(MPI) – Sáng ngày 26/4/2021, tại trụ sở Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng đã có buổi làm việc với Ban Lãnh đạo mới của Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam (VBF) để trao đổi về việc tổ chức VBF năm 2021.
|
Ảnh: MPI |
Tham dự buổi làm việc có Đồng Chủ tịch Liên minh VBF và Hiệp hội Doanh nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam (JCCI) Tetsu Funayama; Đại diện JCCI Hirohide Sagara; Đại diện Phòng Thương mại Châu Âu tại Việt Nam (EuroCham) Soren Roed Pedersen; Phó chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Hàn Quốc tại Việt Nam (KoCham) Hong Sun; Đại diện Hiệp hội Thương mại Hoa Kỳ (AmCham) Eric Johnson; Đại diện Hiệp hội các Doanh nghiệp Anh quốc tại Việt Nam (BritCham) Chris Jeffery; Phó Chủ tịch Singapore Business Group Seck Yee Chung.
Phát biểu tại buổi làm việc, Đồng Chủ tịch liên minh VBF và JCCI Tetsu Funayama chúc mừng Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng đã tái đắc cử Ủy viên Trung ương Đảng khóa XIII và Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư nhiệm kỳ 2021-2026. Đồng thời hy vọng sẽ tiếp tục được đồng hành với Bộ Kế hoạch và Đầu tư trong việc xúc tiến đầu tư, quảng bá môi trường đầu tư kinh doanh tại Việt Nam và kêu gọi đầu tư từ các tập đoàn kinh tế lớn cũng như hỗ trợ các doanh nghiệp nhỏ và vừa trên thế giới đầu tư vào Việt Nam.
Ông Tetsu Funayama cho biết, trong nội bộ của VBF đã thảo luận và thống nhất đề xuất chủ đề chính của VBF năm 2021 là “Tiêu điểm 2025 - Làm thế nào để Khu vực tư nhân và Chính phủ song hành tạo nên nền tảng An toàn và Bền vững để đạt các mục tiêu năm 2025”.
|
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng và Đồng Chủ tịch liên minh VBF và JCCI Tetsu Funayama tại buổi làm việc. Ảnh: MPI |
Phát biểu tại buổi làm việc, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng hoan nghênh sự chủ động công việc của Nhóm công tác VBF trong việc đề xuất nội dung và chúc mừng Ban lãnh đạo mới của VBF nhiệm kỳ 2021. Bộ trưởng đánh giá cao vai trò và đóng góp của VBF trong suốt 23 năm qua đã luôn đồng hành cùng Chính phủ, các cấp, ngành và cộng đồng doanh nghiệp trong việc cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, tháo gỡ khó khăn vướng mắc, thúc đẩy đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp, phát triển doanh nghiệp. Đồng thời tin tưởng thời gian tới, VBF sẽ tiếp tục là một kênh đối thoại chính sách quan trọng và hiệu quả giữa cộng đồng doanh nghiệp với Chính phủ.
Trong chiến lược và kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của giai đoạn tới, Việt Nam đang hướng đến các mục tiêu đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, bảo đảm thực chất, hiệu quả. Ưu tiên phát triển hạ tầng trọng yếu về giao thông, năng lượng, công nghệ thông tin, đô thị lớn, hạ tầng thích ứng với biến đổi khí hậu, tăng cường kết nối nội vùng, trong nước và quốc tế. Đồng thời, phát triển và ứng dụng mạnh mẽ khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo nhằm tạo bứt phá nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế. Chú trọng phát triển giáo dục, đào tạo, nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng yêu cầu của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư và hội nhập quốc tế. Do đó, định hướng phát triển của VBF thời gian tới cần tập trung, ưu tiên những mục tiêu nêu trên.
|
Toàn cảnh buổi làm việc. Ảnh: MPI |
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng đề nghị tên chủ đề của Diễn đàn nên cô đọng, tập trung theo định hướng phát triển của Việt Nam, có thể là “Khu vực tư nhân đồng hành cùng Chính phủ thực hiện Nghị quyết XIII của Đảng”. Đồng thời đề xuất sáng kiến thành lập Quỹ hỗ trợ chuyển đổi số cho doanh nghiệp Việt Nam.
Để chuẩn bị cho VBF năm 2021, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng đề nghị Ban lãnh đạo VBF tiếp tục đề xuất các giải pháp đồng bộ, hiệu quả, có trọng tâm trọng điểm, bám sát thực tiễn và căn cứ chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, mà cụ thể là Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Nghị quyết số 45/NQ-CP ngày 16/4/2021 của Chính phủ và chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về những nhiệm vụ trọng tâm, đột phá chiến lược cần thực hiện trong thời gian tới./.
Thúy Quyên
Bộ Kế hoạch và Đầu tư