Skip Ribbon Commands
Skip to main content
Ngày 05/05/2021-15:04:00 PM
Chính phủ họp phiên thường kỳ tháng 4/2021
(MPI) – Ngày 05/5/2021, dưới sự chủ trì của Thủ tướng Phạm Minh Chính, Chính phủ họp phiên thường kỳ tháng 4/2021. Đây là phiên họp Chính phủ thường kỳ đầu tiên sau khi Chính phủ kiện toàn nhân sự.
Toàn cảnh phiên họp. Ảnh: chinhphu.vn

Tình hình kinh tế - xã hội tháng 4 và 4 tháng đầu năm 2021 tiếp tục phục hồi

Tại phiên họp, Chính phủ tập trung thảo luận về 8 nội dung, bao gồm một số vấn đề nổi lên gần đây trong công tác phòng, chống Covid-19 khi dịch bệnh ngày càng phức tạp, xuất hiện tình huống xấu và khó lường, nhiều địa phương xuất hiện các ca nhiễm trong cộng đồng. Thảo luận công tác chuẩn bị bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026, bảo đảm tổ chức thành công sự kiện chính trị quan trọng diễn ra trong tháng này.

Báo cáo tình hình kinh tế - xã hội tháng 4 và 4 tháng đầu năm 2021, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, mặc dù, trong bối cảnh dịch bệnh có nhiều diễn biến phức tạp, khó lường, nhưng nhìn chung tình hình kinh tế - xã hội tháng 4 và 4 tháng đầu năm 2021 tiếp tục phục hồi. Kinh tế vĩ mô ổn định, chỉ số giá tiêu dùng bình quân (CPI) ở mức thấp; tăng trưởng tín dụng có xu hướng phục hồi nhanh; hiệu quả quản trị, hành chính công và năng lực cạnh tranh cấp tỉnh tiếp tục được cải thiện.

Cụ thể, các chỉ tiêu kinh tế vĩ mô ổn định, các cân đối lớn của nền kinh tế vẫn được bảo đảm, một số chỉ tiêu có xu hướng tích cực. Thương mại và đầu tư duy trì đà tích cực, xuất khẩu hàng hóa 4 tháng tiếp tục tăng, ước đạt 103,9 tỷ USD, tăng 28,3% so với cùng kỳ. Giải ngân vốn đầu tư nguồn NSNN tiếp tục được thúc đẩy. Ước giải ngân 4 tháng năm 2021 đạt 86 nghìn tỷ đồng, bằng 18,65% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao, giảm nhẹ so với cùng kỳ năm 2020 (18,98%). Về thu hút FDI, tính chung 4 tháng năm 2021 đạt 12,25 tỷ USD, giảm 0,7%; vốn thực hiện ước đạt 5,5 tỷ USD, tăng 6,8% so với cùng kỳ. Sự phục hồi về thu hút FDI chưa thật sự vững chắc.

Sản xuất kinh doanh có dấu hiệu phục hồi đáng khích lệ, chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp (IIP) tăng khá, tính chung 4 tháng, IIP ước tăng 10% so với cùng kỳ năm 2020, lần đầu trở lại mức tăng trưởng 2 con số trong năm nay. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng 4 tháng đầu năm tăng 10% so với cùng kỳ năm trước.

Đăng ký thành lập mới doanh nghiệp tăng mạnh, nhưng số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường cũng tăng cao. Tính chung 4 tháng, cả nước có gần 44,2 nghìn doanh nghiệp đăng ký mới với tổng số vốn đăng ký đạt 627,7 nghìn tỷ đồng, tăng 17,5% về số doanh nghiệp và tăng 41% về số vốn so với cùng kỳ. Hiệu quả quản trị và hành chính công, năng lực cạnh tranh cấp tỉnh được nâng cao, chỉ số PAPI liên tục tăng điểm qua các năm, thông qua chỉ số PCI, các doanh nghiệp đánh giá mức độ năng động, sáng tạo và công tác giải quyết khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp của chính quyền cấp tỉnh có sự chuyển biến rõ nét.

Các lĩnh vực xã hội nhìn chung ổn định, trong đó đáng chú ý ngành giáo dục đào tạo tích cực, khẩn trương triển khai các công tác chuẩn bị cho kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông và tuyển sinh đại học, cao đẳng theo tinh thần chỉ đạo của Chính phủ tại Nghị quyết số 45/NQ-CP ngày 16/4/2021 của Chính phủ : Phiên họp triển khai công việc của Chính phủ sau khi được kiện toàn tại Kỳ họp thứ 11, Quốc hội khóa XIV.

Về dự báo tình hình, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết, nhìn chung, bối cảnh thế giới và trong nước được dự báo là có triển vọng nhưng sự rủi ro, bất định còn cao, một số vấn đề về giá cả, lạm phát và diễn biến phức tạp của dịch bệnh được dự báo là có khả năng ảnh hưởng đến tăng trưởng.

