Skip Ribbon Commands
Skip to main content
Ngày 03/01/2021-15:02:00 PM
Tình hình kinh tế - xã hội năm 2020 của tỉnh Thanh Hóa

Thanh Hóa thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2020 trong bối cảnh dịch viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của vi rút Corona (Covid-19) bùng phát mạnh trên phạm vi toàn cầu đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến mọi mặt kinh tế - xã hội của các quốc gia trên thế giới. Các nền kinh tế lớn đối mặt với tình trạng suy thoái sâu, tồi tệ nhất trong nhiều thập kỷ qua. Trong nước, bên cạnh những thuận lợi từ kết quả tăng trưởng tích cực năm 2019, kinh tế vĩ mô ổn định nhưng phải đối mặt với rất nhiều khó khăn, thách thức. Dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, khó lường làm tăng trưởng ở hầu hết các ngành, lĩnh vực chậm lại. Tình hình đứt gãy thương mại quốc tế gây ra những hệ lụy tới hoạt động sản xuất và xuất, nhập khẩu của Việt Nam. Tỷ lệ thất nghiệp, thiếu việc làm ở mức cao. Trong tỉnh, bên cạnh những thuận lợi cơ bản và những khó khăn, thách thức chung của đất nước, còn gặp không ít những khó khăn riêng như: Tiến độ một số dự án lớn, trọng điểm còn chậm; thiên tai, bão lụt diễn biến phức tạp và gây thiệt hại nặng nề ở một số địa phương, ảnh hưởng bất lợi đến việc thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Trong bối cảnh đó, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện các biện pháp phòng, chống, kiểm soát dịch Covid-19, đảm bảo tuyệt đối an toàn sức khỏe Nhân dân, không để dịch bệnh lây lan ra cộng đồng; đồng thời, thực hiện quyết liệt, đồng bộ các giải pháp cấp bách nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho người dân, doanh nghiệp, duy trì ổn định hoạt động sản xuất kinh doanh, nên tình hình kinh tế - xã hội năm 2020 trên địa bàn tỉnh cơ bản vẫn giữ ổn định, nhiều lĩnh vực có bước phát triển. Kết quả cụ thể như sau:

1. Tăng trưởng kinh tế

Theo số liệu tính toán và công bố của Tổng cục Thống kê, tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa (GRDP) ước tính năm 2020 tăng 5,98% so với năm 2019; trong đó khu vực nông, lâm nghiệp và thuỷ sản tăng 2,96%; ngành công nghiệp, xây dựng tăng 11,60% (riêng công nghiệp tăng 12,80%); các ngành dịch vụ tăng 1,68%; thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm tăng 2,01%.

Về cơ cấu kinh tế năm 2020, khu vực nông, lâm nghiệp và thuỷ sản chiếm tỷ trọng 17,65%, tăng 1,49%; ngành công nghiệp, xây dựng chiếm 41,00%, tăng 0,04%; các ngành dịch vụ chiếm 34,26%, giảm 1,25%; thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm chiếm 7,09%, giảm 0,28% so với năm 2019.

GRDP bình quân đầu người năm 2020 theo giá hiện hành ước đạt 50,2 triệu đồng, tương đương với 2.156 đô la Mỹ.

2. Sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản

2.1. Nông nghiệp

a) Trồng trọt

a1) Cây hàng năm

Năm 2020, sản xuất vụ đông diễn ra trong điều kiện thời tiết liên tục thay đổi, nắng, mưa đan xen, cây trồng dễ phát sinh sâu bệnh, ảnh hưởng đến năng suất, sản lượng mùa vụ. Tuy nhiên, với sự quan tâm chỉ đạo của các cấp, các ngành; cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất kịp thời, có hiệu quả của tỉnh và các địa phương; cùng với sự nỗ lực của bà con nông dân; nên diện tích, năng suất thu hoạch nhiều loại cây trồng cao hơn vụ đông năm trước. Vụ chiêm xuân diễn ra trong điều kiện thời tiết tương đối thuận lợi; tuy nhiên, thời tiết ấm từ đầu vụ giúp cây trồng phát triển nhưng cũng khiến sâu bệnh xuất hiện sớm và diễn biến phức tạp. Riêng đối với cây lúa, thời tiết và sâu bệnh có nhiều diễn biến phức tạp và khó lường; số ngày nắng ít, trời âm u, độ ẩm cao; phát sinh các loại sâu bệnh (rầy nâu, rầy lưng trắng, bọ xít dài, đạo ôn cổ bông…) gây hại. Vụ thu mùa, do ảnh hưởng của điều kiện thời tiết nắng nóng, nên ngay từ đầu vụ sản xuất đã không được thuận lợi, tiến độ gieo trồng chậm so với kế hoạch, đồng thời khiến hàng nghìn ha lúa mới gieo cấy bị thiếu nước, ảnh hưởng đến sự sinh trưởng và phát triển. Trước tình hình thời tiết bất lợi, để chăm sóc và bảo vệ cây trồng đầu vụ thu mùa trong thời gian diễn ra nắng nóng gay gắt, nhất là diện tích lúa, các đơn vị quản lý và khai thác các công trình thủy lợi trên địa bàn tỉnh đã nỗ lực thực hiện các giải pháp bảo đảm nước tưới cho cây trồng. Tuy nhiên, trong giai đoạn sinh trưởng của cây lúa đã có các đợt mưa, nên cây lúa phát triển tốt. Mặt khác, do ảnh hưởng của thời tiết nắng nóng đầu vụ gieo trồng nên cây lúa vụ thu mùa năm nay ít bị sâu bệnh.

Tổng diện tích gieo trồng cây hàng năm toàn tỉnh năm 2020 đạt 408,1 nghìn ha, đạt 99,5% kế hoạch, giảm 1,5% so với cùng kỳ; trong đó, vụ đông 50,3 nghìn ha, vượt 0,6% và tăng 2,9%; vụ chiêm xuân 200,5 nghìn ha, đạt 98,8% và giảm 2,8%; vụ thu mùa 157,3 nghìn ha, vượt 0,1% kế hoạch, giảm 1,3% so với cùng kỳ.

Năng suất một số cây trồng chính cả năm 2020 như sau: Lúa 59,4 tạ/ha, đạt kế hoạch, tăng 0,8% so với cùng kỳ (tăng 0,5 tạ/ha); trong đó, vụ chiêm xuân 64,5 tạ/ha, vượt 0,7% kế hoạch, giảm 1,3% so với cùng kỳ, vụ thu mùa 54,3 tạ/ha, đạt 99,1% kế hoạch, tăng 3,2% so với cùng kỳ; ngô 47,0 tạ/ha, vượt 3,9% kế hoạch, tăng 2,3%; lạc 22,1 tạ/ha, vượt 3,7%, tăng 1,4%; đậu tương 15,1 tạ/ha, đạt 95,0%, giảm 5,4%; mía 642,9 tạ/ha, vượt 2,2% kế hoạch, tăng 5,0% so với cùng kỳ… Tổng sản lượng lương thực có hạt cả năm 2020 đạt 1.574,1 nghìn tấn, đạt 99,1% kế hoạch và giảm 2,5% so với năm 2019.

