Skip Ribbon Commands
Skip to main content
Ngày 28/04/2021-16:45:00 PM
Tình hình kinh tế - xã hội tháng Tư và 4 tháng đầu năm 2021 tỉnh Kiên Giang

1. Sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản

a. Nông nghiệp

Vụ Đông xuân: diện tích gieo sạ trên toàn tỉnh đạt 284.408 ha, đạt 99,44% kế hoạch (giảm 1.592 ha) và giảm 1,87% (giảm 5.429 ha) so với diện tích lúa Đông xuân năm trước. Nguyên nhân diện tích gieo sạ chưa đạt kế hoạch và giảm so với năm trước chủ yếu do năm nay ảnh hưởng hạn mặn sớm, kéo dài và ở vùng U Minh Thượng có một số diện tích đã chuyển sang nuôi tôm (chủ yếu ở huyện An Biên).

Nhìn chung, lúa Đông xuân năm nay thời tiết khá thuận lợi, ít sâu bệnh nên phát triển tương đối tốt. Đến thời điểm này, bà con nông dân cơ bản thu hoạch gần dứt điểm diện tích lúa Đông xuân, năng suất đã thu hoạch đạt khá cao, ước đạt 7,59 tấn/ha. Hiện nay, giá lúa đang ở mức cao và tương đối ổn định nên nông dân năm nay có lợi nhuận nhiều hơn năm trước.

Vụ Hè thu (kể cả Xuân hè): tính đến ngày 15/4, toàn tỉnh đã gieo trồng được 95.669 ha, đạt 33,81% kế hoạch[1].

Cây rau màu: một số cây màu vụ Đông xuân cũng được nhân dân chú trọng sản xuất nhằm chuyển đổi cơ cấu cây trồng, tăng hiệu quả trong sản xuất nông nghiệp. Đến nay đã gieo trồng một số loại cây với diện tích như: dưa hấu 635 ha, tăng 3,59% so với cùng kỳ; khoai lang 758 ha, tăng 6,31%; khoai mì 198 ha, tăng 1,02%; bắp 148 ha, tăng 5,71%; rau, đậu các loại 5.921 ha, tăng 6,04%.

Chăn nuôi

Tình hình chăn nuôi trên địa bàn tỉnh vẫn ổn định; dịch bệnh trên vật nuôi, giết mổ gia súc, gia cầm, kiểm dịch động vật vẫn đang được kiểm soát tốt. Ngành nông nghiệp đang tập trung chỉ đạo, triển khai nhanh mô hình chăn nuôi an toàn sinh học trên các đối tượng vật nuôi, nhất là đối với chăn nuôi heo. Chủ trương khuyến khích phát triển nhiều trang trại chăn nuôi quy mô lớn, đảm bảo cho nhu cầu tiêu thụ trong nước và xuất khẩu. Tuy nhiên, do tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp như hiện nay nên các doanh nghiệp chưa mạnh dạn đầu tư, hiện tại chủ yếu vẫn là nuôi quy mô nhỏ lẻ trong hộ gia đình để tận dụng thời gian nhàn rỗi và thức ăn sẵn có.

b. Lâm nghiệp

Thời tiết hiện nay đang còn khô hạn gay gắt, nguy cơ xảy ra cháy rừng rất cao, các ngành chức năng cần phối hợp với các địa phương tăng cường tuần tra, kiểm soát, đồng thời duy trì thường xuyên công tác chăm sóc, bảo vệ rừng, chống chặt phá rừng nhằm hạn chế thấp nhất thiệt hại. Trong 4 tháng đầu năm diện tích rừng chăm sóc 56 ha, rừng khoanh nuôi tái sinh 26 ha và rừng giao khoán bảo vệ 2.786 ha. Sản lượng gỗ khai thác trong 4 tháng giảm 3,91%, khai thác củi giảm 3,38% so với cùng kỳ. Trong tháng xảy ra 8 vụ phá rừng, diện tích bị thiệt hại là 1,338 ha. Tính chung 4 tháng đã xảy ra 17 vụ phá rừng, diện tích bị thiệt hại là khoảng 8,33 ha.

c. Thủy sản

Giá trị sản xuất thủy sản (giá so sánh 2010): tháng Tư ước tính đạt 2.243,8 tỷ đồng, tăng 0,90% so với tháng trước, tăng 0,71% so cùng tháng[2] năm trước. Tính chung 4 tháng, ước tính đạt 8.569,24 tỷ đồng, đạt 25,88% kế hoạch năm, tăng 1,74% so cùng kỳ[3] năm trước.

