Skip Ribbon Commands
Skip to main content
Ngày 26/04/2013-08:37:00 AM
Bộ trưởng Bùi Quang Vinh: Hình thành cơ cấu kinh tế hợp lý và năng động hơn
Đề án tổng thể tái cơ cấu nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng theo hướng nâng cao chất lượng, hiệu quả và năng lực cạnh tranh nền kinh tế đã được Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét vào ngày 19/4/2012. Sau đó 1 tuần, Đề án này cũng đã được các đại biểu quốc hội của 63 tỉnh thành tiếp xúc qua Hội nghị trực tuyến do Ủy ban Thường vụ Quốc hội tổ chức.
Bộ trưởng Bùi Quang Vinh phát biểu tại phiên họp của Ủy ban thường vụ Quốc hội
Nhân sự kiện này, phóng viên Tạp chí Kinh tế và Dự báo đã có buổi trao đổi với Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh, người được Thủ tướng Chính phủ ủy quyền báo cáo Đề án tại Quốc hội, về những vấn đề xung quanh Đề án này.
PV: "Tái cơ cấu nền kinh tế” là gì? Và vì sao cần phải có Đề án này, thưa Bộ trưởng?
Bộ trưởng Bùi Quang Vinh:Đến nay, mặc dù đã có rất nhiều cuộc hội thảo lớn, nhỏ được tổ chức để tìm câu trả lời trên, nhưng vẫn chưa thể đưa ra một khái niệm chung về tái cơ cấu kinh tế. Với tư cách là cơ quan soạn thảo Đề án tổng thể tái cơ cấu nền kinh tế, chúng tôi đã tìm ra một cách tiếp cận hợp lý nhất. Từ cách tiếp cận đó, chúng tôi xây dựng một nội hàm cụ thể, đồng thời thiết kế những giải pháp phù hợp.
Tại một thời điểm nhất định, cơ cấu kinh tế của một quốc gia là kết quả của cơ cấu các nhân tố sản xuất hiện có, tạo thành lợi thế so sánh của một quốc gia. Cơ cấu kinh tế hợp lý, có hiệu quả là cơ cấu hình thành trên cơ sở khai thác, tận dụng tốt các ngành có lợi thế của nền kinh tế; và trong trường hợp ngược lại thì đó là một cơ cấu kinh tế bất hợp lý, kém hiệu quả. Vì vậy,việc điều chỉnh có quy mô lớn và toàn diện trong thời gian tương đối ngắn cơ cấu kinh tế để chuyển từ bất hợp lý, kém hiệu quả thành cơ cấu kinh tế hợp lý, hiệu quả hơn được coi là tái cơ cấu kinh tế.
Cơ cấu kinh tế xét trên tổng thể một “chuỗi” hay “một giải” với nhiều “điểm” cơ cấu nối tiếp nhauthể hiện một quá trình dịch chuyển liên tục từ thấp đến cao. Do đó, chuyển dịch cơ cấu kinh tế là một quá trình lâu dài, liên tục.
Từ Đại hội VI của Đảng, bắt đầu công cuộc đổi mới toàn diện đất nước, Đảng ta cũng đã xác định: “Vấn đề lớn nhất hiện nay là sắp xếp, bố trí lại cơ cấu và bước đi của nền kinh tế phù hợp với phương hướng, mục tiêu của những năm trước mắt, phù hợp với khả năng thực tế của nước ta và sự phân công, hợp tác quốc tế, bảo đảm cho nền kinh tế phát triển ổn định, vững chắc với nhịp độ nhanh”.
Vấn đề của nền kinh tế nước ta hiện nay không chỉ là tái cơ cấu kinh tế, mà còn là đẩy nhanh chuyển dịch cơ cấu kinh tế, nâng cao trình độ công nghệ, cải thiện tính hiệu quả và năng lực cạnh tranh, đưa trình độ phát triển của nền kinh tế nước ta lên mức phát triển cao hơn. Đó chính là bản chất của tái cơ cấu kinh tế gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng.
