(MPI) – Ngày 10/02/2021, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 19/NQ-CP về phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 01 năm 2021.
|
Ảnh minh họa. Nguồn: MPI
|
Theo Nghị quyết, kinh tế vĩ mô tiếp tục ổn định; lạm phát được kiểm soát trong khi nhu cầu tiêu dùng tăng. Thị trường tiền tệ tương đối ổn định; mặt bằng lãi suất tiếp tục xu hướng giảm, góp phần hỗ trợ doanh nghiệp vay vốn để phục hồi và phát triển sản xuất, kinh doanh. Thu ngân sách nhà nước của hầu hết các địa phương bảo đảm tiến độ thực hiện dự toán mà Quốc hội giao. Xuất nhập khẩu duy trì mức tăng trưởng ấn tượng, đạt 54,1 tỷ USD, tăng 45,7% so với cùng kỳ năm 2020; trong đó xuất siêu 1,3 tỷ USD. Giải ngân vốn đầu tư công đạt kết quả nổi bật; giải ngân năm 2020 đạt 452,4 nghìn tỷ đồng, bằng 96,13% kế hoạch, cao nhất trong nhiều năm trở lại đây; giải ngân tháng 01 bằng 3,25% kế hoạch năm 2021; các bộ, cơ quan, địa phương đã giao chi tiết vốn kế hoạch năm 2021 đạt 89%. Chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp tăng 22,2%, trong đó ngành chế biến, chế tạo đạt 27,2%. Sản xuất nông nghiệp duy trì ổn định, đáp ứng tốt nhu cầu tiêu dùng lương thực, thực phẩm của người dân và xuất khẩu.
Trước sự xuất hiện các ca nhiễm Covid-19 biến thể mới trong cộng đồng tại một số địa phương, với tinh thần hành động thần tốc, “chống dịch như chống giặc”, nhiều cơ quan, đơn vị, lực lượng chức năng và các địa phương, nhất là các địa phương xuất hiện ổ dịch đã khẩn trương, trách nhiệm triển khai quyết liệt, đồng bộ các biện pháp phòng, chống dịch hiệu quả với quyết tâm nhanh chóng ngăn chặn dịch bệnh lây lan, coi đây là nhiệm vụ chính trị quan trọng nhất của các cấp, các ngành và cả hệ thống chính trị.
Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các bộ, cơ quan, địa phương theo dõi sát tình hình, chủ động xây dựng các kịch bản, tình huống, chuẩn bị mọi phương án và các biện pháp phù hợp để sẵn sàng ứng phó kịp thời, hiệu quả, bảo đảm phát hiện nhanh, hành động quyết liệt hơn để dập dịch triệt để trong thời gian ngắn nhất, kiên quyết không để dịch bệnh xâm nhập, lan rộng. Tiếp tục thực hiện nghiêm các chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Chỉ thị số 05/CT-TTg ngày 28/01/2021 của Thủ tướng Chính phủ và Thông báo số 22/TB-VPCP ngày 30/01/2021 của Văn phòng Chính phủ về các biện pháp cấp bách phòng, chống dịch Covid-19; các biện pháp chống dịch theo chỉ đạo của Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch Covid-19 và hướng dẫn của Bộ Y tế.
Các địa phương tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy đảng, chính quyền, người đứng đầu địa phương, đơn vị trong công tác phòng, chống dịch, chịu trách nhiệm về công tác này trên địa bàn, trong đó ưu tiên thực hiện phương châm 4 tại chỗ, chủ động các phương án ứng phó với các cấp độ của dịch; rà soát kỹ các trường hợp đi về từ vùng dịch; mở rộng xét nghiệm, phát hiện sớm ca lây nhiễm để khoanh vùng, dập dịch kịp thời, không để lây lan trên diện rộng; bắt buộc đeo khẩu trang nơi công cộng; không tập trung đông người.
Về nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, từng bộ, ngành, địa phương khẩn trương quán triệt, triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng; chỉ đạo quyết liệt, triển khai kịp thời chương trình hành động thực hiện đồng bộ, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp đã đề ra tại Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 01/01/2021 của Chính phủ về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách năm 2021, kiên định thực hiện "mục tiêu kép", phấn đấu đạt và vượt các mục tiêu, chỉ tiêu của Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2021, tạo tiền đề cho việc hoàn thành các mục tiêu, chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021-2025 và 10 năm 2021-2030.