Sản lượng thủy sản (cả khai thác và nuôi trồng): tháng Tư ước đạt 64.450 tấn, giảm 1,99% so với tháng trước và tăng 0,87% so cùng kỳ. Tính chung 4 tháng đạt 248.276 tấn, đạt 31,07% kế hoạch năm, tăng 0,14% so cùng kỳ. Chia ra:

Sản lượng khai thác: tháng Tư ước đạt 49.565 tấn, tăng 2,39% so tháng trước, tăng 0,35% so cùng kỳ. Tính chung 4 tháng ước tính được 187.048 tấn, đạt 36,68% kế hoạch năm, giảm 2,49% (giảm 4.781 tấn) so cùng kỳ[4].

Sản lượng nuôi trồng: tháng Tư ước tính đạt 14.885 tấn, giảm 14,21% so với tháng trước, nhưng tăng 2,65% so cùng tháng năm trước. Sản lượng nuôi trồng giảm so với tháng trước chủ yếu là cá nuôi các loại và các loại thủy sản khác là do thời gian này chưa vào thời vụ thu hoạch (chủ yếu là nhuyễn thể 2 mảnh nuôi ngoài bãi bồi ven biển). Tính chung 4 tháng, ước tính sản lượng nuôi trồng thủy sản thu hoạch đạt 61.228 tấn, đạt 21,19% kế hoạch năm, tăng 9,16% (tăng 5.136 tấn) so cùng kỳ năm trước[5].

2. Công nghiệp

Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP): tháng Tư chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp ước tính tăng 4,46% so tháng trước, tăng 7,49% so cùng tháng năm trước. Ngành tăng cao so cùng tháng năm trước là ngành cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải tăng 5,41%; kế đến là ngành chế biến, chế tạo tăng 4,78%[6]. Tính chung 4 tháng, chỉ số sản xuất công nghiệp toàn ngành tăng 6,79% so với cùng kỳ năm trước, trong đó ngành khai khoáng tăng 14,02%; ngành chế biến, chế tạo tăng 6,72%[7].

Giá trị sản xuất công nghiệp (theo giá so sánh 2010): tháng Tư ước tính 3.983,82 tỷ đồng, tăng 4,73% so cùng tháng năm trước[8]. Tính chung 4 tháng, giá trị sản xuất công nghiệp toàn ngành ước thực hiện 16.189,54 tỷ đồng, đạt 29,75% kế hoạch năm, tăng 6,81% so với cùng kỳ năm trước.[9]

Một số sản phẩm công nghiệp chủ yếu 4 tháng tăng so cùng kỳ như mặt hàng Bia các loại đạt 30,53% kế hoạch năm, tăng 39,92%; giày da đạt 23,62% kế hoạch, tăng 13,52%; Tôm đông đạt 30,06% kế hoạch, tăng 10,23%; Xi măng đạt 34,18% kế hoạch, tăng 2,79%; Gỗ MDF đạt 36,61% kế hoạch, tăng 10,00%... Nhưng cũng còn một số sản phẩm giảm so cùng kỳ như: bột cá giảm 14,47%; nước đá giảm 5,26%; bao bì PP giảm 26,27%...Nguyên nhân là do ảnh hưởng chung tình hình dịch bệnh Covid – 19 diễn biến phức tạp trên thế giới nói chung, trong nước ta nói riêng đã làm cho một số sản phẩm tiêu thụ chậm nhất là thị trường xuất khẩu.

Chỉ số tiêu thụ ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tháng Tư bằng 94,98% so với tháng trước. Trong đó, ngành chế biến thực phẩm bằng 97,98%; ngành sản xuất Clinke xi măng bằng 61,41%... Riêng ngành sản xuất trang phục tăng 15,30%; ngành sản xuất đồ uống tăng 3,25%.

Chỉ số tồn kho ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tháng Tư tăng 4,39% so với tháng trước. Một số ngành có chỉ số tồn kho tăng cao so với tháng trước như, ngành chế biến thực phẩm tăng 20,28%, trong đó ngành xay xát tăng 112,53% và ngành chế biến thủy hải sản ướp đông tăng 13,76%... Riêng ngành sản xuất trang phục lại giảm 16,52%; ngành sản xuất đồ uống giảm 3,81% ...