Theo báo cáo của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, tính đến ngày 15/12/2020, toàn tỉnh đã cơ bản hoàn thành kế hoạch sản xuất vụ đông năm 2020 - 2021. Tổng diện tích gieo trồng vụ đông năm 2020 - 2021 đạt 50,3 nghìn ha, tăng 2,9% so với vụ đông năm 2019 - 2020; trong đó, cây ngô 15.306 ha, tăng 5,9%; cây lạc 1.338 ha, tăng 1,2%; cây khoai lang 2.826 ha, giảm 0,7%; cây đậu tương 326 ha, giảm 15,1%; cây ớt cay 1.589 ha, giảm 36,3%; rau mầu và các cây trồng khác 28.057 ha, tăng 5,4% so với vụ đông năm trước.

a2) Cây lâu năm

Năm 2020, tái cơ cấu trong lĩnh vực trồng trọt tiếp tục được đẩy mạnh. Diện tích cây lâu năm, nhất là cây ăn quả có múi phát triển nhanh ở nhiều địa phương trong tỉnh. Bên cạnh đó, do kém hiệu quả và thị trường đầu ra khó khăn, nên diện tích cây công nghiệp có xu hướng giảm. Diện tích, năng suất, sản lượng một số cây trồng chính ước tính cả năm 2020 như sau: Chè 220 ha, giảm 1,2% so cùng kỳ (diện tích thu hoạch 219 ha, giảm 1,4% so cùng kỳ), năng suất 67,6 tạ/ha, tăng 1,0% so cùng kỳ, sản lượng 1.480 tấn, giảm 0,4% so cùng kỳ; cao su 11.150 ha, giảm 10,9% so cùng kỳ (diện tích thu hoạch 9.429 ha, tăng 0,6% so cùng kỳ), năng suất 4,7 tạ/ha, bằng cùng kỳ, sản lượng 4.470 tấn, tăng 2,0% so cùng kỳ; cam 1.020 ha, tăng 13,3% so cùng kỳ (diện tích thu hoạch 831 ha, tăng 14,6% so cùng kỳ), năng suất 121,3 tạ/ha, tăng 0,2% so cùng kỳ, sản lượng 10.080 tấn, tăng 14,9% so cùng kỳ; xoài 324 ha, tăng 49,7% so cùng kỳ (diện tích thu hoạch 258 ha, tăng 20,0% so cùng kỳ), năng suất 29,1 tạ/ha, tăng 1,7% so cùng kỳ, sản lượng 750 tấn, tăng 22,1% so cùng kỳ.

b) Chăn nuôi

Dịch tả lợn Châu Phi xảy ra trên địa bàn tỉnh từ ngày 23/02/2019, gây thiệt hại nặng nề cho ngành chăn nuôi lợn. Tỉnh đã triển khai thực hiện quyết liệt, có hiệu quả các biện pháp phòng, chống dịch bệnh, nên đến 16 giờ ngày 13/3/2020, toàn tỉnh đã công bố hết dịch. Bệnh cúm gia cầm A/H5N6 xảy ra đầu tháng 02/2020 tại một số địa phương trong tỉnh đã được khống chế kịp thời, không để bùng phát và lây lan ra diện rộng. Ngay sau khi công bố hết dịch tả lợn Châu Phi, các địa phương trong tỉnh đã đẩy mạnh thực hiện tái đàn lợn, nhưng việc tái đàn chậm, do nguồn con giống khan hiếm và giá lợn giống ở mức cao.

Ước tính tại thời điểm 01/01/2021, số lượng đàn gia súc gia cầm toàn tỉnh như sau: Đàn trâu 194,2 nghìn con; đàn bò 260,4 nghìn con (bao gồm cả bò sữa); đàn lợn (bao gồm cả lợn con) 1.150,3 nghìn con; gia cầm 22,3 triệu con. So với thời điểm 01/01/2020, đàn trâu giảm 0,3%; đàn bò tăng 1,5%; đàn lợn tăng 44,7%; đàn gia cầm tăng 5,6%.

Ước tính năm 2020, sản lượng thịt hơi xuất chuồng đạt 217,8 nghìn tấn , tăng 1,8% so với năm 2019; sản lượng trứng gia cầm đạt 168,7 triệu quả, tăng 7,1% so với năm 2019 (quý III tăng 4,8%, quý IV tăng 8,4%); sản lượng sữa bò tươi đạt 43,5 nghìn tấn, tăng 23,8% so với năm 2019 (quý III tăng 19,1%, quý IV tăng 26,7%).

2.2. Lâm nghiệp

Năm 2020, sản xuất lâm nghiệp gặp nhiều khó khăn do thời tiết diễn biến bất thường, song được sự quan tâm chỉ đạo thường xuyên của các ngành chức năng, các đơn vị sản xuất giống lâm nghiệp đã chuẩn bị giống cây các loại, đảm bảo cây con phục vụ Tết trồng cây “Đời đời nhớ ơn Bác Hồ” và trồng rừng vụ xuân hè năm 2020; bên cạnh đó là sự cố gắng của các hộ lâm nghiệp, nên kết quả sản xuất lâm nghiệp tăng so cùng kỳ. Ước tính năm 2020, diện tích trồng rừng tập trung 10,3 nghìn ha, giảm 0,5% so với cùng kỳ (quý III giảm 2,6%, quý IV giảm 8,3%); trồng cây phân tán 1,8 triệu cây, tăng 5,4%; diện tích rừng trồng được chăm sóc 42 nghìn ha, bằng với cùng kỳ... Khai thác lâm sản: Gỗ 702,1 nghìn m3, đạt 87,8% kế hoạch, tăng 5,2% so với cùng kỳ (quý III tăng 8,3%, quý IV tăng 14,1%); củi khai thác 1.286 nghìn ster, tăng 0,5% (quý III tăng 1,8%, quý IV giảm 2,7%); tre luồng 60,1 triệu cây, tăng 6,6%; nứa nguyên liệu 80 nghìn tấn, tăng 2,4% so với cùng kỳ; …

Công tác bảo vệ, phòng cháy, chữa cháy rừng thường xuyên được quan tâm chỉ đạo, các ngành chức năng luôn phối hợp với các địa phương và ban quản lý dự án tuyên truyền, vận động nhân dân tham gia bảo vệ và phát triển rừng. Năm 2019 trên địa bàn tỉnh không xảy ra cháy rừng, an ninh rừng được giữ vững.

2.3. Thuỷ sản

Năm năm 2020, thời tiết tương đối thuận lợi cho việc khai thác, đánh bắt và nuôi trồng thuỷ sản; mặt khác, ngư dân đã đầu tư nâng cấp, đóng mới, thay mới và cải hoán nhiều tàu thuyền có công suất lớn, phục vụ cho việc đánh bắt xa bờ; nên kết quả sản xuất thuỷ sản tăng so với cùng kỳ. Sản lượng thủy sản đạt 192,8 nghìn tấn, tăng 6,0% so với cùng kỳ (quý III tăng 6,2%, quý IV tăng 5,1%); trong đó, sản lượng nuôi trồng 62,6 nghìn tấn, tăng 5,0% (quý III tăng 6,9%, quý IV tăng 2,8%); sản lượng khai thác 130,2 nghìn tấn, tăng 6,5% (quý III tăng 5,8%, quý IV tăng 6,1%).

3. Sản xuất công nghiệp

Năm 2020, do tác động của dịch bệnh Covid-19, một số ngành công nghiệp chủ lực của tỉnh như: may trang phục, sản xuất giày dép sản lượng sản phẩm sụt giảm đáng kể so với cùng kỳ do thiếu nguyên liệu và thị trường xuất khẩu gặp nhiều khó khăn. Bên cạnh đó, một số ngành công nghiệp như: sản xuất bia, thuốc lá thị trường bị thu hẹp, nhu cầu tiêu dùng giảm, nên sản lượng sụt giảm; thu hoạch nguyên liệu phục vụ sản xuất của các nhà máy chế biến đường chậm, sản lượng đường đạt thấp so với cùng kỳ… Tuy nhiên, hoạt động sản xuất kinh doanh của Nhà máy Lọc hóa dầu Nghi Sơn ổn định, sản lượng sản phẩm tăng khá cao so với cùng kỳ; các sản phẩm xi măng, gạch xây, đá ốp lát, thép cán duy trì được sản xuất do ít chịu tác động của dịch bệnh. Nhờ đó, sản xuất công nghiệp tăng khá so với cùng kỳ.

