(MPI) - Ngày 14/01/2021, Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với Chương trình Phát triển Liên hợp quốc tại Việt Nam (UNDP) tổ chức “Hội thảo tham vấn về mô hình cho vay trực tiếp của Quỹ Phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa” để trao đổi về mô hình, kinh nghiệm thực tiễn, cách thức thẩm định, đánh giá tài sản đảm bảo, xử lý rủi ro đối với mô hình cho vay trực tiếp. Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Duy Đông và Trưởng đại diện UNDP tại Việt Nam Caitlin Wiesen đồng chủ trì Hội thảo.
|
Thứ trưởng Trần Duy Đông phát biểu tại Hội thảo. Ảnh: MPI |
Phát biểu chào mừng Hội thảo, Thứ trưởng Trần Duy Đông phát biểu cho biết hiện nay, doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) chiếm khoảng 98,1% trong tổng số hơn 800 nghìn doanh nghiệp đăng ký hoạt động tại Việt Nam, đóng vai trò hết sức quan trọng vào phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. DNNVV là nơi tạo ra việc làm chủ yếu và tăng thu nhập cho người lao động, tham gia huy động các nguồn lực xã hội cho đầu tư phát triển, xóa đói giảm nghèo… . Hằng năm, các DNNVV đã tạo ra trên một triệu lao động mới; sử dụng khoảng 5 triệu lao động toàn xã hội, đóng góp khoảng 45% GDP cho cả nước, 31% tổng thu ngân sách nhà nước.
Vai trò của DNNVV ở nhiều quốc gia trên thế giới luôn được đánh giá rất cao. Số lượng các DNNVV chiếm đa số trong tổng cơ cấu các doanh nghiệp, thông thường tỷ lệ này từ 90% - 98%. Bên cạnh đó, cộng đồng này còn là chủ thể của các phong trào khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo, thúc đẩy sự hòa nhập của nền kinh tế, tham gia sâu rộng hơn vào chuỗi giá trị toàn cầu.
Thời gian qua, để hiện thực hóa những đường lối, chính sách của Đảng tại Đại hội XII, Chính phủ đã có nhiều động thái quyết liệt, kịp thời để cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, hỗ trợ tối đa cho doanh nghiệp phát triển, tạo động lực cho khu vực kinh tế tư nhân. Các Luật về đầu tư, kinh doanh đã được Chính phủ trình Quốc hội thông qua, đặc biệt là Luật Hỗ trợ DNNVV có hiệu lực từ 01/01/2018, đã tạo bước tiến quan trọng trong công tác hoàn thiện chính sách hỗ trợ cho DNNVV Việt Nam phát triển mạnh mẽ hơn, với hàng loạt chính sách hỗ trợ đa chiều như: hỗ trợ tiếp cận tín dụng, thông tin; hỗ trợ phát triển nguồn nhân lực; tư vấn quản trị kinh doanh, công nghệ; đầu tư cho khởi nghiệp sáng tạo, hỗ trợ phát triển cụm liên kết ngành, chuỗi giá trị …
Với mục tiêu giải quyết bài toán khó khăn về tiếp cận vốn cho DNNVV, Quỹ Phát triển DNNVV thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư được thành lập theo Quyết định số 601/QĐ-TTg ngày 17/04/2013 của Thủ tướng Chính phủ với số vốn điều lệ là 2 nghìn tỷ đồng nhằm triển khai hiệu quả các chính sách trợ giúp phát triển DNNVV. Để triển khai thi hành Luật Hỗ trợ DNNVV, ngày 10/5/2019, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 39/2019/NĐ-CP về tổ chức và hoạt động của Quỹ Phát triển DNNVV với chức năng cho vay, tài trợ, hỗ trợ tăng cường năng lực cho DNNVV.
Qua hơn 3 năm chính thức triển khai hoạt động hỗ trợ tài chính cho DNNVV, kết quả ban đầu cho thấy tín hiệu tích cực khi các DNNVV nhận được nguồn vốn ưu đãi từ Quỹ đã hoạt động hiệu quả, lợi nhuận tăng, tạo thêm việc làm cho người lao động, đặc biệt có nhiều doanh nghiệp sử dụng vốn vượt kỳ vọng đã thực hiện trả nợ trước hạn. Bên cạnh đó, nguồn vốn điều lệ do ngân sách nhà nước cấp cho Quỹ được coi là vốn mồi để thu hút các nguồn lực khác từ bên ngoài cùng chung tay hỗ trợ DNNVV.