Chỉ số sử dụng lao động của các doanh nghiệp công nghiệp tại thời điểm 01/4/2021 tăng 1,72% so với tháng trước, trong đó lao động ngành chế biến, chế tạo tăng 1,88%; tính chung 4 tháng so với cùng kỳ năm trước tăng 3,43%, trong đó lao động ngành chế biến, chế tạo tăng 3,67%.

3. Vốn đầu tư thực hiện (Vốn ngân sách nhà nước)

Vốn đầu tư thực hiện thuộc nguồn vốn ngân sách Nhà nước do địa phương quản lý tháng Tư (Số giải ngân đến 15/4/2021) ước tính 165,28 tỷ đồng, tăng 69,29% so với tháng trước, nhưng mới chỉ bằng 40,19% so cùng tháng năm trước. Trong đó: Vốn cân đối ngân sách địa phương 135,25 tỷ đồng, tăng 389,26% so tháng trước, nhưng chỉ bằng 46,90% so cùng tháng năm trước. Tính chung 4 tháng, vốn đầu tư thuộc nguồn vốn ngân sách nhà nước ước thực hiện 348,30 tỷ đồng, mới đạt 6,70% kế hoạch năm và chỉ bằng 43,08% cùng kỳ năm trước. Trong đó, vốn cân đối ngân sách địa phương 248,28 tỷ đồng, đạt 6,24% kế hoạch, bằng 64,74% cùng kỳ năm trước; vốn xổ số kiến thiết được 100,26 tỷ đồng, đạt 6,23% kế hoạch, bằng 42,37% cùng kỳ năm trước.

4. Thu, chi ngân sách nhà nước

Tổng thu ngân sách nhà nước tháng Tư ước đạt 817,50 tỷ đồng, bằng 75,65% so tháng trước, tăng 0,96% so cùng tháng năm trước. Trong đó thu nội địa 805 tỷ đồng, bằng 74,92% so với tháng trước, tăng 2,82% so cùng tháng năm trước. Tính chung 4 tháng, tổng thu ngân sách ước tính đạt 4.270,88 tỷ đồng, đạt 36,95% dự toán năm, giảm 18,90% so cùng kỳ. Trong đó: thu nội địa 4.245,34 tỷ đồng, đạt 37,21% dự toán, giảm 16,81% và chiếm 99,40%/tổng thu. So với cùng kỳ năm trước, có một số khoản thu tăng khá cao[10], bên cạnh đó vẫn còn một số khoản thu đạt còn thấp như: thu tiền sử dụng đất chỉ bằng 35,98%; thu tiền cho thuê mặt đất, mặt nước bằng 43,81%; thu thuế bảo vệ môi trường bằng 67,43%; thu từ doanh nghiệp nhà nước địa phương bằng 84,55% ...

Tổng chi ngân sách địa phương tháng Tư ước chi 1.126,03 tỷ đồng, tăng 87,72% so với tháng trước. Trong đó, chi đầu tư phát triển 313,14 tỷ đồng, tăng 51,03% so tháng trước; chi thường xuyên 812,89 tỷ đồng, tăng 107,10% so tháng trước. Tính chung 4 tháng, tổng chi ngân sách địa phương ước tính 3.149,84 tỷ đồng, đạt 20,37% dự toán năm, giảm 11,42% so cùng kỳ năm trước[11].

5. Ngân hàng

Hoạt động ngân hàng trên địa bàn tỉnh Kiên Giang trong tháng 4/2021 ổn định. Huy động vốn và tín dụng tiếp tục tăng trưởng, kịp thời đáp ứng nhu cầu phục hồi và phát triển sản xuất, kinh doanh trên địa bàn. Ước đến 30/4/2021, một số chỉ tiêu đạt cụ thể như sau:

Tổng nguồn vốn hoạt động ước đạt 109.600 tỷ đồng, tăng 4,28% so đầu năm, tăng 1,23% so tháng trước; trong đó, vốn huy động tại địa phương ước đạt 57.400 tỷ đồng (chiếm 52,37% tổng nguồn vốn hoạt động), tăng 4,15% so đầu năm, tăng 0,12% so tháng trước.

Doanh số cho vay trong tháng ước đạt 15.000 tỷ đồng (trong đó, 79,2% doanh số cho vay là phục vụ sản xuất kinh doanh); dư nợ cho vay ước đạt 90.500 tỷ đồng, tăng 2,88% so đầu năm, tăng 1,33% so tháng trước.

