(MPI) – Ngày 29/6/2021, Tọa đàm “Kinh tế vĩ mô và thị trường chứng khoán” là phiên tọa đàm thứ hai trong Chuỗi talkshow “Thị trường chứng khoán và dự báo” diễn ra trực tuyến trong 3 ngày 28 - 30/6/2021 do Tạp chí Kinh tế và Dự báo, Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổ chức.
|
Ảnh: MPI |
Tham dự buổi Tọa đàm có Chủ tịch Trung tâm Lưu ký Chứng khoán Việt Nam Nguyễn Sơn; Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chiến lược thương hiệu và cạnh tranh Võ Trí Thành; Chuyên gia, Kinh tế trưởng Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam Cấn Văn Lực và chuyên gia độc lập Nguyễn Trí Hiếu đã chia sẻ góc nhìn về các chỉ tiêu kinh tế 6 tháng, dự báo tương lai thị trường chứng khoán trong mối quan hệ với nền kinh tế vĩ mô Việt Nam cũng như những chuyển động lớn trên thị trường tài chính quốc tế.
Chia sẻ tại Tọa đàm, Chuyên gia, Kinh tế trưởng Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam TS. Cấn Văn Lực cho biết, tăng trưởng kinh tế và thị trường chứng khoán có quan hệ mật thiết với nhau, thị trường chứng khoán đi trước kinh tế thực khoảng 3 - 4 tháng thậm chí là 6 tháng, thị trường chứng khoán còn là kênh dẫn vốn rất là quan trọng. Về mối quan hệ giữa lạm phát và thị trường chứng khoán, nếu lạm phát bình quân từ 1-3% là ngưỡng phù hợp nhất cho chỉ số PE (giá so với lợi nhuận trên thị trường chứng khoán), nếu lạm phát tăng cao vào khoảng 5-8% sẽ tác động tiêu cực tới thị trường chứng khoán. Quý II/2021, GDP ước tính tăng 6,61%, GDP 6 tháng đầu năm 2021 tăng 5,64%, tuy mục tiêu GDP không đạt so với kế hoạch tại Nghị quyết 01/NQ-CP của Chính phủ đã đề ra, nhưng kết quả đó rất đáng khích lệ trong bối cảnh tình hình dịch bệnh Covid-19 đã diễn ra.
TS. Cấn Văn Lực cho rằng, nền kinh tế cuối năm sẽ đạt mức tăng trưởng theo kịch bản cơ sở, GDP dự báo tăng từ 6,1 đến 6,3%. Đây sẽ là kết quả tương đồng so với dự báo của một số tổ chức quốc tế, dù có thấp hơn dự báo của Ngân hàng Thế giới, IMF hay ADB dành cho Việt Nam.
Nhận định về quan hệ giữa lĩnh vực ngành nghề với diễn biến của thị trường chứng khoán, TS Cấn Văn Lực cho rằng, cơ bản dự báo lạm phát vẫn trong tầm kiểm soát, thực lực của thị trường chứng khoán dự báo năng lực niêm yết sẽ tăng, vai trò của nhà đầu tư ngoại không còn chủ chốt như trước đây. Bốn rủi ro với các nhà đầu tư chứng khoán đó là các quốc gia trên thế giới bắt đầu thắt chặt chính sách tiền tệ và tài khoản; lạm phát; chênh lệch sinh lời của doanh nghiệp bắt đầu co hẹp lại; thuế.
Theo TS. Võ Trí Thành, kinh tế Việt Nam đang phải đối mặt với các vấn đề thiếu nguồn cung đầu vào như: nguyên liệu, sản phẩm, năng lực logisitc, vận tải, giá cả có xu hướng tăng, dịch bệnh bùng phát ở các trung tâm sản xuất lớn nên việc đạt mục tiêu tăng trưởng theo Nghị quyết số 01/NQ-CP đề ra khó khăn hơn rất nhiều. Quá trình phục hồi nền kinh tế vẫn đang hy vọng, mối quan hệ giữa tăng trưởng và thị trường chứng khoán có sự thay đổi khi dòng vốn nội đổ vào thị trường lớn, thanh khoản tăng mạnh.
Chủ tịch Trung tâm Lưu ký chứng khoán Nguyễn Sơn nhận định những tháng cuối năm 2021 có nhiều điểm sáng trong góc độ thị trường và quản trị tạo ra nền tảng cơ chế, cấu trúc lại hạ tầng của thị trường, tạo ra thị trường startup cho các doanh nghiệp khởi nghiệp. Ông Nguyễn Sơn cũng đưa ra khuyến nghị, các nhà đầu tư cần tỉnh táo, cẩn trọng, tránh tâm lý hành động theo đám đông, cần có sự hiểu biết và tham vấn ý kiến của các nhà chuyên môn hoặc đầu tư thông qua các định chế đầu tư.
Chia sẻ của nhà quản lý, các chuyên gia đầu ngành tại Tọa đàm sẽ giúp các nhà đầu tư có cái nhìn đa chiều và sâu sắc về hiện trạng thị trường, cơ hội đầu tư, chọn lựa đầu tư lành mạnh và hiệu quả trong bối cảnh mới của nền kinh tế./.
Minh Hậu
Bộ Kế hoạch và Đầu tư