Skip Ribbon Commands
Skip to main content
Ngày 21/05/2021-11:28:00 AM
Thủ tướng Chính phủ làm việc với các bộ, cơ quan, đánh giá kết quả đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020 và dự kiến kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2026
(MPI) - Chiều ngày 20/5/2021, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính làm việc với các bộ, cơ quan, đánh giá kết quả đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020 và dự kiến kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2026 để chuẩn bị báo cáo các cấp có thẩm quyền về nội dung này. Cùng dự cuộc làm việc có Phó Thủ tướng Lê Minh Khái, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Trần Văn Sơn, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng và lãnh đạo các Bộ: Công an, Tài chính, Giao thông vận tải, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Tư pháp.
Toàn cảnh buổi làm việc. Ảnh: Chinhphu.vn

07 kết quả chủ yếu đạt được theo nhiệm vụ, mục tiêu đề ra tại Nghị quyết số 26/2016/QH14

Theo báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, triển khai các Nghị quyết số 26/2016/QH14, số 71/20108/QH14 và số 84/2019/QH14 của Quốc hội, trên cơ sở tổng mức vốn 2 triệu tỷ đồng và các nguyên tắc, tiêu chí được Quốc hội thông qua, Chính phủ đã giao kế hoạch trung hạn cho các bộ, cơ quan trung ương và địa phương đạt 1.815.556 tỷ đồng, bằng 90,8% tổng mức vốn được Quốc hội thông qua; tổng số dự án được giao kế hoạch trung hạn là 11.100 dự án, giảm một nửa so với giai đoạn 2011-2015.

Tổng mức vốn giao kế hoạch hằng năm để thực hiện và giải ngân đạt 1.926.063 tỷ đồng, bằng 96,3%, cao hơn mức kế hoạch giao. Nguyên nhân là do Quốc hội cho phép các địa phương có nguồn thu lớn, vượt thu được phép thực hiện vượt mức kế hoạch giao. Tuy nhiên, NSTW phần vốn trong nước chỉ đạt 637.089 tỷ đồng, thấp hơn tổng mức kế hoạch được giao là 130.755 tỷ đồng. Nguyên nhân là do nguồn thu của NSTW không đáp ứng được mục tiêu đề ra. Giải ngân bình quân hằng năm đạt khoảng 83,4% kế hoạch giao, trong đó riêng năm 2020, tỷ lệ giải ngân đạt cao nhất, trên 97,46%.

Đối chiếu với nhiệm vụ, mục tiêu đề ra tại Nghị quyết số 26/2016/QH14 của Quốc hội, báo cáo đã nêu rõ 07 kết quả chủ yếu. Thứ nhất, thể chế pháp luật về đầu tư công ngày càng được hoàn thiện, quy định rõ trình tự, thủ tục, thẩm quyền, trách nhiệm của các cấp, các ngành, người đứng đầu, phân cấp mạnh mẽ, tạo quyền chủ động và chịu trách nhiệm về hiệu quả đầu tư công. Nhờ đó, ý thức tuân thủ pháp luật, kỷ luật trong đầu tư công ngày càng được nâng cao. Thứ hai, giải quyết cơ bản hệ quả của giai đoạn trước, cân đối đủ vốn để thanh toán toàn bộ nợ đọng xây dựng cơ bản nguồn NSTW, hoàn trả một phần số ứng trước kế hoạch vốn NSTW, kiểm soát chặt chẽ ứng trước kế hoạch vốn, không để phát sinh nợ đọng xây dựng cơ bản trong giai đoạn 2016-2020.

Thứ ba, công tác phân bổ nguồn vốn NSNN đã được các cấp, các ngành quan tâm, bước đầu đã ưu tiên cho các ngành, lĩnh vực, dự án quan trọng, có tính động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, cơ cấu đầu tư đã có sự ưu tiên đối với vùng khó khăn, miền núi, biên giới, hải đảo, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng Đồng bằng sông Cửu Long, các nhiệm vụ ứng phó với biến đổi khí hậu, phòng, chống, khắc phục tình trạng hạn hán. Bố trí đủ vốn cho các Chương trình mục tiêu quốc gia, đáp ứng nhu cầu vốn theo tiến độ các dự án quan trọng quốc gia.

