(MPI) - Xây dựng dự thảo Nghị định nhằm thực hiện Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 01/01/2021 của Chính phủ về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và Dự toán ngân sách nhà nước năm 2021: “Tăng cường về huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực, chú trọng phát huy nội lực của nền kinh tế, đồng thời tiếp tục huy động vốn ODA, vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ”.
|
Ảnh minh họa. Nguồn: MPI |
Việc xây dựng Nghị định thay thế Nghị định số 56/2020/NĐ-CP ngày 25/5/2020 của Chính phủ về quản lý và sử dụng nguồn vốn ODA và vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài là cần thiết để khắc phục các hạn chế, bất cập của Nghị định số 56/2020/NĐ-CP, quán triệt và thực hiện các ý kiến chỉ đạo của Chính phủ và đáp ứng tốt các mục tiêu và yêu cầu đề ra nhằm huy động và sử dụng hiệu quả nguồn vốn ODA và vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài.
Với quan điểm, nguyên tắc xây dựng Nghị định là bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất và phù hợp với các quy định của hệ thống pháp luật liên quan đến công tác quản lý và sử dụng vốn ODA, vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài, đặc biệt các văn bản pháp luật ban hành hoặc sửa đổi, bổ sung trong thời gian gần đây (Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xây dựng, Luật Bảo vệ môi trường) và những văn bản pháp luật liên quan việc doanh nghiệp vay lại 100% vốn ODA, vốn vay ưu đãi nước ngoài (Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư theo phương thức hợp tác công tư, Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp). Đổi mới công tác quản lý, đơn giản hóa thủ tục, tăng cường phân cấp để tạo thuận lợi cho việc tiếp nhận vốn ODA không hoàn lại. Kế thừa những mặt được của Nghị định số 56/2020/NĐ-CP đồng thời giải quyết những hạn chế, bất cập trong quá thực hiện Nghị định này. Đảm bảo tính khả thi, dễ thực hiện, đáp ứng mục đích và yêu cầu đặt ra trong các ý kiến chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ. Bổ sung những nội dung mới xuất phát từ các chủ trương, chính sách mới của Đảng và nhà nước và xu thế mới trong quan hệ hợp tác phát triển của các nhà tài trợ với Việt Nam.
Dự thảo Nghị định gồm 10 Chương, 100 Điều và 10 Phụ lục, cụ thể: Chương I. Những quy định chung (từ Điều 1 đến Điều 11). Chương II. Lập, thẩm định, quyết định chủ trương đầu tư và quyết định đầu tư chương trình, dự án sử dụng vốn vay ODA, vốn vay ưu đãi; chương trình, dự án đầu tư sử dụng vốn ODA không hoàn lại và dự án hỗ trợ kỹ thuật sử dụng vốn ODA không hoàn lại chuẩn bị dự án đầu tư (từ Điều 12 đến Điều 22). Chương III. Lập, thẩm định, quyết định chủ trương thực hiện và phê duyệt Văn kiện dự án hỗ trợ kỹ thuật, phi dự án sử dụng vốn ODA không hoàn lại (từ Điều 23 đến Điều 27). Chương IV. Ký kết điều ước quốc tế và thỏa thuận về vốn ODA, vốn vay ưu đãi (từ Điều 28 đến Điều 33). Chương V. Quản lý thực hiện chương trình, dự án, phi dự án (từ Điều 34 đến Điều 50). Chương VI. Doanh nghiệp nhà nước sử dụng vốn vay ODA, vay ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài (từ Điều 51 đến Điều 59). Chương VII. Quản lý tài chính vốn vay ODA, vốn vay ưu đãi (từ Điều 60 đến Điều 85). Chương VIII. Quản lý tài chính vốn ODA không hoàn lại (từ Điều 86 đến Điều 90). Chương IX. Nhiệm vụ, quyền hạn, trách nhiệm của cơ quan, tổ chức trong quản lý, sử dụng vốn ODA, vốn vay ưu đãi (từ Điều 91 đến Điều 97). Chương X. Điều khoản thi hành (từ Điều 98 đến Điều 100).
So với Nghị định số 56/2020/NĐ-CP, dự thảo Nghị định bổ sung các văn bản pháp lý liên quan ban hành trong thời gian gần đây (Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xây dựng, Luật Bảo vệ môi trường) và những văn bản pháp luật liên quan đến các dự án cho doanh nghiệp vay lại 100% vốn ODA, vốn vay ưu đãi nước ngoài của Chính phủ (Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư theo phương thức hợp tác công tư, Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp)./.
Minh Hậu
Bộ Kế hoạch và Đầu tư