Skip Ribbon Commands
Skip to main content
Ngày 31/01/2021-15:34:00 PM
Tình hình kinh tế - xã hội tháng 01 của tỉnh Quảng Bình

Năm 2021 là năm đầu triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ các cấp, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII và Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng; năm đầu thực hiện Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021 - 2030 và Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021 - 2025. Để hoàn thành thắng lợi các mục tiêu đã đề ra, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện Nghị quyết của Chính phủ, Tỉnh ủy, của HĐND tỉnh trong năm 2021. UBND tỉnh giao nhiệm vụ cụ thể cho các ngành, địa phương và người đứng đầu cơ quan, đơn vị trong thực hiện mục tiêu đề ra như: Tập trung thực hiện vừa phòng, chống dịch Covid-19 hiệu quả, bảo vệ sức khỏe Nhân dân, vừa tận dụng tốt các cơ hội, nỗ lực phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội trong trạng thái bình thường mới. Với quyết tâm của toàn hệ thống chính trị, ngay từ những ngày đầu năm mới, các cấp, các ngành, các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp,… đã triển khai ngay nhiệm vụ năm 2021 với quyết tâm cao nhất.

I. KINH TẾ

1. Nông nghiệp

a. Trồng trọt

Trong tháng 1, thời tiết rét đậm, rét hại nên công tác gieo trồng cây hàng năm vụ Đông Xuân gặp nhiều khó khăn, đặc biệt cây lúa nhiều nơi phải lùi thời vụ. Tuy nhiên, với sự quan tâm chỉ đạo của các Cấp ủy Đảng, Chính quyền, bà con nông dân tranh thủ khoảng thời gian thời tiết thuận lợi trong tháng để đẩy nhanh tiến độ gieo trồng nhằm đảm bảo đúng lịch thời vụ quy định.

Đến ngày 15/1/2021, diện tích gieo trồng các loại cây hàng năm vụ Đông Xuân thực hiện 42.610 ha, tăng 0,3% so với cùng kỳ năm trước. Cụ thể các loại cây như sau:

- Cây lúa thực hiện 24.900 ha, giảm 0,6% so với cùng kỳ năm trước. Tiến độ gieo trồng diện tích lúa vẫn đạt khá, xấp xỉ cùng kỳ năm trước là nhờ nguồn nước đảm bảo đầy đủ; sự quan tâm của các cấp, các ngành, đặc biệt là công tác cung ứng giống lúa đảm bảo chất lượng đầy đủ, kịp thời. Các ngành chức năng đã có văn bản hướng dẫn, khuyến cáo cụ thể về cơ cấu giống và chất lượng giống cho từng địa phương. Đối với cây lúa, mỗi địa phương chỉ nên cơ cấu từ 2 - 3 giống lúa chủ lực; khuyến khích sử dụng các giống trung và ngắn ngày, trong đó cơ cấu giống lúa chất lượng chiếm khoảng 65 - 70% diện tích. Những giống đã có biểu hiện thoái hóa, nhiễm sâu bệnh cần hạn chế sử dụng và loại bỏ dần; tiếp tục cơ cấu các giống có năng suất và chất lượng, có thời gian sinh trưởng ngắn, như: P6, PC6, QS447,… và giống mới có triển vọng như Phong Nha 99 vào sản xuất thay dần các giống thoái hóa trong thời gian tới. Dự kiến diện tích lúa ở nhiều địa phương sẽ cơ bản hoàn thành gieo cấy trước tết Nguyên đán.

- Các loại cây trồng khác thực hiện 17.710 ha, so với cùng kỳ năm trước tăng 1,7%. Cụ thể: Cây ngô và cây lương thực có hạt khác 3.750 ha, tăng 0,3%; cây lấy củ có chất bột 6.637,5 ha, tăng 2,3%; cây mía 24 ha, tăng 4,4%; cây có hạt chứa dầu 2.600 ha, tăng 2%; cây rau, đậu, hoa cây cảnh 3.742 ha, tăng 1,6%; cây gia vị, dược liệu hàng năm 350 ha, tăng 1,5%; cây hàng năm khác 606,5 ha, tăng 3,5% so với cùng kỳ năm trước. Nhìn chung, tiến độ gieo trồng cây hàng năm ở hầu hết các địa phương đều tăng so với cùng kỳ.

Cụ thể diện tích gieo trồng một số cây trồng chính: Cây lúa 24.900 ha, giảm 0,6%; cây ngô 3.610 ha, tăng 0,3%; cây khoai lang 2.400 ha, tăng 4,3%; cây lạc 2.600 ha, tăng 2%; cây rau các loại 3.500 ha, tăng 1,5%; cây đậu các loại 170 ha, tăng 3,0% so với cùng kỳ năm trước.

Ước tính đến hết tháng 1/2021, diện tích gieo trồng cây hàng năm thực hiện 51.144 ha, tăng 0,7% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, diện tích cây lúa tương đương vụ Đông Xuân năm trước.

Để đảm bảo vụ mùa bội thu và tái thiết cuộc sống cho bà con sau lũ, trong quá trình sản xuất, ngành Nông nghiệp cử cán bộ chuyên môn phụ trách về cơ sở hướng dẫn và hỗ trợ bà con nông dân; chỉ đạo các địa phương, đơn vị hướng dẫn bà con triển khai xuống giống, đảm bảo cơ cấu cây trồng theo đúng kế hoạch, sử dụng giống lúa chất lượng mang lại hiệu quả cao; đẩy mạnh mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ; thực hiện đồng bộ các biện pháp phòng trừ dịch bệnh,... Bên cạnh đó, các ngành, địa phương quan tâm tu sửa các hạng mục công trình tưới tiêu nước; đồng thời chỉ đạo chặt chẽ công tác tưới tiêu khoa học, hợp lý nhằm tiết kiệm nước có hiệu quả ngay từ đầu Vụ. Dự báo khả năng nguồn nước sẽ đáp ứng tốt cho công tác tưới tiêu vụ Đông Xuân năm nay.

b. Chăn nuôi

Nhờ chú trọng công tác phòng trừ dịch bệnh trong chăn nuôi nên đàn gia súc, gia cầm phát triển tương đối ổn định. Đàn gia cầm, đặc biệt đàn gà phát triển nhanh. Chăn nuôi lợn đang có xu hướng tăng đàn, tuy nhiên còn chậm do dịch tả lợn châu Phi còn diễn biến phức tạp, một số nơi xuất hiện dịch trở lại. Chăn nuôi trâu, bò ổn định về quy mô đàn. Do rét đậm, rét hại xảy ra diện rộng, một số vùng núi cao nhiệt độ giảm sâu nên đã xuất hiện trâu, bò chết rét. Các ngành chức năng đã khuyến cáo, hướng dẫn cho người chăn nuôi tích cực phòng chống rét cho đàn gia súc, gia cầm nhằm giảm thiệt hại do thời tiết gây ra.

