Skip Ribbon Commands
Skip to main content
Ngày 16/06/2021-16:57:00 PM
Hội nghị công bố Kết quả hoạt động Tư vấn thể chế quốc gia hỗ trợ Tổng cục Thống kê áp dụng phương pháp đo lường Chỉ số nghèo đa chiều
(MPI) - Ngày 16/6/2021, Tổng cục Thống kê phối hợp với Chương trình Phát triển Liên hợp quốc đã tổ chức Hội nghị trực tuyến công bố kết quả hoạt động “Tư vấn thể chế quốc gia hỗ trợ Tổng cục Thống kê áp dụng phương pháp đo lường MDP quốc gia mới và đẩy nhanh việc công bố số liệu khảo sát mức sống hộ gia đình Việt Nam (VHLSS) để giám sát và ứng phó kịp thời với tình trạng nghèo đang thay đổi nhanh chóng ở Việt Nam". Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê Phạm Quang Vinh chủ trì Hội nghị.
Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê Phạm Quang Vinh và chuyên gia kinh tế quốc tế cao cấp UNDP Jonathan Pincus đồng chủ trì Hội nghị. Ảnh: MPI

Tham gia Hội nghị có đại diện lãnh đạo, chuyên viên các đơn vị liên quan của Tổng cục Thống kê và 7 đầu cầu trực tuyến tại các Cục Thống kê là thành phố Hà Nội, Sơn La, thành phố Cần Thơ, thành phố Hồ Chí Minh, Quảng Bình, Phú Thọ và Phú Yên. Về phía Chương trình Phát triển của Liên hợp quốc (UNDP) tại Việt Nam có chuyên gia kinh tế quốc tế cao cấp Jonathan Pincus; cán bộ của UNDP Đoàn Hữu Minh.

Phát biểu tại Hội nghị, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê Phạm Quang Vinh cho biết, trong những năm qua, Chính phủ Việt Nam luôn quan tâm tới công tác giảm nghèo và bảo trợ xã hội. Ngày 19/11/2015, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 59/2015/QĐ-TTg về chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều áp dụng cho giai đoạn 2016-2020. Căn cứ vào Nghị định, Tổng cục Thống kê đã triển khai các hoạt động tính toán các chỉ tiêu liên quan đến nghèo đa chiều, đồng thời tổ chức thực hiện triển khai các đoàn giám sát các chính sách, chương trình hỗ trợ xã hội. Trong quá trình thực hiện cho thấy, kết quả tính toán chủ yếu công bố hàng năm nhưng chưa có công bố hàng quý, trong khi Chính phủ, các công ty và các nhà hoạch định chính sách cần dữ liệu thông tin có thời gian mang tính cập nhật hơn. Một điểm khác nữa là do có sự khác về tiêu chí thu nhập nên có bất cập trong việc tính toán, công bố thông tin nghèo đa chiều ở Việt Nam giai đoạn 2016-2020. Ngày 27/01/2021, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 07/2021/NĐ-CP quy định chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2020-2025 trong đó quy định từ giai đoạn 2022-2025 Việt Nam có quy định áp dụng chuẩn nghèo theo chuẩn nhóm mới.

Để áp dụng các chuẩn mới trong giai đoạn tới, Phó Tổng cục trưởng Phạm Quang Vinh nhấn mạnh tới 3 nhiệm vụ là cần có thử nghiệm tính toán chuẩn bị trước để tới đúng giai đoạn Tổng cục Thống kê sẽ triển khai thực hiện và xuất phát từ vấn đề này, phía UNDP đã phối hợp đề xuất Tổng cục Thống kê công việc liên quan đến tính toán nghèo đa chiều áp dụng vào thực tế. Thứ hai, cần xem xét thiết kế điều tra, điều tra theo kết quả công bố theo quý. Thứ ba, thí nghiệm theo tính toán theo chuẩn nghèo mới áp dụng cho giai đoạn 2021-2025 theo Nghị định 07/2021/NĐ-CP của Chính phủ.

