Skip Ribbon Commands
Skip to main content
Ngày 09/04/2021-18:48:00 PM
Ban Chỉ đạo đổi mới, phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã làm việc tại tỉnh Đồng Nai
(MPI) - Trong khuôn khổ Chương trình làm việc tại các tỉnh Đông Nam Bộ, trong 02 ngày 08 - 09/4/2021, Đoàn Ban Chỉ đạo đổi mới, phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã đã làm việc tại tỉnh Đồng Nai. Tham dự buổi làm việc có đại diện các Bộ, ngành: Ban Kinh tế Trung ương, Văn phòng Chính phủ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Liên minh Hợp tác xã Việt Nam, Bộ Giao thông vận tải, Bộ Công Thương; Về phía địa phương có đại diện Lãnh đạo tỉnh Đồng Nai, Ban Chỉ đạo đổi mới, phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã của tỉnh và các sở, ngành liên quan. Chánh văn phòng Ban Chỉ đạo đổi mới phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã, Cục trưởng Cục Phát triển hợp tác xã, Bộ Kế hoạch và Đầu tư Phùng Quốc Chí làm Trưởng đoàn.

Toàn cảnh buổi làm việc. Ảnh: Báo Đồng Nai.

Lĩnh vực kinh tế tập thể của tỉnh Đồng Nai đã đạt được những chuyển biến khá tích cực

Tại buổi làm việc, Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Nai đã báo cáo về tình hình triển khai thi hành Luật Hợp tác xã năm 2012 và tình hình thực hiện Nghị quyết số 13-NQ/TW ngày 18/3/2002 Hội nghị lần thứ 5, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa IX về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể trên địa bàn Tỉnh.

Theo đó, về tình hình phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã, trong năm 2020, tỉnh Đồng Nai đã vận động thành lập 58 tổ hợp tác (THT), giải thể 46 THT; số lượng THT tại thời điểm ngày 31/12/2020 là 1.168 CLB-THT; số THT có đăng ký chứng thực hợp đồng hợp tác hoạt động theo Nghị định 151/2007/NĐ-CP (Nghị định số 77/2019/NĐ-CP) là 717 THT chiếm 62,12%. Số thành viên THT tại thời điểm ngày 31/12/2020 là 36.962; số lao động làm việc trong khu vực THT tại thời điểm ngày 31/12/2020 ước khoảng 39.860.

Năm 2020, toàn Tỉnh có 43 hợp tác xã được thành lập mới, đạt 130% kế hoạch, tăng 4 HTX so với cùng kỳ năm 2019. Lũy kế đến cuối năm 2020 toàn tỉnh có 442 HTX; Quỹ Tín dụng Nhân dân và Liên hiệp HTX.

Về công tác quản lý nhà nước đối với KTTT, HTX, sau khi Nghị quyết Trung ương 5 (khoá IX) của Ban Chấp hành Trung ương Đảng và Chương trình hành động số 24-CTr/TU của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh được ban hành và sự chỉ đạo của UBND tỉnh, công tác quản lý nhà nước về kinh tế tập thể được tiếp tục củng cố, nâng cao hiệu lực, hiệu quả.

Hoạt động của Ban Chỉ đạo xây dựng và phát triển kinh tế tập thể tỉnh đã triển khai theo hướng cụ thể, thiết thực, sâu sát cơ sở, tăng cường trách nhiệm trong quản lý nhà nước và sự phối, kết hợp đồng bộ, trách nhiệm giữa các cơ quan chức năng với cấp ủy, chính quyền địa phương. Định kỳ 6 tháng, Ban Chỉ đạo đánh giá công tác kiểm tra, giám sát việc thực hiện công tác quản lý nhà nước đối với kinh tế tập thể của các cơ quan là thành viên Ban Chỉ đạo và UBND các huyện, thành phố và rút kinh nghiệm về công tác quản lý nhà nước đối với kinh tế tập thể, hợp tác xã.

Hằng năm, Ban Chỉ đạo tỉnh đều tổ chức bồi dưỡng nghiệp vụ cho cán bộ chuyên trách kinh tế tập thể, đồng thời tổ chức các đợt học tập kinh nghiệm thực tế, từ đó trình độ, năng lực quản lý nhà nước của cán bộ phụ trách kinh tế tập thể được nâng lên.

Trong giai đoạn 2012-2020 với sự nỗ lực của tỉnh Đồng Nai nhất là sau 8 năm thực hiện Luật HTX năm 2012; Kế hoạch số 195-KH/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể; Kế hoạch số 5110/KH-UBND ngày 03/7/2015 của UBND tỉnh về phát triển kinh tế tập thể 05 năm (2016-2020), lĩnh vực kinh tế tập thể của tỉnh Đồng Nai đã đạt được những chuyển biến khá tích cực.

