Việc phát triển ồ ạt các dự án điện mặt trời trong thời gian qua gây áp lực không nhỏ trong việc vận hành an toàn, ổn định hệ thống điện. Ảnh: VGP (Chinhphu.vn) – Tổng sản lượng điện phát từ các nguồn điện năng lượng tái tạo năm 2021 dự kiến đạt 23,4 tỷ kWh, chiếm tỉ trọng 8,9% tổng sản lượng điện phát và nhập khẩu của toàn hệ thống.
Nếu đem so sánh với số liệu của năm 2020 có thể nhận thấy cơ cấu tỉ lệ nguồn phát trong năm 2021 đã có sự thay đổi rất nhiều.
Cụ thể, toàn bộ sản lượng điện phát từ điện mặt trời trên toàn quốc trong cả năm qua là 10,6 tỷ kWh, chiếm khoảng 4,3% tổng sản lượng huy động nguồn toàn hệ thống điện quốc gia. Nghĩa là, năm 2021, lượng điện phát của năng lượng tái tạo cũng như tỉ trọng trong cơ cấu nguồn sẽ tăng gấp hơn 2 lần so với năm 2020.
Đáng chú ý, trong bối cảnh chịu sự ảnh hưởng rất lớn của đại dịch COVID-19, việc tăng trưởng phụ tải điện chậm lại, trong khi điện mặt trời bùng nổ, sẽ dẫn đến tình trạng cắt giảm một số nguồn phát hoặc đưa nhiều tổ máy vốn hoạt động với hiệu suất cao về chờ ở dạng dự phòng.
Việc phát triển nguồn năng lượng tái tạo nói chung và điện mặt trời nói riêng đã góp phần trong việc bảo đảm cung cấp điện phục vụ phát triển kinh tế-xã hội của đất nước và đời sống sản xuất và sinh hoạt của người dân nhưng với tính không ổn định thì việc phát triển quá nhanh nguồn năng lượng tái tạo, trong đó có điện mặt trời cũng đang đặt ra bài toán hết sức cấp bách trong công tác bảo đảm vận hành an toàn, ổn định hệ thống điện quốc gia.
Tại báo cáo kết quả phiên giải trình “thực trạng, giải pháp phát triển điện lực đến năm 2030 nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế-xã hội” mới đây, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội đã nhận xét: Trong hệ thống điện, có tích hợp số lượng lớn các nguồn điện không ổn định như điện gió và điện năng lượng mặt trời, cần phải xây dựng nguồn điện dự phòng lớn làm tăng chi phí đầu tư cho hệ thống.
Những ngày giáp Tết Nguyên đán Tân Sửu vừa qua, Bộ Công Thương đã phát đi văn bản hoả tốc gửi Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) về “một số vấn đề cấp bách trong vận hành và bảo đảm an toàn hệ thống điện”.
Trong đó, Bộ Công Thương yêu cầu Trung tâm Điều độ hệ thống điện quốc gia (A0) dự báo và tính toán đảm bảo cân bằng giữa công suất phát và phụ tải tiêu thụ.
Đồng thời, thực hiện khẩn trương việc điều tiết giảm công suất phát các nguồn điện đang phát điện lên lưới theo quy định hiện hành trong trường hợp có nguy cơ công suất phát điện lên hệ thống vượt quá công suất phụ tải, đảm bảo vận hành an toàn, không xảy ra sự cố.
Văn bản này được phát đi trong bối cảnh hệ thống điện đứng trước tình huống dư thừa công suất phát lên hệ thống so với phụ tải tiêu thụ. Đây được đánh giá là tình huống nguy hiểm, ảnh hưởng nghiêm trọng đến an toàn, an ninh của hệ thống điện vì có thể khiến tần số hệ thống điện tăng cao, thậm chí gây sự cố lan tràn trên toàn hệ thống điện quốc gia.
Theo số liệu mới nhất, tính đến hết ngày 31/12/2020, tổng công suất lắp đặt về điện mặt trời trên cả nước đã đạt khoảng 16.500 MW, chiếm khoảng 25% tổng công suất lắp đặt nguồn điện của hệ thống điện quốc gia. Trong đó, có khoảng 8.000 MW là điện mặt trời mái nhà và hơn 8.400 MW điện mặt trời trang trại lớn.
Trong khi đó, trên thực tế, tổng công suất phụ tải tiêu thụ điện toàn quốc vào giờ thấp điểm trưa các ngày trong dịp Tết Nguyên đán Tân Sửu tiếp tục xuống rất thấp. Số liệu của Trung tâm Điều độ hệ thống điện quốc gia (A0) cho biết chỉ còn ở mức khoảng 12.500-13.500 MW.
Theo phân tích của một số chuyên gia trên lĩnh vực năng lượng, với số liệu này, xét về mặt lý thuyết, nếu thời tiết thuận lợi, chỉ tính riêng các dự án điện mặt trời khi đạt hiệu suất cao thì có thể đủ đáp ứng cho cả hệ thống.
Tuy nhiên, đó chỉ là lý thuyết. Bởi hệ thống điện không cho phép huy động một tỉ lệ quá cao điện mặt trời vốn mang nhiều yếu tố không ổn định vì chỉ cần xuất hiện một cơn mưa hoặc một đám mây, công suất nguồn phát sẽ bị sụt giảm mạnh, tiềm ẩn nhiều nguy cơ vận hành an toàn, ổn định của hệ thống.
Mới đây, để đảm bảo việc phát triển điện mặt trời theo đúng quy định và phát huy hiệu quả chung tốt nhất, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ Công Thương chịu trách nhiệm chủ trì, phối hợp với Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, EVN và các cơ quan liên quan khẩn trương thực hiện rà soát tổng thể việc triển khai các dự án điện mặt trời mặt đất và điện mặt trời mái nhà hiện nay; hướng dẫn thực hiện theo đúng cơ chế, quy định đã được ban hành, theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại văn bản số 414/TTg-CN ngày 8 tháng 4 năm 2020 và các văn bản có liên quan; nghiên cứu, xử lý ngay các vấn đề phát sinh chưa lường hết trong phát triển điện mặt trời, nhất là điện mặt trời mái nhà thời gian qua, không để xảy ra hậu quả xấu.
Thực hiện công tác kiểm tra, thanh tra về phát triển điện mặt trời mái nhà tại các địa phương, các công ty điện lực thời gian vừa qua, bảo đảm theo đúng quy định; kịp thời chấn chỉnh và xử lý nghiêm sai phạm nếu có, nhất là các hành vi trục lợi chính sách trong triển khai điện mặt trời áp mái thời gian qua.
Thủ tướng Chính phủ cũng yêu cầu Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chịu trách nhiệm thực hiện nghiêm theo đúng quy định pháp luật được cấp có thẩm quyền ban hành và các chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, hướng dẫn của Bộ Công Thương về phát triển điện mặt trời mặt đất và mái nhà; tuyệt đối không để xảy ra tình trạng phát triển ồ ạt điện mặt trời trên địa bàn theo phong trào, thiếu sự kiểm soát, gây quá tải lưới điện khu vực và hậu quả xấu sau này.