Nợ xấu nội bảng ước đạt 1.050 tỷ đồng, chiếm 1,16% tổng dư nợ.

Nợ tổn thất (nợ đã xử lý bằng dự phòng rủi ro và đang theo dõi ngoại bảng) ước đạt 1.100 tỷ đồng.

Hoạt động kinh doanh ngoại hối và vàng trên địa bàn khá ổn định. Tỷ giá vàng và ngoại tệ diễn biến theo xu hướng chung của cả nước và thế giới.

6. Thương mại - dịch vụ và giá cả

a. Bán lẻ hàng hóa và dịch vụ phục vụ tiêu dùng

Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tháng Tư ước đạt 9.511,33 tỷ đồng, tăng 0,06% so tháng trước, tăng 17,77% so cùng tháng năm trước. Tính chung 4 tháng, ước đạt 40.230,21 tỷ đồng, đạt 32,41% kế hoạch năm, tăng 13,77% so với cùng kỳ. Chia theo ngành hoạt động.

Tổng mức bán lẻ hàng hóa tháng Tư ước đạt 7.052,72 tỷ đồng, tăng 0,86% so tháng trước, tăng 11,35% so cùng tháng năm trước. Tính chung 4 tháng, ước tính đạt 30.157,95 tỷ đồng, đạt 32,56% kế hoạch năm, tăng 10,36% so cùng kỳ.

Doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống tháng Tư ước tính 1.327,60 tỷ đồng, tăng 0,17% so tháng trước, tăng 27,43% so cùng tháng năm trước. Tính chung 4 tháng, ước đạt 5.423,32 tỷ đồng, đạt 32,28% kế hoạch, tăng 12,10% so cùng kỳ.

Doanh thu du lịch lữ hành và hoạt động hỗ trợ du lịch tháng Tư ước tính 24,61 tỷ đồng, giảm 11,57% so tháng trước, nhưng tăng rất nhiều so cùng tháng năm trước (năm trước do vào tháng 4 đang bị giãn cách xã hội vì dịch Covid-19, nên không phát sinh doanh thu). Tính chung 4 tháng ước đạt 128,95 tỷ đồng, đạt 51,58% kế hoạch năm, tăng 33,75% so cùng kỳ.

Doanh thu hoạt động dịch vụ khác tháng Tư ước đạt 1.106,4 tỷ đồng, giảm 4,65% so với tháng trước, tăng 57,96% so cùng tháng năm trước. Tính chung 4 tháng ước tính 4.519,98 tỷ đồng, đạt 31,28% kế hoạch, tăng 45,77% so cùng kỳ.

b. Xuất, nhập khẩu hàng hóa

Kim ngạch hàng hóa xuất khẩu tháng Tư ước tính đạt 71 triệu USD, tăng 3,00% so với tháng trước và tăng 53,12% so cùng tháng năm trước[12]. Tính chung 4 tháng, kim ngạch hàng hóa xuất khẩu dự kiến 222,02 triệu USD, đạt 29,60% kế hoạch năm, tăng 6,85% so với cùng kỳ năm trước.[13]

Kim ngạch hàng hóa nhập khẩu tháng Tư ước đạt 18,5 triệu USD, tăng 8,89% so với tháng trước. Tính chung 4 tháng ước đạt 67,66 triệu USD, đạt 84,58% kế hoạch năm, tăng hơn 2,6 lần so với cùng kỳ năm trước. Các mặt hàng nhập khẩu, chủ yếu vẫn là nguyên liệu dùng cho sản xuất.

c. Chỉ số giá

Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng Tư giảm -0,02% so với tháng trước. Trong đó: khu vực thành thị giảm - 0,09%, khu vực nông thôn lại tăng 0,01%. CPI tháng Tư giảm nhẹ so với tháng trước chủ yếu là do nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống giảm -0,22% (trong đó thực phẩm giảm -0,34%); nhóm nhà ở, điện nước, chất đốt và VLXD giảm -0,34%. Tuy nhiên, vẫn có một số nhóm tăng giá nhẹ như nhóm giao thông tăng 0,73%; Đồ uống và thuốc lá tăng 0,32%; nhóm hàng hóa và dịch vụ khác tăng 0,29%; còn lại các nhóm khác bình ổn hoặc tăng không đáng kể như thiết bị đồ dùng gia đình tăng 0,05%; giáo dục tăng 0,02 và văn hóa, giải trí và du lịch tăng 0,01%.

