Skip Ribbon Commands
Skip to main content
Ngày 11/03/2021-09:02:00 AM
Phát triển doanh nghiệp Nhà nước quy mô lớn, đặc biệt là tập đoàn kinh tế nhà nước đa sở hữu nhằm phát huy vai trò mở đường, dẫn dắt (Xem tin ảnh)
(MPI) – Chiều ngày 10/3/2021, tại trụ sở Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng đã chủ trì buổi làm việc với các Tập đoàn, Tổng công ty Nhà nước về Đề án Phát triển doanh nghiệp Nhà nước quy mô lớn, đặc biệt là tập đoàn kinh tế nhà nước đa sở hữu nhằm phát huy vai trò mở đường, dẫn dắt cho doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế khác, phù hợp với chủ trương, đường lối của Đảng trong thời kỳ mới.
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng phát biểu tại buổi làm việc. Ảnh: MPI

Phát biểu tại buổi làm việc, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết, Nghị quyết 12-NQ/TW ngày 03/6/2017 của Ban Chấp hành Trung ương về tiếp tục đổi mới, cơ cấu lại và nâng cao hiệu quả hoạt động doanh nghiệp nhà nước (DNNN) và Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2011-2020 trình Đại hội Đảng XIII đã khẳng định rõ vai trò của DNNN “là một lực lượng vật chất quan trọng của kinh tế nhà nước”. Đồng thời đã đưa ra nhiệm vụ, mục tiêu: “Củng cố, phát triển một số tập đoàn kinh tế nhà nước đa sở hữu với quy mô lớn, hoạt động có hiệu quả, có khả năng cạnh tranh khu vực và quốc tế ở một số ngành, lĩnh vực then chốt của nền kinh tế”. Đây cũng là căn cứ để Chính phủ giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư nghiên cứu, xây dựng Đề án tại Nghị quyết số 18/NQ-CP ngày 26/02/2020.

Tại Việt Nam, DNNN chỉ còn chiếm khoảng 0,07% tổng số doanh nghiệp đang hoạt động, nhưng chiếm 7% tổng tài sản và 10% vốn chủ sở hữu của toàn bộ doanh nghiệp trên thị trường, đóng góp hơn 29% GDP của đất nước. Các DNNN của Việt Nam đang chiếm thị phần rất lớn trong một số lĩnh vực như năng lượng, viễn thông, ngân hàng…

Trong khi đó, theo “Báo cáo đánh giá năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp quy mô vừa và lớn khu vực tư nhân Việt Nam” do Bộ Kế hoạch và Đầu tư thực hiện, chiếm đa số tuyệt đối trong khu vực tư nhân chỉ là doanh nghiệp nhỏ, siêu nhỏ. Như vậy, không thể phủ định vai trò của các DNNN, đặc biệt là DNNN quy mô lớn, có thương hiệu, hoạt động hiệu quả trong định hướng xây dựng một nền kinh tế tự chủ, độc lập.

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng đề nghị các đại biểu tập trung đánh giá, làm rõ vai trò, vị trí của DNNN trong thời kỳ mới để từ đó xây dựng cơ chế đột phá cho cải cách DNNN và đổi mới quan điểm, phương thức quản lý đối với các doanh nghiệp này.

Cục trưởng Cục Phát triển doanh nghiệp Lê Mạnh Hùng trình bày nội dung Đề án. Ảnh: MPI

Trình bày nội dung Đề án, Cục trưởng Cục Phát triển doanh nghiệp, Bộ Kế hoạch và Đầu tư Lê Mạnh Hùng cho biết, Đề án tập trung vào 02 mục tiêu chính. Một là, củng cố, phát triển một số tập đoàn kinh tế quy mô lớn trên cơ sở hình thành các chuỗi liên kết, chuỗi giá trị, thúc đẩy đổi mới sáng tạo với định hướng sử dụng hiệu quả nguồn lực chưa khai thác hết của DNNN, thu hút các nguồn lực của khu vực tư nhân để thực hiện vai trò dẫn dắt. Hai là, hình thành cơ chế, chính sách nhằm tạo điều kiện thuận lợi để Nhà nước/DNNN tham gia đầu tư phát triển trong một số ngành, lĩnh vực có tính chất mở đường, bứt phá nhằm thực hiện mục tiêu của chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Ngoài ra, Đề án còn góp phần cơ cấu lại, đổi mới và nâng cao hiệu quả DNNN và nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý DNNN trong thời kỳ mới.

Về đối tượng và phạm vi của Đề án, qua nghiên cứu, đánh giá thực trạng hoạt động của các DNNN cho thấy, các doanh nghiệp 100% vốn Nhà nước hoạt động theo mô hình công ty mẹ - con (hơn 75 tập đoàn, tổng công ty) mặc dù chỉ chiếm tỷ lệ nhỏ trong nền kinh tế (khoảng gần 20% doanh nghiệp 100% vốn) nhưng lại chiếm phần lớn trong tổng tài sản, vốn chủ sở hữu của toàn bộ khối DNNN trên phạm vi cả nước (chiếm 92% tổng tài sản và 91% vốn chủ sở hữu).

