Skip Ribbon Commands
Skip to main content
Ngày 22/12/2020-10:59:00 AM
Chính phủ Việt Nam luôn đồng hành, sát cánh với cộng đồng doanh nghiệp
(MPI) - Tại Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam 2020 diễn ra ngày 22/12/2020, các Hiệp hội doanh nghiệp và các nhóm công tác của Diễn đàn đã có những ý kiến tham luận và kiến nghị rất xác đáng và tâm huyết đối với các cơ quan Chính phủ, trong đó tập trung vào một số vấn đề về cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh và phát triển doanh nghiệp; điện và năng lượng; cơ sở hạ tầng; thuế và hải quan; giáo dục và đào tạo; du lịch;…

Theo các ý kiến đánh giá, năm 2020 là năm cộng đồng doanh nghiệp phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức vô cùng to lớn. Dịch bệnh Covid-19 lây lan trên quy mô toàn cầu, thương chiến Mỹ-Trung có nhiều diễn biến phức tạp, cùng những thiệt hại to lớn do thiên tai xảy ra, đặc biệt là ở suốt dải miền Trung… đã ảnh hưởng lớn tới hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp.

Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam Vũ Tiến Lộc, đồng Chủ tịch VBF phát biểu tại Diễn đàn. Ảnh: MPI

Phát biểu tại Diễn đàn, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam Vũ Tiến Lộc, đồng Chủ tịch VBF cho rằng, trong bối cảnh dịch bệnh, thiên tai và sự suy giảm của nền kinh tế thế giới, năm 2020 với Việt Nam vẫn là một năm thành công, là kết quả của những nỗ lực kiên trì, không mệt mỏi của Nhà nước từ đầu năm đến nay trong việc khôi phục hoạt động sản xuất kinh doanh và tạo thuận lợi cho sự phát triển của cộng đồng doanh nghiệp.

Nhiều cơ hội mới đã được mở ra với cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam như Hiệp định Thương mại Tự do (EVFTA) và Hiệp định Bảo hộ đầu tư (EVIPA) giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu, Hiệp định Đối tác Kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) và gần đây nhất là kết thúc đàm phán Hiệp định Thương mại tự do (FTA) Việt Nam - Vương quốc Anh và Thỏa thuận cộng gộp xuất xứ dệt may Việt Nam - Hàn Quốc … Về thể chế, Quốc hội Việt Nam đã thông qua một số luật quan trọng, theo hướng thông thoáng hơn, như Luật Doanh nghiệp (sửa đổi), Luật Đầu tư (sửa đổi), Luật Xây dựng (sửa đổi), Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư…

Về cải cách thủ tục hành chính, ngay từ đầu năm, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 02 về tiếp tục cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực kinh doanh với nhiều giải pháp cụ thể. Cải cách thủ tục hành chính và ứng dụng công nghệ thông tin trong giải quyết thủ tục hành chính được đẩy mạnh tích hợp số thủ tục hành chính mới lên Cổng dịch vụ Công quốc gia. Chính phủ đã tiếp tục thúc đẩy chương trình rà soát và đơn giản hoá điều kiện kinh doanh với trọng tâm cải cách các quy định về kinh doanh và gỡ bỏ chồng chéo xung đột. Đặc biệt vào tháng 5/2020, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 68 về cắt giảm, đơn giản hóa quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh giai đoạn 2020 - 2025, với mục tiêu rất cụ thể là giảm 20% số quy định và 20% chi phí tuân thủ quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh. Cùng với đó là việc thành lập Tổ công tác đầu tư nước ngoài…

Những thành công kinh tế đã nêu cũng chính là nhờ kết quả của sự cố gắng vượt bậc của các doanh nghiệp Việt Nam trong bối cảnh khó khăn chưa từng có. Nhiều doanh nghiệp đã chủ động lên kịch bản để ứng phó với khó khăn, rất nỗ lực duy trì sản xuất, chủ động nguồn nguyên liệu, thay đổi sản phẩm để tồn tại. Các doanh nghiệp đều cố gắng có đơn hàng dù nhỏ để bảo đảm cho người lao động có việc làm, có thu nhập.

Ông Vũ Tiễn Lộc cho biết, nhiều dự báo cho thấy năm 2021 vẫn là năm kinh tế thế giới vẫn gặp nhiều khó khăn và Việt Nam không là ngoại lệ. Cộng đồng doanh nghiệp kỳ vọng Chính phủ có các biện pháp cụ thể và nhanh chóng để giải quyết ngay các nút thắt đang cản trở doanh nghiệp tận dụng các cơ hội hội nhập từ các FTA nói chung và từ EVFTA nói riêng để phục hồi từ COVID-19 và tiếp tục phát triển.