Chỉ số sản xuất công nghiệp toàn ngành ước tính tháng 12/2020 tăng 2,55% so với tháng trước, tăng 18,51% so với tháng cùng kỳ; trong đó, công nghiệp khai khoáng tăng 4,26% so với tháng trước, giảm 17,64% so với tháng cùng kỳ; công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 2,48% so với tháng trước, tăng 20,18% so với tháng cùng kỳ; sản xuất, phân phối điện, khí đốt, nước nóng, hơi nước và điều hoà không khí tăng 3,91% so với tháng trước, giảm 0,54% so với tháng cùng kỳ; cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải giảm 0,06% so với tháng trước, giảm 11,29% so với tháng cùng kỳ. Tính chung cả năm 2020, chỉ số sản xuất công nghiệp toàn ngành tăng 13,44% so với năm 2019; trong đó, công nghiệp khai khoáng giảm 19,17%; công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 14,18%; sản xuất, phân phối điện, khí đốt, nước nóng, hơi nước và điều hoà không khí tăng 4,95%; cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 0,33% so cùng kỳ.

Chỉ số sản xuất công nghiệp chia theo 4 quý trong năm 2020: Toàn ngành công nghiệp, quý I tăng 17,44%; quý II tăng 0,38%; quý III tăng 15,98%; quý IV tăng 20,97% so với cùng kỳ năm 2019. Công nghiệp khai khoáng, quý I giảm 17,40%; quý II giảm 26,58%; quý III giảm 18,51%; quý IV giảm 11,96% so với cùng kỳ năm 2019. Công nghiệp chế biến, chế tạo, quý I tăng 17,67%; quý II tăng 0,52%; quý III tăng 16,96%; quý IV tăng 22,55% so với cùng kỳ năm 2019. Sản xuất, phân phối điện, khí đốt, nước nóng, hơi nước và điều hoà không khí, quý I tăng 16,39%; quý II giảm 1,07%; quý III tăng 4,97%; quý IV tăng 1,46% so với cùng kỳ năm 2019. Cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải, quý I tăng 4,70%; quý II tăng 7,63%; quý III giảm 1,86%; quý IV giảm 9,54% so với cùng kỳ năm 2019.

Một số sản phẩm công nghiệp chủ lực của tỉnh, năm 2020 sản lượng sản xuất tăng khá so với năm 2019, gồm: Tinh bột sắn 49,1 nghìn tấn, tăng 11,6%; giày, dép thể thao xuất khẩu 128,4 triệu đôi, tăng 9,3%; xăng động cơ 2.486 nghìn tấn, tăng 39,1%; dầu nhiên liệu 3.872 nghìn tấn, tăng 34,7%; lưu huỳnh dạng hạt 263,5 nghìn tấn, tăng 86,1%; benzen 197,2 nghìn tấn, tăng 53,9%; gạch xây dựng bằng đất nung 561,4 triệu viên, tăng 19,2%; xi măng Portland đen 16,6 triệu tấn, tăng 8,8%; điện thương phẩm 6.161 triệu kwh, tăng 20,9%;... Một số sản phẩm khác sản lượng sản xuất giảm so với cùng kỳ gồm: Đường kết tinh 84,6 nghìn tấn, giảm 48,8%; thuốc lá bao 208,1 triệu bao, giảm 21,9%; bia các loại 42,8 triệu lít, giảm 17,9%; quần áo các loại xuất khẩu 130,5 triệu cái, giảm 19,5%; etylen, propylen, butylen, butadien và các loại khí dầu khác 165,3 nghìn tấn, giảm 5,0%; điện sản xuất 4.506 triệu kwh, giảm 2,5%; nước máy 39,8 triệu m3, giảm 1,1%;…

Chỉ số tiêu thụ toàn ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tháng 12/2020 dự kiến giảm 2,80% so với tháng trước, giảm 4,97% so với tháng cùng kỳ. Tính chung cả năm 2020, chỉ số tiêu thụ toàn ngành công nghiệp chế biến, chế tạo giảm 1,49% so với năm 2019.

Chỉ số tồn kho tháng 12/2020 của ngành công nghiệp chế biến, chế tạo dự kiến tăng 6,07% so với tháng 11/2020; tăng 14,46% so với tháng 12/2019.

Số lao động làm việc trong các doanh nghiệp công nghiệp tháng 12/2020 tăng 2,38% so với tháng trước; tăng 8,15% so với tháng cùng kỳ; trong đó khu vực doanh nghiệp nhà nước tăng 0,59% so với tháng trước; giảm 9,45% so với tháng cùng kỳ; khu vực doanh nghiệp ngoài nhà nước tăng 1,54% so với tháng trước; tăng 0,37% so với tháng cùng kỳ; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài tăng 2,68% so với tháng trước; tăng 11,35% so với tháng cùng kỳ. Tính chung cả năm 2020, số lao động làm việc trong các doanh nghiệp công nghiệp tăng 0,65% so với năm 2019; trong đó khu vực doanh nghiệp nhà nước giảm 8,22%; khu vực doanh nghiệp ngoài nhà nước giảm 2,38%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài tăng 2,08% so với năm 2019.

4. Hoạt động của doanh nghiệp

Phát triển doanh nghiệp năm 2020 tiếp tục được đẩy mạnh và đạt kết quả tích cực. Đến ngày 18/11/2020, toàn tỉnh có 2.730 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới , tăng 2,7% so với cùng kỳ, với số vốn đăng ký 24.714 tỷ đồng, tăng 15,0%; có 777 doanh nghiệp tạm dừng kinh doanh quay trở lại hoạt động, tăng 4,0%; dự kiến đến hết năm thành lập mới 3.200 doanh nghiệp, vượt 6,7% kế hoạch (kế hoạch năm 2020 thành lập mới 3.000 doanh nghiệp.

5. Đầu tư và xây dựng

Kế hoạch vốn đầu tư công năm 2020 từ nguồn cân đối ngân sách tỉnh, vốn hỗ trợ từ ngân sách Trung ương và trái phiếu Chính phủ do tỉnh quản lý đã được Chủ tịch UBND tỉnh giao chi tiết cho các chủ đầu tư, tạo điều kiện thuận lợi cho các chủ đầu tư giải ngân và đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án. Năm 2020 là năm diễn ra Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX, nhiệm kỳ 2020 - 2025, các chủ đầu tư và nhà thầu tập trung nguồn lực, đẩy nhanh tiến độ thi công để hoàn thành các dự án, công trình trọng điểm; khởi công xây dựng nhiều công trình, dự án lớn chào mừng Đại hội. Tuy nhiên, do tác động của dịch Covid-19 nên mặc dù vốn đầu tư thực hiện năm 2020 tăng khá so với cùng kỳ nhưng không đạt kế hoạch. Ước tính năm 2020, tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội thực hiện theo giá hiện hành đạt 111.503 tỷ đồng, tăng 13,7% so với năm 2019 (quý I tăng 11,7%, quý II tăng 14,2%, quý III tăng 20,4%, quý IV tăng 18,1%); trong đó, vốn đầu tư thuộc ngân sách nhà nước 15.584 tỷ đồng, tăng 23,6%; vốn trái phiếu Chính phủ 434 tỷ đồng, giảm 37,4%; vốn tín dụng đầu tư theo kế hoạch Nhà nước 5.963 tỷ đồng, tăng 8,8%; vốn vay từ các nguồn khác của khu vực nhà nước 3.987 tỷ đồng, giảm 8,1%; vốn đầu tư của dân cư và tư nhân 60.608 tỷ đồng, tăng 20,6%; vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài 20.398 tỷ đồng, tăng 0,5% so với năm 2019…

Vốn đầu tư thực hiện từ nguồn ngân sách Nhà nước địa phương năm 2020 ước đạt 10.251 tỷ đồng, đạt kế hoạch năm và tăng 30,1% so với năm 2019 (quý I tăng 9,3%, quý II tăng 41,7%, quý III tăng 38,1%, quý IV tăng 28,8%); bao gồm: Vốn ngân sách Nhà nước cấp tỉnh 4.326 tỷ đồng, tăng 24,7% so với cùng kỳ (quý I tăng 9,9%, quý II tăng 40,7%, quý III tăng 26,2%, quý IV tăng 20,9%); vốn ngân sách Nhà nước cấp huyện 3.124 tỷ đồng, tăng 34,2% so với cùng kỳ (quý I tăng 9,4%, quý II tăng 46,9%, quý III tăng 48,6%, quý IV tăng 29,7%); vốn ngân sách Nhà nước cấp xã 2.801 tỷ đồng, tăng 34,4% so với cùng kỳ (quý I tăng 8,3%, quý II tăng 37,4%, quý III tăng 46,5%, quý IV tăng 40,0%).