Các doanh nghiệp có cổ phần, vốn góp chi phối của Nhà nước có xu hướng tăng trưởng ổn định với tỷ suất ROE cao hơn so với các doanh nghiệp 100% vốn. Một số DNNN chiếm thị phần lớn trong một số lĩnh vực (như các DNNN lĩnh vực phát điện: chiếm 87% nguồn đặt, xăng dầu: khoảng gần 70%, viễn thông: 90%...).

Trên cơ sở đó, Đề án lựa chọn đối tượng là một số tập đoàn, tổng công ty Nhà nước dự kiến nắm giữ cổ phần chi phối trở lên ở cấp Trung ương đang nắm giữ nguồn lực lớn của đất nước. Đồng thời hoạt động trong các ngành, lĩnh vực quan trọng, có tính chất lan tỏa, dẫn dắt đối với nền kinh tế hoạt động trong 06 ngành quan trọng, bao gồm: năng lượng, tài chính ngân hàng, viễn thông, nông nghiệp, kết cấu hạ tầng và công nghiệp.

Về tiêu chí lựa chọn ngành, lĩnh vực, lựa chọn các lĩnh vực có tính chất mở đường (theo nghĩa là hướng đến các ngành, lĩnh vực mới, đáp ứng yêu cầu phát triển của đất nước), dẫn dắt (theo nghĩa là hướng đến các ngành hình thành các chuỗi liên kết, chuỗi giá trị, thúc đẩy đổi mới sáng tạo gắn với sự tham gia của doanh nghiệp thuộc thành phần kinh tế khác) hướng tới xây dựng một nền kinh tế độc lập, tự chủ, bền vững. Hướng tới làm chủ công nghệ và có đội ngũ nhân lực chất lượng cao trong thời kỳ cách mạng công nghiệp 4.0, lĩnh vực có vai trò cần thiết trong quá trình phát triển, định hướng công nghiệp, đáp ứng yêu cầu xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới. Đồng thời, cần thiết duy trì vai trò của Nhà nước; không cạnh tranh, tạo điều kiện cho doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế khác phát triển.

Về tiêu chí lựa chọn doanh nghiệp, lựa chọn các doanh nghiệp có tiềm lực về tài chính, đạt yêu cầu về quy mô xét trên tiêu chí tổng tài sản (dự kiến trên 20.000 tỷ đồng) hoặc có kết quả tài chính ổn định (ROE cao hơn mức 6%), có khả năng mở rộng, chi phối thị trường hoặc/và tăng được thị phần (mức chiếm thị phần từ 30% trở lên) và cần đảm bảo các quy định pháp luật hiện hành về cạnh tranh. Đồng thời, có khả năng chiếm lĩnh thị trường trong nước và mở rộng sang thị trường nước ngoài. Doanh nghiệp có hệ thống quản trị tốt trên cơ sở áp dụng các Nguyên tắc quản trị doanh nghiệp nhà nước của OECD; có năng lực hấp thụ và làm chủ công nghệ mới, công nghệ cao, hình thành năng lực sản xuất mới có tính tự chủ và khả năng thích ứng, chống chịu của nền kinh tế…

Toàn cảnh buổi làm việc. Ảnh: MPI

Phát biểu tại buổi làm việc, các đại biểu đánh giá cao dự thảo Đề án của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, đồng thời khẳng định vai trò quan trọng của doanh nghiệp Nhà nước trong việc dẫn dắt, tập hợp năng lực của các loại hình doanh nghiệp khác. Các đại biểu cho rằng, cách đặt vấn đề của Đề án là phù hợp, những giải pháp đưa ra đã nhận diện được những khó khăn của doanh nghiệp và cho rằng, nếu xác định DNNN là thành phần của nền kinh tế thì các DNNN cần phải được đối xử bình đẳng với các loại hình doanh nghiệp khác…

Kết luận buổi làm việc Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng ghi nhận các ý kiến sát đáng của các tập đoàn, tổng công ty, đồng thời nhấn mạnh lại 05 nhóm vấn đề. Thứ nhất, tất cả các DNNN phải bình đẳng như nhau nhưng đối với những doanh nghiệp đầu đàn cũng cần phải có những cơ chế, chính sách riêng để phát triển trở thành doanh nghiệp đầu đàn, dẫn dắt, đóng góp lớn cho nền kinh tế. Thứ hai, cần thống nhất nguyên tắc giao mục tiêu với những cơ chế dự báo chính xác và hiệu quả. Thứ ba, phải có cơ chế giám sát tốt cơ quan đại diện chủ sở hữu với vai trò cảnh báo từ xa thông qua các cơ quan kiểm toán. Thứ tư, phải đánh giá hiệu quả đầu tư thông qua mục tiêu tổng thể chứ không theo dự án. Thứ năm, phải đổi mới đồng bộ cơ chế tuyển dụng, tiền lương.

Đồng thời, cần tập trung phát triển khoa học công nghệ thông qua hình thức đầu tư, mua sắm công nghệ, tham gia mua cổ phần của các dự án nước ngoài có sẵn công nghệ phát triển để làm chủ công nghệ. Mỗi tập đoàn, tổng công ty phải là một trung tâm đổi mới sáng tạo, xây dựng một hệ sinh thái và hình thành chuỗi giá trị để các thành phần kinh tế khác bám theo và phát triển, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh./.

Thúy Quyên
Bộ Kế hoạch và Đầu tư

  • Tổng số lượt xem: 5706
  •  

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)