Ước tính tháng 1 sản lượng thịt xuất chuồng các loại 6.513 tấn, tăng 0,1% so với cùng kỳ năm trước. Cụ thể: Thịt trâu 185 tấn, tăng 0,5%; thịt bò 748 tấn, tăng 3,2%; thịt lợn 3.520 tấn, giảm 4,6%; thịt gia cầm 2.060 tấn, tăng 8,1%. Riêng thịt gà 1.520 tấn, tăng 9,4% so với cùng kỳ năm trước. Dự báo, khả năng sản lượng thịt các loại sẽ cung cấp tương đối đầy đủ cho nhu cầu tiêu dùng trong dịp tết Nguyên đán Tân Sửu.

Để tạo điều kiện cho người dân có tái thiết sản xuất sau lũ lụt, ngày 08/01/2021 Chi cục Chăn nuôi và Thú y đã trao 29.700 con gà giống cho Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Lệ Thủy và 25.000 con cho Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Bố Trạch. Ngoài ra, ngành Nông nghiệp cũng đã cấp hỗ trợ 75.000 kg thức ăn chăn nuôi; 275.000 liều vaccine Newcastle, 275.000 liều vaccine Gumboro.

Hiện tại, ngành Thú y đang kết hợp với các ngành liên quan và các địa phương triển khai công tác rà soát, nắm tình hình chăn nuôi và chuẩn bị lập kế hoạch tiêm phòng vắcxin cho đàn gia súc, gia cầm năm 2021. Tiếp tục đẩy mạnh công tác kiểm soát vận chuyển gia súc, gia cầm nhằm khống chế dịch bệnh lây lan; thực hiện xây dựng vùng an toàn dịch bệnh; kiểm soát giết mổ tập trung,… nhằm đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm cho người tiêu dùng, nhất là trong dịp tết Nguyên đán sắp đến.

2. Lâm nghiệp

Trong tháng 1, các chủ rừng tiếp tục thực hiện khai thác gỗ từ rừng trồng; chăm sóc rừng trồng; trồng cây phân tán và triển khai công tác điều chế, vệ sinh rừng để chuẩn bị cho khai thác rừng năm 2021.

Ước tính sản lượng gỗ khai thác từ rừng trồng trong tháng 1 đạt 22.500 m3, tăng 4,7%; sản lượng củi khai thác 18.500 ste, tăng 1,7% so với cùng kỳ năm trước.

Ước tính diện tích rừng trồng được chăm sóc tháng 1 đạt 2.050 ha, tăng 2,5% so với cùng kỳ. Hiện tại, các chủ rừng tiếp tục thực hiện trồng dặm, trồng bổ sung số diện tích trồng năm trước và triển khai trồng cây phân tán theo kế hoạch. Ước tính tháng 1, số cây lâm nghiệp trồng phân tán 780 ngàn cây, tăng 6,1% so với cùng kỳ năm trước. Lượng cây giống cho kế hoạch trồng cây dịp Tết cơ bản đầy đủ, sau tết Nguyên đán các địa phương, các ngành thực hiện ra quân Tết trồng cây.

3. Thủy sản

Ước tính sản lượng đánh bắt và nuôi trồng thuỷ sản tháng 1 năm 2021 thực hiện 3.790,5 tấn, tăng 6,4% so với cùng kỳ năm trước. Chia ra: Khai thác thực hiện 3.188 tấn, tăng 7%; nuôi trồng thực hiện 602,5 tấn, tăng 3,5% so với cùng kỳ năm trước.

a. Khai thác

Thời tiết tháng 1 không thuận lợi nên khai thác biển gặp khó khăn nhất định. Theo đó, sản lượng khai trong tháng có mức tăng thấp so với các kỳ trước. Ước tính sản lượng thuỷ sản khai thác tháng 1 thực hiện 3.188 tấn, tăng 7% so với cùng kỳ năm trước. Sản lượng khai thác chia theo nhóm sản phẩm: Cá các loại 2.798,0 tấn, tăng 6,9%; tôm các loại 42 tấn, tăng 5%; thủy sản khác 348 tấn, tăng 7,7% so với cùng kỳ năm trước.

Sản lượng chia theo ngư trường: Khai thác biển 2.919 tấn, tăng 7,1%; chia theo nhóm sản phẩm: Cá các loại 2.640,0 tấn, tăng 7%; tôm các loại 21 tấn, tăng 5%; thủy sản khác 258 tấn, tăng 8,4% so với cùng kỳ năm trước. Khai thác nội địa 269 tấn, tăng 5,5%, chia theo nhóm sản phẩm: Cá các loại 158 tấn, tăng 5,3%; tôm các loại 21 tấn, tăng 5%; thủy sản khác 90 tấn, tăng 5,9% so với cùng kỳ năm trước.

b. Nuôi trồng

Ước tính sản lượng thủy sản nuôi thu hoạch trong tháng 1 đạt 602,5 tấn, tăng 3,5% so với cùng kỳ năm trước. Sản lượng chia theo nhóm sản phẩm: Cá các loại 516 tấn, tăng 3,6%; tôm các loại 66,5 tấn, tăng 2,3%; thủy sản khác 20 tấn, tăng 5,3% so với cùng kỳ năm trước.

4. Công nghiệp

Tháng 1/2021 không trùng vào dịp nghỉ tết Nguyên đán nên thời gian sản xuất của các cơ sở sản công nghiệp nhiều hơn tháng 1/2020. Do đó, chỉ số sản xuất ngành công nghiệp tháng 1/2021 tăng cao so với cùng kỳ năm trước.

Chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp tháng 1/2021 ước tính tăng 0,2% so với tháng trước và tăng 39,5% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, ngành công nghiệp khai khoáng tăng 24,3%; ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 42,1%; ngành sản xuất và phân phối điện tăng 28,6%; ngành cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 28,4%.

