Skip Ribbon Commands
Skip to main content
Ngày 28/01/2021-10:46:00 AM
Tiền đề tin cậy xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội trong tương lai

Đại biểu Lê Ánh Dương, Phó Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang. Ảnh: VGP/Nhật Bắc
Nền tảng kinh tế-xã hội của đất nước đạt được trong 5 năm qua cùng với 35 năm đổi mới là kết quả, thành tựu to lớn và có ý nghĩa lịch sử. Cơ sở đó là một trong những tiền đề, đủ độ tin cậy để chúng ta xây dựng các kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội giai đoạn tiếp theo.

Bên lề Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng Cộng sản Việt Nam, ngày 27/1, Báo Điện tử Chính phủ trao đổi với các đại biểu về kết quả phát triển kinh tế-xã hội cũng như giải pháp, phương hướng trong nhiệm kỳ tiếp theo và xa hơn nữa, được Báo cáo chính trị trình Đại hội XIII đưa ra.

Việt Nam đã đạt được những thành tựu toàn diện, to lớn và quan trọng

Đại biểu Lê Ánh Dương, Phó Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang nhấn mạnh: Sau 35 năm thực hiện công cuộc đổi mới dưới sự lãnh đạo của Đảng, Việt Nam đã đạt được những thành tựu toàn diện, to lớn và quan trọng. Đất nước đã thoát khỏi khủng hoảng kinh tế-xã hội và tình trạng kém phát triển, trở thành nước đang phát triển có thu nhập trung bình, đang đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế.

“Đây là những thành tựu có ý nghĩa to lớn và có ý nghĩa lịch sử với đất nước ta trong 35 năm đổi mới, mở ra một giai đoạn phát triển mới để đưa đất nước ta bước sang một giai đoạn phát triển như Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã nói: Chúng ta hướng tới khát vọng để xây dựng một đất nước Việt Nam hùng mạnh, đem lại hạnh phúc, ấm no cho nhân dân. Chúng tôi rất tâm đắc rằng khát vọng phát triển này đã lan toả đến tất cả các đại biểu tham dự Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII”, Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang Lê Ánh Dương nói.

Đại biểu Nguyễn Văn Hoà, Chủ tịch HĐND tỉnh Kon Tum nhận định những giải pháp của Đại hội lần này đưa ra sát với điều kiện cụ thể và khả năng của đất nước ta. “Tôi hy vọng và tin rằng những giải pháp ấy sẽ trở thành hiện thực trong tương lai gần, đặc biệt là năm 2045, Việt Nam chúng ta sẽ trở thành một nước hiện đại và phát triển”, ông Nguyễn Văn Hoà tin tưởng.

Nền tảng chúng ta đã đạt được về kinh tế-xã hội trong 5 năm vừa qua cùng với 35 năm đổi mới là kết quả, thành tựu to lớn và có ý nghĩa lịch sử. Đó là cơ sở, tiền đề tin cậy để chúng ta xây dựng các kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội giai đoạn tiếp theo, Chủ tịch HĐND tỉnh Kon Tum Nguyễn Văn Hoà nhấn mạnh.

Lan tỏa sức cạnh tranh, nâng cao thương hiệu của Việt Nam trên trường quốc tế

Đánh giá về các văn kiện của Đại hội, đại biểu Hà Sỹ Đồng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị cho hay, các văn kiện đã nêu rõ về nền kinh tế thị trường theo định hướng XHCN, “trong bối cảnh thế giới có nhiều diễn biến phức tạp, chúng ta càng phải khẳng định đậm nét các hoạt động phong phú, dồi dào, để thực tiễn giữa nền tảng tư tưởng của Đảng với sự phát triển kinh tế-xã hội đi đúng hướng, phát triển bền vững theo mục tiêu của Đảng đã đề ra”.

“Tôi rất tâm đắc với các nội dung Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng trình bày tại phiên khai mạc, nhấn mạnh đến 3 đột phá chiến lược. Trong đó có 5 mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp chúng ta đặt ra từ Đại hội XI đến XII, có những đột phá còn nguyên giá trị, mang tính thời sự, phù hợp với xu thế phát triển, hội nhập của đất nước trong giai đoạn hiện nay”, ông Hà Sỹ Đồng nhận định.

