Skip Ribbon Commands
Skip to main content
Ngày 02/03/2021-16:25:00 PM
Kết quả điều chỉnh kế hoạch đầu tư vốn ngân sách trung ương năm 2020
(MPI) - Tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 02/2021 diễn ra ngày 02/3/2021, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã có báo cáo Kết quả điều chỉnh kế hoạch đầu tư vốn ngân sách trung ương năm 2020 giữa các bộ, cơ quan trung ương và địa phương theo Nghị quyết số 122/2020/QH14 của Quốc hội.
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc chủ trì phiên họp. Ảnh: MPI
Tại Nghị quyết số 86/2019/QH14 ngày 12/11/2019 về dự toán ngân sách nhà nước năm 2020, Quốc hội khóa XIV đã thông qua tổng số vốn đầu tư phát triển nguồn ngân sách nhà nước kế hoạch năm 2020 là 470.600 tỷ đồng, trong đó: vốn trong nước: 410.600 tỷ đồng, vốn nước ngoài: 60.000 tỷ đồng; tại Nghị quyết số 952/NQ-UBTVQH14 ngày 28/5/2020, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho phép điều chỉnh kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020 và hằng năm từ Bộ Giao thông vận tải sang Ủy ban nhân dân thành phố Đà Nẵng cho Dự án nút giao thông khác mức tại nút giao thông Ngã ba Huế, thành phố Đã Nẵng.
Trong quá trình triển khai kế hoạch đầu tư công năm 2020, tại Nghị quyết số 122/2020/QH14 ngày 19/6/2020 về Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIV, Quốc hội đã giao Chính phủ trong trường hợp cần thiết, chủ động điều chỉnh kế hoạch đầu tư công vốn NSTW năm 2020 giữa các bộ, ngành, địa phương trong tổng mức vốn NSTW năm 2020 đã được Quốc hội quyết định, bảo đảm việc sử dụng vốn đầu tư công tiết kiệm, hiệu quả, tránh lãng phí vốn, nhất là đối với các dự án chậm triển khai, kém hiệu quả và báo cáo Quốc hội về việc điều chỉnh này tại Kỳ họp thứ 11, Quốc hội khóa XIV.
Thực hiện Nghị quyết số 122/2020/2014 của Quốc hội, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 129/NQ-CP ngày 11/9/2020 về Phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 8/2020, trong đó đã giao Thủ tướng Chính phủ điều chỉnh kế hoạch đầu tư vốn NSTW năm 2020 giữa các bộ, cơ quan trung ương và địa phương. Trên cơ sở đề nghị của các bộ, cơ quan trung ương và địa phương, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã trình Thủ tướng Chính phủ ban hành 03 Quyết định điều chỉnh kế hoạch đầu tư vốn NSTW năm 2020 giữa các bộ, cơ quan trung ương và địa phương (Quyết định số 1638/QĐ-TTg ngày 23/10/2020, Quyết định số 1691/QĐ-TTg ngày 29/10/2020 và Quyết định số 2260/QĐ-TTg ngày 30/12/2020).
Thực hiện các Nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ và chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, các bộ, cơ quan trung ương và địa phương nêu trên căn cứ vào tình hình thực tế giải ngân của dự án đã có văn bản đề xuất trả lại kế hoạch đầu tư vốn NSTW năm 2020 để điều chỉnh cho các bộ, cơ quan trung ương và địa phương khác. Việc điều chỉnh tăng kế hoạch đầu tư vốn NSTW năm 2020 cho các địa phương để thực hiện dự án đảm bảo nguyên tắc: Dự án có thể giải ngân được ngay sau khi cấp có thẩm quyền giao kế hoạch. Ưu tiên dự án có trong danh mục kế hoạch đầu tư công trung hạn vốn NSTW giai đoạn 2016-2020, dự án chưa có trong trung hạn phải là những dự án khẩn cấp, gia cố hệ thống đê xung yếu, xử lý sạt lở bờ sông, bờ biển, phòng, tránh, khắc phục hậu quả thiên tai. Ưu tiên các tỉnh bị ảnh hưởng bão, lũ trong thời gian vừa qua.
Việc bố trí vốn cho các dự án bảo đảm theo quy định tại Nghị quyết số 84/2019/QH14 ngày 14/6/2019 về Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XIV; các bộ, cơ quan trung ương và địa phương chịu trách nhiệm phê duyệt dự án theo đúng quy định.
Việc các bộ, cơ quan trung ương và địa phương đề nghị giảm kế hoạch đầu tư vốn nước ngoài nguồn NSTW năm 2020 khá lớn do cả nguyên nhân khách quan và chủ quan. Về khách quan, các dự án sử dụng vốn vay ODA, vay ưu đãi nước ngoài chịu tác động của đại dịch Covid-19 nặng nề hơn so với các dự án trong nước do hầu hết các hoạt động đều gắn với yếu tố nước ngoài từ khâu nhập máy móc, thiết bị cho đến huy động chuyên gia, nhân công, nhà thầu nước ngoài, tư vấn giám sát, thống nhất với nhà tài trợ đối với từng hoạt động và kế hoạch của dự án,...
Theo Báo cáo, sau khi Quốc hội giao Chính phủ chủ động điều chỉnh kế hoạch đầu tư vốn NSTW năm 2020 giữa các bộ, cơ quan trung ương và địa phương, từ dự án giải ngân thấp sang dự án có khả năng giải ngân cao cùng với việc triển khai quyết liệt, có hiệu quả các giải pháp thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công năm 2020 đã được Quốc hội, Chính phủ đề ra ngay từ đầu năm và trong quá trình triển khai kế hoạch đã đem lại kết quả tích cực. Năm 2020 là năm có tốc độ giải ngân cao nhất trong giai đoạn 2016-2020, đạt 97,46% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao (cùng kỳ năm 2019 đạt 76,75% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao).
Bên cạnh đó, các cấp, các ngành từ trung ương đến địa phương, cơ sở đã nhận thức và quán triệt các yêu cầu tăng cường quản lý đầu tư phát triển theo quy định của Luật Đầu tư công trong tất cả các khâu, từ quy hoạch, kế hoạch, chuẩn bị đầu tư, thẩm định quyết định đầu tư, bố trí vốn, đến triển khai, giám sát thực hiện, kiểm toán, quyết toán,...
Thực hiện nghiêm các Nghị quyết của Quốc hội, Ủy ban thường vụ Quốc hội và chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, bố trí vốn theo đúng các nguyên tắc, tiêu chí, định mức quy định. Công tác rà soát, thẩm định dự án, trong đó có thẩm định về nguồn vốn và khả năng cân đối vốn được chú trọng hơn trước. Hầu hết các dự án được triển khai thực hiện có đầy đủ các thủ tục đầu tư theo quy định của pháp luật. Các bộ, cơ quan trung ương và địa phương đã có sự phối hợp chặt chẽ hơn để giải quyết các vướng mắc trong quá trình xây dựng và tổng hợp kế hoạch đầu tư.
Quá trình phân bổ vốn được phân định rõ trách nhiệm, quyền hạn tạo quyền chủ động của các bộ, cơ quan trung ương và địa phương và được thực hiện một cách công khai, minh bạch. Theo đó, Thủ tướng Chính phủ chỉ giao tổng số vốn đã được Quốc hội thông qua; các bộ, cơ quan trung ương và địa phương có toàn quyền lựa chọn danh mục và mức vốn bố trí vốn cho từng dự án cụ thể./.
Thúy Quyên
Bộ Kế hoạch và Đầu tư

  • Tổng số lượt xem: 1066
  •  

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)