Chỉ số sản xuất ngành công nghiệp khai khoáng tăng 24,3% so với cùng kỳ năm trước. Đây là mức tăng cao do trong tháng cùng kỳ năm trước trùng vào dịp tết Nguyên đán nên phần lớn các mỏ khai thác quặng, đá xây dựng tạm dừng hoạt động khai thác.

Chỉ số sản xuất ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 42,1% so với cùng kỳ. Một số ngành như: sản xuất, chế biến thực phẩm; sản xuất sản phẩm từ khoáng phi kim loại; sản xuất trang phục; chế biến gỗ và sản phẩm từ gỗ; sản phẩm từ kim loại đúc sẵn,… tốc độ tăng trưởng khá cao, đóng vai trò lớn cho sự phát triển của toàn ngành công nghiệp.

Chỉ số sản xuất ngành sản xuất và phân phối điện tăng 28,6% so với cùng kỳ. Ngành điện tiếp tục tập trung vận hành an toàn, ổn định hệ thống điện và thị trường điện đáp ứng cho sản xuất và sinh hoạt.

Chỉ số sản xuất ngành cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 28,4% so với cùng kỳ. Trong đó, ngành khai thác, xử lý và cung cấp nước tăng 23,2% so với cùng kỳ.

Sản phẩm công nghiệp chủ yếu sản xuất trong tháng 1/2021 như sau: ván ép từ gỗ đạt 3.315 m3, tăng 481,6%; gạch xây dựng bằng đất nung đạt 20,8 triệu viên, tăng 59,4%; điện thương phẩm đạt 82 triệu Kwh, tăng 26,2%; nước máy thương phẩm đạt 823 nghìn m3, tăng 23,2%; đá xây dựng đạt 226.334 m3, tăng 26,2%; clinker thành phẩm đạt 321.730 tấn, tăng 41,0%; xi măng đạt 153.133 tấn, tăng 38,1%; cao lanh đạt 3.827 tấn, giảm 1,1%; tinh bột sắn đạt 3.115 tấn, tăng 48,9%; áo sơ mi đạt 880 nghìn cái, tăng 23,4%; dăm gỗ đạt 27.439 tấn, tăng 4,1% so với cùng kỳ.

Nhìn chung, tình hình sản xuất công nghiệp của các cơ sở trên địa bàn tỉnh trong tháng 1/2021 vẫn duy trì ổn định. Các ngành đều có mức tăng trưởng khá cao so với cùng kỳ.

5. Vốn đầu tư

Trong tháng 1 năm 2021, vốn đầu tư ngân sách Nhà nước địa phương quản lý trên địa bàn tỉnh thực hiện chủ yếu là các công trình/dự án chuyển tiếp năm 2020, như: Đường quốc lộ 1A đến nhà lưu niệm Đại tướng Võ Nguyên Giáp; sửa chữa nâng cấp cụm hồ chứa nước huyện Tuyên Hóa; đường vào Trung tâm Phong Nha, huyện Bố Trạch; đầu tư xây dựng hoàn thiện cơ sở vật chất Cơ sở 1 Trường Đại học Quảng Bình; đầu tư hệ thống giao thông và hạ tầng kỹ thuật Trung tâm hành chính mới huyện Quảng Trạch;… Đồng thời triển khai sửa chữa một số tuyến đường xuống cấp nghiêm trọng để đảm bảo cho Nhân dân đi lại thuận lợi trong dịp tết Nguyên đán và triển khai các thủ tục cho các công trình/dự án xây dựng mới trong năm 2021.

Vốn đầu tư thuộc nguồn vốn ngân sách Nhà nước trên địa bàn tỉnh do địa phương quản lý tháng 1/2021 tăng cao so với cùng kỳ (do tháng 1/2020 trùng vào dịp nghỉ tết Nguyên đán). Ước tính vốn đầu tư thuộc nguồn vốn ngân sách Nhà nước trên địa bàn tỉnh do địa phương quản lý tháng 1/2021 thực hiện 207,2 tỷ đồng, tăng 65,9% so với cùng kỳ. Trong đó: Vốn ngân sách Nhà nước cấp tỉnh 158,4 tỷ đồng, tăng 80,2%; vốn ngân sách Nhà nước cấp huyện 30,3 tỷ đồng, tăng 46,7%; vốn ngân sách Nhà nước cấp xã 18,5 tỷ đồng, tăng 13,5% so với cùng kỳ năm trước.

Bước sang đầu năm mới 2021, để triển khai có hiệu quả và kịp thời vốn đầu tư từ nguồn vốn ngân sách Nhà nước, các cấp, các ngành cần quan tâm, chỉ đạo, đôn đốc các nhà thầu thực hiện thi công các công trình/dự án kỹ thuật dân dụng, cơ sở hạ tầng, các công trình/dự án trên địa bàn tỉnh đảm bảo đúng tiến độ đã được phê duyệt, đồng thời hoàn thành các công trình/dự án sớm đưa vào sử dụng theo kế hoạch cũng như phục vụ tết Nguyên đán.

6. Thương mại, dịch vụ

a. Tổng mức bán lẻ hàng hoá

Tháng 1/2021 là tháng giáp tết Nguyên đán Tân Sửu, thị trường bán lẻ hàng hoá diễn ra rất sôi động, hàng hoá đa dạng và phong phú, nhu cầu mua sắm Tết của người dân tăng lên; bên cạnh đó số lượng các cơ sở sản xuất trực tiếp bán lẻ cũng như các cơ sở kinh doanh theo mùa vụ mở bán nhiều hơn (các cơ sở bán hoa, cây cảnh, lương thực thực phẩm,...) nên tổng mức bán lẻ hàng hóa tăng so với tháng trước, nhưng vẫn giảm so với cùng kỳ (do tháng 1/2020 trùng vào tết Nguyên đán).

Tổng mức bán lẻ hàng hóa tháng 1/2021 ước tính đạt 3.420,6 tỷ đồng, tăng 5,8% so với tháng trước và giảm 2,3% so với cùng kỳ. Hầu hết tất cả các nhóm ngành hàng đều tăng so với tháng trước và giảm so với cùng kỳ. So với tháng trước các nhóm ngành có mức tăng cao, như: hàng may mặc, đồ dùng, dụng cụ, trang thiết bị gia đình, phương tiện đi lại (trừ ô tô con) và xăng, dầu các loại. So với cùng kỳ có mức giảm mạnh gồm có các nhóm ngành: xăng, dầu các loại và nhiên liệu khác.

