(MPI) - Tại Nghị quyết số 58/NQ-CP ngày 27/4/2020 của Chính phủ về việc ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 50-NQ/TW ngày 20/8/2019 của Bộ Chính trị về định hướng hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao chất lượng, hiệu quả hợp tác đầu tư nước ngoài đến năm 2030, Bộ Kế hoạch và Đầu tư được giao chủ trì nghiên cứu và xây dựng Dự thảo Nghị định thay thế Nghị định số 82/2018/NĐ-CP ngày 22/5/2018 của Chính phủ quy định về quản lý khu công nghiệp và khu kinh tế.
|
Ảnh minh họa. Nguồn: MPI |
Việc phát triển kết cấu hạ tầng khu công nghiệp (KCN), phát triển khu chức năng trong khu kinh tế (KKT) của nhà đầu tư có tác động lan tỏa, thu hút các nhà đầu tư khác đầu tư vào kết cấu hạ tầng kết nối và dịch vụ tiện ích phục vụ KCN, KKT, đồng thời tạo nguồn thu ngân sách nhà nước để tái đầu tư vào cơ sở hạ tầng kỹ thuật của các địa phương. Các KCN, KKT đã thu hút được lượng vốn đầu tư lớn, cung cấp nguồn lực quan trọng cho đầu tư phát triển, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Lũy kế đến cuối tháng 4 năm 2021, các KCN, KKT đã thu hút được 10.148 dự án trong nước và 10.921 dự án có vốn đầu tư nước ngoài còn hiệu lực, với tổng vốn đầu tư đăng ký tương ứng khoảng 2,52 triệu tỷ đồng và 230,2 tỷ USD.
Thời gian qua, Quốc hội, Chính phủ đã ban hành các quy định mới về đầu tư, doanh nghiệp, xây dựng, bảo vệ môi trường cũng như các lĩnh vực khác. Trong đó, nhiều quy định liên quan trực tiếp tới hoạt động đầu tư, phát triển các KCN, KKT như trình tự, thủ tục đầu tư, thẩm quyền, trách nhiệm của các bên có liên quan. Trong bối cảnh đó, việc xây dựng và ban hành Nghị định thay thế Nghị định số 82/2018/NĐ-CP nhằm tạo khung pháp lý cho hoạt động đầu tư phát triển các KCN, KKT là hết sức cần thiết.
Về mục tiêu xây dựng Nghị định là phải đảm bảo được sửa đổi, cập nhật, phù hợp với các quy định tại các văn bản pháp quy mới liên quan được ban hành, nhất là Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp, đồng thời kế thừa các quy định pháp luật đã được quy định tại Nghị định số 82/2018/NĐ-CP mà không phát sinh vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện.
Hai là thống nhất theo hướng nhằm hoàn thiện xây dựng mô hình quản lý nhà nước nước đối với KCN, KKT theo nguyên tắc “một cửa, tại chỗ” gắn với năng lực quản lý của các Ban quản lý KCN, KKT để thu hút đầu tư, phát huy vai trò đầu mối của Ban quản lý KCN, KKT trong quản lý nhà nước KCN, KKT trên địa bàn.
Ba là một số mô hình KCN mới cần được nghiên cứu quy định trên cơ sở kinh nghiệm quốc tế và phù hợp với thực tiễn hoạt động của các KCN tại Việt Nam.
Dự thảo Nghị định đã bổ sung một số nội dung quy định mới để đảm bảo phù hợp với các Luật mới được ban hành cũng như thực tế đầu tư phát triển các KCN, KKT trong thời gian qua.Trong đó, về phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng: quy định về phương hướng xây dựng, phương án phát triển, đầu tư, thành lập, hoạt động, chính sách, hệ thống thông tin và quản lý nhà nước đối với KCN và KKT, áp dụng với cơ quan quản lý nhà nước, tổ chức, cá nhân có liên quan đến hoạt động đầu tư và sản xuất kinh doanh trong KCN và KKT.
Về điều kiện xem xét, chấp thuận chủ trương đầu tư dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng khu công nghiệp: diện tích KCN phù hợp với khả năng thu hút đầu tư trên địa bàn tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và tối thiểu là 75 ha; đảm bảo dành tối thiểu 5% tổng diện tích đất công nghiệp của KCN để cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ, doanh nghiệp đổi mới sáng tạo, các doanh nghiệp khác thuộc diện được ưu tiên, hỗ trợ về mặt bằng sản xuất kinh doanh theo quy định của pháp luật thuê đất, thuê lại đất đã được quy định chi tiết tại chương II của Dự thảo.
Về ưu đãi đầu tư đối với KCN, KKT: sau khi dự án đầu tư được chấp thuận chủ trương đầu tư đồng thời chấp thuận nhà đầu tư hoặc hoàn thành lựa chọn nhà đầu tư theo quy định của pháp luật, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh xem xét, quyết định việc cho phép dự án đầu tư được triển khai trước khi hoàn thành các thủ tục về xây dựng, lao động, đất đai và các thủ tục khác có liên quan thuộc thẩm quyền chấp thuận, phê duyệt của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh hoặc Ban quản lý KCN, KKT, các Sở, ban ngành quy định tại pháp luật có liên quan cũng được quy định chi tiết tại Dự thảo.
Dự thảo Nghị định gồm 08 chương, 70 điều và đang được lấy ý kiến rộng rãi đăng tải trên Cổng thông tin điện tử Bộ Kế hoạch và Đầu tư ./.
Bảo Linh
Bộ Kế hoạch và Đầu tư