(MPI) - Ngày 07/01/2021 đã diễn Hội thảo Phát triển bền vững đồng bằng sông Cửu Long thích ứng với biến đổi khí hậu dưới sự đồng chủ trì của Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Lê Công Thành, Đại sứ Vương quốc Hà Lan tại Việt Nam Elsbeth Akkerman, Giám đốc Quốc gia Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam Carolyn Turk.
Đây là sự kiện bên lề Hội nghị Thượng đỉnh thích ứng với biến đổi khí hậu (BĐKH) nhằm nâng cao hiểu biết và cam kết của cộng đồng quốc tế đối với các hành động của Chính phủ Việt Nam đã và đang triển khai về thích ứng với BĐKH, từ đó thu hút các nguồn lực hỗ trợ của quốc tế và các đối tác phát triển nhằm cải thiện khả năng chống chịu với BĐKH. Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) là một trọng tâm ưu tiên trong các kế hoạch thích ứng này.
Theo dự kiến, Hội nghị sẽ diễn ra theo hình thức trực tuyến (CAS Online) từ ngày 25-26/01/2021 để đưa ra các hành động và giải pháp cụ thể cho thích ứng với BĐKH trên toàn cầu với sự tham gia của nhiều nhà Lãnh đạo trên thế giới.
Việt Nam thể hiện quyết tâm và hành động trong phát triển kinh tế xanh gắn với phát triển bền vững đất nước
|
Thứ trưởng Trần Quốc Phương phát biểu tại Hội thảo. Ảnh: MPI |
Phát biểu tại Hội thảo, Thứ trưởng Trần Quốc Phương nhấn mạnh, Việt Nam là một trong những quốc gia đang chịu tác động mạnh mẽ của BĐKH toàn cầu. Nhằm thể hiện rõ quyết tâm và ý chí chính trị trong việc ứng phó với BĐKH và hướng đến phát triển kinh tế xanh, Chính phủ Việt Nam đã ban hành các chính sách và chiến lược về tăng trưởng xanh và BĐKH với tầm nhìn trung và dài hạn.
Nhìn chung, chính sách của Nhà nước Việt Nam về tăng trưởng xanh và BĐKH được xác định rõ trong các văn bản ban hành và đang được tổ chức thực hiện ở tất cả các cấp độ. Với Chiến lược và Kế hoạch hành động quốc gia về phát triển bền vững và tăng trưởng xanh, kinh tế xanh, ứng phó với BĐKH, Việt Nam thể hiện quyết tâm và hành động trong phát triển kinh tế xanh gắn với phát triển bền vững đất nước.
Thứ trưởng Trần Quốc Phương cho biết, hiện nay, Thủ tướng Chính phủ đã có văn bản số 1982/VPCP-QHQT ngày 24/7/2020 về phê duyệt báo cáo đóng góp quốc gia tự quyết định (NDC) cập nhật của Việt Nam để đưa ra các cam kết mạnh mẽ về thích ứng và giảm nhẹ BĐKH. Trong đó, Thủ tướng chính phủ giao nhiệm vụ cho Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp chặt chẽ với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính xây dựng Chương trình hỗ trợ thực hiện NDC của Việt Nam (thay chế Chương trình SPRCC), trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định. Đồng thời, giao nhiệm vụ cho Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với các Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Ngoại giao, Bộ Tài chính và các bộ, cơ quan liên quan xây dựng chính sách thu hút nguồn lực trong nước, quốc tế để thực hiện các nội dung NDC cập nhật; đề xuất cơ chế giám sát nguồn lực hỗ trợ quốc tế cho Việt Nam ứng phó với BĐKH.
Bên cạnh đó, thực hiện Luật Quy hoạch, các bộ, ngành, địa phương hiện trên cả nước hiện nay đang khẩn trương xây dựng quy hoạch cấp quốc gia, quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, các kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 05 năm trong đó có lồng ghép việc thích ứng với BĐKH và tăng trưởng xanh nhằm đạt được các mục tiêu của NDC trong giai đoạn 2021-2030.
Chiến lược Tăng trưởng xanh được Bộ Kế hoạch và Đầu tư xây dựng là công cụ hữu hiệu để thực hiện thành công các mục tiêu giảm phát thải khí nhà kính của NDC cùng các mục tiêu phát triển bền vững (SDG). Những nội dung này đã và đang được Bộ Kế hoạch và Đầu tư tích cực hướng dẫn các bộ, ngành và địa phương lồng ghép các nội dung và mục tiêu giảm phát thải khí nhà kính ngay từ khâu lập kế hoạch, quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng cơ sở huy động nguồn lực cho việc đạt được các mục tiêu của NDC.