Để chuẩn bị cho tết Nguyên đán, UBND tỉnh đã chỉ đạo sở, ngành, đơn vị, địa phương khẩn trương triển khai thực hiện các hoạt động nhằm bảo đảm nguồn cung cấp hàng hóa, bình ổn giá cả, tuyệt đối không để xảy ra tình trạng khan hiếm hàng hóa, gây sốt giá dịp tết Nguyên đán; kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm hành vi kinh doanh hàng hóa nhập lậu, hàng giả, hàng cấm, hàng kém chất lượng. Nhìn chung, với nhu cầu tiêu dùng tăng lên chuẩn bị đón tết Nguyên đán thì các cơ sở bán lẻ như chợ, cửa hàng, siêu thị mini cùng các siêu thị lớn như Co.opmart Quảng Bình, Vinmart,… đã cơ bản đáp ứng tốt yêu cầu và thị hiếu của người tiêu dùng.

b. Lưu trú và ăn uống

Mặc dù tháng 1 có kỳ nghỉ tết Dương lịch, nhưng trước diễn biến phức tạp của dịch Covid-19 trên thế giới cùng với thời tiết mưa, rét kéo dài đã làm ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động du lịch. Tuy nhiên, đây là tháng cuối năm, các hoạt động như liên hoan, tổng kết, tất niên của cơ quan, doanh nghiệp, gia đình diễn ra thường xuyên nên doanh thu dịch vụ ăn uống tăng so với tháng trước.

- Dịch vụ lưu trú:

Doanh thu dịch vụ lưu trú tháng 1/2021 ước tính đạt 9,3 tỷ đồng, giảm 5,3% so với tháng trước và giảm 56,8% so với cùng kỳ.

Số lượt khách lưu trú tháng 1/2021 ước tính đạt 25.537 lượt khách, giảm 4,6% so với tháng trước và giảm 57,2% so với cùng kỳ. Trong đó, số lượt khách quốc tế lưu trú tháng 1/2021 ước tính đạt 326 lượt khách, giảm 8,4% so với tháng trước và giảm 97,0% so với cùng kỳ.

Ngày khách tháng 1/2021 ước tính đạt 28.238 ngày khách, giảm 5,8% so với tháng trước và giảm 58,9% so với cùng kỳ.

- Dịch vụ ăn uống:

Doanh thu dịch vụ ăn uống tháng 1/2021 ước tính đạt 229,7 tỷ đồng, tăng 7,0% so với tháng trước và giảm 28,3% so với cùng kỳ.

c. Du lịch lữ hành

Doanh thu hoạt động lữ hành tháng 1/2021 ước tính đạt 7,4 tỷ đồng, tăng 6,1% so với tháng trước và giảm 60,2% so với cùng kỳ.

Số lượt khách du lịch lữ hành tháng 1/2021 ước tính đạt 14.008 lượt khách, tăng 3,1% so với tháng trước và giảm 61,2% so với cùng kỳ.

Số lượt khách quốc tế lữ hành tháng 1/2021 ước tính đạt 355 lượt khách, tăng 2,9% so với tháng trước và giảm 96,9% so với cùng kỳ.

d. Dịch vụ khác

Tháng 1/2021, hoạt động dịch vụ diễn ra khá sôi động, đây là tháng có kỳ nghỉ tết Dương lịch và là tháng giáp tết Nguyên đán nên các cơ sở kinh doanh chuẩn bị tốt nhất các dịch vụ để đáp ứng đầy đủ nhu cầu mua sắm của người dân.

Ước tính doanh thu hoạt động dịch vụ tháng 1/2021 đạt 131,7 tỷ đồng, tăng 5,2% so với tháng trước và giảm 2,8% so với cùng kỳ. Xét theo từng nhóm dịch vụ thì nhóm dịch vụ kinh doanh bất động sản tăng 3,6% so với tháng trước và tăng 10,0% so với cùng kỳ; nhóm dịch vụ hành chính và dịch vụ hỗ trợ tăng 5,5% so với tháng trước và giảm 13,0% so với cùng kỳ; nhóm dịch vụ giáo dục và đào tạo tăng 2,5% so với tháng trước và tăng 23,0% so với cùng kỳ; nhóm dịch vụ y tế và hoạt động trợ giúp xã hội tăng 4,1% so với tháng trước và tăng 2,3% so với cùng kỳ; nhóm dịch vụ nghệ thuật, vui chơi, giải trí tăng 6,7% so với tháng trước và giảm 17,0% so với cùng kỳ; nhóm dịch vụ khác tăng 6,3% so với tháng trước và tăng 7,0% so với cùng kỳ.

e. Vận tải

Sau thời gian mưa, lũ, cơ sở hạ tầng giao thông đã cơ bản được sửa chữa, khắc phục nên giao thông đảm bảo thông suốt. Tháng này là tháng có tết Dương lịch và cũng là thời gian chuẩn bị đến tết Nguyên đán nên lượng hành khách, hàng hóa lưu thông khá nhộn nhịp. Tháng 1/2021 doanh thu và sản lượng vận tải đều tăng khá so với tháng trước.

Tổng doanh thu vận tải, kho bãi và dịch vụ hỗ trợ vận tải tháng 1/2021 ước tính đạt 373,6 tỷ đồng, tăng 2,2% so với tháng trước và tăng 8,4% so với cùng kỳ năm 2020. Trong đó doanh thu vận tải hành khách đạt 64,7 tỷ đồng, tăng 3,6% so với tháng trước, tăng 11,0% so với cùng kỳ; doanh thu vận tải hàng hóa đạt 269,2 tỷ đồng, tăng 1,6% so với tháng trước và tăng 8,2% so với cùng kỳ năm 2020; doanh thu dịch vụ hỗ trợ vận tải đạt 39,6 tỷ đồng, tăng 3,9% so với tháng trước và tăng 6,3% so với cùng kỳ.

Tổng số hành khách vận chuyển tháng 1/2021 ước tính đạt 2,5 triệu hành khách, tăng 1,3% so với tháng trước, tăng 8,1% so với cùng kỳ. Tổng số hành khách luân chuyển tháng 1/2021 ước tính đạt 117,4 triệu hk.km, tăng 2,6% so với tháng trước, tăng 9,9% so với cùng kỳ.

Khối lượng vận chuyển hàng hóa tháng 1/2021 ước tính đạt 2,5 triệu tấn, tăng 3,2% so với tháng trước, tăng 8,6% so với cùng kỳ. Tổng khối lượng hàng hóa luân chuyển tháng 1/2021 ước tính đạt 135,7 triệu tấn.km, tăng 2,2% so với tháng trước, tăng 8,4% so với cùng kỳ.

