Skip Ribbon Commands
Skip to main content
Ngày 11/01/2021-08:01:00 AM
Kiên định thực hiện các mục tiêu đã đề ra
(MPI) - Từ các kết quả, thành tựu đạt được cũng như các tồn tại, hạn chế trong giai đoạn vừa qua, tại Hội nghị trực tuyến đánh giá tình hình thực hiện nhiệm vụ 5 năm 2016-2020 và triển khai các nhiệm vụ trọng tâm năm 2021, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng đã nêu 05 bài học kinh nghiệm để có thể thực hiện tốt hơn nữa vai trò, chức trách của người tham mưu, hoạch định chính sách phát triển kinh tế - xã hội cho đất nước; 05 vấn đề chủ yếu và 06 nhiệm vụ tập trung thực hiện trong năm 2021.
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng phát biểu. Ảnh: MPI

05 bài học kinh nghiệm

Theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, để có thể thực hiện tốt hơn nữa vai trò, chức trách của người tham mưu, hoạch định chính sách phát triển kinh tế - xã hội cho đất nước, thứ nhất, cần bám sát chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước để xác định đúng vấn đề cần nghiên cứu, tham mưu.

Thứ hai, theo dõi sát tình hình, biến động trong nước và quốc tế, có ảnh hưởng trực tiếp đến các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội để kịp thời đưa ra những phân tích, dự báo làm cơ sở cho công tác nghiên cứu, hoạch định và tham mưu chính sách. Trong năm 2020, nhờ làm tốt công tác theo dõi chặt chẽ diễn biến đại dịch Covid-19 và tình hình kinh tế - xã hội, Bộ đã tham mưu kịp thời cho Đảng và Nhà nước ban hành nhiều giải pháp chính xác và hiệu quả để ứng phó với dịch bệnh, hỗ trợ sản xuất kinh doanh, phục hồi kinh tế.

Thứ ba, tư tưởng đổi mới, sáng tạo, tư duy phát triển, có tầm nhìn là những phẩm chất thiết yếu của một người cán bộ kế hoạch đầu tư giỏi. Để hoạch định chính sách cần có tư duy đi trước của người dẫn đường, luôn tiên phong tìm những hướng đi mới, phương pháp mới, cách làm mới để có thể đem lại hiệu quả cao nhất.

Tư duy phát triển và tầm nhìn còn giúp cho ngành Kế hoạch và Đầu tư tham mưu được những chính sách mang tính toàn diện và lâu dài, tránh được tầm nhìn ngắn hạn và phiến diện.

Thứ tư, để tham mưu tốt còn cần có bản lĩnh, có tinh thần trách nhiệm, quyết liệt, dám nghĩ dám làm, có nhiệt huyết với công tác kế hoạch và đầu tư. Những cái mới, sáng tạo, đột phá thường tạo ra những quan điểm trái chiều, chống lại từ những người bảo thủ, trì trệ, ngại đổi mới. Để có thể đưa sáng tạo, đổi mới vào cuộc sống chúng ta cần kiên định bảo vệ, chứng minh tính đúng đắn và hiệu quả của đổi mới, sáng tạo.

Thứ năm, luôn lấy người dân và doanh nghiệp làm đối tượng ưu tiên phục vụ. Chính sách muốn trúng, hiệu quả và khả thi phải được xây dựng theo hướng lấy Nhân dân, doanh nghiệp, đối tượng hưởng lợi làm trung tâm. Chúng ta đã chứng kiến nhiều chính sách không triển khai thực hiện được hoặc hiệu quả không được như kỳ vọng do được thiết kế theo tư duy chủ quan của người hoạch định, không bám sát thực tiễn, không đứng trên góc độ của người thụ hưởng chính sách.

05 vấn đề chủ yếu

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho rằng, bối cảnh thế giới và trong nước năm 2021 vẫn còn tiềm ẩn nhiều khó khăn, thách thức. Thứ nhất, bối cảnh thế giới còn nhiều bất định do tác động của đại dịch Covid-19. Căng thẳng địa chính trị, cạnh tranh chiến lược giữa các quốc gia dự báo sẽ ngày càng gay gắt. Nhiều quốc gia đang có mức thâm hụt ngân sách và nợ công cao, làm gia tăng rủi ro, có thể dẫn tới khủng hoảng tài chính, nợ công trong tương lai.

Thứ hai, thế và lực của nước ta mặc dù đã lớn mạnh hơn trước rất nhiều, nhưng nguy cơ rơi vào bẫy thu nhập trung bình vẫn còn hiện hữu. Nền kinh tế vẫn còn những nút thắt trong quá trình phát triển, chưa thực sự được giải quyết, khơi thông. Năng lực cạnh tranh về cơ bản vẫn ở mức trung bình trên thế giới, nhất là những tiêu chí quan trọng cho sự phát triển bền vững trong tương lai.

