|
Thứ trưởng Nguyễn Chí Dũng phát biểu khai mạc Hội thảo.
Ảnh: Đức Trung (MPI Portal)
|
Giai đoạn 2000-2005, tăng trưởng kinh tế bình quân khoảng 7%/năm, giai đoạn 2006-2010 giảm xuống 6,3%/năm và giai đoạn 2011-2013 tăng trưởng nền kinh tế Việt Nam chỉ đạt được mức tăng trưởng khiêm tốn, chỉ khoảng 5,62%/năm. Năm 2012 tăng trưởng kinh tế ở mức thấp nhất trong 15 năm qua, đến năm 2013 và 3 quý đầu năm 2014 tốc độ tăng GDP đã cao hơn năm 2012. Tuy nhiên, tốc độ tăng trưởng kinh tế còn thấp do lực cầu nội địa yếu và ảnh hưởng từ khủng hoảng kinh tế thế giới. Bên cạnh đó, do kinh tế trong nước mất cân đối và kém hiệu quả, mô hình tăng trưởng dựa nhiều vào thâm dụng vốn và lao động, hiệu quả đầu tư thấp, doanh nghiệp trong nước đang trong quá trình tái cơ cấu nhưng chưa vững chắc, xuất khẩu còn dựa nhiều vào doanh nghiệp có vốn đầu từ nước ngoài, một số lĩnh vực phát triển nhanh nhưng kém bền vững như bất động sản, chứng khoán, thâm hụt ngân sách lớn, nợ xấu cao,…
Nhận thức được những khó khăn này, từ năm 2013 và đặc biệt là trong năm 2014, Chính phủ đã quyết liệt thực hiện các giải pháp đồng bộ nhằm khơi thông các nguồn vốn cho đầu tư phát triển, đẩy mạnh cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước, điều chỉnh Luật Doanh nghiệp, cải cách đầu tư công theo hướng chuyển từ xây dựng kế hoạch đầu tư hàng năm sang kế hoạch trung, dài hạn và nâng cao trách nhiệm của các cơ quan quyết định đầu tư. Đồng thời, Chính phủ cũng tái cấu trúc hệ thống tài chính ngân hàng, song song với xử lý nợ xấu, thúc đẩy tăng trưởng tín dụng... Các giải pháp đồng bộ này đã đem đến những kết quả khả quan. Cụ thể, kinh tế vĩ mô ổn định, tăng trưởng phục hồi, lãi suất ngân hàng liên tục giảm, dự trữ ngoại tệ tăng cao, thặng dư thương mại năm 2014 dự kiến đạt 1,5 tỷ USD, lĩnh vực bất động sản, xây dựng, chứng khoán... đã dần vượt qua khó khăn.
Thứ trưởng Nguyễn Chí Dũng khẳng định, Việt Nam cần có những thay đổi cơ bản phù hợp với yêu cầu phát triển mới và đón nhận những cơ hội từ hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng. Trong giai đoạn 2014-2020, Việt Nam tiếp tục thực hiện mục tiêu tổng quát của nền kinh tế là: duy trì và giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, thúc đẩy mạnh mẽ tốc độ tăng trưởng kinh tế, tạo đà phát triển bền vững nền kinh tế trong dài hạn.
Hội thảo cũng đưa ra một số mục tiêu cụ thể: đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo chiều sâu, nâng cao năng suất, chất lượng và hiệu quả cạnh tranh của nền kinh tế, từ đó thúc đẩy tăng trưởng kinh tế bền vững. Tiếp tục phát triển đồng bộ thể chế kinh tế thị trường, cơ cấu lại ngành sản xuất, dịch vụ cho phù hợp với nhu cầu tăng trưởng. Thúc đẩy cơ cấu lại doanh nghiệp, tăng cường sức cạnh tranh của sản phẩm trên thị trường quốc tế. Chú trọng đến yếu tố con người và khoa học công nghệ với vai trò là động lực chứ không chỉ là đối tượng phát triển, tận dụng tốt các cơ hội từ hội nhập kinh tế quốc tế đem lại. Đồng thời chủ động ứng phó với những thách thức, biến động trên thế giới.