Thứ tư, hiệu quả đầu tư công từng bước được cải thiện, đầu tư dàn trải, phân tán dần được hạn chế, số lượng dự án mới giảm dần, tập trung đầu tư hoàn thiện các dự án dở dang, tỷ lệ dự án hoàn thành trong giai đoạn đạt 66,2%. Hiệu quả kinh tế - xã hội của đầu tư nói chung và đầu tư công nói riêng đã được cải thiện, Hệ số ICOR giai đoạn 2016-2019 là 6,1, góp phần huy động một lượng lớn vốn đầu tư toàn xã hội, đạt khoảng 9,2 triệu tỷ đồng, bằng 33,7% GDP, đạt mục tiêu Quốc hội đề ra và cao hơn giai đoạn trước.

Thứ năm, giải ngân vốn đầu tư công đã từng bước được cải thiện, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Nhất là năm 2020, nhờ có sự chỉ đạo, điều hành quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ kết hợp với những cơ chế, giải pháp đổi mới, đột phá, tỷ lệ giải ngân đã đạt cao nhất từ trước đến nay, hỗ trợ nền kinh tế đạt tăng trưởng dương trong bối cảnh dịch Covid-19.

Thứ sáu, hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội được đầu tư, cải thiện thêm một bước, nhiều dự án hạ tầng đầu tư từ giai đoạn trước thuộc các ngành, lĩnh vực then chốt được hoàn thành trong giai đoạn này, góp phần giải quyết những yêu cầu bức thiết trong đời sống kinh tế, xã hội, cải thiện đời sống nhân dân, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, năng lực cạnh tranh của nền kinh tế.

Thứ bảy, từng bước hoàn thiện, triển khai thống nhất trên toàn quốc Hệ thống thông tin và cơ sở dữ liệu quốc gia về đầu tư công trong việc lập, tổng hợp kế hoạch đầu tư công nguồn vốn NSTW, góp phần nâng cao tính công khai, minh bạch trong quản lý gắn với tăng cường theo dõi, giám sát, thanh tra, kiểm tra các hoạt động đầu tư công, phù hợp với quá trình xây dựng Chính phủ điện tử và tiến tới Chính phủ số.

Tuy nhiên, đầu tư công trung hạn giai đoạn vừa qua vẫn có những tồn tại, hạn chế. Một số quy định vẫn chưa đáp ứng yêu cầu thực tiễn, phân cấp còn chưa triệt để. Trình tự, thủ tục, thẩm quyền liên quan đến đầu tư công còn một số bất cập như kế hoạch cứng nhắc, thiếu linh hoạt, mất thời gian báo cáo cấp có thẩm quyền. Bên cạnh những nguyên nhân khách quan, Bộ Kế hoạch và Đầu tư nhận định nguyên nhân chủ quan là chủ yếu.

Làm rõ thêm nội dung của báo cáo, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết giai đoạn 2011-2016 có tới 22 nghìn dự án đầu tư công, nhưng giai đoạn 2016-2020 đã giảm còn 11 nghìn dự án. “Đây là cuộc cách mạng lớn của cả nhiệm kỳ vừa qua và sẽ được tiếp tục, dự kiến giai đoạn 2021-2026 sẽ chỉ còn khoảng 6.400 dự án. Tuy nhiên, còn nhiều vướng mắc về pháp luật cần tiếp tục được tháo gỡ. Trong giai đoạn tới, Bộ Kế hoạch và Đầu tư sẽ tiếp tục thúc đẩy phân cấp mạnh mẽ, rõ ràng hơn, nâng cao chất lượng lập dự án của địa phương…

Phát biểu tại cuộc họp, lãnh đạo các bộ cho rằng trong giai đoạn mới, phải đẩy mạnh thu hút các nguồn lực xã hội, tiếp tục cơ cấu lại đầu tư công để đóng vai trò dẫn dắt, huy động đầu tư ngoài nhà nước. Tiếp tục hoàn thiện hơn nữa cơ chế, chính sách đầu tư công, khơi thông các điểm nghẽn về thể chế, đẩy mạnh phân cấp gắn với năng lực, trách nhiệm thực hiện.

