covid-19 rất phức tạp và tiếp tục ảnh hưởng đến nền kinh tế nước ta không chỉ trong năm nay mà còn kéo dài thêm một số năm sau đó.
Các giải pháp trực tiếp để hỗ trợ nền kinh tế cần phải được nghiên cứu chi tiết, phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành, địa phương và phù hợp với hoàn cảnh cụ thể của năm 2021, đòi hỏi công tác theo dõi, giám sát, nắm bắt tình hình cần phải thường xuyên, liên tục, chặt chẽ, lúc đó mới đề ra được các giải pháp phù hợp. Bên cạnh đó, còn phải căn cứ vào các điều kiện về mặt nguồn lực cũng như cách thức triển khai các giải pháp đề ra.
“Tựu chung lại, gói hỗ trợ kinh tế lần thứ hai này, Bộ Kế hoạch và Đầu tư nhận nhiệm vụ được Thủ tướng Chính phủ giao và sẽ kết hợp với các bộ, ngành trên cơ sở nắm bắt tình hình tác động của Covid-19 và các khó khăn của nền kinh tế để có thể báo cáo Thủ tướng Chính phủ trong thời gian sớm nhất với các thông tin có tính khả thi cao. Do vậy, để trả lời thời điểm nào có gói hỗ trợ kinh tế lần thứ hai này, áp dụng ra sao, quy mô, phạm vi thế nào, tại thời điểm này chúng tôi chưa thể trả lời chi tiết được. Đến thời điểm chín muồi cũng như các điều kiện nghiên cứu hoàn tất thì Bộ sẽ được thông tin tới các nhà báo”, Thứ trưởng nói.
Chuyển đổi số tạo sức bật tăng trưởng trong giai đoạn tới
Về chương trình chuyển đổi số, Thứ trưởng Trần Quốc Phương cho biết, đây là nhiệm vụ đã được nêu tại Văn kiện trình Đại hội Đảng lần thứ XIII và theo ý nghĩa thì chuyển đổi số quốc gia không chỉ trong phạm vi các cơ quan của Nhà nước, Chính phủ mà còn chuyển đổi số trên diện rộng, đặc biệt là đối với các doanh nghiệp, trong quá trình tái cơ cấu của doanh nghiệp kết hợp với kỹ thuật số, công nghệ số. Đây là một đòi hỏi hết sức khách quan và bức thiết để phục vụ tăng trưởng; là điều kiện tiên quyết để có sức bật tăng trưởng trong giai đoạn tới.
Thứ trưởng Trần Quốc Phương cho rằng, nếu như việc chuyển đổi số không được kịp thời thì đây sẽ là yếu tố dẫn tới nguy cơ nền kinh tế bị tụt hậu, bản thân các doanh nghiệp cũng bị tụt hậu so với các doanh nghiệp trên thế giới. Điều này đòi hỏi bức thiết cần phải chuyển đổi số và có các lộ trình cụ thể đối với từng ngành, lĩnh vực.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã đề xuất với Chính phủ triển khai chương trình hỗ trợ các doanh nghiệp từ năm 2021, đặc biệt là hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa trong việc chuyển đổi số và cơ cấu lại doanh nghiệp ngay từ đầu nhiệm kỳ 5 năm tới, cố gắng để các doanh nghiệp của Việt Nam có khả năng bắt kịp xu thế chuyển đổi số của thế giới. Đồng thời đây cũng là điều kiện giúp các doanh nghiệp của Việt Nam có sự liên kết với nhau để tạo sức mạnh tổng hợp cũng như hỗ trợ các doanh nghiệp phát triển, lớn mạnh, khắc phục hạn chế trong thời gian vừa qua, đó là quy mô doanh nghiệp rất nhỏ mà “không chịu lớn”. Đây là yếu tố mà Bộ Kế hoạch và Đầu tư rất kỳ vọng, như một cú huých cho các doanh nghiệp phát triển nói riêng và phát triển xã hội nói chung, Thứ trưởng Trần Quốc Phương nhấn mạnh.
Cũng tại họp báo, Thứ trưởng Trần Quốc Phương đã làm rõ thêm về vấn đề được nhà báo quan tâm liên quan đến lộ trình mở cửa nền kinh tế, mở cửa giao thương vận tải hành khách và cho rằng, việc mở cửa giao thương vận tải hành khách phụ thuộc vào nhiều yếu tố. Hiện nay, chưa thể nói chính xác ngày nào, giờ nào chúng ta cho phép giao thương, điều này còn phụ thuộc vào công tác nắm bắt tình hình cũng như mức độ an toàn khi mở cửa lại giao thương vận tải hành khách, đặc biệt là phục vụ cho ngành du lịch.
Bộ Kế hoạch và đầu tư đã có báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về việc mở cửa nền kinh tế với ý nghĩa là giao thương hành khách phải có những bước đi và sự tính toán thận trọng, kỹ lưỡng với mục tiêu cao nhất là đảm bảo an toàn sức khỏe cho người dân, đặc biệt là thời điểm cuối năm, dịp Tết Nguyên đán 2021. Các bộ, ngành sẽ trình Thủ tướng Chính phủ về việc xem xét mở lại giao thương về mặt phạm vi, quy mô, các địa bàn, quốc gia có thể mở được để đảm bảo sự an toàn cao nhất./.
Tùng Linh
Bộ Kế hoạch và Đầu tư