|
Bà Mai Thị Thu, Giám đốc NCIF phát biểu tại Hội thảo. Ảnh: Đức Trung (MPI Portal)
|
Tại Hội thảo, Bà Mai Thị Thu, Giám đốc NCIF đã trình bày về tình hình phát triển của NCIF trong thời gian qua và định hướng phát triển trong thời gian tới. Công tác thông tin và dự báo kinh tế - xã hội đòi hỏi phải thường xuyên đổi mới, cập nhật và linh hoạt. Vì vậy, NCIF luôn chú trọng hai mục tiêu mang tính chiến lược là: xây dựng hệ thống thông tin nguồn đáp ứng cả yêu cầu về số lượng, chất lượng, trang bị cơ sở kỹ thuật hiện đại, công nghệ cao, xây dựng đội ngũ cán bộ, viên chức năng động, có chuyên môn về nghiên cứu, phân tích kinh tế, nhạy bén và có khả năng phán đoán mang tính khoa học trước những biến đổi của nền kinh tế đất nước. Bà Mai Thị Thu cho biết, định hướng phát triển của NCIF trong 3-5 năm tới tiếp tục xây dựng hệ thống thông tin phục vụ phân tích, dự báo và cảnh báo kinh tế - xã hội, tạo lập một số công cụ phân tích dự báo để nâng cao chất lượng dự báo, cung cấp luận cứ khoa học phục vụ lập và điều hành kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, tổ chức công tác nghiên cứu khoa học nhằm nâng cao chất lượng công tác thông tin, phân tích dự báo kinh tế - xã hội, từng bước phát triển các hoạt động dịch vụ, xây dựng và phát triển mạng lưới thư viện chuyên ngành kinh tế - xã hội. NCIF sẽ phát triển mạng lưới chuyên gia, hợp tác với các nhà khoa học, nhà quản lý, tạo kênh tham vấn chính sách, môi trường làm việc dân chủ, khoa học, phát huy sáng tạo của từng cá nhân.
Tại Hội thảo các đại biểu đã lắng nghe các nghiên cứu và trao đổi của các diễn giả, các đại biểu nhằm đưa ra những gợi ý, đề xuất để thúc đẩy kinh tế vượt qua những khó khăn trong giai đoạn phát triển mới. Các đại biểu đã đề cập đến những vấn đề đang được quan tâm như triển vọng tăng trưởng, chuyển dịch cơ cấu, quá trình hội nhập và một số động lực tăng trưởng.
|
PGS.TS. Đỗ Văn Thành, Phó Giám đốc, NCIF trình bày tại Hội thảo. Ảnh: Đức Trung (MPI Portal)
|
PGS.TS. Đỗ Văn Thành, Phó Giám đốc, NCIF trình bày báo cáo “Triển vọng kinh tế Việt Nam đến năm 2025”. Ông cho biết, theo kết quả phân tích và dự báo của NCIF: kinh tế thế giới giai đoạn 2014-2015 được dự báo nhiều khả năng phát triển tốt hơn giai đoạn 2011- 2013 trước đó. Giai đoạn 2016-2020, kinh tế toàn cầu được dự báo sẽ tiếp tục hồi phục tốt hơn các giai đoạn trước nhờ những phục hồi đáng kể của các nền kinh tế chính như Mỹ, EU, Trung Quốc, Nhật Bản, Đức. Hiện nền kinh tế trong nước tiếp tục gặp phải những khó khăn trong quá trình cải cách kinh tế và chuyển đổi mô hình tăng trưởng. Vì vậy, tuy có những lợi thế nhất định từ việc thúc đẩy hội nhập quốc tế nhưng khả năng tận dụng những cơ hội này vẫn chưa được như kỳ vọng. Khi nền kinh tế thế giới ổn định, cải cách nền kinh tế Việt Nam tăng trưởng, đồng thời, những cơ hội từ hội nhập kinh tế sẽ được tận dụng tốt hơn, nguồn vốn được sử dụng hiệu quả hơn. Do vậy, GDP cũng sẽ khó cao như mong đợi, những chi phí trong quá trình chuyển sang mô hình tăng trưởng mới sẽ là bước đệm quan trọng để giúp duy trì phát triển dài hạn.
|
Bà Nguyễn Thị Cẩm Vân, Đại học Kinh tế Quốc dân phát biểu tại Hội thảo. Ảnh: Đức Trung (MPI Portal)
|
Cũng tại Hội thảo, bà Nguyễn Thị Cẩm Vân, Đại học Kinh tế Quốc dân nêu rõ mối quan hệ giữa chuyển dịch cơ cấu ngành kinh tế và tăng trưởng kinh tế Việt Nam. Nghiên cứu này cho thấy, sự chuyển dịch cơ cấu ngành diễn ra theo hướng giảm tỷ trọng đóng góp của các ngành sơ cấp, tăng tỷ trọng đóng góp của các ngành chế tác vào tăng trưởng tổng giá trị sản xuất của nền kinh tế. Ngành chế tác không chỉ đóng vai trò ngày càng quan trọng đối với tăng trưởng mà cơ cấu nội bộ ngành chế tác cũng có sự chuyển dịch tích cực từ các ngành thâm dụng lao động đến các ngành thâm dụng vốn. Các kết quả nghiên cứu chỉ ra rằng tăng trưởng kinh tế và thay đổi cơ cấu ở Việt Nam được thúc đẩy bởi sự dịch chuyển trong tiêu dùng, thương mại, và những thay đổi trong mối quan hệ giữa các ngành. Bên cạnh đó, chuyển dịch cơ cấu ngành có quan hệ chặt chẽ với tăng trưởng kinh tế ở Việt Nam thời kỳ 1989-2011, đồng thời mức tăng trưởng kinh tế đạt được chủ yếu là do sự mở rộng các yếu tố đầu vào và sự chuyển dịch cơ cấu ngành kinh tế từ các ngành có năng suất thấp sang các ngành có năng suất cao.
