(MPI) – Thực hiện nhiệm vụ được giao tại Nghị quyết số 01/NQ-CP và Nghị quyết số 45/NQ-CP năm 2021 của Chính phủ, trên cơ sở chủ động và phối hợp với các Bộ, ngành, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã xây dựng Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng.
|
Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng. Ảnh: Chinhphu.vn
|
Chương trình hành động nhằm cụ thể hóa quan điểm, đường lối, định hướng và nội dung liên quan của Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng thuộc chức năng, nhiệm vụ của Chính phủ để triển khai thực hiện. Đồng thời xác định các nhiệm vụ, đề án lớn, có tính cấp thiết cao, mang tính dài hạn, có trọng tâm, trọng điểm, với yêu cầu nỗ lực phấn đấu cao nhất để góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển đất nước đã đề ra theo Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng.
Nêu rõ các yêu cầu đối với các Bộ, ngành và địa phương trong thực hiện Chương trình hành động, phải nghiêm túc quán triệt các nguyên tắc lãnh đạo của Đảng, phương châm “Đoàn kết - Dân chủ - Kỷ cương - Sáng tạo - Phát triển”.
Chương trình hành động của Chính phủ là căn cứ để các Bộ, ngành và địa phương xây dựng chương trình hành động của mình theo chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được giao. Xác định rõ cơ quan chủ trì, cơ quan phối hợp, thời gian thực hiện và cấp trình/phê duyệt đối với từng nhiệm vụ, đề án để gắn trách nhiệm cũng như theo dõi, giám sát thực hiện.
Thông qua Chương trình hành động, Chính phủ chỉ đạo các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương triển khai nghiêm túc, có hiệu quả Nghị quyết Đại hội Đảng lần thức XIII; là cơ sở để đôn đốc, theo dõi, giám sát, đánh giá kết quả thực hiện của các cơ quan hằng năm và cả nhiệm kỳ.
Chương trình hành động được xây dựng bám sát theo 10 phương hướng, nhiệm vụ, giải pháp phát triển kinh tế - xã hội được nêu trong Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 2021-2030, gồm: tập trung hoàn thiện, nâng cao chất lượng thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, giải quyết tốt hơn quan hệ giữa Nhà nước, thị trường và xã hội. Phát triển mạnh mẽ khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo nhằm tạo bứt phá nâng cao năng xuất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế. Phát triển nguồn nhân lực, giáo dục và đào tạo đáp ứng yêu cầu chất lượng cao của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư và hội nhập quốc tế. Đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, bảo đảm chất lượng hiệu quả. Phát triển kết cấu hạ tầng, kinh tế vùng, kinh tế biển, lấy các đô thị làm động lực phát triển vùng và đẩy mạnh xây dựng nông thôn mới. Phát triển văn hóa, xã hội, thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội.
Đồng thời, củng cố, tăng cường quốc phòng, bảo đảm an ninh quốc gia, giữ gìn trật tự an toàn xã hội. Nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại, hội nhập và vị thế, uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế. Tiếp tục đẩy mạnh xây dựng, chỉnh đốn Đảng, xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa kiến tạo phát triển, liêm chính, hành động; đẩy mạnh phòng, chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, tạo đột phá trong cải cách hành chính.
Về tổ chức thực hiện, nội dung này phân công trách nhiệm của người đứng đầu các Bộ, ngành và địa phương trong thực hiện Chương trình hành động, trong đó có trách nhiệm xây dựng, ban hành Chương trình hành động thuộc phạm vi quản lý; tập trung chỉ đạo thực hiện, định kỳ đánh giá tình hình thực hiện và báo cáo. Đồng thời, giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì thực hiện theo dõi, đôn đốc việc triển khai thực hiện Chương trình hành động, định kỳ báo cáo và kiến nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ các biện pháp cần thiết để bảo đảm thực hiện có hiệu quả Chương trình hành động; bám sát các nội dung liên quan trong chương trình làm việc của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Quốc hội để tổ chức triển khai thực hiện và báo cáo theo quy định.
Theo dự thảo Nghị quyết, phần Phụ lục gồm 130 nhiệm vụ triển khai thực hiện, bám sát 10 phương hướng, nhiệm vụ, giải pháp phát triển kinh tế - xã hội được nêu trong Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021-2030. Các nhiệm vụ được xác định cụ thể cơ quan chỉ trì, cơ quan phối hợp, thời gian thực hiện và cấp trình phê duyệt./.
Đức Trung
Bộ Kế hoạch và Đầu tư