So với tháng 12 năm trước (sau 04 tháng) chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tăng 1,40%. Trong 11 nhóm hàng hóa và dịch vụ chính, duy nhất chỉ có nhóm văn hóa, giải trí và du lịch giảm 1,18% và cũng chỉ có nhóm Bưu chính viễn thông là bình ổn (bằng 100%), còn lại tất cả các nhóm khác đều tăng giá. Nhóm giao thông tăng cao nhất 7,52%; đồ uống và thuốc lá tăng 2,23%; hàng ăn và dịch vụ ăn uống tăng 1,10% (lương thực tăng 1,73%, thực phẩm tăng 0,06%, ăn uống ngoài gia đình tăng 3,82%); nhà ở, điện nước, chất đốt và VLXD tăng 1,12%; thiết bị và đồ dùng gia đình tăng 0,31%; may mặc, mũ nón và giày dép tăng 0,86%; thuốc và dịch vụ y tế tăng 0,23%; giáo dục tăng 0,04%; hàng hóa và dịch vụ khác tăng 0,77%.

Chỉ số giá vàng: tháng Tư so với tháng trước giảm 3,63% và giảm 4,68% so với tháng 12 năm trước, nhưng so với cùng tháng năm trước vẫn tăng 9,81%. Giá vàng bình quân tháng 4 là 5.284.000 đồng/chỉ, giảm 192.000 đồng/chỉ so với tháng trước.

Chỉ số giá Đô la Mỹ: tháng Tư tăng 0,17% so với tháng trước, giảm 1,54% so với cùng tháng năm trước và giảm 0,40% và so với tháng 12 năm trước. Giá USD bình quân tháng 4 tại liên ngân hàng là 2.312.700 đồng/100 USD, tăng 3.900 đồng/100 USD so với tháng trước.

d. Vận tải

Vận tải hành khách: tháng Tư ước tính vận chuyển 8,37 triệu lượt khách, tăng 1,28% so tháng trước, tăng 13,90% so với cùng kỳ; luân chuyển 549,87 triệu HK.km, tăng 1,34% so tháng trước, tăng 14,92% so cùng kỳ. Tính chung 4 tháng, vận chuyển hành khách ước đạt 33,27 triệu lượt khách, đạt 33,69% kế hoạch năm, tăng 4,72% so cùng kỳ; luân chuyển 2.184,7 triệu HK.km, đạt 33,67% kế hoạch năm, tăng 5,64% so cùng kỳ. Trong đó, Vận chuyển hành khách đường bộ tăng 4,74%; vận chuyển hành khách đường biển tăng 4,03% so cùng kỳ.

Vận tải hàng hóa: tháng Tư, hàng hóa vận chuyển ước tính 1.282 ngàn tấn, tăng 4,14% so tháng trước; luân chuyển 183,29 triệu tấn.km, tăng 4,13% so tháng trước. Tính chung 4 tháng, vận tải hàng hóa ước tính 4,87 triệu tấn, đạt 34,84% kế hoạch năm, tăng 5,49% so cùng kỳ; luân chuyển 697,48 triệu tấn.km, đạt 35,22% kế hoạch năm, tăng 5,78%. Trong đó, vận chuyển hàng hóa đường bộ tăng 4,45%; vận tải hàng hóa đường biển tăng 5,76%.

e. Du lịch

Tổng lượt khách du lịch trên địa bàn tỉnh tháng Tư ước đạt 517,05 ngàn lượt khách, tăng 38,37% so tháng trước, nhưng tăng gần 20 lần so với tháng 4/2020. Tính chung 4 tháng, tổng lượt khách du lịch đến Kiên Giang là 1.721,08 ngàn lượt khách, đạt 24,59% kế hoạch năm, giảm 3,31% so cùng kỳ năm trước. Trong đó lượt khách đến các cơ sở kinh doanh du lịch là 847,2 ngàn lượt khách, đạt 24,92% kế hoạch năm, tăng 55,65% so cùng kỳ năm trước. Trong đó số khách quốc tế 28,46 ngàn lượt khách, mới đạt 7,11% kế hoạch và chỉ bằng 19,45% cùng kỳ năm trước.