Về nguồn nhân lực, đề nghị xây dựng và thực hiện các Chương trình đào tạo công nhân kỹ thuật chuyên sâu, bài bản trong những ngành công nghiệp kỹ thuật phụ trợ cần thiết nhất hiện nay. Theo đó, cần phải có các Chương trình đào tạo kỹ năng cụ thể, cho từng ngành nghề, lĩnh vực công nghiệp kỹ thuật phụ trợ cụ thể thuộc các chuỗi giá trị trọng điểm và nằm trong chiến lược cụ thể thu hút các chuỗi FDI chuyển dịch. Cần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực dựa trên các đánh giá khoa học và dự báo được về những thay đổi của thị trường lao động việc làm trong 5-10 năm tới.

Về cơ sở hạ tầng, chỉ đạo tập trung triển khai hiệu quả Luật PPP và Luật Đầu tư công với ưu tiên cho lĩnh vực cơ sở hạ tầng giao thông và các dự án đang triển khai dở dang. Đảm bảo sự kết nối các khu vực sản xuất trọng điểm (nông nghiệp, công nghiệp) đến các cửa khẩu quốc tế. Tại các cửa khẩu quốc tế trọng điểm, đầu tư hoặc kêu gọi đầu tư phát triển, nâng cấp hệ thống logistics cần thiết, đặc biệt đối với các cửa khẩu đầu mối cho các hàng hóa đặc thù (dễ bị hư hỏng, cần bảo quản đặc biệt…).

Về nâng cao năng lực cạnh tranh của sản phẩm, mặc dù đây là công việc của từng doanh nghiệp, cộng đồng doanh nghiệp kỳ vọng Chính phủ có thể hỗ trợ doanh nghiệp trong vấn đề này.

Cùng với đó, để tạo thuận lợi cho doanh nghiệp phục hồi và phát triển trong thời gian tới, cộng đồng doanh nghiệp đang kỳ vọng Chính phủ tiếp tục đẩy mạnh cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, với trọng tâm là cải cách về thủ tục hành chính, điều kiện kinh doanh, cắt giảm chi phí cho doanh nghiệp. Theo đó, tập trung cải cách một số lĩnh vực thủ tục hành chính còn nhiều phiền hà. Triển khai thực chất việc xây dựng Chính quyền điện tử, trong đó cần ứng dụng rộng rãi công nghệ thông tin trong giải quyết thủ tục hành chính, tăng số dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 và mức độ 4. Hướng tới việc tạo lập và kết nối liên thông giữa các cơ quan quản lý nhà nước cơ sở dữ liệu doanh nghiệp để đảm bảo công tác quản lý nhà nước đối với doanh nghiệp thực hiện một cách thống nhất, đồng bộ.

Đồng thời, tiếp tục đẩy mạnh cải cách quy định về điều kiện kinh doanh. Cộng đồng doanh nghiệp đang kỳ vọng việc các bộ ngành và chính quyền các địa phương thực thi đầy đủ, nghiêm túc Nghị quyết 68 của Chính phủ, trọng tâm cắt giảm gánh nặng chi phí tuân thủ cho doanh nghiệp. Tiếp tục giảm thiểu gánh nặng thanh, kiểm tra doanh nghiệp, theo hướng áp dụng nguyên tắc quản lý rủi ro trong thực hiện thanh tra kiểm tra. Cải cách mạnh mẽ hơn về kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hoá xuất nhập khẩu.

Xây dựng và triển khai hiệu quả, thực chất các chương trình hỗ trợ doanh nghiệp, tập trung vào đối tượng doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa, chủ động nghiên cứu và cung cấp thông tin cho các doanh nghiệp về tiếp cận thị trường, tiếp cận vốn, thông tin thị trường lao động. Tạo thuận lợi cho việc tiếp cận các chương trình hỗ trợ doanh nghiệp gặp khó khăn do dịch Covid-19…

Đồng Chủ tịch Liên minh VBF Hong Sun phát biểu tại Diễn đàn. Ảnh: MPI

Phát biểu tại Diễn đàn, ông Hong Sun, đồng Chủ tịch Liên minh VBF nhấn mạnh, năm 2020 là năm đặc biệt khó khăn đối với cộng đồng doanh nghiệp do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, tuy nhiên, Chính phủ Việt Nam đã có những hành động nhanh chóng, quyết liệt, kiểm soát dịch bệnh thành công. Điều này càng khẳng định, Việt Nam là điểm đến an toàn cho các nhà đầu tư. Chính phủ Việt Nam đã luôn đồng hành, sát cánh với cộng đồng doanh nghiệp và ban hành kịp thời các chính sách giúp tháo gỡ vướng mắc, khôi phục sản xuất kinh doanh cho doanh nghiệp.

Trong quá trình thảo luận, đại diện các bộ, ngành cũng đã có những ý kiến phản hồi và trao đổi cụ thể, chi tiết, qua đó làm rõ hơn các nội dung mà các bên cùng quan tâm, đặt ra yêu cầu cần tăng cường hợp tác chặt chẽ hơn nữa giữa Chính phủ và cộng đồng doanh nghiệp, đặc biệt là khu vực đầu tư nước ngoài để nâng cao hiệu quả hợp tác về đầu tư nước ngoài./.

Tùng Linh
Bộ Kế hoạch và Đầu tư

    Tổng số lượt xem: 442
  •  

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)