Nhóm nghiên cứu “Đánh giá tiến trình hội nhập kinh tế của Việt Nam đến năm 2025” đã đưa ra một vài nét về những viễn cảnh có thể xảy ra trong vòng 10 năm nữa với sự hình thành của thế giới đa cực, đa dạng hóa dân số và những bước tiến vượt bậc của công nghệ hiện đại bên cạnh những tiềm năng xung đột có thể xảy ra, phá vỡ tình hình ổn định của nền kinh tế thế giới. Việt Nam có nguồn lao động dồi dào, tuy nhiên trong công cuộc hội nhập kinh tế quốc tế và tăng cường năng lực cạnh tranh với các nền kinh tế khác trên thế giới, lợi thế này không còn phát huy được sức hút trong thời gian tới. Kết quả nghiên cứu định lượng cho thấy, các biến về GDP, FDI và dân số đều có ảnh hưởng tích cực lên kim ngạch xuất khẩu. Ngoài ra, việc tham gia vào các hiệp định thương mại cũng rất cần thiết để gia tăng kim ngạch xuất khẩu nói chung và tăng cường phát triển kinh tế quốc tế nói riêng. Đặc biệt, đối với Việt Nam, việc tham gia vào các hiệp định thương mại song phương cũng như đa phương sẽ mở ra nhiều cơ hội lớn để tăng cường trao đổi thương mại với các quốc gia khác cũng như nắm bắt được những cơ hội củng cố năng lực cạnh tranhvà cải thiện những yếu điểm đang còn kìm hãm sự phát triển kinh tế.
|
Ảnh: Đức Trung (MPI Portal)
|
Nghiên cứu “Chất lượng lao động chuyên môn kỹ thuật trình độ cao đáp ứng yêu cầu chuyển đổi mô hình tăng trưởng ở Việt Nam” cho thấy năng suất lao động xã hội của Việt Nam thấp, sức cạnh tranh của nền kinh tế rất yếu trong quá trình hội nhập. Nguyên nhân chủ yếu do chưa có lực lượng lao động chuyên môn kỹ thuật trình độ cao với cơ cấu và chất lượng phù hợp, chưa có cơ chế sử dụng hợp lý để đảm bảo lực lượng này làm trụ cột dẫn dắt nền kinh tế phát triển đúng hướng, cạnh tranh và hiệu quả.
Trong phạm vi báo cáo “Doanh nghiệp tư nhân - Động lực tăng trưởng trong nền kinh tế thị trường”, nhóm nghiên cứu đã nêu lên những đóng góp của khu vực doanh nghiệp tư nhân trong tổng thể nền kinh tế, đồng thời xem xét tác động lan tỏa từ khu vực này trong sự so sánh với các khu vực doanh nghiệp khác, để thấy được vai trò của doanh nghiệp tư nhân trong phát triển kinh tế. Kết quả nghiên cứu chỉ ra rằng mặc dù nhận được rất ít sự hỗ trợ, ưu đãi từ phía Nhà nước, thậm chí còn gánh chịu những định kiến về kinh tế tư nhân, nhưng khu vực doanh nghiệp tư nhân có hiệu quả hoạt động tốt hơn doanh nghiệp nhà nước và doanh nghiệp FDI, đồng thời độ lan tỏa từ đầu tư của khu vực tư nhân tới giá trị sản xuất và giá trị gia tăng cao hơn so với hai khu vực còn lại. Thêm vào đó, tốc độ tăng trưởng ổn định trong suốt thời gian qua, kể cả giai đoạn khủng hoảng đã phần nào minh chứng cho tính bền vững của khu vực doanh nghiệp này.
Hội thảo “Kinh tế Việt Nam đến 2025: Cơ hội và Thách thức” mang lại những ý tưởng hữu ích trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội. Trên tinh thần đó, Hội thảo là diễn đàn để các chuyên gia, các nhà khoa học và các nhà quản lý cùng nhau trao đổi, thảo luận đưa ra nguồn thông tin, ý tưởng hữu ích cho quá trình xây dựng Kế hoạch Phát triển Kinh tế - Xã hội 5 năm giai đoạn 2016-2020, phục vụ Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII và những định hướng chiến lược cho giai đoạn tiếp theo./.