7. Một số tình hình xã hội

a. Lao động, giải quyết việc làm, đào tạo nghề

Tháng Tư, toàn tỉnh đã giải quyết việc làm cho 2.685 lượt người[14]. Tính chung 4 tháng giải quyết việc làm cho 11.883 lượt người, đạt 33,95% so kế hoạch năm, tăng 23,01% so cùng kỳ[15]. Các cơ sở giáo dục nghề nghiệp tuyển sinh, đào tạo 3.269 người (cao đẳng 32 người, trung cấp 104 người, sơ cấp và dạy nghề dưới 03 tháng 3.133 người), nâng tổng số lao động được đào tạo qua 4 tháng lên 5.007 người[16]. Tổng số người lao động nước ngoài được cấp phép 24 người (trong đó cấp mới 14 người; cấp lại 05 người và xác nhận 05 người).

b. Giáo dục

Ngành giáo dục đã tổ chức thực hiện đánh giá ngoài và công nhận trường mầm non Dương Đông, thành phố Phú Quốc đạt chuẩn quốc gia. Tổng kết Hội thi giáo viên dạy giỏi THPT cấp tỉnh lần thứ VIII, năm học 2020-2021, có 280 giáo viên của 53 đơn vị tham gia dự thi. Kết quả có 220/280 giáo viên đạt danh hiệu Giáo viên dạy giỏi THPT cấp tỉnh (đạt tỷ lệ 78,57%). Tổ chức và công bố kết quả kỳ thi chọn học sinh giỏi vòng tỉnh THCS, THPT năm học 2020-2021, tổng số có 868 đạt giải (Trong đó, cấp THCS có 323 giải gồm 13 Nhất; 63 Nhì; 110 Ba và 137 giải Khuyến khích).

Tổ chức thành công Hội khỏe Phù Đổng cấp tỉnh lần thứ XVIII, năm học 2020-2021. Kết quả chung cuộc khối phòng GDĐT có Phòng GDĐT huyện Kiên Lương đạt giải Nhất, Phòng GDĐT thành phố Rạch Giá đạt giải Nhì, Phòng GDĐT huyện Gò Quao đạt giải Ba. Khối trường THPT gồm: trường THPT Kiên Lương đạt giải Nhất, trường THPT Long Thạnh đạt giải Nhì, trường THPT Nguyễn Hùng Sơn đạt giải Ba.

c. Tình hình y tế

Trước tình hình diễn biến phức tạp của dịch bệnh Covid-19 gây ra. Ban chỉ đạo phòng, chống dịch của tỉnh thường xuyên tăng cường chỉ đạo Trung tâm kiểm soát bệnh tật tỉnh, Trung tâm Y tế các huyện/thành phố, các cơ sở y tế toàn tỉnh chủ động các biện pháp tăng cường công tác tuyên truyền, giám sát, phát hiện sớm việc phòng, chống Covid-19 trên địa bàn tỉnh; Thường xuyên giám sát, theo dõi sức khỏe người bệnh sau khi cách ly tại các cơ sở y tế tập trung ngoài tỉnh trở về và nhập cảnh từ vùng dịch trở về.

Tình hình dịch bệnh:

- Tình hình dịch Covid-19: Tính đến ngày 13/4, tòan tỉnh thực hiện lấy mẫu xét nghiệm Covid-19 là 14.203 trường hợp. Kết quả âm tính 14.169 trường hợp, dương tính 34 trường hợp (19 trường hợp đã điều trị khỏi) đang điều trị tại Trung tâm y tế thành phố Hà Tiên. Cách ly tập trung 408 trường hợp; cách ly tại nhà, nơi cư trú 14 trường hợp.

- Bệnh Sốt xuất huyết trong tháng ghi nhận 39 cas mắc (trong đó có 01 cas Sốt xuất huyết nặng tại huyện Hòn Đất), tăng 16 cas so với tháng trước, lũy kế 259 cas (cao nhất là Tp Rạch Giá 10 cas, huyện Vĩnh Thuận 06 cas; huyện An Minh 06 cas). Không có trường hợp tử vong.

- Bệnh tay chân miệng có 130 cas mắc, tăng 48 cas so với tháng trước, lũy kế 659 cas (cao nhất là Tp Rạch Giá 32 cas, Tp Phú Quốc 14 cas, huyện Hòn Đất 15 cas, huyện Giồng Riềng 16 cas). Có 01 TH tử vong ở xã Lại Sơn (Kiên Hải).