Năm 2020, trong bối cảnh đại dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, ảnh hưởng nặng nề đến nền kinh tế, Chính phủ đã nhanh chóng ban hành Nghị quyết số 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 về các nhiệm vụ, giải pháp tiếp tục tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công và bảo đảm trật tự an toàn xã hội trong bối cảnh đại dịch Covid-19. Trong đó, một trong các nhiệm vụ Chính phủ đề ra là đẩy mạnh hoạt động của Quỹ Phát triển DNNVV nhằm hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua khó khăn do tác động của dịch bệnh. Từ tháng 6/2020, Quỹ Phát triển DNNVV đã công bố giảm lãi suất cho vay về mức 2,16% đối với cho vay ngắn hạn và 4% đối với cho vay trung, dài hạn. Có thể thấy đây là mức lãi suất hỗ trợ rất ưu đãi cho các DNNVV để có thể phục hồi sản xuất kinh doanh và phát triển. Qua đó khẳng định quyết tâm chính trị của Chính phủ và Bộ Kế hoạch và Đầu tư trong việc tăng cường hỗ trợ cho cộng đồng DNNVV phát huy tối đa tiềm năng, thúc đẩy hoạt động sản xuất kinh doanh và tăng cường năng lực cạnh tranh trong giai đoạn khó khăn của nền kinh tế.
|
Toàn cảnh Hội thảo. Ảnh: MPI |
Đồng chủ trì tại Hội thảo, Trưởng đại diện UNDP tại Việt Nam Caitlin Wiesen đánh giá Việt Nam đã và đang là điểm đến hấp dẫn của nhiều nhà đầu tư và tiếp tục nhận được các dòng tài chính quốc tế. Trong bối cảnh Covid-19, sự chuyển dịch các chuỗi cung ứng đang tạo ra những cơ hội mới cho doanh nghiệp để sáp nhập vào các chuỗi cung ứng toàn cầu. Bà Caitlin Wiesen cho rằng, cần phải có hiểu biết sâu rộng về hệ sinh thái tài chính cho DNNVV ở Việt Nam và vai trò chiến lược mà một kênh cho vay mới có thể có để tăng cường nguồn vốn nội địa hiện có, bao gồm từ cả khối công và tư để đáp ứng nhu cầu luôn thay đổi của DNNVV. Vì vậy, cơ chế cho vay mạnh mẽ, hiệu quả và bền vững được tạo lập để tháo gỡ những rào cản tín dụng mà DNNVV gặp phải. Đồng thời, Quỹ nên tập trung vào sự phát triển và phục hồi xanh. Làm rõ các nhóm đối tượng cũng như tiêu chí để đảm bảo các mô hình kinh doanh và sản phẩm xanh. Xây dựng một nền kinh tế xanh mang đến cơ hội quan trọng cho những doanh nghiệp tân tiến để chạm đến nguồn tài chính xanh. Chính phủ nên tăng cường việc giới thiệu các chương trình tài chính đổi mới, như trái phiếu xanh, chương trình mua bán các-bon để DNNVV có thể tiếp cận nguồn tài chính mới. Có những hướng dẫn và tiêu chí hoạt động chi tiết và minh bạch để tiếp thêm sự tự tin cho các DNNVV để tiếp cận với Quỹ và đồng đầu tư vào các dự án tiềm năng cũng như tăng cường chia sẻ hỗ trợ tài chính từ các nguồn tín dụng khác.
Hội thảo tham vấn về mô hình cho vay trực tiếp của Quỹ đã nhận được sự chia sẻ thẳng thắn, tâm huyết của các đại biểu, đặc biệt là các chuyên gia hàng đầu trong lĩnh vực tài chính, tín dụng về những kinh nghiệm mô hình cho vay quốc tế hay mô hình của JFC Nhật Bản cho các doanh nghiệp khởi nghiệp, doanh nghiệp nhỏ, siêu nhỏ; kinh nghiệm của một số quốc gia về đầu tư công cho phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa … Hội thảo đã đi sâu phân tích, thảo luận, làm rõ các bài học, kinh nghiệm của tổ chức quốc tế, tổ chức tín dụng và quỹ tài chính về mô hình cho vay trực tiếp. Thông qua Hội thảo này, Quỹ Phát triển DNNVV sớm hoàn thiện khung pháp lý của hoạt động cho vay trực tiếp, bên cạnh triển khai tốt hoạt động ủy thác, cho vay gián tiếp thông qua các ngân hàng thương mại, sẽ giúp đa dạng thêm các kênh tiếp cận nguồn vốn và hỗ trợ tối đa cho cộng đồng DNNVV, hoàn thành tốt các nhiệm vụ Chính phủ và Bộ Kế hoạch và Đầu tư đặt ra trong thời gian tới./.
Minh Hậu
Bộ Kế hoạch và Đầu tư