Mặc dù dịch COVID-19 vẫn diễn biến phức tạp nhưng hoạt động xuất nhập khẩu của Việt Nam trong 2 tháng đầu năm 2021 vẫn ghi nhận đà tăng trưởng cao so với cùng kỳ năm 2020. Tuy nhiên, giới phân tích vẫn cho rằng yếu tố thị trường có thể cũng chưa trở lại, chưa khôi phục hoàn toàn nên trong ngắn hạn, các doanh nghiệp không thể chủ quan và nên tận dụng các kênh tiếp thị ở trên môi trường số. Ngoài ra, các doanh nghiệp cần tổ chức sắp xếp lại những chiến lược, những định hướng sản xuất kinh doanh; tìm hiểu thật kỹ để tận dụng được tối đa lợi thế từ các Hiệp định thương mại tự do (FTA) cũng như nâng cao chất lượng nguồn nhân lực.
|
Chế biến cá tra xuất khẩu tại nhà máy của Tập đoàn Sao Mai, tỉnh Đồng Tháp. (Ảnh: Vũ Sinh/TTXVN) |
Đây là những giải pháp lâu dài nên duy trì thường xuyên để tạo đà cho xuất khẩu tăng trưởng bền vững.
Tín hiệu vui từ xuất khẩu
Thống kê của Bộ Công Thương cho thấy, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa 2 tháng đầu năm nay đạt 95,81 tỷ USD, tăng 24,5% so với cùng kỳ năm trước; trong đó, xuất khẩu đạt 48,55 tỷ USD, tăng 23,2%; nhập khẩu đạt 47,26 tỷ USD, tăng 25,9%.
Về xuất khẩu các nhóm hàng, kim ngạch xuất khẩu nhóm nông, lâm, thuỷ sản đạt 1,577 tỷ USD, giảm 28,5% so với tháng 1/2021 và giảm 9,6% so với cùng kỳ năm 2020, chiếm 7,9% tổng kim ngạch xuất khẩu.
Tính chung 2 tháng đầu năm, kim ngạch xuất khẩu nhóm hàng này đạt 3,78 tỷ USD, tăng 11,2% so với cùng kỳ năm 2020.
Nhóm hàng công nghiệp chế biến tiếp tục giữ vị thế dẫn đầu khi tính chung 2 tháng năm 2021 đạt 42,47 tỷ USD, tăng 26,8% so với cùng kỳ, chiếm 87,5% tổng kim ngạch xuất khẩu chung của cả nước.
Đối với các mặt hàng khác như điện thoại, máy móc phụ tùng, linh kiện điện tử cũng có mức tăng trưởng rất cao, phản ánh nhu cầu của thế giới trong bối cảnh giãn cách xã hội.
Hiện nay, một số trung tâm sản xuất các mặt hàng tương tự như vậy ở các khu vực trên thế giới do những cách hạn chế sản xuất nên nguồn cung từ phía Việt Nam cũng tăng cao.
Riêng nhóm hàng nông sản, mặc dù kim ngạch không lớn so với nhóm hàng công nghiệp nhưng trong thời gian vừa qua cũng đã đạt được tăng trưởng tốt.
Đặc biệt, ngay sau khi Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam-Vương quốc Anh (UKVFTA) có hiệu lực, tổng kim ngạch thương mại song phương trong 2 tháng đầu năm 2021 đã tăng 29,2% so với cùng kỳ năm 2020, đạt 1,1 tỷ USD; trong đó, kim ngạch xuất khẩu Việt Nam sang Anh đã tăng 33% so với cùng kỳ, đạt 998 triệu USD.
Đây là mức tăng ấn tượng khi dịch COVID-19 vẫn đang gây tác động lớn đến hoạt động thương mại, đồng thời cho thấy vừa có hiệu lực rất hứa hẹn, giúp thúc đẩy tăng trưởng xuất khẩu; trong đó, ngành hàng được hưởng lợi lớn từ hiệp định này là thủy hải sản, gạo, dệt may, da giày, gỗ, rau quả…
Về nhập khẩu, kim ngạch nhập khẩu hàng hóa tháng 2/2021 ước tính đạt 20,8 tỷ USD, giảm 21,4% so với tháng trước.
Tính chung 2 tháng đầu năm 2021, kim ngạch nhập khẩu hàng hóa ước tính đạt 47,26 tỷ USD, tăng 25,9% so với cùng kỳ năm trước; trong đó khu vực kinh tế trong nước đạt 15,62 tỷ USD, tăng 16%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài đạt 31,64 tỷ USD, tăng 31,4%.
Với kết quả xuất nhập khẩu như vậy, cán cân thương mại hàng hóa tháng 2 tính nhập siêu 800 triệu USD. Tính chung 2 tháng đầu năm 2021, cán cân thương mại hàng hóa xuất siêu 1,29 tỷ USD (cùng kỳ năm trước xuất siêu 1,8 tỷ USD); trong đó, khu vực trong nước nhập siêu 4,14 tỷ USD; khu vực đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) xuất siêu 5,43 tỷ USD.