Tái cơ cấu kinh tế gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởngđược đặt ra như một nhiệm vụ cấp thiết lúc này, bởi mô hình tăng trưởng mà chúng ta theo đuổi trong những năm qua đến nay đã bộ lộ rất nhiều hạn chế, và không còn thích hợp.
Việc tiếp tục duy trì mô hình tăng trưởng cũ dẫn đến hiệu quả và chất lượng tăng trưởng kinh tế ngày càng giảm sút, trong khi các bất ổn kinh tế vĩ mô (lạm phát, bội chi ngân sách, nợ công, nhập siêu) có xu hướng ngày càng tăng, tài nguyên ngày càng cạn kiệt, môi trường thiên nhiên ngày càng xuống cấp. Đối với giai đoạn phát triển hiện nay và sắp tới, mô hình đó trở nên không bền vững, kém hiệu quả và chất lượng thấp. Những biểu hiện nay đã rất rõ, không cần bàn cãi nhiều.
Vừa qua, Đại hội toàn quốc lần thứ XI của Đảng đã xác định “đổi mới mô hình tăng trưởng, tái cơ cấu nền kinh tế” là định hướng tổng quát của phát triển kinh tế - xã hội thời kỳ 2011-2020. Chiến lược phát triển kinh tế xã hội 2011-2020 đã xác định: “chuyển đổi mô hình tăng trưởng từ chủ yếu phát triển theo chiều rộng sang phát triển hợp lý giữa chiều rộng và chiều sâu, vừa mở rộng quy mô, vừa chú trọng nâng cao chất lượng, hiệu quả và tính bền vững”. Như vậy, chuyển đổi mô hình tăng trưởng trong điều kiện cụ thể của nước ta hiện nay làmột nhu cầu cấp thiết, cần phải làm ngay.
PV: Xin Bộ trưởng cho biết, để phục vụ tính cấp thiết, cần làm ngay, thì mục tiêu của tái cơ cấu nền kinh tế lần này là gì?
Bộ trưởng Bùi Quang Vinh:Hiện nay, nền kinh tế nước ta vừa phải đối mặt với những tác động bất lợi từ khủng hoảng kinh tế toàn cầu và khủng hoảng nợ công châu Âu, vừa phải đối phó với bất ổn kinh tế vĩ mô ở trong nước. Quá trình tái cấu kinh tế được khởi động trong bối cảnh đầy khó khăn, thử thách này.
Trong điều kiện như vậy, Chính phủ đã chủ trương đưa ra 6 mục tiêu của tái cơ cấu tổng thể nền kinh tếnhư sau:
Một là, từng bước và liên tục nâng cao hiệu quả sử dụng các nguồn lực xã hội, nâng cao năng suất lao động, năng suất các yếu tố tổng hợp (TFP) và năng lực cạnh tranh của nền kinh tế; góp phần tích cực chuyển đổi mô hình tăng trưởng từ chiều rộng sang kết hợp hợp lý giữa chiều rộng và chiều sâu, tiến tới hình thành mô hình tăng trưởng chủ yếu theo chiều sâu, đảm bảo đạt tốc độ tăng trưởng bình quân 7%– 8%/năm thời kỳ 2011-2020.
Hai là, duy trì ổn định kinh tế vĩ mô một cách vững chắc với lạm phát thấp và các nền tảng vĩ mô vững mạnh; góp phần bảo đảm an ninh tài chính quốc gia.
Ba là, thiết lập,phát triển cân đối hợp lý giữa các địa phương, vùng miền trên cơ sở phát huy lợi thế của từng địa phương, từng vùng và sự hỗ trợ có hiệu quả từ Trung ương;
Bốn là, từng bước và liên tục cải thiện, nâng cấp trình độ phát triển các ngành kinh tế nói riêng và nền kinh tế nói chung.Qua đó, các ngành sử dụng công nghệ cao, có giá trị gia tăng cao,từng bước thay thế các ngành công nghệ thấp, thâm dụng lao động và giá trị gia tăng thấp để trở thành những ngành kinh tế chủ lực của nền kinh tế;
Năm là,góp phần xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ, cũng cố vị thế quốc gia trong quan hệ quốc tế; giữ vững ổn định chính trị, bảo đảm an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội.
