(MPI) - Sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản quý I năm 2021 diễn ra trong điều kiện thời tiết tương đối thuận lợi: rét đậm, rét hại, hạn hán và xâm nhập mặn không diễn ra gay gắt như cùng kỳ năm trước. Năng suất lúa và sản lượng cây lâu năm đạt khá; đàn lợn tiếp tục đà hồi phục. Sản xuất lâm nghiệp phát triển, thị trường xuất khẩu các mặt hàng gỗ và lâm sản được mở rộng. Sản xuất thủy sản khả quan hơn so với cùng kỳ năm trước, giá cá tra và tôm thương phẩm có xu hướng tăng.
|
Ảnh minh họa. Nguồn: MPI |
Tính đến trung tuần tháng Ba, cả nước gieo trồng được 2.973,4 nghìn ha lúa đông xuân, bằng 99,4% cùng kỳ năm trước, trong đó các địa phương phía Bắc đạt 1.056,4 nghìn ha, bằng 99%; các địa phương phía Nam đạt 1.917 nghìn ha, bằng 99,6%, riêng vùng đồng bằng sông Cửu Long đạt 1.518,1 nghìn ha, bằng 98,2%. Tại các địa phương phía Bắc, thời tiết nắng ấm cùng với nguồn nước tưới được cung ứng hợp lý tạo điều kiện thuận lợi cho việc gieo trồng lúa. Nhiều địa phương đã hoàn thành chăm sóc lúa đợt 1 và đang tiến hành giai đoạn chăm sóc lúa đợt 2. Hiện nay, cây lúa đang trong giai đoạn đẻ nhánh, sinh trưởng và phát triển tốt.
Tại các địa phương phía Nam, diện tích gieo trồng lúa đông xuân giảm so với cùng kỳ do ảnh hưởng của hạn mặn nên một phần diện tích trồng lúa đã chuyển sang trồng rau màu và cây ăn quả cho giá trị kinh tế cao hơn hoặc chuyển sang nuôi trồng thủy sản. Diện tích lúa giảm khoảng 28,3 nghìn ha, tập trung chủ yếu ở vùng đồng bằng sông Cửu Long, trong đó một số địa phương có diện tích giảm nhiều là: Sóc Trăng giảm 9,8 nghìn ha; Tiền Giang giảm 6 nghìn ha; Kiên Giang giảm 5,4 nghìn ha. Đến nay, vùng Đồng bằng sông Cửu Long thu hoạch được 731,3 nghìn ha, chiếm 48,2% diện tích gieo cấy và bằng 62,5% cùng kỳ năm trước. Do tình trạng xâm nhập mặn năm nay thấp hơn năm trước, cùng với đó, các địa phương đã chủ động chuẩn bị đầy đủ giống, phân bón, vật tư nông nghiệp, lúa được gieo trồng đúng trong khung thời vụ tốt và tình hình sâu bệnh, dịch hại được kiểm soát nên ước tính năng suất gieo trồng lúa đông xuân vùng đồng bằng sông Cửu Long đạt cao với 70,2 tạ/ha, tăng 1,9 tạ/ha so với năm trước; sản lượng ước tính đạt 10,66 triệu tấn, tăng hơn 85 nghìn tấn.
Đến trung tuần tháng Ba, vùng đồng bằng sông Cửu Long đã hoàn tất công tác thu hoạch lúa vụ mùa 2020-2021. Diện tích gieo trồng lúa mùa của toàn vùng ước tính đạt 150,7 nghìn ha, bằng 89,1% vụ mùa năm trước. Do hơn 16 nghìn ha lúa mùa tại Cà Mau và Kiên Giang bị mất trắng nên toàn vùng chỉ thu hoạch được 134,7 nghìn ha, bằng 86,3% so với diện tích thu hoạch năm 2020. Với việc chủ động xuống giống theo lịch khuyến cáo của ngành nông nghiệp và sử dụng các giống lúa xác nhận, phù hợp với thổ nhưỡng từng vùng, có khả năng chịu được phèn, mặn cao nên năng suất thu hoạch đạt khá ở mức 49,4 tạ/ha, tăng 0,7 tạ/ha so với năng suất vụ mùa năm trước nhưng vì diện tích giảm sâu nên sản lượng đạt 665,2 nghìn tấn, giảm 95,1 nghìn tấn.