Để đảm bảo quyền lợi cho người dân, UBND tỉnh đã giao Sở Giao thông vận tải chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan thực hiện kê khai giá, niêm yết giá cước vận tải; xử lý nghiêm đối với trường hợp vi phạm, lợi dụng lượng hành khách tăng trong dịp Lễ, Tết, cao điểm để tăng giá cước vận tải ở mức cao và trường hợp không thực hiện việc kê khai, niêm yết giá.

f. Chỉ số giá tiêu dùng, chỉ số giá vàng và chỉ số giá đô la Mỹ

Chỉ số giá tiêu dùng (CPI)

Chỉ số giá tiêu dùng tháng 1 năm 2021 trên địa bàn tỉnh Quảng Bình giảm 0,37% so với tháng trước và giảm 1,21% so với cùng kỳ năm trước (trong đó: nhóm hàng hóa giảm 2,59%; nhóm dịch vụ tăng 1,43%).

Trong 11 nhóm hàng hóa và dịch vụ chính có 3 nhóm giảm, 4 nhóm tăng và 4 nhóm không đổi so với tháng trước. Trong đó: Nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống giảm 0,59%; nhóm nhà ở và vật liệu xây dựng giảm 2,28%; nhóm văn hóa, giải trí và du lịch giảm 0,03%; nhóm may mặc, mũ nón và giày dép tăng 0,11%; nhóm giao thông tăng 1,73%; nhóm thiết bị và đồ dùng gia đình tăng 0,02%; nhóm hàng hóa và dịch vụ khác tăng 0,01%; các nhóm: Nhóm đồ uống và thuốc lá; nhóm thuốc và dịch vụ y tế; nhóm bưu chính viễn thông và nhóm giáo dục có chỉ số không đổi so với tháng trước.

Nguyên nhân làm CPI tháng 1 năm 2021 giảm so với tháng trước: Thứ nhất, trong tháng 12 Công ty điện lực Quảng Bình đã tiến hành giảm giá điện cho khách sử dụng điện sinh hoạt theo Nghị quyết số 180/NQ-CP ngày 17/12/2020 của Chính phủ về phương án hỗ trợ giảm giá điện, giảm tiền điện (đợt 2) và Công văn số 9764/BCT-ĐTĐL ngày 18/12/2020 của Bộ Công Thương về việc hỗ trợ giảm giá điện đã làm cho giá điện sinh hoạt tháng này giảm rất mạnh. So với tháng trước giá điện tháng này giảm 14,91% làm CPI chung giảm 0,37%. Thứ hai, giá rau tươi, khô và chế biến tiếp tục giảm mạnh do nguồn cung nhóm này đã dần ổn định trở lại sau lũ lụt, chỉ số nhóm này giảm 10,35% so với tháng trước, góp phần làm giảm CPI chung nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống giảm 0,25%.

Trong tháng 1, có một số mặt hàng giá tăng khá: Giá gas biến động theo thị trường trong nước, tiếp tục được điều chỉnh tăng 27.000 đồng/bình 12 kg từ ngày 01/01/2021, giá gas tăng 7,69% so với tháng trước; giá xăng, dầu được Tập đoàn Petrolimex điều chỉnh vào ngày 26/12/2020 và ngày 11/01/2021, so với tháng trước bình quân giá xăng tăng 5,66%; giá dầu diezel tăng 6,31%. Tính chung giá nhiên liệu tăng 5,41% so với tháng trước làm CPI chung tăng 0,23%,...

Chỉ số giá vàng 99,99%

Giá vàng trong tỉnh biến động theo giá vàng trong nước. Bình quân tháng 1/2021 giá vàng tăng 2,61% so với tháng trước. Giá vàng dao động quanh mức 5,49 triệu đồng/chỉ, tăng 42,25% so với kỳ gốc 2019 và tăng 28,77% so với cùng kỳ năm trước.

Chỉ số giá đô la Mỹ (USD)

Giá đô la Mỹ tháng này có giá bình quân 22.999 đồng/USD, giảm 0,17% so với tháng trước, giảm 0,43% so với kỳ gốc 2019 và giảm 0,48% so với cùng kỳ năm trước.

7. Tài chính, tín dụng

a. Thu ngân sách nhà nước

Tổng thu ngân sách trên địa bàn tháng 1 năm 2021 ước tính thực hiện 312,1 tỷ đồng, đạt 5,7% so với dự toán địa phương, bằng 96,1 so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, thu nội địa thực hiện 295,6 tỷ đồng, đạt 6,0% dự toán địa phương, bằng 93,3% so với cùng kỳ năm trước; thu thuế xuất nhập khẩu thực hiện 15,6 tỷ đồng, đạt 3,1% dự toán địa phương, tăng 125,3% so với cùng kỳ năm trước.

Trong tổng số thu cân đối ngân sách tháng 1 năm 2021 so với dự toán năm có 9/15 khoản thu đạt tiến độ (8,3%) dự toán cả năm là thu từ doanh nghiệp nhà nước Trung ương; thu từ doanh nghiệp nhà nước địa phương; thu từ doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài; thuế thu nhập cá nhân; thu lệ phí trước bạ; thu phí và lệ phí; thuế bảo vệ môi trường; thu xổ số kiến thiết và thu khác ngân sách. Còn lại 6 khoản thu khác chưa đạt tiến độ của năm.

Có 7/15 khoản thu có tăng trưởng so với cùng kỳ năm trước, đó là thu từ khu vực doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài; thuế bảo vệ môi trường; thu tiền cấp quyền khai thác khoáng sản; thu xổ số kiến thiết; thu tiền sử dụng đất; thu hoa lợi công sản và thu khác ngân sách. Còn lại 8 khoản thu giảm so với cùng kỳ năm trước.

b. Tín dụng

- Hoạt động huy động vốn

Đến 31/12/2020, tổng nguồn vốn huy động đạt 48.243 tỷ đồng, tăng 13,2% so với đầu năm. Ước tính đến 31/01/2021, tổng nguồn vốn huy động đạt 48.720 tỷ đồng, tăng 1% so với tháng 12/2020.

- Hoạt động tín dụng

Đến 31/12/2020, tổng dư nợ đạt 60.270 tỷ đồng, tăng 7,6% so với đầu năm. Ước tính đến 31/01/2021, dư nợ đạt 58.500 tỷ đồng, tăng 0,8% so với tháng 12/2020.