Các dự án lớn khởi công đầu tư xây dựng trong năm 2020 gồm: (1) Đường từ TP Thanh Hóa đi Cảng hành không Thọ Xuân do Sở Giao thông - Vận tải làm chủ đầu tư với tổng mức đầu tư 3.068 tỷ đồng; (2) Quảng trường biển, trục cảnh quan lễ hội TP. Sầm Sơn do Công ty CP Tập đoàn Mặt Trời làm chủ đầu tư với tổng mức đầu tư 1.473 tỷ đồng; (3) Dây chuyền 1- Nhà máy xi măng Đại Dương do Công ty Xi măng Đại Dương làm chủ đầu tư với tổng mức đầu tư 4.368 tỷ đồng.

Các dự án lớn hoàn thành đầu tư xây dựng đi vào hoạt động trong năm 2020 gồm: (1) Đường từ quốc lộ 1A đến điểm đầu tuyến đường Đông Tây 4 đi cảng Nghi Sơn thuộc tuyến đường từ Quốc lộ 1A đi cảng Nghi Sơn do Ban Quản lý Khu Kinh tế Nghi sơn và các khu công nghiệp làm chủ đầu tư, với tổng mức đầu tư 1.479 tỷ đồng; (2) Nhà máy sản xuất sợi dệt kết hợp với phát triển vùng nguyên liệu cây gai tại xã Cẩm Tú, huyện Cẩm Thủy do Công ty CP đầu tư phát triển sản xuất và xuất nhập khẩu An Phước đầu tư, với tổng mức đầu tư 634 tỷ đồng; (3) Nhà máy luyện cán thép Nghi Sơn do Công ty CP gang thép Nghi Sơn làm chủ đầu tư với tổng mức đầu tư 4.980 tỷ đồng; (4) Nhà máy chế biến sữa gạo lứt giàu protein do Công ty CP Mía đường Lam Sơn làm chủ đầu tư với với tổng mức đầu tư 206 tỷ đồng; (5) Nhà máy chế biến nước dinh dưỡng tế bào mía tại thị trấn Lam Sơn (Thọ Xuân) do Công ty CP Mía đường Lam Sơn làm chủ đầu tư với với tổng mức đầu tư 145 tỷ đồng.

Thanh Hóa là tỉnh đầu tiên trong cả nước tổ chức thành công Hội nghị xúc tiến đầu tư năm 2020 ngay sau khi Chính phủ công bố hết giãn cách xã hội; đã trao quyết định chủ trương đầu tư, giấy chứng nhận đăng ký đầu tư và ký kết biên bản ghi nhớ đầu tư đối với 34 dự án, với tổng số vốn đầu tư khoảng 15 tỷ đô la Mỹ. Tính từ đầu năm đến nay, toàn tỉnh đã thu hút được 155 dự án đầu tư trực tiếp (trong đó có 13 dự án FDI), với tổng số vốn đăng ký 21.241 tỷ đồng và 333 triệu đô la Mỹ.

6. Thu, chi ngân sách Nhà nước

Năm 2020, Nhà máy Lọc hóa dầu Nghi Sơn hoạt động ổn định. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh nhìn chung gặp khó khăn, hầu hết các khoản thu từ doanh nghiệp đều giảm so với năm 2019. Tổng thu ngân sách nhà nước năm 2020 ước đạt 28.967 tỷ đồng, hoàn thành dự toán tỉnh giao, tăng 0,2% so cùng kỳ. Trong đó, thu nội địa 18.320 tỷ đồng, đạt 93,6% dự toán, giảm 5,4% so cùng kỳ. Một số khoản thu chiếm tỷ trọng lớn trong thu nội địa so cùng kỳ như sau: thu từ doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài giảm 10,7%; thu từ doanh nghiệp nhà nước Trung ương giảm 16,9%; thu từ thuế công thương nghiệp và dịch vụ ngoài quốc doanh giảm 8,0%; lệ phí trước bạ giảm 10,1%; thuế bảo vệ môi trường giảm 11,3%; thu tiền sử dụng đất tăng 1,9%; thu xổ số kiến thiết tăng 19,6%... Thu từ hoạt động xuất nhập khẩu đạt 10.647 tỷ đồng (chủ yếu thu từ nhập khẩu dầu thô), vượt 13,3% dự toán, tăng 11,3% so cùng kỳ.

Chi ngân sách năm 2020 ước đạt 35.542 tỷ đồng, vượt 0,8% dự toán, tăng 4,5% so với cùng kỳ. Trong đó, chi đầu tư phát triển 8.682 tỷ đồng, vượt 24,0% dự toán, tăng 4,6% so với cùng kỳ; chi thường xuyên 22.766 tỷ đồng, vượt 0,3% dự toán, tăng 7,4% so cùng kỳ.

7. Hoạt động ngân hàng

Ngân hàng Nhà nước - Chi nhánh Thanh Hóa triển khai các cơ chế chính sách, tổ chức thực hiện các giải pháp điều hành chính sách tiền tệ, tín dụng và hoạt động liên quan các ngân hàng trên địa bàn Thanh Hóa theo chủ trương của Chính phủ và sự chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước. Ước tính đến 31/12/2020, tổng nguồn vốn huy động của các tổ chức tín dụng (không bao gồm Ngân hàng Phát triển) đạt 120,8 nghìn tỷ đồng, tăng 21,1% so với 31/12/2019; tổng dư nợ (không bao gồm Ngân hàng Phát triển) đạt 128,4 nghìn tỷ đồng, tăng 11,4% so với với 31/12/2019, trong đó dư nợ ngắn hạn chiếm 47,8% tổng dư nợ, dư nợ cho vay bằng VND chiếm 99% tổng dư nợ.

8. Thương mại, giá cả, vận tải, du lịch và xuất nhập khẩu

8.1. Doanh thu bán lẻ hàng hóa

Những tháng đầu năm nay, do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 và giá xăng, dầu giảm mạnh đã tác động bất lợi đến hoạt động bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ. Sau khi dịch bệnh Covid-19 trên địa bàn tỉnh cơ bản được kiểm soát, sau nhiều ngày không phát sinh ca bệnh mới, Chủ tịch UBND tỉnh đã cho phép mở rộng một số hoạt động kinh doanh dịch vụ trên địa bàn tỉnh; từ tháng Năm, tổng mức bán lẻ hàng hoá và doanh thu dịch vụ gần đạt mức như những tháng chưa xảy ra dịch bệnh Covid-19. Tuy nhiên, dịch bệnh Covid-19 quay trở lại cuối tháng Bảy với diễn biến phức tạp, tiếp tục tác động bất lợi đến hoạt động thương mại dịch vụ.

Tháng 12/2020, doanh thu bán lẻ hàng hóa ước đạt 9.482 tỷ đồng, tăng 1,8% so với tháng trước, tăng 17,6% so với tháng cùng kỳ. Tính chung cả năm 2020, doanh thu bán lẻ hàng hóa đạt 98.132 tỷ đồng, tăng 6,7% so với năm 2019 (quý I tăng 5,1%, quý II giảm 6,1%, quý III tăng 9,9%; quý IV tăng 16,7%); trong đó ngành hàng lương thực, thực phẩm tăng 14,6%; may mặc tăng 13,3%; đồ dùng, dụng cụ, trang thiết bị gia đình tăng 14,2%; vật phẩm văn hoá, giáo dục giảm 28,9%; phương tiện đi lại giảm 23,7%; xăng dầu tăng 3,2% so với cùng kỳ...

