Các chuyên gia nghiên cứu vĩ mô của Công ty Cổ phần chứng khoán VNDIRECT vừa phát hành các báo cáo nhận định về sự phục hồi của một số thị trường như bán lẻ, tài chính, bất động sản nhà ở…
Lợi nhuận toàn thị trường lần đầu tăng trưởng dương trong năm 2020
Theo các chuyên gia của VNDIRECT, tổng lợi nhuận của các công ty niêm yết trên ba sàn (HOSE, HNX, UPCOM) tăng 15,6% so với cùng kỳ trong quý IV/2020. Cho cả năm, tổng lợi nhuận và doanh thu năm 2020 lần lượt giảm 5,3% và 5,4% so với cùng kỳ, phù hợp với dự báo trước đó của VNDIRECT.
Các doanh nghiệp sản xuất thép ghi nhận lợi nhuận tăng trưởng 240% so với cùng kỳ trong quý IV/2020 nhờ sản lượng xuất khẩu gia tăng và giá than cốc giảm 20%. Mặc dù giải ngân đầu tư công đã tăng tốc trong nửa sau 2020, các công ty Xây dựng và Vật liệu lớn lại ghi nhận kết quả lợi nhuận ròng trái chiều trong Quý 4, Công ty cổ phần (CTCP) Vicostone mã VCS tăng19% so với cùng kỳ, CTCP Nhựa Bình Minh mã BMP tăng 17% so với cùng kỳ; CTCP Xi măng Hà Tiên 1 mã HT1 giảm 29% so với cùng kỳ, CTCP Xây dựng Coteccons mã CTD giảm 60% so với cùng kỳ), dẫn đến lợi nhuận ròng của nhóm ngành này giảm 1% trong quý IV/2020.
|
Các chuyên gia nhận định, ngành tài chính vẫn tăng trưởng tích cực. Lợi nhuận ròng quý IV/2020 của các các công ty chứng khoán tăng 151% so với cùng kỳ khi thị trường tăng mạnh cả về chỉ số và thanh khoản. Chỉ số VNINDEX tăng 21,8% trong quý IV/2020 trong khi thanh khoản trung bình tăng 81,8% so với quý trước và 131,6% so với cùng kỳ. Trong khi đó, tốc độ tăng trưởng phí bảo hiểm chậm lại khiến chi phí trích lập dự phòng và chi phí hoạt động giảm, nâng lợi nhuận ròng quý IV/2020 của các doanh nghiệp bảo hiểm lên 106% so với cùng kỳ. Sau khi giảm xuống còn 6,2% so với cùng kỳ trong quý III/2020, tăng trưởng lợi nhuận ròng của các ngân hàng đã phục hồi trở lại ở mức 25% so với cùng kỳ, đóng góp 7,6 điểm % vào tăng trưởng 15,6% của thị trường.
Với sự phục hồi của ngành vận tải hàng không trong nước và ngành du lịch, lợi nhuận ròng của các doanh nghiệp du lịch và hàng không trong quý IV chỉ giảm 5% so với cùng kỳ, cải thiện so với mức giảm 274% so với cùng kỳ trong quý III/2020. Trong số các ngành bị ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch, bán lẻ đã phục hồi mạnh mẽ với mức tăng trưởng lợi nhuận ròng 14% so với cùng kỳ trong quý IV/2020, nhờ CTCP Đầu tư Thế giới Di động mã MWG tăng 21% so với cùng kỳ, CTCP Vàng bạc Đá quý Phú Nhuận mã PNJ tăng 31% so với cùng kỳ và CTCP Thế Giới Số mã DGW tăng 60% so với cùng kỳ trong bối cảnh thị trường nội địa phục hồi.
Bất động sản nhà ở phục hồi ấn tượng
Các chuyên gia cũng có Báo cáo phân tích về thị trường bất động sản nhà ở quý IV/2020.
Cụ thể, tại TPHCM, nguồn cung mới và khối lượng giao dịch cải thiện mạnh trong quý IV/2020. Nguồn cung mới tại TPHCM trong quý IV/2020 tăng 103% so với quý trước và 59% so với cùng kỳ lên 8.058 căn, giúp lượng giao dịch tăng 74% so với quý trước và 3% so với cùng kỳ. Phân khúc cao cấp duy trì vị thế dẫn đầu, chiếm 89% nguồn cung mới với 7.133 căn (tăng 85% so với quý trước và 218% so với cùng kỳ), tiếp đến là phân khúc hạng sang với 925 căn (tăng 816% so với quý trước và 35% so với cùng kỳ).
Trong quý IV/2020, giá bán sơ cấp ở phân khúc hạng sang ghi nhận tăng trưởng ấn tượng 8% so với quý trước trong khi các phân khúc khác gần như không đổi.
Còn tại Hà Nội, trong quý IV/2020, nguồn cung mới và khối lượng giao dịch phục hồi so với quý trước. Thị trường căn hộ Hà Nội ghi nhận phục hồi trong quý IV/2020 so với quý trước khi nguồn cung mới tăng 107% so với quý trước (giảm 24% so với cùng kỳ) với 7.263 căn và lượng giao dịch tăng 68% so với quý trước (giảm 14% so với cùng kỳ) với 7.071 căn. Vinhomes (VHM) củng cố vị trí dẫn đầu với hai dự án lớn ra mắt trong quý IV/2020 bao gồm Vinhomes Ocean Park (3.837 căn) và Vinhomes Smart City (695 căn). Trong khi đó, tỉ lệ hấp thụ duy trì ở mức cao đạt 97,4% trong quý IV/2020 (tăng 11,9 điểm % so với cùng kỳ).
Tuy nhiên, thị trường nhà xây sẵn lại biến động trái chiều, bứt phá ở TPHCM nhưng sụt giảm ở Hà Nội trong 2020. Năm 2020, nguồn cung mới nhà xây sẵn tại Hà Nội giảm 80% so với cùng kỳ xuống 840 căn, kéo lượng giao dịch giảm 88% so với cùng kỳ. Ngược lại, nguồn cung mới tại TPHCM tăng 101% so với cùng kỳ đạt 2.200 căn và khối lượng giao dịch tăng 217% so với cùng kỳ lên 1.900 căn. Giá bán thứ cấp đối với nhà phố và biệt thự tăng mạnh khoảng 8% - 9% so với cùng kỳ tại TPHCM và Hà Nội nhờ sự kiện thành lập Thành phố Thủ Đức và cơ sở hạ tầng khu vực phía đông Hà Nội phát triển ấn tượng.
Về triển vọng, các chuyên gia cho rằng, thị trường nhà ở sẽ phục hồi vào năm 2021 dựa trên 3 yếu tố. Thứ nhất là, sự tăng tốc phát triển cơ sở hạ tầng giúp thúc đẩy thị trường bất động sản năm 2021. Thứ hai là phục hồi nguồn cung mới nhờ nới lỏng các nút thắt pháp lý. Thứ ba là lãi suất vay mua nhà hợp lý củng cố quyết định mua nhà.
Anh Minh
Cổng thông tin điện tử Chính phủ