Sáulà,hình thành cơ cấu kinh tế hợp lý và năng động hơn, có năng lực cạnh tranh cao hơn và có tiềm năng tăng trưởng lớn hơn; góp phần đạt được các chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội mà Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 2011-2020 đã xác định.
PV: Thưa Bộ trưởng, có quan điểm cho rằng, Đề án đang “dàn hàng ngang” trong mọi lĩnh vực. Ý kiến của Bộ trưởng về vấn đề này?
Bộ trưởng Bùi Quang Vinh:Tái cơ cấu phải đồng bộ, toàn diện: mọi lĩnh vực, doanh nghiệp đều phải cơ cấu lại đó là nguyên tắc chung. Tuy vậy, chúng ta chọn trọng tâm, trọng điểm là các lĩnh vực sau đây:
- Tái cơ cấu hệ thống các tổ chức tín dụng,mà trọng tâm là các ngân hàng thương mại;
- Tái cơ cấu thị trường chứng khoán và các định chế tài chính;
- Tái cơ cấu đầu tư, mà trọng tâm là đầu tư công;
- Tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước,đồng thời, phát triển mạnh về quy mô và nâng cao chất lượng doanh nghiệp dân doanh;
- Tái cơ cấu ngành kinh tế và cơ cấu vùng kinh tế theo hướng cơ cấu lại các ngành sản xuất và dịch vụ phù hợp với các vùng, điều chỉnh chiến lược thị trường, tăng nhanh giá trị nội địa và giá trị gia tăng của sản phẩm.
Nhìn những hợp phần trên thì có thể thấy, rõ ràng chúng ta không chủ trương “dàn hàng ngang” tất cả các lĩnh vực. Đề án đã đặc biệt nhấn mạnh vào 3 lĩnh vực mà Đảng và Quốc hội đã xác định là cơ cấu lại đầu tư, mà trọng tâm là đầu tư công; Cơ cấu lại thị trường tài chính, mà trọng tâm là tái cơ cấu hệ thống ngân hàng, các tổ chức tài chính; Cơ cấu lại doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế, trong đó trọng tâm là các doanh nghiệp nhà nước (DNNN). Trong đó, tái cơ cấu hệ thống các tổ chức tín dụng và thị trường chứng khoán là nhiệm vụ đầu tiên phải thực hiện của quá trình tái cơ cấu kinh tế.
Tái cơ cấu đầu tư,về bản chất,là đổi mới căn bản cơ chế và cách thức huy động, phân bố, quản lý và sử dụng vốn đầu tư xã hộinói chng, của ngân sách nhà nước nói riêng.
Tái cơ cấu DNNN phải được thực hiện đồng thời trên ba nội dung sau đây: (1) Sắp xếp, phân loại, cơ cấu lại danh mục đầu tư và ngành nghề kinh doanh, tập trung vào các ngành nghề kinh doanh chính, cổ phần hóa, đa dạng hóa sở hữu các DNNN mà Nhà nước không cần nắm giữ 100%vốn; (2) Đổi mới, phát triển và áp dụng khung quản trị hiện đại theo thông lệ quốc tế đối với các tập đoàn, tổng công ty nhà nước; (3) Thay đổi các điều kiện kinh doanh bên ngoài để áp đặt đầy đủ kỷ cương nhà nước và kỷ luật thị trường, buộc các DNNN hoạt động theo cơ chế thị trường và cạnh tranh bình đẳng như các DN khác.
