(MPI) – Ngày 12/01/2021, Bộ Kế hoạch và Đầu tư làm việc với Đoàn công tác Cơ quan giám sát kinh tế vĩ mô ASEAN+3 theo hình thức trực tuyến. Tham dự tại điểm cầu Trung tâm Điều hành Bộ Kế hoạch và Đầu tư có Vụ trưởng Vụ Tổng hợp kinh tế quốc dân Đỗ Thành Trung cùng đại diện lãnh đạo các đơn vị liên quan thuộc Bộ.
Phát biểu tại điểm cầu Văn phòng Nghiên cứu Kinh tế vĩ mô ASEAN+3 (AMRO), ông Luke Hong, Trưởng nhóm nghiên cứu về Việt Nam, Lào và Campuchia, Phụ trách nhóm chính sách tài khóa AMRO cho biết, hằng năm AMRO thực hiện các cuộc tham vấn đến các nền kinh tế thành viên để làm việc với các bộ, ngành và cơ quan liên quan nhằm thực hiện công tác giám sát kinh tế; đánh giá các rủi ro về kinh tế, tài chính của các nước thành viên và khu vực; hỗ trợ các nước thành viên thực hiện các thỏa thuận tài chính khu vực.
Để phục vụ hoạt động giám sát của AMRO, ông Luke Hong mong muốn Bộ Kế hoạch và Đầu tư cung cấp, chia sẻ về tình hình kinh tế vĩ mô, tăng trưởng kinh tế, thu hút FDI của Việt Nam năm 2020 và kế hoạch, triển vọng về tăng trưởng, thu hút FDI trong năm 2021. Đồng thời đánh giá, mặc dù năm 2020 là năm rất khó khăn những Việt Nam vẫn có mức tăng trưởng thuộc nhóm cao nhất khu vực và thế giới.
|
Vụ trưởng Đỗ Thành Trung phát biểu. Ảnh: MPI |
Phát biểu tại buổi làm việc, Vụ trưởng Đỗ Thành Trung cảm ơn sự quan tâm của Đoàn đối với các vấn đề của Việt Nam và cho biết, Bộ Kế hoạch và Đầu tư thường xuyên làm việc với các tổ chức quốc tế để chia sẻ, trao đổi về các giải pháp mà Chính phủ Việt Nam đang thực hiện, qua đó có thêm những giải pháp để đề xuất với cấp có thẩm quyền trong thực hiện kinh tế vĩ mô, góp phần thực hiện thành công các mục tiêu đã đề ra.
Trong bối cảnh thế giới và khu vực có những biến đổi, Việt Nam là nước có độ mở kinh tế lớn, do vậy, Bộ Kế hoạch và Đầu tư mong muốn buổi làm việc sẽ là cơ hội để chia sẻ, lắng nghe ý kiến của các chuyên gia, cập nhật được thông tin, những cảnh báo hữu ích, từ đó tiếp tục thực hiện công tác tham mưu của Bộ cũng như các đơn vị tốt hơn.
Tại buổi làm việc, Phó Vụ trưởng Vụ Tổng hợp kinh tế quốc dân Trần Thanh Đạm đã cung cấp bức tranh tổng thể về tình hình kinh tế - xã hội của Việt Nam năm 2020 và cho biết, năm 2020 GDP của Việt Nam tăng 2,91%, tuy là mức tăng thấp nhất của các năm trong giai đoạn 2011-2020 nhưng trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, ảnh hưởng tiêu cực tới mọi lĩnh vực kinh tế - xã hội thì đây là thành công lớn của Việt Nam với mức tăng trưởng năm 2020 thuộc nhóm cao nhất thế giới. Điều này cho thấy tính đúng đắn trong chỉ đạo, điều hành khôi phục kinh tế, phòng chống dịch bệnh và sự quyết tâm, đồng lòng của toàn bộ hệ thống chính trị, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, sự nỗ lực, cố gắng của người dân và cộng đồng doanh nghiệp để thực hiện có hiệu quả mục tiêu “vừa phòng chống dịch bệnh, vừa phát triển kinh tế - xã hội”.
Trong mức tăng chung của toàn nền kinh tế, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 2,68%, đóng góp 13,5% vào tốc độ tăng tổng giá trị tăng thêm của toàn nền kinh tế; khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 3,98%, đóng góp 53%; khu vực dịch vụ tăng 2,34%, đóng góp 33,5%.
|
Hình ảnh tại điểm cầu Trung tâm Điều hành Bộ Kế hoạch và Đầu tư. Ảnh: MPI |
Về mục tiêu tăng trưởng, mục tiêu phấn đấu năm 2021 của Chính phủ là khoảng 6,5%. Trên cơ sở mục tiêu này, Chính phủ Việt Nam đã xây dựng kịch bản tăng trưởng cho từng quý, từng ngành và lĩnh vực, cụ thể trong bối cảnh thế giới và trong nước năm 2021 vẫn còn tiềm ẩn nhiều khó khăn, thách thức như thế giới còn nhiều bất định do tác động của đại dịch Covid-19. Căng thẳng địa chính trị, cạnh tranh chiến lược giữa các quốc gia dự báo sẽ ngày càng gay gắt. Nhiều quốc gia đang có mức thâm hụt ngân sách và nợ công cao, làm gia tăng rủi ro, có thể dẫn tới khủng hoảng tài chính, nợ công trong tương lai. Thế và lực của Việt Nam mặc dù đã lớn mạnh hơn trước rất nhiều, nhưng nguy cơ rơi vào bẫy thu nhập trung bình vẫn còn hiện hữu; cạnh tranh giữa các đô thị ngày càng lớn; thách thức về biến đổi khí hậu, môi trường và tài nguyên ngày càng tăng lên,…
Bên cạnh những khó khăn luôn đi kèm với những cơ hội được mở ra khi Việt Nam đã tham gia 13 Hiệp định FTA thế hệ mới, cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, sự dịch chuyển của dòng thương mại và đầu tư quốc tế, thời kỳ dân số vàng… cũng đang tạo ra thời cơ lớn để cơ cấu lại nền kinh tế, chuyển đổi số, chuyển đổi mô hình hướng tới tăng trưởng nhanh, bền vững và bao trùm.
Tại buổi làm việc, đại diện các đơn vị liên quan thuộc Bộ đã làm rõ một số vấn đề được AMRO quan tâm và được AMRO đánh giá cao. AMRO mong muốn tiếp tục nhận được những trao đổi của Bộ Kế hoạch và Đầu tư trong thời gian tới./.
Tùng Linh
Bộ Kế hoạch và Đầu tư