8.2. Hoạt động lưu trú và ăn uống

Dịch bệnh Covid-19 đã ảnh hưởng lớn và nghiêm trọng đến hoạt động lưu trú, ăn uống, du lịch lữ hành và dịch vụ tiêu dùng khác. Tháng 12/2020, doanh thu dịch vụ lưu trú và ăn uống ước đạt 1.179 tỷ đồng, tăng 1,9% so với tháng trước, tăng 12,4% so với tháng cùng kỳ, trong đó doanh thu dịch vụ lưu trú 176 tỷ đồng, tăng 1,6% so với tháng trước và giảm 9,2% so với tháng cùng kỳ; doanh thu ăn uống 1.003 tỷ đồng, tăng 1,9% so với tháng trước và tăng 17,3% so với tháng cùng kỳ; doanh thu du lịch lữ hành đạt 11,1 tỷ đồng, tăng 2,7% so với tháng trước và giảm 2,3% so với tháng cùng kỳ; doanh thu dịch vụ tiêu dùng khác đạt 465,1 tỷ đồng, tăng 2,8% so với tháng trước và tăng 6,8% so với tháng cùng kỳ. Tính chung cả năm 2020, doanh thu dịch vụ lưu trú và ăn uống đạt 10.667 tỷ đồng, giảm 9,1% so với năm 2019; trong đó, doanh thu dịch vụ lưu trú đạt 1.647 tỷ đồng, giảm 27,9%; doanh thu ăn uống đạt 9.020 tỷ đồng, giảm 4,5%; doanh thu du lịch lữ hành đạt 89,8 tỷ đồng, giảm 32,4% ; doanh thu dịch vụ tiêu dùng khác đạt 4.486 tỷ đồng, giảm 7,6% .

8.3. Chỉ số giá tiêu dùng, chỉ số giá vàng và đô la Mỹ

Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 12/2020 giảm 0,04% so với tháng cùng kỳ năm trước, bình quân năm 2020 tăng 4,56% so với năm trước.

Chỉ số giá tiêu dùng tháng 12/2020 tăng 0,09% so với tháng trước. Có 7/11 nhóm hàng hóa và dịch vụ có chỉ số giá tăng, gồm: nhóm đồ uống và thuốc lá tăng 0,18%; nhóm may mặc, mũ nón, giầy dép tăng 0,60%; nhóm nhà ở và vật liệu xây dựng tăng 0,09%; nhóm thiết bị và đồ dùng gia đình tăng 0,06%; nhóm thuốc và dịch vụ y tế tăng 0,02%; nhóm giao thông tăng 1,94%; nhóm đồ dùng và dịch vụ khác tăng 0,48%. Có 2/11 nhóm hàng hóa và dịch vụ có chỉ số giá giảm, gồm: nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống giảm 0,55% (lương thực giảm 0,12%, thực phẩm giảm 0,81%, ăn uống ngoài gia đình tăng 0,01%); nhóm văn hóa, giải trí và du lịch giảm 0,13%. Hai nhóm hàng hóa còn lại giá cả ổn định, chỉ số giá không tăng, không giảm là: nhóm bưu chính viễn thông và nhóm giáo dục.

Chỉ số giá tiêu dùng bình quân 12 tháng năm 2020 tăng 4,56% so với bình quân cùng kỳ năm 2019; chỉ số giá tiêu dùng tháng 12/2020 giảm 0,04% so với tháng cùng kỳ năm trước.

Chỉ số giá vàng tháng 12/2020 giảm 0,52% so với tháng trước, tăng 29,79% so với tháng 12/2019; bình quân 12 tháng năm 2020 tăng 26,88% so với bình quân cùng kỳ năm 2019. Chỉ số giá đô la Mỹ tháng 12/2020 giảm 0,17% so với tháng trước, giảm 0,04% so với tháng 12/2019; bình quân 12 tháng năm 2020 tăng 0,14% so với bình quân cùng kỳ năm 2019.

8.4. Vận tải hành khách và hàng hóa

Năm 2020, dịch bệnh Covid-19 đã ảnh hưởng đáng kể đến hoạt động vận tải trên địa bàn tỉnh, nhất là vận tải hành khách. Tháng 12/2020, doanh thu vận tải, kho bãi và dịch vụ hỗ trợ ước đạt 1.041 tỷ đồng, tăng 2,6% so với tháng trước, tăng 11,7% so với tháng cùng kỳ; khối lượng hàng hóa vận chuyển đạt 5.694 nghìn tấn, tăng 2,2% so với tháng trước, tăng 11,4% so với tháng cùng kỳ; khối lượng hàng hóa luân chuyển 260,3 triệu tấn.km tăng 2,0% so với tháng trước, tăng 8,9% so với tháng cùng kỳ; khối lượng hành khách vận chuyển đạt 4.850 nghìn người, tăng 2,1% so với tháng trước, tăng 8,3% so với tháng cùng kỳ; khối lượng hành khách luân chuyển đạt 290 triệu người.km, tăng 2,6% so với tháng trước, tăng 8,4% so với tháng cùng kỳ.

Tính chung cả năm 2020, doanh thu vận tải, kho bãi và dịch vụ hỗ trợ ước đạt 10.552 tỷ đồng, giảm 1,9% so với năm 2019, trong đó doanh thu vận tải hàng hóa đạt 6.570 tỷ đồng, giảm 10,7%, doanh thu vận tải hành khách đạt 3.437 tỷ đồng, giảm 1,4%, doanh thu dịch vụ hỗ trợ vận tải đạt 546 tỷ đồng, giảm 2,4%. Khối lượng vận chuyển hàng hoá đạt 57,7 triệu tấn, luân chuyển hàng hoá đạt 2.671 triệu tấn.km, giảm 0,5% về hàng hoá vận chuyển , giảm 2,3% về hàng hoá luân chuyển so với cùng kỳ. Vận chuyển hành khách đạt 42,5 triệu người, luân chuyển hành khách đạt 2.589 triệu người.km, giảm 17,2% về hành khách vận chuyển , giảm 15,7% về hành khách luân chuyển so với cùng kỳ năm trước.

8.5. Xuất, nhập khẩu hàng hóa

Dịch bệnh Covid-19 xảy ra đã ảnh hưởng đến hoạt động xuất, nhập khẩu hàng hóa, nhất là hàng hóa xuất khẩu tiểu ngạch và các mặt hàng nhập khẩu từ Trung Quốc. Tổng giá trị hàng hoá xuất khẩu năm 2020 ước đạt 3.695 triệu USD, tăng 4,4% so với cùng kỳ. Trong đó, xuất khẩu hàng hóa chính ngạch ước đạt 3.656 triệu USD, tăng 5,1%; xuất khẩu hàng hóa tiểu ngạch 39 triệu USD, giảm 35,1% so với cùng kỳ). Một số mặt hàng xuất khẩu chính ngạch năm 2020 so với cùng kỳ như sau: Dưa chuột muối 594 tấn, tăng 65,0%; tinh bột sắn 62,5 nghìn tấn, tăng 9,4%; chả cá Surimi 2.077 tấn, tăng 42,4%; thuốc lá bao 8,5 triệu bao, tăng 15,2%; dăm gỗ 746 nghìn m3, tăng 53,4%; hàng may mặc 257,2 triệu sản phẩm, tăng 4,6%; giầy dép các loại 102,7 triệu đôi, giảm 15,4%; xi măng 829 nghìn tấn, tăng 20,4%; đá ốp lát 3 triệu m2, tăng 84,2%; lưu huỳnh dạng hạt 234 nghìn tấn, tăng 26,5%; benzen 214 nghìn tấn, tăng 54,9%; polypropylen 597 nghìn tấn, tăng 37,3%...

Tổng giá trị hàng hoá nhập khẩu năm 2020 ước đạt 5.086 triệu USD, tăng 2,5% so với cùng kỳ. Mặt hàng nhập khẩu chủ yếu gồm: Dầu thô 9,9 triệu tấn; vải may mặc 658 triệu USD; phụ liệu hàng may mặc 122 triệu USD; phụ liệu giầy dép 375 triệu USD; nguyên phụ liệu sản xuất thuốc tân dược 7,2 triệu USD; máy móc thiết bị và phương tiện khác 471 triệu USD.