Cùng với đó là tái cơ cấu ngành và vùng kinh tế. Hai nhiệm vụ nàyluôn gắn kết và đi liền với nhau. Bởi vì, tái cơ cấu kinh tế ngành luôn được thực hiện trên một địa bàn cụ thể và phải phù hợp lợi thế và điều kiện cụ thể của vùng đó.
Tái cơ cấu ngành kinh tế và vùng kinh tế là nhân tố chính vừa trực tiếp cải thiện hiệu quả phân bố của nền kinh tế, vừa thúc đẩy hình thành cơ cấu kinh tế năng động và linh hoạt hơn, có năng lực cạnh tranh và tiềm năng phát triển cao hơn, nhờ đó, nâng cấp được trình độ phát triển và vị thế của nền kinh tế nước ta trong xu thế hội nhập ngày càng sâu với kinh tế thế giới.
Các bộ phận này liên quan và kết nối với nhau thành hệ thống, phối hợp và bổ sung cho nhau, cùng tác động theo hướng liên tục và không ngừng nâng cao hiệu quả kỷ thuật và hiệu quả phân bố của nền kinh tế. Qua đó, hình thành cơ cấu kinh tế(trước hết là cơ cấu ngành và vùng kinh tế) năng động và hợp lý hơn, có năng lực cạnh tranh và tiềm năng phát triển cao hơn.
PV: Vậy đâu là điểm đột phá, thưa Bộ trưởng?
Bộ trưởng Bùi Quang Vinh:Tôi xin khẳng định rằng, Đề án tổng thể tái cơ cấu nền kinh tế bản thân nó cũng đã là đột phá. Tuy nhiên, đây là một đề án rộng. Điều này đã thể hiện ngay từ cái tên của Đề án. Bởi, phạm vi điều chỉnh của Đề án rộng nên việc xác định điểm đột phá theo cách tiếp cận truyền thống cũng không dễ. Chính vì thế, khi xây dựng Đề án, cơ quan soạn thảo xác định đây là Đề án tổng thể mang tính nguyên tắc, định hướng, nhưng vẫn nhấn mạnh vào 3 mũi trọng tâm, bức xúc nhất của nền kinh tế như đã nói ở trên.
Đề án xây dựng khung định hướng cho các ngành, các lĩnh vực, tập trung vào 6 lĩnh vực chính, đã triển khai 3 lĩnh vực ưu tiên.
Căn cứ vào tình hình thực tế, căn cứ trên cái khung đã được thông qua này, các cơ quan chức năng sẽ xây dựng đề án tái cơ cấu riêng cho ngành, lĩnh vực mình. Từ đó, tạo thành hệ thống các Đề án tái cơ cấu.
PV: Nhưng hình như, chúng ta đang thiếu lộ trình và tiến độ của các bộ phận hợp thành này?
Bộ trưởng Bùi Quang Vinh:Đúng là cần quan tâm tiến độ của từng giai đoạn, từng lĩnh vực, hợp phần trong Đề án. Từ nay đến năm 2020 không còn nhiều thời gian nữa, chỉ có 8 năm thôi. Quãng thời gian đó quá ngắn để thực hiện Đề án tái cơ cấu này. Vì thế, cần đưa ra mục tiêu đột phá trong 8 năm (2012-2020), rồi phải tìm mục tiêu đột phá “dài hơi” hơn.
Chúng tôi cũng đã tiếp thu và đang nghiên cứu thêm để làm rõ hơn các ý kiến đóng góp ở phương diện này.
PV: Có nhiều ý kiến quan ngại về việc xác định nguồn lực để hoàn thành Đề án, còn Bộ trưởng thì sao?