- Dư nợ các chương trình tín dụng

+ Cho vay theo Nghị định số 67/2014/NĐ-CP ngày 07/7/2014 của Chính phủ: Đã giải ngân 87 hợp đồng tín dụng, số tiền giải ngân 988,9 tỷ đồng; dư nợ 879,8 tỷ đồng. Nợ xấu cho vay theo Nghị định số 67/2014/NĐ-CP: 716 tỷ đồng, chiếm 83,8% dư nợ cho vay theo chương trình; nợ lãi quá hạn 27 tỷ đồng.

+ Cho vay phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn: 163.844 khách hàng, dư nợ 29.164 tỷ đồng, chiếm 48,8% tổng dư nợ.

+ Cho vay Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới: 117.829 khách hàng, dư nợ 16.030 tỷ đồng, chiếm 26,8% tổng dư nợ.

+ Cho vay hộ nghèo và các đối tượng chính sách:Ngân hàng Chính sách xã hội đang triển khai 22 chương trình cho vay, dư nợ cho vay 3.475 tỷ đồng.

II. XÃ HỘI

1. Giáo dục - đào tạo

Các trường học trên toàn tỉnh đã kết thúc kỳ thi học kỳ I, đang chuẩn bị công tác sơ kết học kỳ I, triển khai nhiệm vụ học kỳ II năm học 2020 - 2021 và báo cáo kết quả học kỳ I về Sở Giáo dục và Đào tạo. Đầu tháng 1/2021, Sở Giáo dục và Đào tạo tiến hành thanh tra một số trường trung học phổ thông, Phòng Giáo dục và Đào tạo các huyện, thị xã, thành phố trong việc thực hiện nhiệm vụ thanh tra, kiểm tra; quản lý dạy thêm, học thêm, thực hành tiết kiệm; phòng chống tham nhũng, phổ biến giáo dục pháp luật.

Từ ngày 25 - 27/12/2020, cùng với các hội đồng thi trong cả nước, tại Trường THPT chuyên Võ Nguyên Giáp đã diễn ra kỳ thi học sinh giỏi quốc gia năm học 2020 - 2021, tỉnh Quảng Bình có 62 học sinh tham dự ở 9 bộ môn gồm: Toán, Văn, Sử, Địa, Lý, Hóa, Sinh, Tin học, Tiếng Anh. Trong đó, đa phần là học sinh Trường THPT chuyên Võ Nguyên Giáp và có 1 em học sinh Trường THPT Lệ Thuỷ tham dự đội tuyển Tin học. Kết quả, có 41/62 học sinh của tỉnh Quảng Bình tham dự kỳ thi đạt giải. Đây là lần đầu tiên trong 10 năm qua ngành Giáo dục & Đào tạo Quảng Bình có được số lượng học sinh đạt giải nhiều nhất. Theo đó, đội tuyển học sinh giỏi tham dự kỳ thi này có 9 giải Nhì, 12 giải ba và 20 giải khuyến khích. Đáng chú ý đó là các đội tuyển thuộc các môn Văn, Lý có 100% học sinh tham dự đều có giải, những đội tuyển như Văn, Sử có từ 3 học sinh đạt giải Nhì trở lên,...

Sáng ngày 14/01/2021, tại Trường THPT chuyên Võ Nguyên Giáp, Sở Giáo dục và Đào tạo đã khai mạc cuộc thi khoa học kỹ thuật (KHKT) cấp tỉnh giành cho học sinh trung học năm học 2020 - 2021, với 116 dự án của các trường trung học trên địa bàn tỉnh gửi về. Ban Tổ chức, Ban Giám khảo cuộc thi của Sở Giáo dục và Đào tạo đã chấm sơ loại, qua đó chọn ra 80 dự án của 153 học sinh thuộc 51 đơn vị tham gia dự thi tại khu vực trưng bày. Những dự án xuất sắc giành giải thưởng sẽ được chọn tham gia cuộc thi nghiên cứu khoa học kỹ thuật cấp Quốc gia do Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức trong thời gian tới.

2. Công tác y tế

a. Công tác phòng chống các bệnh dịch lây

Thực hiện Chỉ thị số 01/CT-TTg ngày 5/1/2021 của Thủ tướng Chính phủ và Chỉ thị số 01/CT-UBND ngày 11/01/2021 của Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình về tăng cường phòng, chống dịch Covid-19, các cấp, các ngành, các địa phương trong toàn tỉnh tăng cường kiểm tra, phát hiện, xử lý các trường hợp nhập cảnh trái phép trên địa bàn, thực hiện nghiêm quy định về cách ly tập trung và theo dõi y tế. Tính đến thời điểm ngày 17/01/2021, tổng số người hiện đang cách ly tập trung tại Trường Quân sự tỉnh 127 người; tổng số hoàn thành cách ly tập trung 4.611 người; tổng số mẫu xét nghiệm 6.460, kết quả có 6.459 người âm tính và 01 người dương tính. Tổng số theo dõi, hoàn thành cách ly tại nhà trên địa bàn tỉnh là 25.448 người. Hiện tại, Sở Y tế đang tiếp tục triển khai thực hiện tốt Chỉ thị số 01/CT-UBND ngày 11/01/2021 của Chủ tịch UBND tỉnh về tăng cường phòng, chống dịch Covid-19, phối hợp với Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, UBND các huyện, thị xã, thành phố và các đơn vị liên quan rà soát, bổ sung các phương án sẵn sàng tiếp nhận, cách ly tại các khu cách ly tập trung nhằm bảo đảm đón tết Nguyên đán Tân Sửu an toàn, vui tươi theo chỉ đạo của lãnh đạo UBND tỉnh.