9. Một số vấn đề xã hội

9.1. Đời sống dân cư và an sinh xã hội

Năm 2020, đời sống nhân dân trong tỉnh cơ bản ổn định. Các huyện, thị xã, thành phố đã tổ chức chi trả trợ cấp ưu đãi hàng tháng đầy đủ, kịp thời cho gần 75 nghìn đối tượng người có công với cách mạng, kinh phí thực hiện hơn 141 tỷ đồng/tháng; chi trả kinh phí hỗ trợ theo Nghị quyết số 42/NQ-CP ngày 09/4/2020 của Chính phủ và Quyết định số 15/2020/QĐ-TTg ngày 24/4/2020 của Thủ tướng Chính phủ cho 64.518 người có công với cách mạng, kinh phí thực hiện hơn 95,2 tỷ đồng. Tiếp nhận và giải quyết chế độ, chính sách mới cho 29.467 người có công với cách mạng và thân nhân; giải quyết chế độ mai táng phí người có công 2.587 trường hợp; thực hiện tốt các hoạt động tri ân người có công với cách mạng nhân dịp tết Nguyên đán Canh Tý và kỷ niệm 73 năm ngày Thương binh - Liệt sĩ.

Công tác an sinh, phúc lợi xã hội được quan tâm. Các chế độ, chính sách đối với đối tượng bảo trợ xã hội, người nghèo và công nhân lao động được thực hiện chu đáo, kịp thời, nhất là trong các dịp lễ, Tết, kỷ niệm… Thực hiện trợ cấp thường xuyên cho trên 204,6 nghìn đối tượng bảo trợ xã hội với tổng kinh phí gần 85 tỷ đồng/ tháng. Dịp tết Nguyên đán Canh Tý, thời kỳ mưa lũ và thời kỳ thiếu lương thực, các cấp, các ngành và địa phương trong tỉnh đã tổ chức thăm hỏi, tặng quà cho 104.873 người nghèo, người có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, tổng kinh phí thực hiện trên 39,25 tỷ đồng; hỗ trợ 384 tấn gạo cho 9.472 hộ với 25.664 nhân khẩu. Tiếp tục chỉ đạo các cấp chính quyền địa phương hoàn thành công tác chi trả hỗ trợ theo Nghị quyết số 42/NQ-CP ngày 09/4/2020 của Chính phủ và Quyết định số 15/2020/QĐ-TTg ngày 24/4/2020 của Thủ tướng Chính phủ cho 463.112 người thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo và 176.242 đối tượng bảo trợ xã hội, kinh phí thực hiện là trên 610,9 tỷ đồng.

Công tác giảm nghèo tiếp tục triển khai thực hiện tốt. Chương trình mục tiêu quốc qia giảm nghèo bền vững, ưu tiên thực hiện các chính sách, trợ giúp người nghèo về y tế, giáo dục, vay vốn tín dụng, dạy nghề, tạo việc làm, xây dựng, sửa chữa nhà cửa, hỗ trợ điện,... Bên cạnh đó, tổ chức điều tra, rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo và hộ gia đình làm nông nghiệp, lâm nghiệp, ngư nghiệp và diêm nghiệp có mức sống trung bình năm 2020 để đánh giá kết quả thực hiện Chương trình giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016 - 2020 trên địa bàn tỉnh. Kết quả sơ bộ điều tra rà soát hộ nghèo năm 2020, tỷ lệ hộ nghèo đến cuối năm 2020 ước còn 2,32%.

9.2. Dân số, lao động, việc làm

Dân số trung bình năm 2020 ước đạt 3.664,9 nghìn người, tăng 19,2 nghìn người so với năm 2019, tốc độ tăng dân số 0,53%. Theo báo cáo của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, tính đến tháng 11/2020 toàn tỉnh đã giải quyết việc làm mới cho 50.500 lao động, đạt 73,2% kế hoạch, giảm 24,9% so với cùng kỳ năm 2019; trong đó, lao động đi làm việc tại nước ngoài theo hợp đồng lao động là 4.750 người, đạt 47,5% kế hoạch, giảm 45,6% so với cùng kỳ năm 2019. Dự kiến cả năm 2020, sắp xếp được khoảng 62 nghìn lao động có việc làm mới, đạt 89,1% kế hoạch, giảm 11,0% so với năm 2019. Công tác giáo dục nghề nghiệp được quan tâm, số lao động được đào tạo nghề năm 2020 ước đạt 86,7 nghìn người, đạt chỉ tiêu kế hoạch và tăng 4,1% so với năm 2019.

Năm 2020, dịch bệnh Covid-19 đã tác động tiêu cực đến thị trường lao động trên địa bàn tỉnh, nhất là trong quý II, nhiều doanh nghiệp buộc phải thu hẹp sản xuất, cắt giảm lao động, đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động, thỏa thuận tạm hoãn hợp đồng lao động với người lao động, người lao động nghỉ việc không hưởng lương... Đến thời điểm hiện tại, tình hình dịch bệnh Covid-19 trong nước nói chung và trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa nói riêng đã và đang được kiểm soát hiệu quả; thị trường lao động có dấu hiệu phục hồi tích cực. Bên cạnh thực hiện các giải pháp hỗ trợ phát triển thị trường lao động, Sở Lao động, Thương binh và Xã hội đã quan tâm chỉ đạo giải quyết kịp thời các chế độ, chính sách cho người lao động bị mất việc làm. Tính đến tháng 11/2020, đã tiếp nhận và xử lý trên 27.755 hồ sơ đề nghị hưởng trợ cấp thất nghiệp của người lao động (tăng 55,5% so với cùng kỳ năm 2019); ban hành quyết định hưởng trợ cấp thất nghiệp cho 26.543 lao động (tăng 62,2% so với cùng kỳ năm 2019); phối hợp tham mưu cho UBND tỉnh triển khai chính sách hỗ trợ cho 24.102 đối tượng là người lao động, người sử dụng lao động và hộ kinh doanh gặp khó khăn do đại dịch Covid-19 theo Nghị quyết số 42/NQ-CP ngày 09/4/2020 của Chính phủ và Quyết định số 15/2020/QĐ-TTg ngày 24/4/2020 của Thủ tướng Chính phủ với tổng số tiền đã chi trả là trên 24,8 tỷ đồng.

9.3. Y tế

Năm 2020, ngành Y tế đã tích cực và chủ động theo dõi, giám sát phát hiện và xử lý kịp thời không để dịch bệnh lây lan rộng trong cộng đồng, phối hợp chặt chẽ với các ban, ngành đoàn thể trong việc tuyên truyền, tập huấn các biện pháp phòng chống dịch, đặc biệt là công tác phòng chống dịch bệnh Covid-19. Công tác chăm sóc sức khoẻ Nhân dân tiếp tục được đẩy mạnh; triển khai đồng bộ các giải pháp nâng cao chất lượng dịch vụ khám chữa bệnh, đảm bảo sự hài lòng của người dân. Tuy nhiên, một số bệnh thông thường vẫn xảy ra. Tính từ đầu năm đến ngày 06/12/2020 toàn tỉnh ghi nhận 425 ca sốt xuất huyết, 49 ca sốt phát ban nghi sởi, 1.173 ca tay chân miệng, 04 ca dại (tử vong 03 người), 05 ca ho gà, 14 ca nghi bại liệt, 01 ca uốn ván khác, 04 ca viêm gan vi rút B (tử vong 02 người); 01 ca viêm gan C; 06 ca viêm não Nhật Bản, 51 ca viêm não do vi rút khác (tử vong 02 người). Về công tác an toàn vệ sinh thực phẩm, không ghi nhận xảy ra ngộ độc thực phẩm trên địa bàn tỉnh.

