(MPI) – Nhằm đóng góp vào tiến trình đánh giá 5 năm Việt Nam thực hiện các Mục tiêu Phát triển bền vững. Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam phối hợp với cơ quan Thường trú Liên hợp quốc tại Việt Nam đồng tổ chức Diễn đàn “Thúc đẩy việc thực hiện các Mục tiêu Phát triển bền vững từ góc độ bình đẳng giới”. Diễn đàn khẳng định cam kết của Việt Nam đối với các mục tiêu phát triển bền vững và bình đẳng giới mà Việt Nam đã kiên trì thực hiện trong nhiều năm qua. Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Văn Trung tham dự Diễn đàn.
|
Toàn cảnh Diễn đàn: Ảnh: MPI |
Tham dự Diễn đàn có đại diện các Bộ, Ban, ngành, cơ quan Trung ương và một số địa phương, viện nghiên cứu, doanh nhân nữ, tổ chức phi Chính phủ của Việt Nam hoạt động về phụ nữ, giới và phát triển, Trung ương Hội và Hội Liên hiệp Phụ nữ một số tỉnh, thành phố; các cơ quan Liên hợp quốc, các Đại sứ quán và các tổ chức quốc tế trong nước.
Năm 2015, Đại hội đồng Liên Hợp quốc đã thông qua Chương trình Nghị sự 2030 với 17 Mục tiêu Phát triển bền vững. Trong đó, Bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ không chỉ là Mục tiêu độc lập số 5 mà còn là một mục tiêu xuyên suốt của 16 mục tiêu phát triển bền vững còn lại. Lãnh đạo cấp cao Nhà nước Việt Nam tham dự Hội nghị đã khẳng định Việt Nam ủng hộ và cam kết sẽ tập trung mọi nguồn lực cần thiết, huy động tất cả các bộ, ngành, địa phương, các tổ chức, cộng đồng và người dân để thực hiện thành công Chương trình Nghị sự 2030 và tất cả các mục tiêu SDG trên cơ sở kế thừa các thành tựu đã đạt được từ việc thực hiện các Mục tiêu Phát triển Thiên niên kỷ - MDGs.
Theo đó, năm 2017, Việt Nam đã ban hành Kế hoạch hành động quốc gia thực hiện Chương trình Nghị sự 2030 với 17 mục tiêu SDG và cụ thể hóa việc triển khai thực hiện các mục tiêu SDG thông qua văn bản chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành và địa phương. Qua gần 5 năm triển khai thực hiện, Việt Nam được Liên hợp quốc đánh giá cao về sự cam kết và kết quả thực hiện các Mục tiêu Phát triển bền vững.
Năm 2020 có nhiều biến động, bất định với toàn thế giới do diễn biến phức tạp của đại dịch Covid-19, thiên tai bất thường, các cuộc xung đột, … Những vấn đề này ảnh hưởng lớn đến cuộc sống của người dân, có nguy cơ đẩy lùi một số tiến bộ kinh tế - xã hội và những thành tựu đạt được trong thực hiện các SDG, trong đó có SDG 5 về bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ.
Phát biểu khai mạc Diễn đàn, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam Hà Thị Nga cho biết, ngoài các thách thức về dịch bệnh, ở Việt Nam, bão lũ, thiên tai nghiêm trọng cũng tạo thêm nhiều thách thức cho quá trình phát triển đất nước. Trong các tình huống khủng hoảng, phụ nữ là nhóm đối tượng dễ bị tổn thương. Tuy nhiên, phụ nữ cũng là tác nhân tích cực để kiến tạo sự thay đổi. Vì vậy, cần tạo điều kiện để phụ nữ phát huy thế mạnh, đóng góp cho sự phát triển của đất nước và phát triển bền vững nói chung.
Điều phối viên thường trú Liên hợp quốc tại Việt Nam Kamal Malhotra cho rằng, Việt Nam là một trong những quốc gia luôn nỗ lực thúc đẩy bình đẳng giới ở khu vực Châu Á - Thái Bình Dương. Việt Nam đang có cơ hội tuyệt vời để thể hiện vai trò lãnh đạo trong việc thúc đẩy bình đẳng giới trong bối cảnh Covid-19. Đồng thời khẳng định, Liên hợp quốc luôn sẵn sàng tiếp tục hỗ trợ Nhân dân và Chính phủ Việt Nam.
|
Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Văn Trung phát biểu tại Diễn đàn. Ảnh: MPI |
Thứ trưởng Nguyễn Văn Trung cho biết, thực hiện cam kết quốc tế, Việt Nam đã ban hành Kế hoạch hành động quốc gia thực hiện Chương trình Nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững tại Quyết định số 622/QĐ-TTg ngày 10/5/2017. Trong đó, Bộ Kế hoạch và Đầu tư được giao là cơ quan chủ trì, phối hợp với các bên liên quan trong việc triển khai Kế hoạch hành động.
Kế hoạch hành động quốc gia đưa ra 17 mục tiêu phát triển bền vững với 115 mục tiêu cụ thể. Các mục tiêu của Chương trình Nghị sự 2030 đã được quốc gia hóa để phù hợp với điều kiện và bối cảnh phát triển của Việt Nam. Kể từ sau khi Kế hoạch hành động quốc gia được ban hành, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã chủ trì phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương triển khai các nội dung, nhiệm vụ được giao trong Kế hoạch hành động.
Bên cạnh hệ thống văn bản, chính sách đã được ban hành nhằm hỗ trợ việc triển khai thực hiện Kế hoạch hành động quốc gia, hiện có 17 bộ, ngành và 51 địa phương đã ban hành Kế hoạch hành động thực hiện Chương trình Nghị sự 2030. Việc triển khai thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững đến năm 2030 được thực hiện thông qua hệ thống các Chiến lược và Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của quốc gia và các chương trình, chính sách trên các ngành, lĩnh vực cụ thể của các bộ, ngành và địa phương.
Trong khuôn khổ Diễn đàn đã diễn ra Tọa đàm với chủ đề “Nâng cao quyền năng cho phụ nữ vì một tương lai an toàn và bình đẳng” tập trung thảo luận về các nội dung chuyển đổi số trong bối cảnh Covid-19, lãnh đạo nữ, doanh nghiệp nữ vượt qua thách thức, phòng chống bạo lực giới, thành phố an toàn, hòa bình an ninh, …
Diễn đàn là dịp để các đại biểu trao đổi kinh nghiệm, sáng kiến trong thực hiện các mục tiêu SDGs, nhất là SDG 5 về bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ nhằm phát huy vai trò và sự đóng góp của phụ nữ; đưa ra đề xuất, khuyến nghị để vượt qua những thách thức trong bối cảnh Covid-19, đồng thời hướng tới việc nâng cao nhận thức, tăng cường sự quan tâm, phối hợp, cam kết đồng hành của các cơ quan, tổ chức trong và ngoài nước đối với các mục tiêu mang tính chiến lược này với phương châm không ai bị bỏ lại phía sau./.
Minh Hậu
Bộ Kế hoạch và Đầu tư