Skip Ribbon Commands
Skip to main content
Ngày 31/03/2021-18:01:00 PM
Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016 - 2020: cơ bản đã hoàn thành các mục tiêu, nhiệm vụ đề ra

Ảnh minh họa. Nguồn: MPI
(MPI) – Tại Phiên họp thường kỳ của Chính phủ tháng 3 năm 2021, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã có Báo cáo Đánh giá tình hình thực hiện Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016-2020 và xây dựng Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021-2025.

Việc thực hiện ba “đột phá chiến lược” đã thu được những kết quả quan trọng

Giai đoạn 2016-2020, các nhiệm vụ kinh tế - xã hội của nước ta thực hiện trong bối cảnh khó khăn và thuận lợi đan xen, đặc biệt là tác động tiêu cực của đại dịch Covid-2019 tới nền kinh tế Việt Nam diễn ra trong năm 2020. Tuy nhiên, dưới sự lãnh đạo sát sao của Đảng, giám sát của Quốc hội, sự chỉ đạo điều hành quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, sự nỗ lực, đồng thuận, quyết tâm của các cấp, các ngành và người dân, doanh nghiệp nên về cơ bản đã hoàn thành các mục tiêu, nhiệm vụ đề ra, tạo tiền đề để triển khai thực hiện tốt các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021-2025.

Chất lượng tăng trưởng ngày càng đi vào chiều sâu với các thị trường ngày càng được mở rộng và được vận hành theo cơ chế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Quá trình tái cơ cấu các ngành, lĩnh vực đi vào thực chất hơn và chuyển dịch theo hướng nâng cao năng suất, chất lượng và năng lực cạnh tranh của ngành.

Tiềm lực tài chính quốc gia tiếp tục được củng cố; cơ chế, chính sách tài chính - NSNN đã góp phần tích cực huy động mọi nguồn lực cho đầu tư phát triển. Quá trình sắp xếp, đổi mới các DNNN đạt được các kết quả quan trọng, hiệu quả hoạt động của khu vực DNNN có những cải thiện. Hiệu quả kinh tế - xã hội của đầu tư nói chung và đầu tư công nói riêng đã được cải thiện, cơ cấu đầu tư cũng có những chuyển biến theo hướng tích cực.

Quá trình cải cách thể chế trong lĩnh vực tài chính giai đoạn 2016-2020 đã bảo đảm đồng bộ với cải cách thể chế trong các lĩnh vực có liên quan, góp phần thúc đẩy các yếu tố thị trường và các loại thị trường phát triển, bảo đảm quyền tự do kinh doanh và bình đẳng giữa các thành phần kinh tế; động viên hợp lý, phân phối và sử dụng tiết kiệm, chặt chẽ, hiệu quả hơn các nguồn lực cho phát triển kinh tế - xã hội; nâng cao kỷ luật, kỷ cương tài chính - ngân sách; tiếp cận thông lệ quốc tế… Cơ cấu thu, chi NSNN và nợ công ngày càng bền vững, góp phần đảm bảo an toàn, an ninh tài chính quốc gia, thực hiện tốt mục tiêu kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô và đảm bảo an sinh xã hội.

Việc thực hiện ba “đột phá chiến lược” về thể chế, hạ tầng, nhân lực đã thu được những kết quả quan trọng. Thế và lực của nền kinh tế Việt Nam được tăng cường. Việt Nam được thăng hạng trong nhiều bảng xếp hạng quốc tế về môi trường kinh doanh và đầu tư; nền tảng tài chính được củng cố và khả năng chống chọi các cú sốc bên ngoài được tăng cường. Lạm phát được kiểm soát, khu vực kinh tế tư nhân phát triển nhanh, lòng tin thị trường được tăng cường qua đó đã tạo tiền đề thúc đẩy tăng trưởng kinh tế nhanh hơn, bền vững hơn.

Công tác cải cách hành chính được triển khai mạnh mẽ, quyết liệt, tạo sự chuyển biến rõ rệt. Bộ phận Một cửa, một cửa liên thông hoạt động hiệu quả, giải quyết thủ tục hành chính cho người dân, tổ chức theo hướng công khai, minh bạch, thuận tiện. Việc đẩy mạnh triển khai thực hiện Chính phủ điện tử, ứng dụng công nghệ thông tin đã mang lại kết quả tích cực, góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động của cơ quan hành chính nhà nước, nâng cao chất lượng cung cấp dịch vụ công cho người dân, tổ chức.

Hội nhập và hợp tác quốc tế tiếp tục được tăng cường và củng cố. Việt Nam chủ động hội nhập kinh tế quốc tế, mở cửa, sẵn sàng là bạn, là đối tác tin cậy của các nước trong cộng đồng quốc tế, phấn đấu vì hòa bình, độc lập và phát triển... tạo nhiều cơ hội cho phát triển kinh tế trong nước.