Các THT phát triển tương đối ổn định về số lượng, đa dạng về hình thức hoạt động, rộng khắp cả tỉnh. Mô hình THT phù hợp với nhu cầu của người nông dân, lao động nghèo, đặc biệt ở vùng nông thôn. THT đã khắc phục được một số mặt yếu kém của kinh tế hộ đơn lẻ, như thiếu vốn, công cụ, kỹ thuật và kinh nghiệm sản xuất…

Kinh tế tập thể, hợp tác xã tiếp tục phát triển trên địa bàn cả tỉnh và ở hầu hết các lĩnh vực của đời sống kinh tế - xã hội và đang dần trở thành thành phần kinh tế quan trọng của tỉnh, số lượng các tổ chức kinh tế tập thể, mà nòng cốt là hợp tác xã ngày càng phát triển khá mạnh.

Công tác tuyên truyền xây dựng kinh tế tập thể thường xuyên, liên tục, nhiều hình thức sinh động, thể hiện quyết tâm chính trị cao của toàn hệ thống chính trị tham gia xây dựng kinh tế tập thể; Nhận thức của cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức và nhân dân về vị trí, vai trò và tính tất yếu khách quan của việc phát triển kinh tế tập thể trong điều kiện đất nước hội nhập ngày càng sâu, rộng vào nền kinh tế thế giới không ngừng được nâng cao.

Đồng Nai: tỷ lệ hợp tác xã hoạt động có hiệu quả chiếm trên 60% tổng số hợp tác xã trên địa bàn tỉnh

Sau hơn 18 năm thực hiện Nghị quyết số 13-NQ/TW Hội nghị lần thứ 5, BCH Trung ương (khoá IX) và Chương trình hành động số 24-CTr/TU của BCH Đảng bộ tỉnh (khoá VII) và sau 5 năm thực hiện Kết luận số 56-KL/TW của Bộ Chính trị và Kế hoạch số 195-KH/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể, lĩnh vực kinh tế tập thể của tỉnh đã đạt được những chuyển biến khá tích cực.

Đến nay, toàn tỉnh đã có trên 1.169 tổ hợp tác, có 442 hợp tác xã, tăng 328 hợp tác xã so với trước khi Nghị quyết Trung ương 5 được ban hành. Thành viên tham gia các tổ chức kinh tế tập thể ngày càng tăng, thành viên là cá nhân và các tổ chức, doanh nghiệp tham gia kinh tế tập thể, quy mô vốn góp và loại hình hoạt động, lĩnh vực ngành nghề ngày càng rộng lớn, phủ khắp các địa phương trên địa bàn tỉnh, chất lượng hoạt động của các tổ chức kinh tế tập thể ngày càng đi vào thực chất hơn, hiệu quả hơn, đã xuất hiện các mô hình hợp tác xã điển hình tiên tiến đạt hiệu quả cao; tỷ lệ hợp tác xã hoạt động có hiệu quả chiếm trên 60% tổng số hợp tác xã trên địa bàn.

Tại buổi làm việc, tỉnh Đồng Nai đã kiến nghị Chính phủ và Bộ, ngành TW sớm ban hành các văn bản hướng dẫn cụ thể và khả thi trong việc thi hành Luật HTX năm 2012 để triển khai thực hiện; xử lý tài sản sau chuyển đổi, giải thể HTX; thủ tục giải thể bắt buộc đối với HTX; chính sách hạch toán, ưu đãi riêng về thuế cho HTX; việc xử lý nợ thuế của HTX đã ngưng hoạt động; hướng dẫn chuyển đổi HTX sang các loại hình tổ chức khác…

Chánh văn phòng Ban Chỉ đạo đổi mới phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã, Cục trưởng Cục Phát triển hợp tác xã Phùng Quốc Chí cho biết, mục tiêu của đoàn khảo sát là đi thực tế, đặc biệt ghi nhận những vướng mắc, khó khăn của các địa phương trong triển khai thi hành Luật HTX mới và tình hình thực hiện Nghị quyết số 13 về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể. Đây là cơ sở để tiếp tục kiến nghị, đề xuất việc sửa đổi, bổ sung các chính sách phát triển kinh tế tập thể, HTX trong giai đoạn mới. Đoàn khảo sát đề nghị Ban Chỉ đạo đổi mới, phát triển kinh tế tập thể, HTX địa phương tiếp tục kiện toàn lại; giải quyết dứt điểm những HTX yếu kém, cần giải thể; xây dựng các giải pháp căn cơ phát triển kinh tế tập thể, HTX trong giai đoạn tới. Trong đó, địa phương lựa chọn những mô hình HTX điểm, hiệu quả để tập trung hỗ trợ, đầu tư thành mô hình điểm khẳng định hiệu quả kinh tế tập thể./.

Thúy Quyên
Bộ Kế hoạch và Đầu tư

  • Tổng số lượt xem: 1661
  •  

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)