Bộ trưởng Bùi Quang Vinh:Không phải vấn đề này chúng tôi không tính đến. Khi xây dựng Đề án này, chúng tôi đã hội thảo với các chuyên gia trong và ngoài Bộ (Bộ Kế hoạch và Đầu tư- PV), các ý kiến đều chỉ ra rằng việc tính tổng chi phí là hơi khó. Thực tế, nếu tính phác thảo theo GDP thì không khó, nhưng nói thật là không chính xác và không có nhiều ý nghĩa. Các đề án cụ thể có thể tính tương đối là cần bao nhiêu tiền, bao nhiêu GDP, như có đại biểu quốc hội đã nói đấy, chỉ như “tính cua trong lỗ” thôi. Bởi đây là Đề án tổng thể tái cơ cấu cả nền kinh tế, chứ không phải là gói cứu trợ của nền kinh tế để tính là cần bao nhiêu tiền, ở đâu và như thế nào?
Tái cơ cấu ở đây là phân bố lại nguồn lực, là tính sự chuyển dịch cho cả nền kinh tế nên nó đòi hỏi phải có cách tiếp cận khác chứ không phải là tính chi phí ra bao nhiều tiền. Điểm mấu chốt ở đây, theo tôi chỉ nên tính nguồn lực nói chung, và cách phân bố thế nào cho phù hợp với mục tiêu, mong muốn của chúng ta, là xây dựng nền kinh tế hiệu quả hơn, bền vững hơn, sức cạnh tranh cao hơn…
Tất nhiên, cái gì cũng có lý do của nó. Các ý kiến đưa ra đều có lý do hợp lý cả. Vì vậy, với tư cách là cơ quan soạn thảo, chúng tôi sẽ vẫn lưu ý những ý kiến này và lượng hóa một cách chi tiết nhất trong khả năng cho phép.
PV: Vậy Đề án sẽ tiếp tục được chỉnh sửa, thưa Bộ trưởng?
Bộ trưởng Bùi Quang Vinh: Đúng thế! Với tư cách là cơ quan soạn thảo, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã huy động nhân lực và vật lực để xây dựng Đề án này một cách tốt nhất. Tuy nhiên, như tôi đã khẳng định, đây là một Đề án lớn, mang tính tổng thể cao, lại được rất nhiều người chờ đợi và đặt kỳ vọng vì thế, thiếu sót là khó tránh khỏi.
Ban soạn thảo cụ thể là Bộ Kế hoạch và Đầu tư chịu trách nhiệm chính đã, đang và sẽ rất nghiêm túc, tiếp thu các ý kiến của các cơ quan, tổ chức, các chuyên gia góp ý cho Đề án. Tất nhiên, chúng tôi sẽ phải tiếp thu có chọn lọc sao cho phù hợp với điều kiện hiện nay, bối cảnh hiện nay khi Hiến pháp chưa được sửa đổi, Luật Đất đai cũng phải lùi thời gian ban hành...
Như các đồng chí thấy đấy, Dự thảo Đề án từ khi trình ra Thường vụ Quốc hội hôm 19/4 vừa rồi đến nay đã có phiên bản mới và phiên bản này cũng không phải cuối cùng. Bởi, thời gian tới, chúng tôi cũng sẽ đưa bản Đề án này ra lấy ý kiến tham vấn của các đối tác quốc tế. Sau đó, Chính phủ sẽ thảo luận lại một lần nữa mới ra bản cuối cùng để trình Quốc hội xem xét tại kỳ họp thứ 3 sẽ bắt đầu từngày 21/5/2012tới.
Tuy nhiên, tôi cũng phải khẳng định rằng, tất cả việc tiếp thu, xem xét, chỉnh sửa đều phải hướng tới mục tiêu hình thành cơ cấu kinh tế hợp lý và năng động hơn, có năng lực cạnh tranh cao hơn và có tiềm năng tăng trưởng lớn hơn, góp phần đạt được các chỉ tiêu phát triển mà Chiến lược phát triển kinh tế-xã hội 2011-2020 đã đặt ra.
Xin trân trọng cám ơn Bộ trưởng!
Phương Anh
Tạp chí Kinh tế và Dự báo, Bộ Kế hoạch và Đầu tư

    Tổng số lượt xem: 3331
  •  

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)