Ông Hà Sỹ Đồng cho biết, trong đổi mới mô hình tăng trưởng, Đảng ta đã xác định đúng hướng, vẫn xác định đổi mới đầu tư công, ưu tiên cho hạ tầng, ưu tiên cho kết cấu vùng để phát triển kinh tế đồng bộ, tạo ra những sản phẩm để tham gia hội nhập kinh tế quốc tế và chúng ta ký kết những hiệp định thương mại với các nước để sức cạnh tranh có sự lan toả và ngày càng nâng cao thương hiệu của Việt Nam trên trường quốc tế.

Ông Hà Sỹ Đồng phân tích thêm, đổi mới mô hình tăng trưởng, chúng ta đã tái cơ cấu, đổi mới đầu tư công, tái cơ cấu trong hệ thống doanh nghiệp, trong hệ thống ngân hàng, đặc biệt là các tiến bộ trong khoa học kỹ thuật. Đặc biệt trong nhiệm kỳ XII, trong bối cảnh có nhiều khó khăn, thách thức về biến đổi khí hậu, thiên tai dịch bệnh nhưng tăng trưởng của chúng ta rất mạnh, như khẳng định của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng "Đất nước ta chưa bao giờ có được tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay".

Theo Đại biểu Lê Tiến Châu, Bí thư Tỉnh uỷ Hậu Giang, Báo cáo chính trị trình Đại hội XIII đã đánh giá một cách đầy đủ, toàn diện, sâu sắc về những thành tựu chúng ta đã nỗ lực đạt được trong suốt quá trình trước đây và từ đó định hướng nội dung phát triển cho một nhiệm kỳ dài tiếp theo để tới năm 2045 nước ta phấn đấu trở thành nước phát triển, có thu nhập cao, đưa đất nước phát triển mạnh mẽ, bền vững, hùng cường.

Đối với ĐBSCL, Bí thư Tỉnh uỷ Hậu Giang mong muốn Trung ương quan tâm nhiều hơn bởi ĐBSCL hiện nay đang thực hiện nhiệm vụ rất quan trọng cho cả nước là đảm bảo an ninh lương thực, nên rất khó có cơ hội bứt phá như các địa phương khác. Vì vậy, ĐBSCL mong muốn Trung ương quan tâm nghiên cứu để có cơ chế phân bổ nguồn lực cho các địa phương có nhiệm vụ đảm bảo an ninh lương thực, bớt thiệt thòi trong quá trình phát triển. Đại biểu Lê Tiến Châu mong muốn kết cấu hạ tầng, đặc biệt là hạ tầng giao thông, của ĐBSCL ngày càng được quan tâm đầu tư để liên kết vùng kết nối các địa phương tạo ra động lực, hành lang kinh tế giúp cho ĐBSCL phấn đấu đạt được kết quả tốt hơn, đóng góp vào thành công chung của cả nước.

Bí thư Tỉnh uỷ Hậu Giang cho biết tỉnh đặt mục tiêu huy động mọi nguồn lực đầu tư phát triển kinh tế-xã hội, ưu tiên công nghiệp, phát triển nông nghiệp bền vững; khuyến khích đầu tư lĩnh vực thương mại, dịch vụ, du lịch...

Đại biểu Bùi Thanh Bảo, Bí thư Huyện uỷ Tân Kỳ, tỉnh Nghệ An nhận thấy điểm nghẽn của nền kinh tế chính là nguồn nhân lực chất lượng cao của chúng ta chưa nhiều, chưa đáp ứng được sự phát triển.

Trong báo cáo của Ban Chấp hành Trung ương trình Đại hội lần này đặt ra những giai đoạn rất quan trọng trong tiến trình phát triển đất nước. Theo đại biểu Bùi Thanh Bảo, sau Đại hội, phải cụ thể hoá, thể chế hoá bằng những chính sách, chủ trương.

“Báo cáo chính trị là tầm khái quát lớn nhất và sau đó quan trọng là các cấp, các ngành, đặc biệt là Chính phủ, phải xây dựng lộ trình, kế hoạch cụ thể hằng năm. Chúng ta làm như thế nào, phân công ai phụ trách, phải rõ người, rõ việc, rõ thời gian, giao trách nhiệm đầy đủ thì mới thành công.

Quan trọng nhất là tổ chức thực hiện trong cuộc sống. Tôi nghĩ với cách thức chỉ đạo, tầm nhìn hiện nay của Đảng, sau Đại hội, chắc chắn Nhà nước, Chính phủ, cấp uỷ đảng các cấp, các địa phương sẽ có kế hoạch, chương trình triển khai, hành động để thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng”, đại biểu Bùi Thanh Bảo chia sẻ.


Chinhphu.vn

    Tổng số lượt xem: 356
  •  

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)