(MPI) – Theo Báo cáo số 82/BC-TCTK ngày 28/4/2021 của Tổng cục Thống kê, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 4/2021 giảm 0,04% so với tháng 3/2021, tăng 1,27% so với tháng 12/2020 và tăng 2,7% so với cùng kỳ năm 2020. Bình quân 4 tháng đầu năm 2021, CPI tăng 0,89% so với cùng kỳ năm 2020.
|
Ảnh minh họa. Nguồn: MPI |
Cụ thể, trong 11 nhóm hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng có 4 nhóm hàng hóa và dịch vụ có chỉ số giá giảm, 6 nhóm hàng có chỉ số giá tăng và 1 nhóm hàng giữ ổn định giá. Nhóm nhà ở và vật liệu xây dựng có mức giảm nhiều nhất với 0,43% làm CPI chung giảm 0,08 điểm phần trăm, trong đó: giá điện, nước sinh hoạt tháng 4/2021 lần lượt giảm 0,73% và 1,57%; giá gas giảm 4,86% và giá dầu hỏa tăng 0,06%. Nhóm bưu chính viễn thông giảm 0,2% chủ yếu do các doanh nghiệp đẩy mạnh chương trình khuyến mại giảm giá đối với các sản phẩm điện thoại mẫu mã cũ. Nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống giảm 0,13% làm CPI chung giảm 0,04 điểm phần trăm do nguồn cung dồi dào, trong đó: lương thực giảm 0,01%; thực phẩm giảm 0,25%; ăn uống ngoài gia đình tăng 0,14%. Nhóm văn hóa, giải trí và du lịch giảm 0,11% chủ yếu do thời tiết thuận lợi, đang rộ mùa khiến giá hoa, cây cảnh giảm 7,32%.
Các nhóm hàng hóa và dịch vụ có chỉ số giá tăng gồm: Nhóm giao thông tăng 0,87% làm CPI chung tăng 0,08 điểm phần trăm do ảnh hưởng của các đợt điều chỉnh tăng, giảm giá xăng, dầu vào thời điểm các ngày 27/3/2021, 12/4/2021 và 27/4/2021 làm chỉ số giá xăng tăng 2,19%, dầu diezel tăng 0,25%; bên cạnh đó, giá dịch vụ giao thông công cộng tăng 0,84%. Nhóm đồ uống và thuốc lá tăng 0,14% chủ yếu do nhu cầu tiêu dùng các mặt hàng nước khoáng và nước có gas tăng khi thời tiết chuyển nắng nóng. Nhóm thiết bị và đồ dùng gia đình tăng 0,11% do giá các sản phẩm sử dụng nhiều vào dịp hè như tủ lạnh, máy điều hòa nhiệt độ, quạt điện tăng. Nhóm giáo dục tăng 0,03%. Nhóm thuốc và dịch vụ y tế tăng 0,01% chủ yếu do thời tiết giao mùa, các loại vi rút gây bệnh sinh sôi mạnh, người dân dễ mắc bệnh hô hấp nên nhu cầu mua các loại thuốc tăng cường hệ miễn dịch tăng. Nhóm hàng hóa và dịch vụ khác tăng 0,07%. Riêng nhóm may mặc, mũ nón, giày dép không thay đổi.
CPI tháng 4/2021 tăng 1,27% so với tháng 12/2020 và tăng 2,70% so với cùng kỳ năm 2020, CPI bình quân 4 tháng đầu năm 2021 tăng 0,89% so với bình quân cùng kỳ năm 2020.
Lạm phát cơ bản tháng 4/2021 tăng 0,07% so với tháng 3/2021 và tăng 0,95% so với cùng kỳ năm 2020. Lạm phát cơ bản bình quân 4 tháng đầu năm 2021 tăng 0,74% so với bình quân cùng kỳ năm 2020.
Giá vàng trong nước biến động ngược chiều với giá vàng thế giới. Bình quân giá vàng thế giới đến ngày 24/4/2021 tăng 2,08% so với tháng 3/2021 do lợi suất trái phiếu Mỹ giảm khiến vàng trở nên hấp dẫn. Bên cạnh đó, lực mua lớn từ Trung Quốc và Ấn Độ, hai nước tiêu thụ vàng lớn nhất thế giới, đã đóng góp không nhỏ vào sự phục hồi giá vàng. Trong nước, chỉ số giá vàng tháng 4/2021 giảm 1,9% so với tháng trước; giảm 2,51% so với tháng 12/2020 và tăng 13,84% so với cùng kỳ năm trước.
Đồng đô la Mỹ trên thị trường thế giới tăng trong bối cảnh lãi suất tại Mỹ được kiểm soát chặt chẽ và triển vọng tiêm chủng vắc-xin phòng chống dịch Covid-19 ở châu Âu được cải thiện. Trong nước, lượng dự trữ ngoại tệ của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam dồi dào đáp ứng nhu cầu về ngoại tệ của các doanh nghiệp nhập khẩu. Chỉ số giá đô la Mỹ tháng 4/2021 tăng 0,29% so với tháng trước; tăng 0,18% so với tháng 12/2020 và giảm 1,35% so với cùng kỳ năm trước./.
Bảo Linh
Bộ Kế hoạch và Đầu tư