Các bộ, ngành, địa phương tập trung triển khai các giải pháp thúc đẩy tăng trưởng, trong đó thúc đẩy ba không gian kinh tế trong bối cảnh hiện nay, đó là: kinh tế trong nước với thị trường gần 100 triệu dân; kinh tế quốc tế với việc khai thác tối đa tiềm năng, lợi thế của các hiệp định thương mại tự do (FTA) đã ký kết; kinh tế số, đẩy mạnh đổi mới sáng tạo, ứng dụng khoa học công nghệ, chuyển đổi số trong doanh nghiệp, phấn đấu đưa Việt Nam trở thành một trong những trung tâm sản xuất ứng dụng công nghệ cao trong khu vực và thế giới để thu hút mạnh mẽ đầu tư. Tiếp tục hoàn thiện, nâng cao chất lượng thể chế, cải cách mạnh mẽ, thực chất hơn nữa thủ tục hành chính, tạo môi trường đầu tư kinh doanh thông thoáng, thuận lợi, tận dụng thời cơ thu hút các dòng vốn đầu tư, nhất là những tập đoàn công nghệ lớn; thúc đẩy doanh nghiệp khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo. Quan tâm tạo điều kiện, hỗ trợ, phát triển doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp tư nhân, tập đoàn kinh tế nhà nước đang gặp khó khăn. Tập trung hoàn thiện, triển khai các đề án lớn về kinh tế chia sẻ, kinh tế ban đêm, trung tâm tài chính quốc tế tại các thành phố lớn. Chú trọng triển khai các Nghị quyết của Chính phủ về giải pháp, nhiệm vụ thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công, trong đó có vốn ODA; thường xuyên kiểm điểm, đánh giá tình hình thực hiện.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính, Bộ Công thương, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và các cơ quan liên quan nghiên cứu, đề xuất các chính sách tiếp tục hỗ trợ người dân và doanh nghiệp gặp khó khăn do đại dịch Covid-19. Bộ Kế hoạch và Đầu tư cùng các bộ, ngành liên quan nghiên cứu, cập nhật các xu thế, các mô hình kinh tế mới, chính sách và chiến lược của các nước có tác động lớn đến nước ta; khẩn trương hoàn thiện Đề án nâng cao năng lực nội tại và tính tự chủ của nền kinh tế, báo cáo Chính phủ. Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xem xét, báo cáo Chính phủ về việc giảm số tiền ký quỹ của doanh nghiệp lữ hành.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính rà soát, tổng hợp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định việc kéo dài thời gian thực hiện và giải ngân kế hoạch đầu tư vốn ngân sách trung ương năm 2019 đến ngày 31/12/2021 trên cơ sở đề xuất của các bộ, cơ quan trung ương và địa phương theo quy định.
Thành lập Tổ công tác đặc biệt do Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng làm Tổ trưởng, thành phần gồm lãnh đạo các Bộ: Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Tư pháp và một số cơ quan liên quan, Bộ Kế hoạch và Đầu tư là cơ quan thường trực nhằm rà soát, tháo gỡ khó khăn cho các dự án đầu tư, sản xuất kinh doanh gặp vướng mắc trong thời gian dài tại các bộ, ngành, địa phương.
Bộ Công Thương chỉ đạo thực hiện đảng bộ, hiệu quả các giải pháp phát triển thị trường, kích cầu tiêu dùng hợp lý; phát triển thương mại điện tử. Chủ trì, phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn bảo đảm cung ứng đủ nhu cầu thực phẩm, phục vụ nhân dân trong dịp Tết Nguyên đán. Tập trung hỗ trợ doanh nghiệp đẩy mạnh xuất khẩu, kết nối, mở rộng thị trường, đối tác qua các nền tảng số, nền tảng thương mại điện tử lớn và các mạng phân phối nước ngoài. Giải quyết chủ động, hài hòa quan hệ thương mại với các nước, đối tác lớn. Hỗ trợ doanh nghiệp khai thác và tận dụng ưu đãi, cơ hội từ các FTA; tăng cường các biện pháp phòng vệ thương mại đối với hàng hóa nhập khẩu, hỗ trợ doanh nghiệp ứng phó với các vụ kiện phòng vệ thương mại của nước ngoài đối với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam. Tiếp tục thúc đẩy mạnh mẽ các ngành công nghiệp; hỗ trợ doanh nghiệp phát triển các kênh phân phối sản phẩm hàng hóa Việt Nam, thực hiện hiệu quả cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư và các bộ, ngành, địa phương khẩn trương thúc đẩy hoàn thành việc lập, phê duyệt các quy hoạch cấp quốc gia, quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh, quy hoạch đô thị, quy hoạch nông thôn giai đoạn 2021 - 2030 bảo đảm gắn kết chặt chẽ giữa quy hoạch phát triển ngành với quy hoạch tổng thể. Trong đó, việc xây dựng quy hoạch phát triển sơ đồ điện VIII phải bảo đảm minh bạch, công khai, chặt chẽ. Đồng thời, chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan liên quan khẩn trương xây dựng Chương trình hành động của Chính phủ triển khai Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII; hoàn thiện dự thảo báo cáo trình Quốc hội phê duyệt Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021-2025; xây dựng, hoàn thiện Báo cáo đánh giá bổ sung tình hình thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2020, bảo đảm chất lượng, tiến độ, trình Chính phủ.