Công tác phòng chống HIV/AIDS được đẩy mạnh. Tính đến 31/10/2020, toàn tỉnh ghi nhận 186 ca nhiễm mới; lũy kế số người nhiễm HIV/AIDS được phát hiện 8.581 người, trong đó số người nhiễm HIV còn sống, được quản lý 4.288 người (3.725 người Thanh Hóa và 563 người ngoại tỉnh). Hiện có 3.966 người nhiễm HIV/AIDS đang được điều trị bằng thuốc kháng virus ARV tại 34 cơ sở điều trị. Tiếp tục triển khai điều trị thay thế nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc Methadone tăng số cơ sở điều trị Methadone lên 27 cơ sở vào năm 2018 và duy trì đến nay. Hiện các cơ sở này đang điều trị cho 2.333 bệnh nhân. Năm 2019 bắt đầu thực hiện điều trị thay thế nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng Buprenorphine, hiện tại điều trị cho 38 bệnh nhân tại 3 cơ sở điều trị.

Về phòng chống dịch bệnh Covid-19: Năm 2020, dịch bệnh Covid-19 bùng phát, lây lan nhanh và tiếp tục diễn biến phức tạp tới nhiều quốc gia trên thế giới, trong đó có Việt Nam. Tại Thanh Hóa, công tác phòng chống dịch Covid-19 luôn được quan tâm, chỉ đạo quyết liệt, chặt chẽ với các biện pháp tuyên truyền, giám sát, cách ly, phòng chống, giãn cách xã hội theo chỉ đạo của Ban Chỉ đạo Phòng, chống dịch Covid-19 quốc gia và tỉnh Thanh Hóa. Theo báo cáo của Sở Y tế, thời điểm trước ngày 26/7/2020 có 18 ca bệnh dương tính trên tổng số 236 ca nghi nhiễm. Tỉnh Thanh Hóa đã thực hiện cách ly tập trung cho 3.207 lượt người; cách ly tại nhà, nơi cư trú 14.893 lượt người; lấy mẫu và làm xét nghiệm cho 4.260 người với tổng số 6.102 lượt xét nghiệm. Từ ngày 26/7/2020 đến 16/12/2020, đã thực hiện 16.978 lượt xét nghiệm cho 10.785 người. Số trường hợp trở về từ vùng dịch được cách ly tại nhà đến nay là 28.749 người, trong đó 28.540 người đã hoàn thành thời gian cách ly, hiện tại còn 209 người đang được cách ly y tế; tổng số trường hợp cách ly tập trung 9.214 người; hiện đang cách ly tập trung 122 người.

Công tác vệ sinh an toàn thực phẩm luôn được chú trọng, tăng cường công tác thông tin truyền thông phục vụ ‘‘Tháng hành động vì an toàn thực phẩm” năm 2020. Đến hết tháng 10/2020 ngành Y tế Thanh Hóa quản lý 994 cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm và cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống. Công tác truyền thông, thông tin phổ biến kiến thức về an toàn thực phẩm được quan tâm. Phối hợp với các sở, ban, ngành đã tham gia 30 đoàn kiểm tra liên ngành, kiểm tra 706 cơ sở; phát hiện, xử lý vi phạm 43 cơ sở; tổng số tiền phạt vi phạm 254 triệu đồng.

9.4. Giáo dục - Đào tạo

Năm học 2019 - 2020 mặc dù còn nhiều khó khăn, thách thức do đại dịch Covid-19 xảy ra và diễn biến phức tạp. Tuy nhiên, ngành Giáo dục và Đào tạo đã có nhiều cố gắng, nỗ lực, tiếp tục duy trì, ổn định các hoạt động dạy và học nên đã đạt được những kết quả khả quan trên tất cả các lĩnh vực. Việc tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2020 đảm bảo tốt cả hai mục tiêu vừa phòng, chống dịch Covid-19, vừa đảm bảo kỳ thi an toàn, nghiêm túc, đúng quy chế. Tỷ lệ thí sinh đỗ tốt nghiệp THPT năm 2020 đạt 97,64%. Đoàn học sinh tỉnh Thanh Hoá tham gia kỳ thi chọn học sinh giỏi quốc gia các môn văn hoá THPT năm học 2019 - 2020 có 76 thí sinh của 09 đội tuyển tham dự thi . Kết quả có 59 học sinh đạt giải (chiếm 77,6% tổng số thí sinh tham dự), gồm 01 giải nhất (môn Hoá học), 17 giải nhì; 20 giải ba và 21 giải khuyến khích. Do ảnh hưởng của dịch Covid-19 gây ra, việc tổ chức các kỳ thi học sinh giỏi cấp tỉnh và Olimpic quốc tế bị huỷ bỏ, việc tổ chức dạy và học bị gián đoạn, thời gian kết thúc năm học 2019 - 2020 thay đổi.

Năm học 2020 - 2021, ngành Giáo dục và Đào tạo tiếp tục tổ chức hợp lý mạng lưới cơ sở giáo dục; nâng cao chất lượng, chuẩn hóa đội ngũ giáo viên, nhân viên và cán bộ quản lý giáo dục các cấp; nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện; ứng dụng công nghệ thông tin; tăng cường cơ sở vật chất đảm bảo chất lượng giáo dục... Các trường học trong tỉnh đã hoàn thành công tác tuyển sinh đầu cấp và đạt kết quả cao trong việc huy động học sinh trong độ tuổi ra lớp ở các cấp học, bậc học . Phong trào xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia được phát động từ nhiều năm qua; dự kiến đến hết năm 2020, toàn tỉnh có 1.526/2.018 trường phổ thông đạt chuẩn quốc gia (đạt 75,62%), trong đó: Mầm non 498/684 trường (đạt 72,80%), tiểu học 560/630 trường (đạt 88,89%); TH&THCS 25/65 trường (đạt 38,46%), THCS 405/578 trường (đạt 70,07%), THPT 38/96 trường (đạt 39,58%).

Năm 2020, Trường Đại học Hồng Đức tuyển sinh đào tạo 30 ngành Đại học, 01 ngành Cao đẳng sư phạm mầm non với tổng số 1.360 chỉ tiêu; trong đó tuyển sinh đào tạo chất lượng cao trình độ đại học 30 chỉ tiêu (03 chuyên ngành, sư phạm Toán học, sư phạm Vật lý, sư phạm Ngữ văn). Đại học Văn hóa, Thể thao và Du lịch tuyển sinh ở 17 chuyên ngành với tổng số 970 chỉ tiêu đại học; Đại học Y Hà Nội phân hiệu tại Thanh Hoá tuyển sinh 02 chuyên ngành Y đa khoa và Điều dưỡng với 170 chỉ tiêu đại học; Đại học Tài nguyên Môi trường Hà Nội phân hiệu tại Thanh Hoá tuyển sinh 07 chuyên ngành với 210 chỉ tiêu đại học. Tính đến thời điểm 15/11/2020, Trường Đại học Hồng Đức xét tuyển được 1.650 thí sinh, đạt 93,75% so với kế hoạch; Đại học Văn hoá, Thể thao và Du lịch xét tuyển được 450 thí sinh, đạt 46,40% so với kế hoạch; Đại học Tài nguyên Môi trường Hà Nội phân hiệu tại Thanh Hoá xét tuyển được 10 thí sinh, đạt 4,76% so với kế hoạch; Đại học Y Hà Nội phân hiệu tại Thanh Hoá xét tuyển được 175 thí sinh, đạt 102,94% kế hoạch. Các trường trung cấp, cao đẳng đã tuyển sinh được 68.493 học sinh, đạt 79% kế hoạch (1.290 sinh viên cao đẳng, 5.726 học viên trung cấp, 61.477 học viên sơ cấp và dưới 3 tháng).

