(MPI) – Tọa đàm do Đài truyền hình Việt Nam thực hiện, phát sóng ngày 26/5/2021, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương tham dự và chia sẻ tại Tọa đàm.
|
Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương |
Thứ trưởng Trần Quốc Phương cho rằng, việc Chính phủ ban hành Nghị quyết 09/NQ-CP ngày 18/5/2021 về mua vắc-xin phòng Covid-19 có ý nghĩa hết sức quan trọng, khẳng định chỉ đạo quyết liệt, quyết tâm chính trị của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trong việc khẩn trương mua đủ vắc-xin và triển khai tiêm trên diện rộng một cách nhanh nhất, tạo niềm tin đối với người dân, cộng đồng doanh nghiệp và toàn xã hội. Trong thời điểm hiện nay thì đây là một biện pháp hiệu quả, hữu hiệu nhất để Việt Nam giảm thiểu các tác động của đại dịch Covid-19 đến nền kinh tế.
Về ý nghĩa của việc khoanh vùng, dập dịch đối với hoạt động của nền kinh tế nói chung, theo Thứ trưởng Trần Quốc Phương, mỗi địa phương, mỗi vùng khi triển khai thực hiện “mục tiêu kép” cần linh hoạt, sáng tạo gắn với bối cảnh, tình hình thực tế tại địa phương. Trong công tác khoanh vùng, dập dịch, cần nâng cao năng lực về y tế, cũng như năng lực của các lực lượng chức năng tham gia vào quá trình kiểm soát dịch bệnh. Đặc biệt, trong bối cảnh hiện nay, khi dịch bệnh Covid-19 đã tấn công vào các khu công nghiệp, khu kinh tế, nơi được coi là động lực tăng trưởng của nền kinh tế.
Chúng ta phải đồng lòng, kiên định với mục tiêu đã đề ra, linh hoạt về các biện pháp, giải pháp để thực hiện “mục tiêu kép” tùy theo diễn biến của dịch bệnh cũng như diễn biến của kinh tế trong nước và quốc tế. Thống nhất về lãnh đạo, chỉ đạo từ trung ương đến địa phương, đặc biệt yêu cầu về mức độ linh hoạt, hiệu quả và sáng tạo đối với các đồng chí lãnh đạo ở các địa bàn.
Dịch bệnh Covid-19 đã gây ảnh hưởng đến tất cả các lĩnh vực, trong đó lưu trú, ăn uống, vận tải hành khách… là những lĩnh vực chịu ảnh hưởng nặng nề nhất. Đây cũng là nguyên nhân phản ánh mức độ rút lui khỏi thị trường của các doanh nghiệp trong lĩnh vực du lịch. Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã đưa ra những chính sách hỗ trợ doanh nghiệp trong bối cảnh mới, đây là các giải pháp cần thiết để doanh nghiệp có thể trụ vững để vượt qua khó khăn. Các chính sách này còn có ý nghĩa sâu xa hơn trong tương lai, đó là niềm tin của doanh nghiệp đối với các chính sách hỗ trợ của Chính phủ để yên tâm hoạt động lâu dài và phát triển. Đây cũng là bài học để chúng ta luôn chuẩn bị sẵn sàng một hành trang trong quá trình điều hành phát triển kinh tế - xã hội thời gian tới.
Năm 2020, với những kết quả đạt được trong trong công tác phòng chống dịch Covid-19 đã tạo ra niềm tin, uy tín và sự quan tâm của các nhà đầu tư nước ngoài đối với đầu tư tại Việt Nam. Do vậy, trong thời gian tới, Việt Nam cần tiếp tục phát huy, duy trì ổn định môi trường đầu tư kinh doanh, đổi mới và tạo môi trường đầu tư ngày càng thông thoáng hơn. Đặc biệt, trong năm 2020 rất nhiều bộ Luật quan trọng được các nhà đầu tư thế giới và trong nước quan tâm liên quan tới đầu tư kinh doanh như Luật doanh nghiệp, Đầu tư, PPP được ban hành./.
Thúy Quyên
Bộ Kế hoạch và Đầu tư