Công tác vệ sinh An toàn thực phẩm: thực hiện thanh, kiểm tra 937 cơ sở (Trong đó: 853 cơ sở đảm bảo VSATTP theo quy định và 84 cơ sở chưa đảm bảo VSATTP), đã xử lý nhắc nhở và hướng dẫn cơ sở thực hiện việc đảm bảo an toàn thực phẩm. Từ đầu năm đến nay, toàn tỉnh ghi nhận 22 cas ngộ độc rượu và ngộ độc cồn (đồ uống có cồn), giảm 28 cas so cùng kỳ năm 2020.

d. Hoạt động Văn hóa, Thể dục thể thao

Hoạt động Văn hóa, tổ chức tuyên truyền kỷ niệm 45 năm ngày Tổng tuyển cử bầu Quốc hội Việt Nam (25/4/1976 - 25/4/2021), tuyên truyền cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026, kỷ niệm 46 năm Ngày Giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2021), Lễ giỗ Quốc tổ Hùng Vương - Lễ hội Đền Hùng, Tết cổ truyền Chôl - Chnăm - Thmây của đồng bào dân tộc Khmer.

Hoạt động Thể dục thể thao

Đăng cai tổ chức Giải Vô địch Cử tạ Thanh thiếu niên quốc gia năm 2021 (từ ngày 19 - 22/4/2021 tại Nhà Thi đấu đa năng tỉnh Kiên Giang). Bên cạnh đó, các đội tuyển thể thao duy trì tập luyện thường xuyên và tham gia thi đấu 08 giải thể thao theo kế hoạch.[17] Phối hợp Sở Giáo dục và Đào tạo tổ chức Lễ Khai mạc và thi đấu các môn thể thao trong chương trình Hội khỏe Phù Đổng tỉnh Kiên Giang năm học 2020 - 2021.[18]

e. Tình hình an toàn giao thông

Tính từ ngày 15/3/2021 đến 14/4/2021, toàn tỉnh xảy ra 15 vụ tai nạn giao thông, làm 9 người chết, 8 người bị thương. So với tháng trước số vụ tai nạn giao thông tăng 6 vụ, tăng 4 người chết nhưng số người bị thương không tăng, giảm. Tính chung 4 tháng đầu năm (từ 15/12/2020 đến 14/4/2021) trên toàn tỉnh xảy ra 56 vụ tai nạn giao thông (đường bộ 52 vụ, đường thủy 4 vụ), làm 33 người chết, 38 người bị thương. So với năm trước, tăng 18 vụ TNGT (tăng 47,37%), tăng 8 người chết (tăng 32%) và tăng 14 người bị thương (tăng 58,33%).

Tình hình tai nạn giao thông từ đầu năm đến nay tăng trên cả 3 tiêu chí so với cùng thời điểm năm trước, đề nghị các ngành chức năng cần phải thường xuyên tăng cường công tác tuần tra, kiểm soát và tuyên truyền, vận động nhân dân gương mẫu chấp hành Luật giao thông, phải có văn hóa khi tham gia giao thông nhằm giảm thiểu tình hình tai nạn giao thông trên địa bàn trong thời gian tới.

f. Tình hình cháy, nổ và thiên tai

Tình hình cháy nổ: từ ngày 15/3/2021 đến 14/4/2021 toàn tỉnh không xảy ra vụ cháy, nổ nào. Tính chung 4 tháng đầu năm, trên địa bàn tỉnh xảy ra 09 vụ cháy, 01 vụ nổ làm 1 người chết, 1 người bị thương. Thiệt hại ước tính khoảng 4 tỷ 48 triệu đồng.

Tình hình thiên tai: từ ngày 15/3/2021 đến 14/4/2021 trên địa bàn tỉnh có xảy ra mưa lớn đầu mùa kèm lốc xoáy đã làm sập hoàn toàn 1 căn nhà ở huyện An Minh. Ước thiệt hại trên 20 triệu đồng. Tính từ đầu năm đến nay trên địa bàn tỉnh Kiên Giang ảnh hưởng tình hình thiên tai mới chỉ làm sập 01 căn nhà ở huyện An Minh. Thiệt hại ước tính khoảng 20 triệu./.

[1] Tập trung ở các huyện Giang Thành 18.600 ha, Giồng Riềng 42.000 ha, Hòn Đất 6.013 ha ...

[2] Chia ra: Giá trị khai thác tăng 2,45% so tháng trước, tăng 1,17% so cùng kỳ; giá trị nuôi trồng giảm 1,27% so tháng trước, tăng 0,05% so cùng kỳ.

