(MPI) – Đây là chủ đề của Hội thảo do Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổ chức ngày 12/3/2021 dưới sự chủ trì của Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhằm lấy ý kiến cộng đồng doanh nghiệp, các chuyên gia, nhà quản lý để hoàn thiện Đề án Đổi mới toàn diện quản lý nhà nước trong phát triển kinh tế tư nhân ở Việt Nam.
|
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng chủ trì Hội thảo. Ảnh: MPI |
Kinh tế tư nhân: một động lực quan trọng của nền kinh tế
Phát biểu khai mạc Hội thảo, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết, qua gần 35 năm đổi mới, Đảng ta đã ban hành nhiều Nghị quyết thừa nhận và khẳng định vai trò và vị thế của kinh tế tư nhân, từ "có vị trí quan trọng lâu dài" (Đại hội IX) đến “có vai trò quan trọng, là một trong những động lực của nền kinh tế” (Đại hội X và XI) và “là một động lực quan trọng của nền kinh tế” (Đại hội XII và Nghị quyết 10-NQ/TW của Hội nghị Trung ương năm khóa XII). Theo đó, hàng loạt những quyết sách lớn của Đảng về phát triển kinh tế tư nhân đã được ban hành và triển khai thực hiện.
Trên thực tế, vai trò, vị thế của kinh tế tư nhân ngày càng được khẳng định và thể hiện rõ nét thông qua những đóng góp vào phát triển kinh tế xã hội. Kinh tế tư nhân liên tục duy trì tốc độ tăng trưởng khá, chiếm tỷ trọng 42-43% GDP, thu hút khoảng 85% lực lượng lao động của nền kinh tế, góp phần quan trọng trong huy động các nguồn lực xã hội cho đầu tư phát triển sản xuất kinh doanh, tăng trưởng kinh tế, chuyển dịch cơ cấu kinh tế, tăng thu ngân sách, cải thiện đời sống nhân dân, bảo đảm an sinh xã hội,... Đặc biệt lực lượng doanh nghiệp tư nhân đã góp phần thực hiện mục tiêu công nghiệp hóa, hiện đại hóa, làm thay đổi “diện mạo” đất nước, tạo dấu ấn, nâng cao vị thế, uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế; hình thành nhiều thương hiệu có tính cạnh tranh khu vực và quốc tế.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, chất lượng phát triển của khu vực kinh tế tư nhân vẫn còn hạn chế ở nhiều mặt; chưa thực sự là một đồng lực quan trong của nền kinh tế. Đó là, năng suất và tốc độ tăng năng suất của khu vực kinh tế tư nhân còn thấp và có nhiều hạn chế. Năng lực khoa học công nghệ của các doanh nghiệp còn hạn chế, có nơi còn lạc hậu. Trình độ quản trị doanh nghiệp còn thấp. Tính liên kết, hợp tác giữa các doanh nghiệp Việt Nam còn yếu, các doanh nghiệp Việt Nam chưa chú trọng cải thiện khả năng liên kết, nâng cao năng lực cạnh tranh để tham gia chuỗi giá trị khu vực và toàn cầu.
Những điểm tồn tại, hạn chế này của khu vực kinh tế tư nhân trên có một phần nguyên nhân xuất phát từ hạn chế, yếu kém của cơ chế, phương thức quản lý nhà nước về kinh tế, đặc biệt quản lý nhà nước trong phát triển kinh tế tư nhân. Hệ thống cơ chế, chính sách về phát triển kinh tế tư nhân còn nhiều bất cập, thiếu đồng bộ, chưa sát thực tế; Môi trường đầu tư kinh doanh còn nhiều hạn chế, tiềm ẩn rủi ro, thiếu minh bạch.
|
Toàn cảnh Hội thảo. Ảnh: MPI |
Đổi mới toàn diện quản lý nhà nước trong phát triển kinh tế tư nhân ở Việt Nam
Để khắc phục các bất cập nêu trên, nhiều chủ trương, chính sách phát triển kinh tế tư nhân tiếp tục được ban hành và nhấn mạnh trong các nghị quyết của Đảng. Đại hội XII, Nghị quyết 10-NQ/TW của Hội nghị Trung ương năm khóa XII về phát triển kinh tế tư nhân trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng XHCN và mới đây nhất là Đại hội XIII của Đảng tiếp tục đặt ra yêu cầu hoàn thiện cơ chế, chính sách khuyến khích tạo thuận lợi phát triển mạnh kinh tế tư nhân ở hầu hết các ngành và lĩnh vực kinh tế, khuyến khích hình thành các tập đoàn kinh tế tư nhân đa sở hữu; hoàn thiện pháp luật, cơ chế, chính sách để doanh nghiệp tư nhân tiếp cận bình đẳng mọi cơ hội, các nguồn lực, nhất là về vốn, đất đai, tài nguyên;... góp phần xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ, tự cường, có sức chống chịu cao.
Thực hiện Nghị quyết 10-NQ/TW của Hội nghị Trung ương năm khóa XII, trong Chương trình hành động của Chính phủ (tại Nghị quyết số 98/NQ-CP), Chính phủ giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư xây dựng Đề án “Đổi mới toàn diện quản lý nhà nước trong phát triển kinh tế tư nhân ở Việt Nam”. Mục tiêu chính của Đề án là nhằm đề xuất hệ thống giải pháp đổi mới toàn diện quản lý nhà nước thúc đẩy khu vực kinh tế tư nhân phát triển trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.