Thứ ba, cạnh tranh giữa các đô thị ngày càng lớn, nhất là trong việc trở thành các trung tâm tài chính, trung tâm khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo…

Thứ tư, các vấn đề xã hội gây áp lực lớn đến phát triển, như già hoá dân số, chênh lệch giàu - nghèo và trình độ phát triển, những vấn đề của đô thị hoá, khai thác, sử dụng hiệu quả bền vững nguồn tài nguyên.

Thứ năm, những thách thức về biến đổi khí hậu, môi trường và tài nguyên ngày càng tăng lên, nhất là trong bối cảnh Việt Nam được dự báo là một trong những quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của biến đổi khí hậu, nước biển dâng.

Tuy nhiên, khó khăn, thách thức luôn đi kèm với những cơ hội rộng mở. Bối cảnh phát triển mới, đặc biệt là bối cảnh “hậu Covid-19”, 13 Hiệp định FTA thế hệ mới được ký kết, cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, sự dịch chuyển của dòng thương mại và đầu tư quốc tế, thời kỳ dân số vàng… cũng đang tạo ra thời cơ lớn để cơ cấu lại nền kinh tế, chuyển đổi số, chuyển đổi mô hình hướng tới tăng trưởng nhanh, bền vững và bao trùm.

Toàn cảnh Hội nghị. Ảnh: MPI

06 nhiệm vụ chủ yếu

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh, trong năm 2021 và những năm tới, ngành Kế hoạch và Đầu tư cần tập trung, thực hiện 06 nhiệm vụ chủ yếu. Thứ nhất, cần một tư duy mới, cách tiếp cận mới, nhanh chóng theo hướng tích cực, theo kịp xu thế thời đại. Phải thay đổi tư duy quản lý từ chủ yếu là kiểm soát, cho phép (tiền kiểm) sang chủ yếu phục vụ thúc đẩy phát triển (hậu kiểm). Có cơ chế bảo vệ những người dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm. Qua đại dịch Covid-19 đã cho ta bài học sâu sắc, cần nhận thấy rằng đây vừa là khó khăn nhưng cũng mang đến cơ hội cho Việt Nam nắm lấy để bứt phá và trỗi dậy khi các cấu trúc kinh tế (sản xuất, thương mại, đầu tư…) và trật tự thế giới sẽ có sự điều chỉnh và thay đổi sâu sắc.

Từ đó, phải có các quyết sách đúng đắn và kịp thời, vì thời gian luôn là vàng và cũng là kẻ thù của chúng ta. Muốn đi nhanh, cần phải chọn được con đường đi đúng. Mọi chính sách phải xoay quanh hoặc hướng tới hạnh phúc của người dân vì người dân vừa là chủ thể vừa là mục tiêu để hướng tới. Không thể một lần nữa lại đứng ngoài hoặc đi sau, đi theo một cuộc chơi mới, sân chơi mới sắp diễn ra.

Với tư cách là một cơ quan tham mưu tổng hợp, cần phải kiên trì, tiên phong và đẩy nhanh việc cải cách, nghiên cứu định hướng chính sách về cơ cấu lại nền kinh tế, đẩy mạnh đầu tư hạ tầng nâng cao sức cạnh tranh, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, chuyển đổi số, khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo… Tranh thủ tận dụng nguồn lực con người để phát triển đất nước, nhất là trong giai đoạn dân số vàng, trước khi chuyển sang giai đoạn già hóa dân số.

Thứ hai, cần tiếp tục đẩy mạnh cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, trên nền tảng khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, tính tự chủ và sức cạnh tranh của nền kinh tế. Theo đó, hoàn thiện nhanh khung khổ pháp lý cho các loại hình kinh doanh mới, kinh tế số, cung cấp dịch vụ công; ban hành chính sách thử nghiệm các sản phẩm, giải pháp, dịch vụ, mô hình kinh doanh, công nghệ mới, như: kinh tế chia sẻ, kinh tế ban đêm, kinh tế tuần hoàn… đáp ứng kịp thời nhu cầu của nền kinh tế.

Nghiên cứu và khẩn trương ban hành và tạo điều kiện thực hiện cơ chế thí điểm (sandbox) cho đổi mới sáng tạo và doanh nghiệp khởi nghiệp. Có chính sách khuyến khích doanh nghiệp quan tâm đến đổi mới sáng tạo; xây dựng Quỹ đầu tư mạo hiểm để hỗ trợ cho quá trình đổi mới sáng tạo.