Kinh tế thế giới dự báo tiếp tục phục hồi khả quan. Các tổ chức lớn như OECD, IMF… đều nâng mức dự báo tăng trưởng kinh tế giới năm 2021. Trong nước, dự báo lãi suất tiếp tục duy trì ở mức thấp, tín dụng tăng trưởng nhanh, tạo điều kiện để thúc đẩy, phục hồi tăng trưởng kinh tế. Việc xuất hiện các ca lây nhiễm trong cộng đồng vào cuối tháng 4 tại một số địa phương đòi hỏi các cấp, các ngành tập trung cao độ cho công tác kiểm soát dịch, ảnh hưởng không nhỏ và cục bộ đến sản xuất kinh doanh ở một số nơi. Việc một số quốc gia có tỷ lệ tiêm vắc-xin cao đã đóng góp tích cực cho phục hồi kinh tế, có cơ hội lớn để thúc đẩy tăng trưởng mạnh mẽ.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư trình Chính phủ xem xét, cho ý kiến đối với 07 nội dung cần triển khai thực hiện

Trên cơ sở Báo cáo tình hình kinh tế - xã hội tháng 4 và 4 tháng đầu năm 2021, với quan điểm không quá lạc quan và không chủ quan, lơ là trước diễn biến dịch bệnh, bám sát các mục tiêu, nhiệm vụ đã đề ra tại các Nghị quyết của Chính phủ, chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư trình Chính phủ xem xét, cho ý kiến đối với các nội dung của Báo cáo và chỉ đạo các cấp, các ngành triển khai thực hiện 07 nội dung.

Thứ nhất, về định hướng điều hành kinh tế vĩ mô, tiếp tục thực hiện chính sách tài khóa, tiền tệ mở rộng, hợp lý để duy trì đà phục hồi và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế gắn với ổn định kinh tế vĩ mô và kiểm soát lạm phát.

Thứ hai, về phòng, chống dịch bệnh, các địa phương, các ngành chức năng khẩn trương, quyết liệt thực hiện các biện kiểm soát, không để dịch bệnh lan rộng; tiếp tục tăng cường kiểm soát chặt chẽ hoạt động xuất nhập cảnh, các tuyến biên giới…

Thứ ba, về cải thiện môi trường kinh doanh, kiến nghị, giao Tổ công tác đặc biệt của Chính phủ khẩn trương rà soát các khó khăn, vướng mắc, nhất là về thủ tục đất đai và giải phóng mặt bằng, quy hoạch xây dựng, đô thị… đề xuất các giải pháp tháo gỡ điểm nghẽn của các dự án đầu tư trong cả nước. Giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan liên quan nghiên cứu để thể chế hóa một số mô hình, cách làm hay, sáng tạo của các địa phương về hỗ trợ doanh nghiệp, cải thiện môi trường kinh doanh được người dân, doanh nghiệp đánh giá cao.

Thứ tư, về thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công kiến nghị Chính phủ chỉ đạo các bộ, cơ quan Trung ương và địa phương chủ động, thường xuyên theo dõi, rà soát kế hoạch đầu tư công năm 2021 đẩy mạnh tiến độ thực hiện dự án và giải ngân vốn đầu tư công, kịp thời điều chỉnh kế hoạch vốn nhằm giải ngân hết số vốn được giao. Đồng thời, thành lập Tổ công tác thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công trong từng bộ, cơ quan trung ương, địa phương, chịu trách nhiệm: rà soát, xử lý ngay những tồn tại, khó khăn, vướng mắc, điểm nghẽn liên quan đến đầu tư công, nhất là công tác chuẩn bị dự án, giải phóng mặt bằng, đấu thầu, định mức, suất đầu tư…gắn tiến độ thực hiện, giải ngân và hiệu quả dự án với trách nhiệm cá nhân người đứng đầu, người được giao nhiệm vụ thực hiện, coi đây là tiêu chí đánh giá mức độ hoàn thành công việc trong năm 2021.

Thứ năm, về công tác điều hành giá, năng lượng tái tạo và tận dụng cơ hội từ hiệp định FTA, giao Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan theo dõi sát diễn biến giá cả, cung cầu thị trường, nhất là nguyên vật liệu, đầu vào sản xuất như: sắt, thép, xi măng, thức ăn chăn nuôi… đánh giá tác động đến nền kinh tế, đầu tư công; kịp thời ngăn chặn các hành vi đầu cơ, tăng giá nhằm kiểm soát lạm phát, hạn chế tác động tiêu cực đến thị trường trong nước. Nghiên cứu, xây dựng các cơ chế điều chỉnh giá bán điện phù hợp với nhu cầu sử dụng tại các thời điểm, tránh việc cắt giảm, lãng phí điện. Đồng thời, đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến nội dung, cách thức vận dụng các hiệp định FTA với các chuyên đề, lĩnh vực cụ thể. Nghiên cứu, thành lập cơ quan đầu mối để tiếp nhận, giải đáp thắc mắc khó khăn của doanh nghiệp.

Thứ sáu, về thị trường lao động, giao Bộ Lao động, Thương binh và xã hội khẩn trương nghiên cứu, thực hiện các chính sách, giải pháp hỗ trợ người lao động còn gặp khó khăn do ảnh hưởng của dịch bệnh. Đẩy mạnh kết nối cung cầu thị trường lao động, các hoạt động hỗ trợ tìm việc làm cho người lao động.

Thứ bảy, về công tác phối hợp, báo cáo tình hình kinh tế - xã hội, Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp Bộ Tài chính, Bộ Công Thương và Ngân hàng Nhà nước Việt Nam thực hiện tốt Quy chế phối hợp trong quản lý và điều hành trong các lĩnh vực: tài khóa, tiền tệ, tín dụng, đầu tư, thương mại, giá cả theo đúng Quyết định số 1317/QĐ-TTg ngày 06/8/2013 của Thủ tướng Chính phủ, kịp thời báo cáo, tham mưu Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ các vấn đề liên quan ổn định kinh tế vĩ mô./.

Thúy Quyên
Bộ Kế hoạch và Đầu tư

  • Tổng số lượt xem: 997
  •  

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)