Tính đến giữa tháng Ba, các địa phương trên cả nước đã gieo trồng được 333 nghìn ha ngô, bằng 100,7% cùng kỳ năm trước; 54,1 nghìn ha khoai lang, bằng 93,9%; 11,9 nghìn ha đậu tương, bằng 88,8%; 107,3 nghìn ha lạc, bằng 97%; 558,8 nghìn ha rau đậu, bằng 100,1%.
Trong quý I/2021, một số cây công nghiệp lâu năm đã cho thu hoạch, trong đó: Sản lượng điều đạt 193,1 nghìn tấn, giảm 0,7% so với cùng kỳ năm trước; hồ tiêu đạt 200 nghìn tấn, giảm 0,5%; cao su đạt 119 nghìn tấn, tăng 1,6%, chè búp đạt 154,9 nghìn tấn, tăng 1,9%. Sản lượng một số loại cây ăn quả tăng: Bưởi đạt 143,3 nghìn tấn, tăng 2,4%; thanh long đạt 326,3 nghìn tấn, tăng 4,3%; xoài đạt 236,7 nghìn tấn, tăng 1,3%; dứa đạt 134,3 nghìn tấn, tăng 7%; chuối đạt 653,4 nghìn tấn, tăng 2,5%.
Chăn nuôi trâu, bò trong quý I bị ảnh hưởng bởi rét đậm, rét hại, băng giá, mưa tuyết trong tháng Một và hiện nay đang xuất hiện dịch viêm da nổi cục tại một số địa phương, người chăn nuôi và chính quyền địa phương cần tăng cường các biện pháp kiểm soát, phòng chống dịch bệnh. Ước tính tổng số bò tính đến thời điểm cuối tháng Ba tăng 4,4% so với cùng thời điểm năm 2020, tổng số trâu giảm 2,3%. Ước tính quý I, sản lượng thịt trâu hơi xuất chuồng đạt 32,2 nghìn tấn, tăng 0,7% so với cùng kỳ năm 2020; sản lượng thịt bò hơi xuất chuồng đạt 120,7 nghìn tấn, tăng 4,8%; sản lượng sữa bò tươi đạt 270,1 nghìn tấn, tăng 5,1%.
Chăn nuôi lợn tiếp tục đà hồi phục trên cả nước, dịch tả lợn châu Phi được kiểm soát, chỉ còn phát sinh những ổ dịch nhỏ lẻ. Ước tính tổng số lợn của cả nước tính đến thời điểm cuối tháng Ba năm 2021 tăng 11,6% so với cùng thời điểm năm 2020; sản lượng thịt lợn hơi xuất chuồng quý I ước tính đạt 1.018,8 nghìn tấn, tăng 7,5% so với cùng kỳ năm trước.
Chăn nuôi gia cầm tiếp tục phát triển do hộ chăn nuôi mở rộng quy mô, khu vực doanh nghiệp phát triển tốt. Ước tính tổng đàn gia cầm của cả nước tháng Ba tăng 8,3% so với cùng thời điểm năm 2020; sản lượng thịt gia cầm hơi xuất chuồng quý I/2021 đạt 513,6 nghìn tấn, tăng 5,2% so với cùng kỳ năm trước; sản lượng trứng gia cầm quý I đạt 4,5 tỷ quả, tăng 3,5%.
Tính đến ngày 25/3/2021, cả nước không còn dịch tai xanh; dịch cúm gia cầm còn ở Hà Nội, Bắc Ninh, Quảng Ninh, Thái Nguyên, Hà Tĩnh, Quảng Nam; dịch lở mồm long móng còn ở Bắc Kạn, Nghệ An, Quảng Bình, Quảng Ngãi, Phú Yên, Kon Tum, Đắk Lắk và dịch tả lợn châu Phi còn ở 19 địa phương chưa qua 21 ngày. Đáng chú ý là dịch viêm da nổi cục trên trâu bò đã phát sinh tại 17 địa phương chưa qua 21 ngày./.
Thanh Loan
Bộ Kế hoạch và Đầu tư