Đẩy nhanh và triển khai toàn diện Chương trình hỗ trợ chuyển đổi số cho doanh nghiệp Việt Nam, trong đó chú trọng doanh nghiệp nhỏ và vừa. Hiện nay, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã phê duyệt Chương trình Hỗ trợ chuyển đổi số cho doanh nghiệp Việt Nam. Đây là chương trình hết sức thiết thực, hiệu quả và cấp thiết, phải làm ngay.

Nếu chúng ta hỗ trợ cho 800 nghìn doanh nghiệp hiện nay được tiếp cận chuyển đổi số, chắc chắn các doanh nghiệp này sẽ nâng cao năng lực và sức cạnh tranh, từ đó lớn mạnh và đóng góp cho nền kinh tế rất lớn. Chúng tôi đã giao cho các đơn vị tổ chức triển khai ngay chương trình này, càng nhang càng tốt, càng nhiều càng tốt. Đấy là mục tiêu của chương trình này để thay đổi về chất, Bộ trưởng nhấn mạnh.

Đồng thời, đẩy nhanh tiến độ xây dựng các trung tâm đổi mới sáng tạo để hỗ trợ chuyển giao công nghệ, kết nối tài năng, thúc đẩy khởi nghiệp, trọng tâm là xây dựng và đưa vào hoạt động Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia (NIC).

Thứ ba, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, hỗ trợ doanh nghiệp. Theo đó, tập trung nghiên cứu các cơ chế, chính sách phát triển kinh tế tư nhân Việt Nam làm sao để trở thành động lực cho tăng trưởng và phát triển; hoàn thiện thể chế để tiếp tục thúc đẩy, cải thiện môi trường kinh doanh, phát triển doanh nghiệp hơn nữa, định hướng trong thời gian tới nên tập trung vào đâu? Khâu nào là trọng yếu trong bối cảnh phát triển vũ bão về khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo, thay đổi về tư liệu sản xuất và phương thức sản xuất; sự phát triển của các học thuyết mới và xu hướng kinh doanh mới.

Đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa, nghiên cứu và thực hiện các chương trình khuyến khích, hỗ trợ các doanh nghiệp ứng dụng, làm chủ, nghiên cứu phát triển công nghệ, nâng cao năng lực cạnh tranh; hỗ trợ kết nối giữa các doanh nghiệp, giúp liên kết, tạo khối thống nhất, hỗ trợ lẫn nhau trong đầu tư kinh doanh.

Rà soát các doanh nghiệp FDI theo hướng phân loại, đánh giá tuân thủ pháp luật, nhất là bảo vệ môi trường và chống chuyển giá; thận trọng khi xem xét các dự án về luyện thép, nhiệt điện, nhôm. Rà soát lại các ưu tiên, ưu đãi cho các doanh FDI, đặc biệt là đối với doanh nghiệp có công nghệ thấp, tốn diện tích, tiêu hao năng lượng cao, rủi ro môi trường và các doanh nghiệp không có kế hoạch gắn kết lâu dài tại Việt Nam; thay đổi chính sách ưu đãi, chỉ tập trung cho những doanh nghiệp công nghệ cao có chuyển giao công nghệ, gắn kết với doanh nghiệp trong nước. Chủ động thu hút, hợp tác đầu tư nước ngoài có chọn lọc, lấy chất lượng, hiệu quả, công nghệ, bảo vệ môi trường và đổi mới sáng tạo là tiêu chí đánh giá chủ yếu.

Nghiên cứu, đề xuất sửa đổi, bổ sung các quy định, giải quyết ngay những vướng mắc, bất cập tạo ra đối với doanh nghiệp, nhất là trong lĩnh vực đầu tư, đất đai, xây dựng và tài nguyên, môi trường, theo nguyên tắc phân định trách nhiệm rõ ràng, minh bạch, một đầu mối quản lý, kết nối, chia sẻ thông tin để xây dựng cơ sở dữ liệu dùng chung phục vụ công tác quản lý nhà nước.

Thực hiện mạnh mẽ chuyển đổi số trong quản lý nhà nước, nhất là trong việc giải quyết thủ tục hành chính và các dịch vụ công thiết thực đối với người dân. Triển khai các giải pháp về công nghệ thông tin nhằm thực hiện tốt Nghị định 122/2020/NĐ-CP để cắt giảm thời gian và chi phí cho doanh nghiệp.