Về một số dịch bệnh khác, trong tháng 12/2020, trên địa bàn tỉnh đã xảy ra 83 trường hợp sốt xuất huyết Dengue; 201 trường hợp tiêu chảy; 27 trường hợp thủy đậu; 2 trường hợp quai bị; 811 trường hợp cúm; 3 trường hợp lỵ trực trùng; 4 trường hợp lỵ amip; 3 trường hợp Tay - chân - miệng; 1 trường hợp viêm gan virut B; 11 trường hợp viêm gan virut khác; 1 trường hợp viêm gan virut A. Luỹ kế từ đầu năm đến ngày 31/12/2020, trên địa bàn tỉnh Quảng Bình đã xảy ra 4.266 trường hợp sốt xuất huyết Dengue, trong đó có 1 trường hợp tử vong; 2.691 trường hợp tiêu chảy; 188 trường hợp thủy đậu; 47 trường hợp quai bị; 7.431 trường hợp cúm; 24 trường hợp lao phổi; 88 trường hợp lỵ trực trùng; 38 trường hợp lỵ amip; 13 trường hợp sởi; 27 trường hợp sốt rét, trong đó có 1 trường hợp tử vong; 2 trường hợp viêm gan A; 19 trường hợp viêm gan virut B; 6 trường hợp viêm gan virut C; 126 trường hợp viêm gan vi rút khác; 64 trường hợp Tay - chân - miệng; 1 trường hợp uốn ván sơ sinh. Các trường hợp kể trên đều được phát hiện và điều trị kịp thời.

b. Chương trình phòng, chống sốt rét

Toàn tỉnh tích cực triển khai các biện pháp phòng, chống sốt rét ở các địa bàn trọng điểm. Trong tháng 12/2020, có 26 lượt người điều trị sốt rét, trong đó không có bệnh nhân sốt rét ác tính và không có bệnh nhân tử vong do sốt rét; tiến hành xét nghiệm lam và test cho 2.301 lượt người, tỷ lệ ký sinh trùng/lam và test là 0,0%. Lũy kế từ đầu năm đến hết tháng 12/2020 có 618 lượt người điều trị sốt rét, đã điều trị khỏi bệnh là 27 người, trong đó có 1 bệnh nhân sốt rét ác tính và 1 bệnh nhân tử vong do sốt rét; tiến hành xét nghiệm lam và test cho 47.079 lượt người, tỷ lệ ký sinh trùng/lam và test là 0,05%.

c. Tình hình nhiễm HIV/AIDS

Tiếp tục thực hiện các hoạt động tư vấn, hướng dẫn các hành vi an toàn phòng chống lây nhiễm HIV/AIDS nhằm hạn chế sự lây nhiễm từ các nhóm có nguy cơ cao ra cộng đồng. Từ đầu năm đến 31/12/2020 trên địa bàn tỉnh phát hiện 38 người nhiễm mới HIV, 33 người chuyển sang AIDS, 6 người tử vong do AIDS. Tổng số người nhiễm HIV cộng dồn là 1.486 người; tổng số bệnh nhân AIDS cộng dồn là 522 người; số bệnh nhân AIDS chết cộng dồn là 148 người.

d. Tình hình ngộ độc thức ăn và thực phẩm

Để đảm bảo chất lượng an toàn thực phẩm (ATTP) trong dịp tết Nguyên đán Tân Sửu, phục vụ Nhân dân đón Tết, vui Xuân an toàn, các cấp, các ngành và địa phương đã tập trung tuyên truyền, phổ biến quy định về kiến thức ATTP. Đồng thời tăng cường thanh tra, kiểm tra có trọng tâm, trọng điểm, tập trung vào những mặt hàng được sử dụng nhiều trong dịp tết Nguyên đán, Lễ hội như: Thịt, sản phẩm từ thịt, bia, rượu, nước giải khát, bánh, mứt, kẹo, rau, củ, quả, phụ gia thực phẩm,... và các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống. Quá trình thanh tra, kiểm tra sẽ xử lý nghiêm các đối tượng vi phạm theo quy định của pháp luật, tuyệt đối không để sản phẩm không bảo đảm an toàn thực phẩm, không rõ nguồn gốc, không đúng quy định về ghi nhãn hoặc có các vi phạm khác lưu thông trên thị trường; không để các sản phẩm quảng cáo sai quy định tiếp tục lưu hành; không để các cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ ăn uống, thức ăn đường phố không bảo đảm an toàn thực phẩm tiếp tục hoạt động khi chưa thực hiện biện pháp khắc phục có hiệu quả.

3. Hoạt động văn hoá, thể dục thể thao

Sở Văn hóa và Thể thao đã có Công văn số 1423/SVHTT-NVVH ngày 15/12/2020 về công tác quản lý và tổ chức lễ hội năm 2021, theo đó, Sở Văn hóa và Thể thao đề nghị UBND các huyện, thị xã, thành phố chỉ đạo các cơ quan chuyên môn trực thuộc, UBND các xã, phường, thị trấn khi tổ chức lễ hội trên địa bàn cần quán triệt, thực hiện nghiêm quy định của Nhà nước về quản lý và tổ chức lễ hội; hạn chế đốt đồ mã, vàng mã, bảo đảm an toàn, tiết kiệm, không phô trương, hình thức, phát huy truyền thống văn hóa của dân tộc, địa phương khi tổ chức, tham gia lễ hội; đẩy mạnh hoạt động tuyên truyền, giới thiệu về nguồn gốc của lễ hội, di tích và nhân vật được thờ phụng, tôn vinh tại các di tích, lễ hội,... Bên cạnh đó, các địa phương cần tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát trước, trong và sau khi tổ chức lễ hội; kịp thời ngăn chặn và xử lý nghiêm vi phạm, nhất là các hành vi lợi dụng di tích, lễ hội để trục lợi, kích động bạo lực, lưu hành, kinh doanh văn hóa phẩm trái phép; không để việc tổ chức dâng sao giải hạn biến tướng thành dịch vụ mang tính trục lợi, ảnh hưởng đến nét đẹp văn hóa truyền thống của dân tộc, địa phương.

Đầu tháng 1/2021, Sở Văn hoá và Thể thao đã phối hợp với chính quyền các cấp tổ chức nhiều hình thức văn hoá nghệ thuật đón chào tết Dương lịch 2021. Từ 22 giờ ngày 31/12/2020, tại thị trấn Phong Nha (huyện Bố Trạch) đã tổ chức chương trình đếm ngược chào đón năm mới 2021 (Phong Nha Countdown 2021) với các màn biểu diễn nghệ thuật và âm nhạc điện tử sôi động; tại khu vực Phong Nha - Kẻ Bàng còn diễn ra nhiều hoạt động nổi bật như: Múa rối, nghệ thuật dân gian truyền thống, ca nhạc đường phố, liên hoan nhóm nhảy; Hội chợ Xuân Tân Sửu Quảng Bình năm 2021 từ ngày 08 - 13/01/2021 tại thành phố Đồng Hới,… Việc tổ chức các hoạt động nhằm tạo khí thế vui tươi, phấn khởi chào mừng năm mới 2021, đồng thời củng cố niềm tin của quần chúng nhân dân trong sự nghiệp xây dựng và phát triển tỉnh nhà, góp phần tạo sự chuyển biến trong nhận thức, tư tưởng, phát huy sức mạnh đại đoàn kết dân tộc, thực hiện thắng lợi các mục tiêu kinh tế - xã hội đã đề ra.

