(MPI Portal) –Sáng 12/11, tại trụ sở Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã tổ chức Hội nghị “Chia sẻ kinh nghiệm của Nhật Bản trong lĩnh vực đầu tư theo hình thức đối tác công – tư (PPP)” dưới sự chủ trì của Cục Quản lý Đấu thầu, Bộ Kế hoạch và Đầu tư.
Tham dự Hội nghị có Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Đào Quang Thu, ông Lê Văn Tăng, Cục trưởng Cục Quản lý Đấu thầu, ông Michio Daito, Tham tán Đại sứ quán Nhật Bản tại Việt Nam, cùng đại diện một số Bộ, ngành của Việt Nam, các địa phương và đại diện các doanh nghiệp, các khối Ngân hàng Đầu tư khu vực Châu Á.
|
Toàn cảnh Hội nghị. Ảnh: Đức Trung (MPI Portal)
|
Phát biểu khai mạc Hội nghịông Lê Văn Tăng, Cục trưởng Cục Quản lý Đấu thầu cho biết chương trình PPP tại Việt Nam đã có những chuyển biến hết sức tích cực. Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã và đang khẩn trương phối hợp với các Bộ, ngành, tổ chức quốc tế xây dựng Nghị định về đầu tư theo hình thức PPP trên cơ sở hợp nhất Nghị định 108/2009/NĐ-CP và Quyết định 71/2010/QĐ-TTg về đầu tư theo hình thức Hợp đồng và ban hành Quy chế thí điểm đầu tư theo hình thức PPP. Song song với việc này, Bộ Kế hoạc và Đầu tư cũng phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương để chuẩn bị các dự án PPP trình Thủ tướng Chính phủ đưa vào danh mục và dự kiến ngân sách đối ứng cho các dự án PPP năm 2014, 2015 và giai đoạn 2016 - 2020.
Đại diện Ngân hàng Tokyo Mitsubishi (BTMU) cũng đưa ra quan điểm về mô hình tài chính dự án và một số khía cạnh cụ thể. Bên cạnh đó, một số những rủi ro lớn khi thực hiện dự án và các biện pháp giảm thiểu rủi ro từ cách nhìn của bên cho vay và một số ví dụ điển hình cần nghiên cứu. Cụ thể như 3 Dự án Cơ sở hạ tầng tại các nước châu Á là: Dự án “Xa lộ vành đai Seoul” của Hàn Quốc, dự án hỗ trợ cho hệ thống đường nội đô giúp giảm tải giao thông cho thành phố Seoul với mục tiêu của dự án là xây dựng và vận hành 36,24 km đường thu phí, phía Bắc của Xa lộ vành đai Seoul, có vốn đầu tư là 1.780 triệu USD. Dự án“LRT số 3” của Phi-lip-pin là dự án quốc gia giúp giảm tải giao thông và giảm hiệu ứng nhà kính, đây là dự án PPP trong ngành đường sắt đầu tiên sử dụng cơ chế BLT (hình thức xây dựng- cho thuê- chuyển giao) với mục tiêu của dự án là xây dựng 17 km đường sắt LTR số 3 ở Man-ni-la và cho Chính phủ Phi-lip-pin thuê toa xe lửa trong thời hạn 25 năm, có tổng vốn đầu tư là 650 triệu USD. Dự án cuối cùng, đại diện cho Ngân hàng BTMU được nhắc đến là dự án “Phú Mỹ 3” của Việt Nam. Đây là Dự án xây dựng, hoạt động và bảo trì nhà máy điện có công suất 717MW ở Phú Mỹ, Việt Nam. Nhà máy điện này sẽ được chuyển giao cho Chính phủ Việt Nam sau 20 năm hoạt động, với tổng vốn đầu tư là 400 triệu USD.
Cũng tại Hội nghị, đại diện cho Bộ Kế hoạch và Đầu tư, bà Vũ Quỳnh Lê, Chánh Văn phòng PPP, Phó Cục trưởng, Cục Quản lý Đấu thầu, Bộ Kế hoạch và Đầu tưtrình bày Tóm tắt sơ lược về Dự thảo Nghị định PPP, đưa ra những vướng mắc cơ bản trong triển khai thực hiện Nghị định 108/2009/NĐ-CP và Quyết định 71/2010/QĐ-TTg, bà Vũ Quỳnh Lê chia sẻ với Hội nghị, trong quá trình thực hiện đồng thời Nghị định 108 và Quyết định 71 để điều chỉnh tương ứng các dự án BOT, BTO, BT và PPP dẫn đến cách hiểu không thống nhấtvề quy trình, thủ tục đầu tư cũng như cơ chế tham gia của Nhà nước, cho rằngđây là các hình thức đầu tư khác nhau, từ đó gây nghi ngại về tính khả thi và tính thống nhất trong chính sách thu hút đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng tại Việt Nam.