Bộ máy quản lý nhà nước được kiện toàn; công tác phát triển nguồn nhân lực được chú trọng. Đời sống người có công, đối tượng chính sách xã hội được cải thiện và từng bước được nâng lên; giảm nghèo đi vào thực chất hơn với các hoạt động thiết thực, đảm bảo “không để ai bị bỏ lại phía sau”; công tác người cao tuổi; bảo vệ, chăm sóc trẻ em; bình đẳng giới và vì sự tiến bộ của phụ nữ được quan tâm chỉ đạo... góp phần thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội, gắn kết hài hòa với phát triển kinh tế, bảo đảm an toàn, trật tự xã hội.Chất lượng dịch vụ khám chữa bệnh đã có những cải thiện rõ rệt.

Chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, phòng, chống thiên tai. Các biện pháp phòng ngừa, kiểm soát, khắc phục ô nhiễm môi trường ngày càng được chú trọng hơn và đạt một số kết quả. Công tác thanh tra, kiểm tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng, lãng phí được đẩy mạnh và đạt nhiều kết quả tích cực. Quốc phòng, an ninh được tăng cường; kiên quyết, kiên trì bảo vệ độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ. An ninh chính trị, an toàn xã hội được bảo đảm, giữ vững môi trường hoà bình, ổn định để xây dựng và phát triển đất nước.

Xây dựng thể chế, hệ thống pháp luật, hệ thống cơ chế, chính sách đồng bộ, đầy đủ và kịp thời với tư duy mới, phù hợp với thực tiễn

Báo cáo cũng đưa ra các bài học kinh nghiệm cho giai đoạn 2016-2020, đó là phải quyết liệt hành động, đồng bộ với quyết tâm chính trị cao trong công tác chỉ đạo, điều hành, tổ chức thực hiện. Bám sát, đánh giá đúng tình hình thực tiễn, lựa chọn được những vấn đề, lĩnh vực…đang gặp vướng mắc, hạn chế, khó khăn để kịp thời nghiên cứu, đề ra giải pháp xử lý kịp thời, triệt để. Tăng cường công tác giám sát, thanh tra, kiểm tra chuyên ngành.

Xây dựng thể chế, hệ thống pháp luật, hệ thống cơ chế, chính sách đồng bộ, đầy đủ và kịp thời với tư duy mới, phù hợp với thực tiễn để tạo lập môi trường cạnh tranh bình đẳng cho các thành phần kinh tế, bảo đảm mối tương quan hợp lý; giải quyết tốt các mối quan hệ giữa tăng trưởng nhanh và phát triển bền vững; giữa kinh tế thị trường và định hướng xã hội chủ nghĩa; giữa độc lập, tự chủ và hội nhập quốc tế… Xác định mục tiêu, nhiệm vụ rõ ràng, bảo đảm tính khả thi; đi kèm hệ thống giải pháp đầy đủ, đồng bộ, có trọng tâm, trọng điểm; có kế hoạch và phân công nhiệm vụ cụ thể; thường xuyên kiểm tra, đôn đốc và có những điều chỉnh kịp thời cho phù hợp với điều kiện thực tế.

Phải kịp thời đổi mới tư duy trong công tác quản lý nhà nước; phát huy tối đa và kết hợp chặt chẽ các nguồn lực, coi khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo là động lực phát triển chủ yếu trong thời đại cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Phân công, phân cấp, ủy quyền hợp lý trong thực hiện các nhiệm vụ quản lý nhà nước phù hợp với năng lực của các cơ quan quản lý nhà nước từ Trung ương đến địa phương.

Tập trung cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước của các bộ, ngành tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả; lấy kết quả phục vụ và mức độ hài lòng của người dân, doanh nghiệp làm tiêu chí đánh giá; thường xuyên quán triệt, tăng cường nhận thức của các cấp uỷ, chính quyền, doanh nghiệp để tạo lập được nhận thức chung và quyết tâm hành động thống nhất trong toàn hệ thống chính trị. Khơi dậy và duy trì tính chủ động, năng động, sáng tạo của cán bộ, công chức tư pháp mà trước tiên và quan trọng nhất là của thủ trưởng, cán bộ lãnh đạo đơn vị.

Phải đánh giá và nhận định đúng, đầy đủ, kịp thời đối với những vấn đề mới hình thành trong quá trình phát triển, tăng cường liên kết địa phương, vùng trong quản lý, khai thác, sử dụng hiệu quả tài nguyên; bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu nhằm tháo gỡ điểm nghẽn cục bộ địa phương, tăng tính hiệu quả và phát huy thế mạnh của địa phương và vùng. Cần đặt yêu cầu về phòng, chống thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu, quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường ở vị trí trung tâm của các quyết định phát triển. Không đánh đổi môi trường lấy tăng trưởng kinh tế./.

Thanh Loan
Bộ Kế hoạch và Đầu tư

    Tổng số lượt xem: 1436
  •  

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)