Thủ tướng Chính phủ: Bộ Kế hoạch và Đầu tư có rất nhiều đổi mới, cố gắng lớn trong hoàn thiện thể chế, giảm “xin-cho”, giảm tiêu cực

Kết luận cuộc họp, Thủ tướng Phạm Minh Chính đánh giá cao báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư được xây dựng khoa học, bài bản, rõ ràng, dễ theo dõi. Những kết quả đạt được của đầu tư công trong 5 năm qua có được nhờ nỗ lực chung của nhiều cơ quan, của cả nước, trong đó có vai trò của Bộ Kế hoạch và Đầu tư. Bộ có rất nhiều đổi mới, cố gắng lớn trong hoàn thiện thể chế, giảm “xin-cho”, giảm tiêu cực.

Cùng với các nội dung, quan điểm, định hướng trong báo cáo và các ý kiến tại cuộc họp, Thủ tướng Phạm Minh Chính gợi mở, nhấn mạnh thêm một số nội dung để Bộ Kế hoạch và Đầu tư tiếp tục hoàn thiện báo cáo, đồng thời xây dựng Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ để đôn đốc, chỉ đạo công tác này.

Theo đó, tiếp tục cập nhật các số liệu mới nhất, đánh giá cụ thể hơn về những kết quả đạt được so với các mục tiêu đề ra trong Nghị quyết Đại hội XII năm 2016 của Đảng, Nghị quyết của Quốc hội, nhất là việc triển khai các dự án lớn như sân bay Long Thành, cao tốc Bắc - Nam… Báo cáo cần nêu rõ các bộ, cơ quan, địa phương làm tốt, những nơi chưa tích cực, các nguyên nhân gây chậm tiến độ các dự án, các bài học kinh nghiệm cần rút ra.

Thủ tướng yêu cầu, dự kiến kế hoạch đầu tư công giai đoạn 2021-2025 phải bám sát Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Nghị quyết của Quốc hội, chương trình hành động của Chính phủ. Đẩy mạnh hợp tác công tư để huy động mọi nguồn lực cho phát triển, tập trung cho 3 khâu đột phá chiến lược, khắc phục tình trạng đầu tư dàn trải, kéo dài, cương quyết xóa bỏ “xin-cho” và chống tiêu cực, siết chặt kỷ luật, kỷ cương, đẩy mạnh phân cấp, phân quyền đi đôi với thiết kế công cụ để tăng cường giám sát, kiểm tra, khen thưởng, kỷ luật nghiêm minh, kịp thời tháo gỡ các vướng mắc thể chế, cải cách thủ tục hành chính, bổ sung các quy định cần thiết.

Cùng với đó, phải khuyến khích, bảo vệ những người dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung để các bộ, cơ quan, địa phương phát huy tinh thần chủ động, sáng tạo, tự lực, tự cường, không trông chờ, ỷ lại và cũng không quá thận trọng. Những vấn đề đã “chín”, đã rõ, được thực tiễn chứng minh là đúng, thực hiện có hiệu quả, được đa số đồng tình thì tiếp tục thực hiện; những vấn đề chưa có quy định hoặc vượt quy định thì mạnh dạn thí điểm, vừa làm vừa rút kinh nghiệm, mở rộng dần, không cầu toàn, không nóng vội.

Thủ tướng yêu cầu Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với các cơ quan rà soát lại thật kỹ lưỡng, tiếp tục giảm số dự án trong dự kiến kế hoạch đầu tư công giai đoạn tới để tập trung nguồn lực hơn nữa, cương quyết cắt bỏ những dự án chưa cần thiết, không hiệu quả. Đầu tư phải có trọng tâm, trọng điểm vào các ngành, lĩnh vực then chốt, các dự án lớn, quan trọng của quốc gia có ý nghĩa liên vùng, tác động lan tỏa, tạo ra không gian phát triển mới, đồng thời chú ý các dự án an sinh xã hội, chăm lo cho cuộc sống người dân./.

Thúy Quyên
Bộ Kế hoạch và Đầu tư

  • Tổng số lượt xem: 1642
  •  

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)