Nhanh chóng đưa vào vận hành Hệ thống thông tin quốc gia về đầu tư theo Luật Đầu tư mới, gồm 05 hệ thống: Hệ thống đầu tư nước ngoài, Hệ thống đầu tư ra nước ngoài, Hệ thống đầu tư trong nước, Hệ thống xúc tiến đầu tư, Hệ thống quản lý các khu kinh tế.

Các bộ ngành, địa phương cần có chương trình khuyến khích các chuyên gia, cán bộ quản lý cấp thấp đang làm việc ở các doanh nghiệp nước ngoài, tách ra thành lập các doanh nghiệp của Việt Nam. Đây là những người có kiến thức, nắm rõ công nghệ, quy trình sản xuất, quy trình vận hành, quản trị doanh nghiệp, có mối quan hệ, kinh nghiệm... Những người này khi tách ra thành lập doanh nghiệp sẽ là những người thành công nhanh nhất. Các bộ, ngành, địa phương trong quá trình xây dựng chính sách cần có kế hoạch để hỗ trợ những người này tách ra thành lập doanh nghiệp, đây là hướng rất mới, rất tốt, rất nhanh để kết nối ngay với các doanh nghiệp, cung cấp sản phẩm cho các doanh nghiệp FDI, giúp họ giảm chi phí.

Thứ tư, đẩy nhanh tiến độ lập, phê duyệt quy hoạch; tăng cường huy động và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực; phát triển kinh tế biển, đô thị lớn; tăng cường liên kết vùng; xây dựng nông thôn mới

Với vai trò là cơ quan tham mưu về huy động và phân bổ nguồn lực đầu tư phát triển, cần phải xác định phân bổ cần theo định hướng ưu tiên gắn với sử dụng hiệu quả các nguồn lực; tạo mọi điều kiện, nhất là thể chế và nguồn lực, nhằm phát triển với tốc độ nhanh các vùng động lực, từ đó tạo ra sức lan tỏa thúc đẩy các vùng khác phát triển, hướng tới bảo đảm cân bằng trong dài hạn.

Đầu tư cần có trọng tâm, trọng điểm, tập trung xây dựng các công trình trọng yếu, nhất là hạ tầng giao thông và năng lượng tạo sự lan tỏa lớn, nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế, tập trung xây dựng và hoàn thành ngay một số trục giao thông chính như đường cao tốc Bắc - Nam. Bộ Kế hoạch và Đâu tư đã làm việc với Bộ Giao thông vận tải và thống nhất báo cáo Thủ tướng Chính phủ, phải đặt mục tiêu đến năm 2025 hoàn thành toàn bộ tuyến cao tốc Bắc Nam phía Đông từ Lạng Sơn cho đến Cà Mau.

Tập trung mở rộng không gian mới cho các địa phương phát triển kinh tế biển (đường ven biển); đường nối từ Tây Nguyên đến các tỉnh miền Trung, đường sắt đô thị Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh; cảng biển, cảng hàng không tầm quốc gia, quốc tế, sân bay Long Thành; hạ tầng số...

Đối với các địa phương, Bộ trưởng nghị phải đầu tư đúng, không dàn trải, đầu tư dự án mang tính chất lan tỏa, tạo động lực...

Tái cơ cấu danh mục tài sản công, tăng nguồn lực cho đầu tư kết cấu hạ tầng, chuyển một số dự án PPP sang sử dụng vốn đầu tư công. Sử dụng nguồn vốn cổ phần hóa tập trung cho đầu tư phát triển, đặc biệt là các dự án quan trọng quốc gia. Phát hành trái phiếu Chính phủ cho một số dự án lớn không thể thu hút vốn đầu tư tư nhân. Có cơ chế khuyến khích khu vực tư nhân đầu tư các dự án đô thị thông minh, bao gồm cơ cấu lại các đô thị cũ. Có cơ chế khuyến khích để huy động nguồn lực trong dân, nhất là vàng, ngoại tệ. Có cơ chế thúc đẩy giải ngân vốn ODA đã cam kết.

Bảo đảm tiến độ việc xây dựng và phê duyệt các quy hoạch cấp quốc gia, quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh, quy hoạch đô thị, quy hoạch nông thôn giai đoạn 2021-2030. Tập trung xây dựng quy hoạch vùng, bám sát với quy hoạch cấp tỉnh và tránh chồng chéo dẫn đến phát triển manh mún, phân tán và sử dụng nguồn lực kém hiệu quả giữa các địa phương trong vùng và giữa các vùng.

Xây dựng hạ tầng số, hạ tầng kết nối thông minh, nhất là hạ tầng công nghệ số, truyền thông và nền tảng dùng chung; xây dựng và phát triển đồng bộ hạ tầng dữ liệu quốc gia, vùng, địa phương kết nối đồng bộ, thống nhất, hệ thống hạ tầng trục kết nối quốc gia phục vụ chuyển đổi số.