Để chuẩn bị đón năm mới 2021 và tết Nguyên đán Tân Sửu, các hoạt động văn hóa, thông tin diễn ra sôi nổi rộng khắp với tinh thần trang trọng, thiết thực tại các xã, phường, thị trấn như: Hoạt động chào mừng Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII của Đảng; chào mừng Kỷ niệm 91 năm Ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam; chào mừng Xuân Tân Sửu,... Bên cạnh đó, các địa phương, đơn vị cũng tăng cường các hoạt động thanh tra, kiểm tra, xử lý kịp thời các vi phạm trong hoạt động dịch vụ văn hóa, thể thao đảm bảo thực hiện đúng quy định hiện hành của pháp luật, nhất là trong dịp vui Tết, đón Xuân; kiểm tra các hoạt động dịch vụ văn hóa tâm linh tại các di tích gắn với lễ hội trước, trong và sau tết Nguyên đán.

4. An toàn giao thông

Trong tháng 12 năm năm 2020 toàn tỉnh đã xảy ra 16 vụ tai nạn giao thông, tăng 1 vụ so với cùng kỳ năm 2019, trong đó đường bộ 16 vụ, tăng 1 vụ; đường sắt, đường thủy không xảy ra, bằng tháng 12 năm 2019. Số người chết do tai nạn giao thông 7 người, bằng cùng kỳ; trong đó đường bộ chết 7 người, bằng cùng kỳ; đường sắt, đường thủy không xảy ra, bằng cùng kỳ. Số người bị thương do tai nạn giao thông 12 người, tăng 1 người so với cùng kỳ; trong đó đường bộ bị thương 12 người, tăng 1 người; đường sắt, đường thủy không xảy ra, bằng cùng kỳ năm 2019.

Để đảm bảo trật tự an toàn giao thông trong dịp tết Nguyên đán Tân Sửu và Lễ hội Xuân 2021, Công an tỉnh Quảng Bình đã tổ chức Lễ ra quân trấn áp tội phạm, đảm bảo an ninh trật tự, nắm chắc tình hình, chủ động và liên tục tấn công trấn áp tội phạm, bảo vệ tuyệt đối an toàn các mục tiêu trọng điểm, các hoạt động kỷ niệm, các sự kiện chính trị quan trọng của tỉnh. Tăng cường lực lượng bám sát địa bàn, chủ động tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương kịp thời giải quyết dứt điểm các vụ việc phức tạp; tập trung đấu tranh triệt phá các ổ, nhóm tội phạm trong lĩnh vực kinh doanh tài chính, tín dụng đen, buôn lậu, gian lận thương mại, sản xuất, vận chuyển, buôn bán hàng giả, hàng kém chất lượng, nhất là các loại hàng hóa thiết yếu phục vụ nhân dân trong dịp tết Nguyên đán; kiên quyết không để xảy ra tình trạng đốt pháo nổ, nhất là trong dịp tết Nguyên đán và các lễ hội đầu xuân; tăng cường tuần tra, kiểm soát, trấn áp tội phạm và vi phạm pháp luật trên các tuyến giao thông đường bộ.

5. Đời sống

Hiện nay, Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh cùng với các cấp, các ngành, các tổ chức chính trị - xã hội, đoàn thể đã có kế hoạch tổ chức và triển khai thực hiện tốt các chế độ đối với Nhân dân về vật chất cũng như tinh thần trong dịp tết Nguyên đán Tân Sửu. Cục Quản lý thị trường tiếp tục tăng cường hoạt động kiểm tra, kiểm soát về giá cả các mặt hàng, thống nhất niêm yết giá và bán đúng giá, đảm bảo chất lượng sản phẩm, quy định về an toàn thực phẩm, xử lý nghiêm các hành vi đầu cơ, găm hàng, tăng giá,… nhằm bảo vệ quyền lợi cho người tiêu dùng.

Sở Lao động - Thương binh và Xã hội đã chủ trì và phối hợp với các sở, ngành, địa phương trong việc thực hiện đầy đủ, kịp thời các chính sách an sinh xã hội, đặc biệt là các chính sách đối với người có công với Cách mạng, người hưởng các chính sách trợ giúp xã hội, trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, hộ nghèo, hộ cận nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số, người dân ở các vùng bị ảnh hưởng của bão, lũ,… Tham mưu UBND tỉnh trình Chính phủ hỗ trợ 2.418.165 kg gạo cho Nhân dân trong dịp tết Nguyên đán và thời kỳ giáp hạt năm 2021, nhất là ở những vùng bị ảnh hưởng thiên tai, vùng đồng bào dân tộc, vùng khó khăn; tham mưu UBND tỉnh cấp kinh phí để chúc thọ, mừng thọ cho 113 cụ tròn 100 tuổi và 1.170 cụ tròn 90 tuổi; trình Chủ tịch nước gửi Thiếp mừng thọ cho 113 cụ tròn 100 tuổi trong dịp tết Nguyên đán Tân Sửu. Hiện tại, các cấp, các ngành và các địa phương đang tiến hành rà soát lại những hộ có nguy cơ thiếu đói trước và trong dịp tết Tân Sửu để có biện pháp hỗ trợ kịp thời. Đồng thời chỉ đạo Nhân dân tiến hành thu hoạch một số cây trồng vụ Đông đã cho sản phẩm sớm và tăng cường làm thêm ngành nghề phụ nhằm tăng mức thu nhập, giải quyết khó khăn về đời sống trước mắt và lâu dài. Tính đến ngày 18/01/2021 toàn tỉnh không có thiếu đói xảy ra.

6. Thiệt hại do thiên tai

Trong tháng 1/2021, trên địa bàn tỉnh Quảng Bình chịu ảnh hưởng của không khí lạnh rất mạnh, đặc biệt là các xã miền núi, vùng cao có rét đậm rét hại, nên đã gây thiệt hại đến gieo trồng và chăn nuôi, cụ thể 288 ha lúa phải gieo trồng lại, 318 con gia súc, gia cầm bị chết./.


Website Cục thống kê tỉnh Quảng Bình

  • Tổng số lượt xem: 788
  •  

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)