9.5. Văn hoá - Thể dục thể thao

Năm 2020, ngành Văn hoá thông tin, Truyền thông đã thực hiện tốt công tác tuyên truyền các chủ chương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, các sự kiện chính trị, các ngày kỷ niệm, lễ, tết và các nhiệm vụ chính trị của địa phương. Các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao được tổ chức thiết thực, hiệu quả, lành mạnh, an toàn, đặc biệt tổ chức tốt các ngày lễ, sự kiện chính trị quan trọng của đất nước và địa phương, nổi bật như: hội xuân, chợ hoa xuân, trưng bày, triển lãm thành tựu kinh tế, xã hội gắn với các hoạt động đón Tết cổ truyền của dân tộc; chương trình nghệ thuật đón giao thừa Tết nguyên đán Canh Tý 2020 với chủ đề: "Sắc xuân trên quê Thanh" - Truyền hình trực tiếp trên Đài Phát thanh và Truyền hình Thanh Hóa; chương trình nghệ thuật phục vụ kỷ niệm 90 năm Ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam (03/2/1930 - 03/2/2020); chương trình nghệ thuật chào mừng Kỷ niệm 60 năm Ngày kết nghĩa hai tỉnh Thanh Hóa - Quảng Nam (12/3/1960-12/3/2020) với chủ đề: “Nghĩa nặng tình sâu”; chương trình nghệ thuật chào mừng Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX nhiệm kỳ 2020 - 2025... Thông qua các hoạt động đã góp phần tạo không khí vui tươi, phấn khởi trong các tầng lớp nhân dân, giữ gìn và phát huy các giá trị truyền thống của văn hóa Việt Nam, củng cố và tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc.

Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa và xây dựng nông thôn mới” trên địa bàn tỉnh chuyển biến tích cực, đúng tiến độ. Tính đến tháng 11/2020, toàn tỉnh có 3.781/3.260 làng, bản, khu phố đăng ký xây dựng đạt chuẩn văn hóa, đạt 116% kế hoạch; 170/170 cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp đăng ký xây dựng đạt chuẩn văn hóa, đạt 100% kế hoạch; 20/20 xã đăng ký xây dựng đạt chuẩn văn hóa nông thôn mới, đạt 100% kế hoạch; 4/4 phường đăng ký đạt chuẩn văn minh đô thị, đạt 100% kế hoạch năm 2020.

Hoạt động thể dục, thể thao quần chúng và thể thao thành tích cao tiếp tục duy trì và phát triển. Đến nay đã tổ chức được 327 giải thể thao quần chúng các cấp; năm 2020, tỷ lệ dân số tham gia tập luyện thể dục thể thao thường xuyên ước đạt 43,2%, số gia đình thể thao ước đạt 30,1%, công tác giáo dục thể chất chính khóa đạt 100%, ngoại khóa đạt 98%; lực lượng vũ trang chiến sỹ khỏe đạt 100%. Đăng cai, tổ chức thành công giải bơi - lặn vô địch các câu lạc bộ quốc gia - khu vực 1 - Cúp Sun Sport Complex năm 2020; giải vô địch trẻ các lứa tuổi Vật cổ điển, Vật tự do quốc gia năm 2020; giải “ Vô địch các câu lạc bộ Golf toàn quốc năm 2020”. Tham gia thi đấu các giải thể thao thành tích cao theo kế hoạch. Tính từ đầu năm đến ngày 12/12/2020, các VĐV thi đấu 82 giải, đạt 685 huy chương các loại, trong đó 195 HCV, 188 HCB, 275 HCĐ. Bên cạnh đó, tổ chức lễ phát động toàn dân tập luyện môn bơi phòng, chống đuối nước; mở lớp tập huấn cho lực lượng cộng tấc viên, hướng dẫn viên bơi chống đuối nước cho trẻ em tại một số huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn tỉnh.

9.6. Tai nạn giao thông

Theo báo cáo của Ban An toàn giao thông tỉnh, năm 2020 (tính từ đầu năm đến ngày 14/12/2020) trên địa bản tỉnh xảy ra 403 vụ tai nạn giao thông, làm chết 148 người, bị thương 343 người; so với cùng kỳ năm 2019, giảm 7,1% về số vụ, giảm 0,7% về số người chất, giảm 9,5% về số người bị thương. Trong đó, quý I xảy ra 132 vụ, làm chết 33 người, bị thương 124 người; quý II xảy ra 102 vụ, làm chết 42 người, bị thương 78 người; quý III xảy ra 75 vụ, làm chết 30 người, bị thương 67 người; quý IV xảy ra 94 vụ, làm chết 43 người, bị thương 74 người.

9.7. Cháy, nổ

Tính từ đầu năm đến hết tháng 11/2020, toàn tỉnh xảy ra 125 vụ cháy, nổ; làm chết 2 người, bị thương 13 người; thiệt hại về tài sản trị giá 5,1 tỷ đồng. Chia theo các quý trong năm, quý I xảy ra 28 vụ, làm chết 2 người, bị thương 13 người, giá trị thiệt hại 330 triệu đồng; quý II xảy ra 37 vụ, không có người chết và người bị thương, giá trị thiệt hại 786 triệu đồng; quý III xảy ra 44 vụ, không có người chết và người bị thương, giá trị thiệt hại 2.551 triệu đồng; quý IV xảy ra 20 vụ, không có người chết và người bị thương, giá trị thiệt hại 1.457 triệu đồng.

9.8. Thiệt hại do thiên tai

Tính từ đầu năm đến nay, trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa đã xảy ra và chịu ảnh hưởng của 25 đợt thiên tai (16 đợt giông, lốc kèm theo mưa lớn, mưa đá; 3 cơn bão; 6 đợt nắng nóng) gây thiệt hại về người, tài sản, cơ sở hạ tầng và sản xuất tại nhiều địa phương trong tỉnh. Thiên tai xảy ra đã làm 01 người chết; 02 người bị thương; 9.131 ha lúa vụ mùa bị thiếu nước tưới do nắng nóng, hạn hán; 1.525 ngôi nhà, 117 ha lúa, 110 ha hoa màu, 850 ha cây trồng hàng năm, 42 ha cây trồng lâu năm, 46 ha cây ăn quả tập trung, 391 ha rừng bị thiệt hại và nhiều tài sản khác; ước tính giá trị thiệt hại khoảng 99,1 tỷ đồng.

Ngay sau khi mỗi đợt thiên tai xảy ra, cấp ủy, chính quyền các địa phương đã tổ chức các đoàn kiểm tra, chỉ đạo các địa phương khắc phục hậu quả, sớm ổn định đời sống nhân dân vùng bị ảnh hưởng của thiên tai; tổ chức thăm hỏi gia đình có người bị chết, bị thương; chỉ đạo các thôn, đoàn thể huy động lực lượng giúp đỡ các gia đình bị thiệt hại, dọn dẹp, tu sửa nhà cửa bị hư hỏng, đồng thời hướng dẫn nhân dân khắc phục, chăm sóc diện tích cây trồng bị hư hại; khẩn trương thống kê, đánh giá tình hình thiệt hại và đề xuất nhu cầu hỗ trợ để khẩn trương khắc phục hậu quả do thiên tai gây ra.

Khái quát lại, năm 2020, dịch bệnh Covid-19 xảy ra đã ảnh hưởng đến đời sống sinh hoạt và tình hình sản xuất kinh doanh; trong đó, các ngành, lĩnh vực chịu nhiều tác động của dịch bệnh như: xuất, nhập khẩu; khách sạn, nhà hàng, du lịch; vận tải; sản xuất công nghiệp; bán lẻ hàng hóa; đầu tư... Song, với sự chỉ đạo quyết liệt của các cấp, các ngành; đi kèm với đó là những giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp sản xuất kinh doanh. Mặt khác, các doanh nghiệp cùng toàn thể Nhân dân trong tỉnh ra sức thi đua sản xuất lập thành tích chào mừng kỷ niệm các ngày lễ lớn của đất nước, của tỉnh; chào mừng Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX nhiệm kỳ 2020 - 2025; nên tình hình kinh tế - xã hội cơ bản ổn định, kinh tế tiếp tục tăng trưởng, nhiều chỉ tiêu chủ yếu đạt và vượt kế hoạch. Đến nay, dịch bệnh Covid-19 trên địa bàn tỉnh tiếp tục được kiểm soát chặt chẽ, không phát sinh ca bệnh mới. Tuy nhiên, thiên tai, dịch bệnh đã ảnh hưởng lớn đến hoạt động sản xuất nông nghiệp và đời sống Nhân dân; hoạt động sản xuất kinh doanh nói chung, khu vực doanh nghiệp nói riêng vẫn còn nhiều khó khăn./.


Cục Thống kê tỉnh Thanh Hóa

  • Tổng số lượt xem: 3299
  •  

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)