Thúc đẩy liên kết nội vùng, liên vùng, hội nhập quốc tế, khai thác chức năng đặc thù các vùng, phát huy vai trò của các vùng kinh tế trọng điểm, đô thị lớn. Tập trung phát triển trung tâm tài chính tại Thành phố Hồ Chí Minh và Đà Nẵng. Đây là thời cơ vàng ngàn năm có một để có thể thành lập được trung tâm tài chính quốc tế. Do vậy, các địa phương phải làm nhanh, thuê tư vấn lập đề án, có các cơ chế, thể chế riêng để báo cáo Bộ Chính trị để sớm hình thành, mang lại cơ hội cho đất nước.

Tăng cường quản lý phát triển đô thị, xử lý hiệu quả các vấn đề giao thông, ngập úng, môi trường và rác thải đô thị. Tiếp tục rà soát, cập nhật hoàn thiện cơ sở dữ liệu đô thị. Hoàn thiện các thủ tục, quy định để triển khai tốt các Chương trình mục tiêu quốc gia ngay sau khi được cấp có thẩm quyền phê duyệt.

Thứ năm, nâng cao chất lượng và sử dụng hiệu quả nguồn nhân lực gắn với đẩy mạnh đổi mới sáng tạo, ứng dụng và phát triển mạnh mẽ khoa học - công nghệ. Việt Nam đang có trong tay cơ hội “có một không hai” để thúc đẩy tăng trưởng và phát triển kinh tế, đó là “thời kỳ dân số vàng”. Phải tận dụng nhanh nhất cơ hội này cho phát triển, vì nếu không ta sẽ phải đối mặt với xu hướng già hóa dân số và thực trạng “già trước khi giàu”. Do vậy, phải khẩn trương đào tạo nguồn nhân lực, tận dụng ngay các nguồn nhân lực cho đầu tư phát triển đất nước.

Thực hiện đồng bộ các cơ chế, chính sách, giải pháp phát triển nguồn nhân lực, nhất là nhân lực chất lượng cao; xây dựng cơ chế phù hợp lựa chọn và trọng dụng, bồi dưỡng nhân tài, xây dựng đội ngũ tri thức trong thời kỳ mới từ nguồn nhân lực trong nước và ngoài nước.

Thứ sáu, ngoài công tác chuyên môn, cần tiếp tục quan tâm hơn nữa đến các vấn đề xã hội, tích cực thực hiện các hoạt động chia sẻ, hỗ trợ cộng đồng để vừa duy trì được truyền thống nhân văn của con người ngành kế hoạch đầu tư, vừa thấu hiểu hơn các đối tượng chính sách, gần gũi hơn với Nhân dân, từ đó bảo đảm được sự hiệu quả, công bằng trong thiết kế, xây dựng và thực thi chính sách.

“Chúng ta cùng nhau suy nghĩ phải làm gì để có thể tham mưu cho Đảng, Nhà nước thực hiện các mục tiêu, đưa đất nước phát triển mạnh mẽ trong thời gian tới”, Bộ trưởng nói.

Năm 2021 là năm có nghĩa đặc biệt quan trọng, năm đầu tiên thực hiện chiến lược 10 năm và kế hoạch 5 năm theo nghị quyết của Đảng và Quốc hội. Tình hình kinh tế thế giới, khu vực diễn biến phức tạp, khó lường, xu hướng bảo hộ trở thành xu hướng chính ở một số quốc gia, cạnh tranh trong từng khu vực diễn ra gay gắt, đặc biệt là khi đại dịch Covid-19 chưa thể sớm kết thúc sẽ tác động tiêu cực và sẽ kéo dài đến kinh tế thế giới và Việt Nam. Trong nước tiếp tục gặp nhiều khó khăn, thách thức, tác động ảnh hưởng của dịch bệnh, biến đổi khí hậu, thiên tai, hạn hán …

Do vậy, cần tiếp tục kiên định mục tiêu công nghiệp hóa, hiện đại hóa, đổi mới tư duy phát triển, hành động nhanh hơn, quyết liệt hơn, hiệu quả hơn, vượt qua khó khăn, tận dụng tốt các thành tựu của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, xu hướng dịch chuyển, đầu tư, thương mại, chuyển đổi số trong khu vực và trên thế giới; kiên quyết không lùi bước trước thách thức, biến thách thức thành cơ hội phát triển; kiên định thực hiện các mục tiêu đã đề ra./.

Tùng Linh
Bộ Kế hoạch và Đầu tư

    Tổng số lượt xem: 4719
  •  

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)