Tại Hội thảo, trình bày thực trạng và giải pháp về đổi mới toàn diện quản lý nhà nước trong phát triển kinh tế tư nhân, Phó Viện trưởng Viện Quản lý kinh tế trung ương Phan Đức Hiếu cho biết, mục tiêu của Đề án là đến năm 2030, đổi mới căn bản và toàn diện phương thức quản lý nhà nước theo hướng Chính phủ số, chuyển đổi từ kiểm soát sang kiến tạo, từ can thiệp trực tiếp sang gián tiếp; từ tiền kiểm sang giám sát theo nguyên tắc quản lý rủi ro; tạo môi trường kinh doanh thuận lợi, bình đẳng giữa các thành phần kinh tế; phù hợp với nguyên tắc và thông lệ quốc tế.
Có 5 nhóm giải pháp trọng tâm để đổi mới toàn diện quản lý nhà nước trong phát triển kinh tế tư nhân. Một là, về định hướng, quy hoạch cần thực hiện đúng, đầy đủ, chất lượng, hiệu quả vai trò của Nhà nước trong định hướng, quy hoạch và điều tiết kinh tế; nâng cao chất lượng xây dựng chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, quản lý và điều tiết vĩ mô.
Hai là, về tạo lập khung khổ thể chế, phải đổi mới chính sách, pháp luật nhằm tạo lập môi trường kinh doanh thuận lợi thúc đẩy kinh tế tư nhân phát triển, nâng cao năng lực sản xuất kinh doanh; phát triển mạnh các doanh nghiệp tư nhân quy mô lớn; khuyến khích các doanh nghiệp quy mô lớn và vừa tiếp tục đầu tư vào khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo; nâng cao trách nhiệm của doanh nghiệp lớn và vừa với doanh nghiệp nhỏ, thúc đẩy liên kết kinh doanh, liên kết chuỗi,…
Ba là, thực hiện phân bổ nguồn lực phát triển hiệu quả, đảm bảo cho kinh tế tư nhân được tiếp cận bình đẳng đến các nguồn lực phát triển; phát triển các thị trường nhân tố sản xuất; thúc đẩy mạnh mẽ cổ phần hóa DNNN, thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp không cần duy trì vốn nhà nước nhằm tạo nhiều hơn nữa cơ hội kinh doanh cho khu vực kinh tế tư nhân.
Bốn là, nâng cao chất lượng quản lý thị trường, hiệu quả hoạt động thanh tra, kiểm tra, giám sát, chuyển từ “tiền kiểm” sang “hậu kiểm”; áp dụng nguyên tắc quản lý rủi ro trong thanh tra, kiểm tra; ứng dụng công nghệ thông tin, số hóa, điện tử hóa để giảm chi phí phát sinh cho doanh nghiệp.
Năm là, nâng cao hiệu lực, hiệu quả thực thi chính sách, pháp luật; nâng cao chất lượng phân công, phối hợp trong quản lý nhà nước và chia sẻ thông tin giữa các cơ quan quản lý nhà nước.
Tham gia ý kiến tại Hội thảo, các chuyên gia, nhà quản lý đều đánh giá cao Đề án. Các nội dung của Đề án cơ bản đã bám sát các chủ trương, nghị quyết của Đảng, Quốc hội và Chính phủ, bám sát tình hình thực tiễn của đất nước và thông lệ quốc tế. Đồng thời, kiến nghị bổ sung thêm các quan điểm, giải pháp mạnh mẽ, cụ thể hơn để đổi mới căn bản, toàn diện quản lý nhà nước trong phát triển kinh tế tư nhân thành động lực quan trọng nền kinh tế.
Phát biểu kết luận Hội thảo, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh, các ý kiến thảo luận đều cho rằng, cần tiếp tục khẳng định và nhấn mạnh vai trò, vị trí quan trọng của kinh tế tư nhân trong phát triển kinh tế - xã hội, đặc biệt là các doanh nghiệp tư nhân, trụ cột của nền kinh tế quốc gia. Nhiều doanh nghiệp tư nhân đã góp phần thực hiện mục tiêu công nghiệp hóa, hiện đại hóa, làm thay đổi “diện mạo” đất nước, tạo dấu ấn, nâng cao vị thế, uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế.
Các ý kiến phát biểu đã nhận diện, bổ sung và làm sâu sắc thêm những mặt tích cực cũng như những hạn chế, tồn tại, rào cản đối với phát triển kinh tế tư nhân, đặc biệt trong quản lý nhà nước đối với phát triển kinh tế tư nhân. Qua đó, thống nhất sự cấp thiết phải đổi mới toàn diện quản lý nhà nước trong phát triển kinh tế tư nhân nhằm hướng tới hiện thực hóa tinh thần của Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, đó là “khơi dậy mạnh mẽ tinh thần yêu nước, ý chí tự cường dân tộc, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc và khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc…” cũng như thực hiện Nghị quyết 10/NQ-TW của Hội nghị Trung ương năm khóa XII về phát triển kinh tế tư nhân trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh, đây là một đề án quan trọng nhưng phạm vi rộng nên sẽ rất thách thức trong việc xác định các giải pháp cụ thể và tổ chức thực thi đầy đủ, nhất quán các giải pháp đề ra. Bộ Kế hoạch và Đầu tư rất trân trọng các ý kiến phát biểu, Bộ sẽ nghiên cứu nghiêm túc và tiếp thu để sớm hoàn thiện Đề án trình Chính phủ, cũng như chia sẽ rộng rãi đến các cơ quan và cộng đồng doanh nghiệp. Các quan điểm, nội dung và giải pháp của Đề án sẽ được Bộ Kế hoạch và Đầu tư cụ thể hóa thành nhiệm vụ trong quá trình xây dựng Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng./.
Thúy Quyên
Bộ Kế hoạch và Đầu tư