Chiều 25/4, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng về tới Hà Nội, kết thúc chuyến đi tham dự Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 22 diễn ra trong các ngày 24-25/4 tại Bandar Seri Begawan (Brunei).
|
Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 22 thúc đẩy tiến trình xây dựng Cộng đồng ASEAN. Ảnh: VGP/Nhật Bắc |
Với tinh thần chủ động, tích cực và có trách nhiệm, Đoàn Việt Nam cùng các nước ASEAN và Chủ tịch ASEANđóng góp tích cực vào thành công chung của Hội nghị; thúc đẩy đoàn kết và vai trò trung tâm của ASEAN trong cấu trúc khu vực; góp phần xây dựng một ASEAN vững mạnh và liên kết chặt chẽ, thúc đẩy hòa bình, hợp tác và phát triển ở khu vực.
Thông qua đó, Việt Nam nâng cao vai trò, vị thế, cũng như thúc đẩy quan hệ song phương giữa Việt Nam và các đối tác.
Các nội dung ưu tiên năm 2013
Với chủđề “Người dân của chúng ta - Tương lai của chúng ta”, lãnh đạo các nước ASEAN đã trao đổi các nội dung ưu tiên của ASEAN trong năm 2013, bao gồm: Phương thức thúc đẩy xây dựng Cộng đồng ASEAN, định hướng tương lai của ASEAN, duy trì đoàn kết và thống nhất, mở rộng và làm sâu sắc quan hệ với các đối tác, phát huy vai trò trung tâm của ASEAN trong cấu trúc khu vực...
|
Đoàn kết, thống nhất trong ASEAN nâng cao vai trò của ASEAN trong các vấn đề quốc tế.
Ảnh: VGP/Nhật Bắc |
Lãnh đạo cấp cao các nước ASEAN nhấn mạnh trong năm 2013, ASEAN cần tạo bước chuyển quan trọng trong tiến trình xây dựng Cộng đồng ASEAN, đẩy mạnh nỗ lực để đạt các mục tiêu trong Kế hoạch tổng thể về xây dựng Cộng đồng.
Lãnh đạo cấp cao cũng nhất trí ASEAN cần tiếp tục phát huy vai trò chủ động và đóng góp tích cực vào hòa bình, an ninh, ổn định và hợp tác ở khu vực; phát huy các công cụ và cơ chế hợp tác chính trị-an ninh hiện có như: Hiệp ước Thân thiện và Hợp tác Đông Nam Á (TAC), Hiệp ước Khu vực Đông Nam Á không có vũ khí hạt nhân (SEANWFZ), Tuyên bố 6 nguyên tắc của ASEAN và Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC), Diễn đàn khu vực ASEAN (ARF), Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN mở rộng (ADMM+)…
Lãnh đạo các nước dành nhiều thời gian để trao đổi về vấn đề Biển Đông, coi đây là vấn đề quan tâm của ASEAN và ASEAN cần có tiếng nói chung, vì hoà bình và an ninh khu vực. Các nước đều khẳng định tầm quan trọng của việc bảo đảm hòa bình, ổn định và an ninh, an toàn hàng hải trên Biển Đông, giải quyết tranh chấp bằng biện pháp hòa bình; tôn trọng luật pháp quốc tế, nhất là Công ước Luật Biển năm 1982 của LHQ (UNCLOS); tôn trọng và thực hiện đầy đủ DOC đi đôi với thúc đẩy sớm đạt được Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC).
Các nước ASEAN nhấn mạnh nguyên tắc 6 điểm về Biển Đông của ASEAN, Tuyên bố chung ASEAN-Trung Quốc kỷ niệm 10 năm DOC. Lãnh đạo các nước ASEAN giao các Ngoại trưởng và các quan chức cao cấp ASEAN tiếp tục làm việc với Trung Quốc nhằm thúc đẩy Bộ Quy tắc ứng xử (COC).
Bảo đảm hòa bình, an ninh khu vực
Phát biểu tại Hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã nhấn mạnh ý nghĩa của đẩy mạnh xây dựng Cộng đồng ASEAN; tăng cường quan hệ với các đối tác; xây dựng Cộng đồng ASEAN gắn kết, thịnh vượng và hướng tới người dân...
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho rằng, ASEAN cần tiếp tục đoàn kết, phát huy vai trò tích cực, chủ động trong bảo đảm môi trường hòa bình, an ninh và phát triển ở khu vực và tăng cường hợp tác ứng phó hiệu quả với thách thức như: Khủng hoảng kinh tế toàn cầu, thiên tai, biến đổi khí hậu, an ninh hàng hải, dịch bệnh…
Vềvấnđề BiểnĐông, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh, ASEAN cần đoàn kết và phát huy tiếng nói chung vì hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn hàng hải ở Biển Đông.
Thủ tướng nhấn mạnh việc triển khai hiệu quả các cam kết và thỏa thuận đã có, trong đó có Tuyên bố 6 nguyên tắc của ASEAN về Biển Đông và Tuyên bố Cấp cao ASEAN-Trung Quốc kỷ niệm 10 năm DOC; giải quyết tranh chấp giữa các bên liên quan bằng biện pháp hòa bình; tôn trọng luật pháp quốc tế, nhất là Công ước Luật Biển năm 1982 của LHQ (UNCLOS), thực hiện đầy đủ và hiệu quả DOC, tăng cường xây dựng lòng tin và sớm xây dựng Bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC).
Phát huy vai trò trung tâm của ASEAN
Bên lề Hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã hội kiến với Quốc vương Brunei Haji Hassanal Bolkiah; tiếp xúc với Tổng thống Indonesia Susilo Bambang Yudhoyono, Thủ tướng Thái Lan Yingluck Shinawatra, Tổng thống Philippines Benigno S Akino III; Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long.
|
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tiếp xúc với Tổng thống Philippines nhằm tăng cường
quan hệ song phương. Ảnh: VGP/Nhật Bắc |
Tại các cuộc hội kiến và tiếp xúc, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và các nhà lãnh đạo ASEAN đã trao đổi nhiều giải pháp nhằm thúc đẩy quan hệ hợp tác song phương; đồng thời khẳng định cam kết sẽ hợp tác chặt chẽ nhằm duy trì đoàn kết, phát huy vai trò trung tâm của ASEAN trong các tiến trình khu vực, nỗ lực hơn nữa để thúc đẩy tiến trình xây dựng Cộng đồng ASEAN.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và các nhà lãnh đạo ASEAN cũng trao đổi những vấn đề khu vực và quốc tế cùng quan tâm. Đề cập tới vấn đề Biển Đông, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và các nhà lãnh đạo khẳng định quan điểm: Hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn hàng hải trên Biển Đông là quan tâm và là lợi ích chung của ASEAN và các nước liên quan.
Nhất trí việc giải quyết các tranh chấp ở Biển Đông bằng biện pháp hòa bình trên cơ sở tôn trọng luật pháp quốc tế, nhất là Công ước của Liên hợp quốc về Luật biển năm 1982; thực hiện đầy đủ và hiệu quả Tuyên bố 6 nguyên tắc của ASEAN, Tuyên bố DOC và thúc đẩy sớm hoàn tất Bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC)./.
Nguyễn Hoàng - Nhật Bắc
Cổng Thông tin điện tử Chính phủ