Khi hợp nhất Nghị định 108 và Quyết định 71 thành Nghị định về đầu tư theo hình thức PPP, một trong những định hướng cơ bản được hướng đến là: hình thức hợp đồng dự án sẽ bao gồm hợp đồng BOT, BTO, BT và các hình thức hợp đồng khác có sự tham gia của Nhà nước và tư nhân; Quy định mục tiêu, nguyên tắc, điều kiện và lĩnh vực thực hiện dự án PPP; Quy định phần tham gia của Nhà nước, điều kiện, thủ tục và cơ chế quản lý đối với nguồn vốn nhà nước trong các dự án PPP…
Mô hình PPP trong việc đầu tư nâng cao chất lượng các dịch vụ công được coi là hướng đi đúng đắn của Việt Nam trong giai đoạn này. Tuy nhiênđể mô hình này có thể thực sự hoàn thiện và đem lại lợi ích như mong muốn rất cần có những phương pháp tiếp cận PPP phù hợp nhằm đạt được những kết quả về cơ sở hạ tầng tốt hơn và có được giá trị đồng tiền cao hơn so với hình thức mua bán truyền thống của khu vực công cộng. Điều đó cho rằng cần có một số biện pháp đồng bộ khi áp dụng hình thức PPP vào Việt Nam để có hiệu quả:
Thứ nhất : Tạo lập khuôn khổ pháp lý và chính sách thực thi hợp đồng và giải quyết tranh chấp, luật BOT/PPP, khung quy định về các khu vực rõ ràng. Để đảm bảo sự thành công cho mô hình PPP nói chung và mô hình PPP trong phát triển cơ sở hạ tầng nói riêng cần hội đủ hai yếu tố cơ bản sau: "hợp đồng hiệu quả" để tăng giá trị vốn đầu tư và "môi trường thuận lợi" để quản lý PPP, trong đó một trong những nội dung cơ bản nhất của nhân tố môi trường chính là khung thể chế, pháp lý đầy đủ và ổn định. Điều này sẽ góp phần giảm chi phí giao dịch, tăng tính minh bạch cho các mô hình PPP và khuyến khích các nhà đầu tư tư nhân tham gia tích cực hơn.
Thứ hai : Trong hoàn cảnh Việt Nam đang thiếu hụt nguồn vốn đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng như hiện nay, nhà đầu tư tư nhân nên tập trung hơn vào mô hình hợp tác công tư trong đó nhà đầu tư tư nhân có tham gia tài trợ dự án như BOT, BOO hơn các mô hình chỉ đóng góp kinh nghiệm, khả năng điều hành quản lý như thiết kế-xây dựng hay vận hành-bảo dưỡng.
Thứ ba: Các nhà đầu tư nước ngoài với tiềm lực mạnh về nguồn vốn có thể làm một mình hay kết hợp hai, ba nhà đầu tư tư nhân tham gia hợp tác công tư. Riêng đối với nhà đầu tư tư nhân trong nước nên kết hợp nhiều công ty theo hình thức cổ phần nhằm khắc phục các hạn chế về quy mô, năng lực tài chính và giảm thiểu rủi ro đầu tư.
Thứ tư: Do các dự án hạ tầng chịu nhiều tác động của chính sách cũng như hoàn cảnh xã hội nên các điều khoản trong hợp đồng cần linh hoạt, có biên độ điều chỉnh để tránh thiệt hại cho nhà đầu tư cũng như chính quyền.
Thứ năm: Có sự hỗ trợ chính trị từ tầm cao và quản trị tốt, đảm bảo rằng chính phủ sẽ thực hiện các cam kết của mình dưới hình thức PPP. Hợp đồng ký kết giữa chính quyền và nhà đầu tư cần rõ ràng, minh bạch là điều kiện tiên quyết để chính quyền đảm bảo quyền lợi của nhà đầu tư và là cơ sở cho chính quyền tận dụng hiệu quả nhất tính năng động và cạnh tranh của khu vực tư nhân, góp phần tiết kiệm các chi phí về cơ sở hạ tầng của toàn xã hội./.
9 lĩnh vực đầu tư theo hình thức PPP tại dự thảo của Nghị định:
1. Đường bộ, cầu đường bộ, hầm đường bộ, bến phà đường bộ, bến xe, hạ tầng giao thông đô thị;
2. Đường sắt, cầu đường sắt, hầm đường sắt, nhà ga đường sắt;
3. Cảng hàng không, cảng biển, cảng sông, cảng dịch vụ hậu cần, cảng cạn;
4. Hệ thống cung cấp nước sạch, hệ thống thoát nước;
5. Nhà máy điện, đường dây tải điện, cơ sở sản xuất năng lượng;
6. Các công trình kết cấu hạ tầng y tế, giáo dục, đào tạo, dạy nghề, văn hóa thể thao và trụ sở làm việc của cơ quan nhà nước;
7. Hạ tầng công nghệ thông tin, truyền thông, viễn thông, hạ tầng khu kinh tế, khu công nghiệp, cụm công nghiệp, hạ tầng sản xuất nông nghiệp, trung tâm thương mại, chợ, kho tàng và phương tiện bảo quản hàng hóa;
8. Nhà ở xã hội, công viên, khu vui chơi, giải trí công cộng, nghĩa trang;
9. Các công trình kết cấu hạ tầng khác do Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định trong từng trường hợp cụ thể.
|
Mai Phương
Cổng thông tin điện tử Bộ Kế hoạch và Đầu tư