[3] Chia ra: Giá trị khai thác đạt 37,61% kế hoạch năm, giảm 1,41% so cùng kỳ; nuôi trồng đạt 18,00% kế hoạch, tăng 6,52%.

[4] Trong đó cá các loại giảm 2,68% (giảm 3.889 tấn); tôm giảm 0,40% (giảm 45 tấn); mực giảm 1,96% (giảm 472 tấn).

[5] Trong đó Cá nuôi tăng 8,30% (tăng 1.426 tấn) so với cùng kỳ và đạt 20,40% kế hoạch; tôm các loại tăng 13,69% (tăng 2.724 tấn) so với cùng kỳ và đạt 23,08% kế hoạch năm.

[6] Trong đó: ngành chế biến thực phẩm tăng 8,12%; ngành sản xuất đồ uống tăng 3,24% ...

[7] Trong đó: Ngành sản xuất đồ uống tăng 24,09%, ngành chế biến thực phẩm tăng 2,67% ...

[8] Trong đó: Ngành công nghiệp chế biến, chế tạo chiếm 96,82%/ trong tổng số, tăng 4,78%.

[9] Trong đó: Ngành công nghiệp chế biến, chế tạo chiếm 96,93%/ trong tổng số, tăng 6,77%.

[10] Thu từ doang nghiệp NN TW, đạt 41,85% dự toán năm, tăng 64,69% so cùng kỳ; thu lệ phí trước bạ đạt 38,77%, tăng 27,29%; thu phí, lệ phí đạt 42,55% dự toán, tăng 11,14% ...

[11] Trong đó, chi đầu tư phát triển đạt 11,73% dự toán năm, giảm 34,08% so với cùng kỳ; chi thường xuyên đạt 26,04% dự toán và 3,45% so với cùng kỳ.

[12] So với tháng trước, giá trị hàng nông sản tăng 2,29%; hàng thủy hải sản tăng 2,41%; nguyên liệu giày da tăng 4,04%.

[13] Trong đó: hàng nông sản 67,54 triệu USD, đạt 28,14% kế hoạch năm, giảm 12,26% so cùng kỳ; nguyên liệu Giày da 50,28 triệu USD, đạt 35,91% kế hoạch, tăng 51,31%.

[14] Trong đó: trong tỉnh 2.685 lượt người.

[15] Trong đó: trong tỉnh 6.855 lượt người; ngoài tỉnh 4.980 lượt người, xuất khẩu lao động 48 người.

[16] Trong đó: cao đẳng 32 người, trung cấp 185 người, sơ cấp và dạy nghề dưới 03 tháng 4.790 người.

[17] Gồm: Giải Vô địch Cung thủ xuất sắc quốc gia (từ ngày 30/3 - 11/4 tại Vĩnh Phúc; kết quả đạt 01 huy chương đồng); Giải Vô địch Bóng chuyền bãi biển 4x4 quốc gia (từ ngày 12 - 18/4/2021 tại Bình Thuận); Giải Vô địch các đội mạnh Vovinam toàn quốc (từ ngày 15 - 24/4/2021 tại Bà Rịa - Vũng Tàu); Giải Vô địch Cử tạ Thanh thiếu niên quốc gia năm 2021 (từ ngày 19 - 22/4/2021 tại tỉnh Kiên Giang); Giải Điền kinh Cúp Tốc độ Thống Nhất (từ ngày 20 - 24/4/2021 tại Thành phố Hồ Chí Minh); Giải Canoeing vô địch các Câu lạc bộ toàn quốc (từ ngày 20 - 28/4/2021 tại Đà Nẵng); Giải Cờ vua Bà Rịa - Vũng Tàu mở rộng (từ ngày 22 - 26/4/2021); Giải Vô địch đồng đội Cờ vua toàn quốc (từ ngày 29/4 - 03/5/2021 tại Cần Thơ).

[18] Từ ngày 05 - 09/4/2021 tại Nhà Thi đấu đa năng tỉnh, với sự tham gia của hơn 3.000 vận động viên, thu hút gần 10.000 lượt khán giả đến xem và cổ vũ./.


File đính kèm:
Tinh_hinh_KTXH_thang_Tu_va_4_thang_dau_nam_2021_tinh_Kien_Giang.pdf

Cục Thống kê tỉnh Kiên Giang

    Tổng số lượt xem: 683
  •  

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)