Phát huy tối đa các tiềm năng, lợi thế so sánh, biến thách thức thành cơ hội
Thứ trưởng Trần Quốc Phương cho rằng, tại Việt Nam, tác động của BĐKH được thể hiện rõ rệt nhất ở vùng ĐBSCL. Đây là trung tâm sản xuất nông nghiệp lớn nhất của cả nước, có vị trí quan trọng trong nền kinh tế quốc gia. Tuy nhiên, hiện nay ĐBSCL đang đối mặt với ba thách thức lớn gồm BĐKH, các vấn đề nội tại về phát triển thiếu bền vững và tác động của hoạt động phát triển ở thượng nguồn sông Mê Công. BĐKH ở ĐBSCL đã và đang diễn ra ngày càng nhanh hơn, khốc liệt hơn so với dự báo trước đây, tác động lớn đến phát triển kinh tế - xã hội cũng như ảnh hưởng đến sản xuất và đời sống của người dân trong Vùng.
Những tác động tiêu cực của BĐKH ngày càng trở nên nghiêm trọng hơn bởi những tác nhân do con người gây ra như việc khai thác quá mức tài nguyên đất, nước... Những thách thức mà vùng ĐBSCL đang phải đối mặt có tính chất liên ngành, vượt qua phạm vi của một ngành, ranh giới hành chính của một địa phương. Trong khi đó, các chương trình dự án, quy hoạch, kế hoạch, giải pháp đã và đang được thực hiện theo góc nhìn riêng rẽ của từng bộ, ngành, địa phương, còn thiên về ứng phó cục bộ; không dựa trên việc xem xét tổng thể liên ngành, liên vùng.
Do vậy, tại Nghị quyết số 120/NQ-CP ngày 17/11/2017 của Chính phủ về phát triển bền vững vùng ĐBSCL thích ứng với BĐKH, Bộ Kế hoạch và Đầu tư được giao chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, địa phương liên quan tổ chức lập Quy hoạch vùng ĐBSCL thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 theo cách tiếp cận quy hoạch tích hợp đa ngành để giải quyết đồng bộ các vấn đề chồng chéo, mâu thuẫn có tính liên ngành, liên vùng, liên tỉnh; phát huy tối đa các tiềm năng, lợi thế so sánh của vùng, biến thách thức thành cơ hội trong bối cảnh toàn cầu hóa và hội nhập kinh tế quốc tế, đặc biệt là với các nước ASEAN và Tiểu vùng sông Mê Công.
Phát triển bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu
Quy hoạch vùng ĐBSCL xác định một số quan điểm chủ đạo đối với các thách thức về BĐKH của Vùng. Một là, tôn trọng sự vận hành tự nhiên của hệ sinh thái và chủ động thích ứng với BĐKH, coi nước mặn và nước lợ là nguồn tài nguyên cho phát triển, thay thế cho quan điểm ứng phó, chống chọi, can thiệp sâu vào quy luật tự nhiên, làm huỷ hoại môi trường và hệ sinh thái.
Hai là, xem BĐKH không chỉ là thách thức mà còn là cơ hội chuyển đổi mô hình sản xuất; tổ chức, sắp xếp lại không gian phát triển Vùng theo hướng hiệu quả, bền vững, điều chỉnh hệ thống đô thị, điểm dân cư nông thôn phù hợp, đảm bảo an toàn trước thiên tai; coi nước, đất và đa dạng sinh học là ba trụ cột chính để phân vùng hợp lý; coi kinh tế biển là một động lực quan trọng cho sự phát triển của Vùng.
Ba là, thay đổi tư duy về an ninh lương thực từ việc phát triển nông nghiệp ĐBSCL dựa vào cây lúa; xoay trục chiến lược sang thủy sản - trái cây - lúa gạo phù hợp với thị trường. Phát triển nông nghiệp hàng hóa chất lượng cao, kết hợp với dịch vụ, du lịch sinh thái, công nghiệp, trọng tâm là công nghiệp chế biến, nâng cao giá trị và sức cạnh tranh của sản phẩm nông nghiệp.
Hiện nay, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang tích cực phối hợp chặt chẽ với bộ, ngành, địa phương và các chuyên gia để hoàn thiện dự thảo quy hoạch. Quy hoạch vùng ĐBSCL sau khi được phê duyệt là cơ sở để phân bổ và huy động các nguồn lực đầu tư phát triển một cách thống nhất, đồng bộ, đạt hiệu quả cao; góp phần vào việc thực hiện mục tiêu phát triển bền vững vùng ĐBSCL thích ứng với BĐKH theo tinh thần của Nghị quyết số 120, cũng như đóng góp vào nỗ lực chung của Chính phủ Việt Nam trong việc triển khai các hoạt động và giải pháp cụ thể về thích ứng với BĐKH trên toàn cầu.
Tại Hội thảo, các đại biểu đại diện cho các bộ, ngành, địa phương tập trung trao đổi, thảo luận về những nỗ lực của Việt Nam trong thích ứng với BĐKH: Kế hoạch quốc gia thích ứng với BĐKH giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 (NAP); chia sẻ về những góc nhìn, ý tưởng và cơ hội hợp tác để giúp Việt Nam nói chung và vùng ĐBSCL nói riêng về phát triển bền vững, thích ứng với BĐKH./.
Tùng Linh
Bộ Kế hoạch và Đầu tư