Nhận định về kết quả xuất khẩu từ đầu năm đến nay, ông Trần Thanh Hải, Cục trưởng Cục Xuất Nhập khẩu (Bộ Công Thương) cho biết, các nhóm mặt hàng vẫn duy trì được sự tăng trưởng, thậm chí có sự tăng trưởng cao chính là nhóm các mặt hàng liên quan đến việc sử dụng cá nhân và ở trong nhà.
Cụ thể là nhóm hàng đồ gỗ nội thất, máy móc thiết bị điện tử như máy tính, máy tính bảng, điện thoại di động… đây là những sản phẩm mặc dù trong bối cảnh giãn cách xã hội nhưng nhu cầu tiêu dùng vẫn rất cao để phục vụ làm việc từ xa.
Còn những nhóm hàng bị ảnh hưởng trong năm 2020 có thể thấy rõ là nhóm hàng dệt may, da giày. Đây là hai nhóm hàng có nhu cầu tiêu dùng đã giảm xuống trong bối cảnh người dân phải thắt chặt chi tiêu và tác động mạnh đến hoạt động xuất khẩu của Việt Nam.
Hỗ trợ trong dài hạn
Tại phiên họp thường kỳ Chính phủ tháng 2, Bộ trưởng Bộ Công Thương đã đặt mục tiêu tăng trưởng xuất khẩu của năm 2021 là khoảng từ 4-5%. Đây là kết quả đã được tính toán dựa trên tình hình thực tế biến động kinh tế thế giới cũng như khó khăn do dịch COVID-19.
Theo ông Trần Thanh Hải, năm 2021, dịch COVID-19 có thể được kiểm soát nhưng tác động sẽ còn lâu dài, ít nhất trong một vài năm nữa. Thêm vào đó, yếu tố thị trường có thể cũng chưa trở lại, chưa khôi phục hoàn toàn nên trong ngắn hạn, các doanh nghiệp không thể chủ quan.
Hơn nữa, các doanh nghiệp cần tiếp tục sử dụng các công cụ đã phát huy tốt trong năm 2020 như kênh tiếp thị ở trên môi trường số.
|
Sản xuất giày xuất khẩu sang thị trường châu Âu tại Công ty TNHH Hóa dệt Hà Tây.
(Ảnh: Trần Việt/TTXVN) |
Để hoàn thành mục tiêu tăng trưởng xuất khẩu 4-5%, Thứ trưởng Bộ Công Thương Cao Quốc Hưng nhấn mạnh, Bộ Công Thương đang xem xét để trình Thủ tướng Chính phủ ban hành chiến lược mới về hoạt động xuất nhập khẩu trong giai đoạn sắp tới.
Điều này vừa để thay thế chiến lược 10 năm vừa qua, đồng thời cũng là xác định hướng đi mới trong bối cảnh thế giới đã có rất nhiều thay đổi như hiện nay, về những yếu tố về môi trường kinh doanh quốc tế, những yếu tố về địa lý, tự nhiên sản xuất, tác động của khoa học công nghệ. Đây sẽ là sự hỗ trợ lớn nhất, cơ bản nhất của Bộ Công Thương trong dài hạn.
Bên cạnh đó, Bộ sẽ tiếp tục đàm phán cũng như hoàn thiện các thể chế liên quan đến các hiệp định thương mại tự do, trong đó có vấn đề về quy tắc xuất xứ để giúp cho các doanh nghiệp có thể tận dụng được ưu đãi của các Hiệp định tốt hơn.
Các hoạt động xúc tiến thương mại cũng sẽ được đẩy mạnh trên môi trường trực tuyến. Các cơ quan của Bộ cũng sẽ tìm ra những hình thức phù hợp hơn nữa, hiệu quả hơn nữa để hỗ trợ cho các doanh nghiệp.
Ngoài ra, Bộ Công Thương sẽ phối hợp với Bộ Giao thông vận tải, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các cơ quan, địa phương liên quan có giải pháp cụ thể, hiệu quả hỗ trợ, tạo điều kiện cho việc lưu thông, xuất nhập khẩu, tiêu thụ hàng hóa, nhất là nguyên vật liệu phục vụ sản xuất, nông sản tại các địa phương có dịch COVID-19, không để ách tắc trong khâu giao nhận, vận tải làm ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, người dân.
Đặc biệt, Bộ còn tổ chức khai thác, tận dụng cơ hội từ các FTA để tìm giải pháp phát triển thị trường và tháo gỡ rào cản để thâm nhập các thị trường mới; ưu tiên triển khai các hoạt động xúc tiến xuất khẩu và các thị trường xuất khẩu sớm khôi phục sau đại địch; tập trung theo dõi sát tình hình từng thị trường để rà soát, xác định các chủng loại hàng hóa mà các nước đang có nhu cầu nhập khẩu để khai thác, thúc đẩy xuất khẩu.
Cũng theo Thứ trưởng Cao Quốc Hưng, tới đây Bộ tiếp tục củng cố và mở rộng thị trường xuất khẩu, tận dụng tối đa lợi thế từ các FTA đã có hiệu lực; đa dạng hóa thị trường xuất khẩu, nhập khẩu, nhất là các thị trường nhỏ và thị trường ngách; đa dạng hoá cơ cấu sản phẩm xuất khẩu, nâng cao năng lực cạnh tranh sản phẩm xuất khẩu, phát triển thương hiệu để xuất khẩu phát triển bền vững trong tương lai./.