Skip Ribbon Commands
Skip to main content
Ngày 18/03/2021-12:05:00 PM
Họp Ban Soạn thảo, Tổ Biên tập xây dựng Dự thảo Nghị định thay thế Nghị định 50/2016/NĐ-CP (Xem tin ảnh)
(MPI) – Ngày 18/3/2021, Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổ chức họp Ban Soạn thảo, Tổ Biên tập xây dựng Dự thảo Nghị định thay thế Nghị định 50/2016/NĐ-CP ngày 01/6/2016 của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực kế hoạch và đầu tư. Chánh Thanh tra Bộ Kế hoạch và Đầu tư Lương Văn Kết điều hành cuộc họp.
Toàn cảnh cuộc họp. Ảnh: MPI

Tại Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 01/01/2021 của Chính phủ về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2021, Bộ Kế hoạch và Đầu tư được Chính phủ giao chủ trì soạn thảo Nghị định thay thế Nghị định số 50/2016/NĐ-CP ngày 01/6/2016 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực kế hoạch và đầu tư.

Ngày 02/02/2021, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã ban hành Quyết định số 130/QĐ-BKHĐT về việc thành lập Ban Soạn thảo và Tổ Biên tập xây dựng Nghị định thay thế Nghị định 50/2016/NĐ-CP, gồm đại diện Lãnh đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Văn phòng Chính phủ, Thanh tra Chính phủ, Bộ Tư pháp và đại diện một số đơn vị thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư. Việc nghiên cứu, soạn thảo được thực hiện đúng theo quy trình, quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật.

Trình bày sơ lược những nội dung cần xin ý kiến của Nghị định mới thay thế Nghị định số 50/2016/NĐ-CP ngày 01/6/2016 của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực kế hoạch và đầu tư, bà Nguyễn Thị Thu Huyền, Thành viên Tổ Biên tập cho biết, Nghị định 50/2016/NĐ-CP được xây dựng dựa trên nguyên tắc cơ bản và nội dung của Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012 và các Luật có liên quan như Luật Hợp tác xã năm 2012, Luật Đấu thầu năm 2013, Luật Đầu tư công năm 2014, Luật Đầu tư năm 2014, Luật Doanh nghiệp năm 2014, … Tuy nhiên, có một số văn bản quy phạm pháp luật mới được ban hành nhưng chưa được cập nhật tại Nghị định 50/2016/NĐ-CP như Luật Quy hoạch năm 2017, Luật Đầu tư công năm 2019, Luật Đầu tư 2020, Luật Doanh nghiệp 2020 và Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư. Đây là các căn cứ pháp lý quan trọng, cơ sở để cơ quan chủ trì soạn thảo xác định hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực kế hoạch và đầu tư.

Kể từ ngày 01/01/2021, các Luật mới được Quốc hội thông qua đã có hiệu lực thi hành, vì vậy, cần phải khẩn trương xây dựng Nghị định quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực kế hoạch và đầu tư nhằm tránh tình trạng phát hiện hành vi vi phạm nhưng không thể xử phạt do chưa có chế tài phù hợp. Đồng thời, Nghị định 50/2016/NĐ-CP chưa bao quát hết hành vi vi phạm thuộc các lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ Kế hoạch và Đầu tư như lĩnh vực quy hoạch, lĩnh vực đầu tư theo hình thức đối tác công tư … Do vậy, cần rà soát, điều chỉnh, bổ sung các nội dung trên nhằm hoàn thiện cơ sở pháp lý để nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực này.

Tại Nghị định số 50/2016/NĐ-CP, một số hành vi bị coi là vi phạm thì theo các quy định pháp luật mới không còn là vi phạm nữa, như quy định về thông báo mẫu dấu, báo cáo thay đổi thông tin người quản lý doanh nghiệp, quy định về giãn tiến độ dự án đầu tư … Một số hành vi bị cấm theo quy định của Luật Đấu thầu, Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp thì chưa được thể hiện cụ thể thành hành vi vi phạm.

Một số biện pháp khắc phục hậu quả được quy định tại Nghị định 50/2016/NĐ-CP chưa phù hợp, chưa đúng với tính chất là “khắc phục hậu quả” như việc áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả đối với hành vi kê khai không trung thực, không chính xác nội dung hồ sơ đăng ký doanh nghiệp, hành vi không tiến hành họp đại hội đồng cổ đông. Mức phạt tại Nghị định 50/2016/NĐ-CP nhìn chung còn thấp so với tính chất, mức độ nguy hiểm của hành vi vi phạm có thể gây ra như hành vi vi phạm quy định về giãn tiến độ, không thực hiện dự án sau 12 tháng; hành vi vi phạm quy định về sử dụng vốn đầu tư công …).

Tại cuộc họp các đại biểu đã tập trung thảo luận, đóng góp ý kiến về việc xác định thời điểm để tính thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính; việc xử lý nếu đối tượng vi phạm là cán bộ, công chức, viên chức và cơ quan Nhà nước; việc đưa các hành vi vi phạm trong lĩnh vực quy hoạch vào Dự thảo Nghị định; quy định hành vi vi phạm trong lĩnh vực đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP)…. Các ý kiến góp ý sẽ được Tổ Biên tập nghiên cứu, tiếp thu để hoàn thiện dự thảo Nghị định./.

Minh Hậu
Bộ Kế hoạch và Đầu tư

    Tổng số lượt xem: 1981
  •  

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)