Về kịch bản, giải pháp thúc đẩy tăng trưởng 6 tháng đầu năm 2021, Chính phủ giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư tiếp thu đầy đủ các ý kiến phát biểu tại cuộc họp, hoàn thiện kịch bản, các giải pháp và thường xuyên kiểm điểm, đánh giá thực hiện, trong đó lưu ý: tiếp tục nhất quán thực hiện mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế đồng thời thúc đẩy tăng trưởng; tiếp tục chủ động bố trí nguồn lực, triển khai các giải pháp phù hợp, tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh, hỗ trợ doanh nghiệp, người dân, người lao động bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch Covid-19.
Về báo cáo kết quả thực hiện Nghị quyết số 139/NQ-CP ngày 09/11/2018 về Chương trình hành động cắt giảm chi phí cho doanh nghiệp, Chính phủ thống nhất thông qua nội dung Báo cáo kết quả thực hiện Chương trình hành động cắt giảm chi phí cho doanh nghiệp theo Nghị quyết số 139/NQ-CP ngày 09/11/2018 của Chính phủ. Bộ Kế hoạch và Đầu tư chịu trách nhiệm về nội dung, số liệu báo cáo và thực hiện công bố Báo cáo theo quy định.
Chính phủ đồng ý đề xuất của Bộ Kế hoạch và Đầu tư về việc không ban hành Nghị quyết thay thế Nghị quyết số 139/NQ-CP ngày 09/11/2018 cho giai đoạn tiếp theo mà thực hiện lồng ghép các mục tiêu, nhiệm vụ giải pháp về cắt giảm chi phí cho doanh nghiệp vào Nghị quyết số 02/NQ-CP ngày 01/01/2021 và cho giai đoạn tiếp theo, Bộ Kế hoạch và Đầu tư chịu trách nhiệm chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan địa phương liên quan tổ chức triển khai thực hiện.
Về tình hình triển khai Nghị quyết số 17/NQ-CP ngày 17/3/2019 của Chính phủ, Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương tập trung xây dựng và triển khai các chương trình, đề án chuyển đổi số của bộ, tỉnh theo Quyết định số 749/QĐ-TTg ngày 03/6/2020 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Đẩy mạnh cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 4. Xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện các chỉ tiêu về cải cách hành chính, xây dựng Chính phủ điện tử tại Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 01/01/2021 của Chính phủ, kết nối, cung cấp, chia sẻ dữ liệu chỉ tiêu kinh tế - xã hội với Hệ thống thông tin báo cáo Chính phủ, Trung tâm thông tin, chỉ đạo điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ. Các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thực hiện kiểm tra, đối soát và cung cấp dữ liệu bảo đảm chất lượng, tiến độ theo yêu cầu tại các công văn số 7798/VPCP-KSTT ngày 18/9/2020 và số 10362/VPCP-KSTT ngày 10/12/2020 của Văn phòng Chính phủ để phục vụ sự chỉ đạo, điều hành của Chính phủ.
Các bộ, ngành, địa phương tập trung triển khai nghiêm túc, hiệu quả chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ tại Nghị định số 09/2019/NĐ-CP quy định về chế độ báo cáo; Nghị định số 45/2020/NĐ-CP về thực hiện thủ tục hành chính trên môi trường điện tử; Nghị quyết số 68/NQ-CP ban hành Chương trình cắt giảm, đơn giản hóa quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh giai đoạn 2020-2025; Quyết định số 28/2018/QĐ-TTg về việc gửi, nhận văn bản điện tử giữa các cơ quan trong hệ thống hành chính nhà nước. Theo phân công tiếp tục đẩy mạnh triển khai và hoàn thành các cơ sở dữ liệu quốc gia, nhất là cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, cơ sở dữ liệu quốc gia về đất đai./.
Minh Hậu
Bộ Kế hoạch và Đầu tư