Hiện bước đầu trong hợp tác giữa Tổng cục Thống kê với UNDP đã có sự thống nhất với việc hình thành nên dự án “Thử nghiệm đo lường nghèo đa chiều ở Việt Nam theo phương pháp mới của quốc tế” đã được triển khai từ tháng 9/2020 đến nay và kết quả đã hoàn thành. Kết quả tính toán về nghèo đa chiều Việt Nam giai đoạn 2016-2020 do Tổng cục Thống kê thực hiện trong khuôn khổ hoạt động hợp tác với UNDP năm 2020 cho thấy, tình trạng nghèo đa chiều trong giai đoạn 2016-2020 được cải thiện là do tỷ lệ hộ nghèo (độ rộng của nghèo) giảm nhanh, còn mức độ thiếu hụt (độ sâu của nghèo) không có sự thay đổi đáng kể.

Cụ thể, trong giai đoạn 2016-2020, tỷ lệ hộ nghèo đa chiều chung Việt Nam có xu hướng giảm qua các năm, từ 9,9% năm 2016 xuống còn 4,5% năm 2020. Trong đó, tỷ lệ hộ nghèo đa chiều ở nông thôn vẫn luôn cao hơn nhiều thành thị, nhưng khoảng cách đang giảm dần. Chỉ số nghèo đa chiều (MPI) chung cả nước giảm từ 0,035 năm 2016 xuống còn 0,015 năm 2020 cho thấy tình trạng nghèo đa chiều ở Việt Nam đã được cải thiện đáng kể. Xu hướng này diễn ra ở cả khu vực thành thị, nông thôn và 6 vùng kinh tế. Tình trạng nghèo đa chiều vẫn còn có sự chênh lệch tương đối lớn giữa khu vực thành thị và nông thôn.

Năm 2020, MPI của khu vực nông thôn là 0,018, cao gần gấp 2 lần khu vực thành thị (0,010). Các vùng có tình trạng nghèo đa chiều cao gồm: Tây Nguyên, Trung du và miền núi phía Bắc và Đồng bằng sông Cửu Long. Đồng bằng sông Hồng là vùng có tình trạng nghèo đa chiều thấp nhất. Chỉ số có mức độ thiếu hụt nhiều nhất là bảo hiểm y tế, tuy nhiên đây cũng là chỉ số có mức giảm nhanh nhất, từ 40,6% năm 2016 giảm xuống còn 19,0% năm 2020. Khám chữa bệnh và giáo dục trẻ em là các chỉ số có mức độ thiếu hụt rất ít. Các chỉ số có mức độ thiếu hụt không thay đổi đáng kể qua các năm là tài sản tiếp cận thông tin, khám chữa bệnh, giáo dục trẻ em và giáo dục người lớn ….

Toàn cảnh Hội nghị. Ảnh: MPI

Tại Hội nghị, các đại biểu đánh giá cao kết quả triển khai dự án, là tiền đề quan trọng trong hợp tác giữa UNDP với Tổng cục Thống kê và đóng góp ý kiến vào báo cáo dự án thử nghiệm đo lường nghèo đa chiều ở Việt Nam theo phương pháp mới của quốc tế và kết quả tính toán về nghèo đa chiều Việt Nam giai đoạn 2016-2020.

Chuyên gia kinh tế quốc tế cao cấp UNDP Jonathan Pincus đánh giá việc công bố số liệu tính toán nghèo đa chiều chỉ sau 6 tháng hoàn thành việc thu thập điều tra mức sống hộ gia đình đã cho thấy đây là một bước tiến đáng kể trong theo dõi mục tiêu phát triển bền vững về xóa nghèo ở mọi khía cạnh và ở mọi nơi, qua đó giúp số liệu nghèo đa chiều của Việt Nam đạt được bước tiến gần hơn với các tiêu chuẩn quốc tế, giúp Việt Nam so sánh chỉ tiêu nghèo của Việt Nam với chỉ tiêu nghèo của các nước khác trên thế giới.

UNDP khẳng định luôn sẵn sàng hợp tác với Tổng cục Thống kê trong việc bảo đảm thu thập dữ liệu theo tiêu chuẩn quốc tế, công bố kịp thời và rộng rãi các dữ liệu thống kê về nghèo, thông qua sự hợp tác đã được bắt đầu từ gần 30 năm qua để đóng góp vào mục tiêu chung là không để ai bị bỏ lại phía sau./.

Minh Hậu
Bộ Kế hoạch và Đầu tư

    Tổng số lượt xem: 1619
  •  

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)