Skip Ribbon Commands
Skip to main content
Ngày 25/06/2021-17:15:00 PM
Phiên họp Hội đồng thẩm định nhà nước thẩm định Báo cáo nghiên cứu khả thi Chương trình mục tiêu quốc gia Phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030 (Xem tin ảnh)
(MPI) – Ngày 25/6/2021, Hội đồng thẩm định nhà nước thẩm định Báo cáo Nghiên cứu khả thi Chương trình mục tiêu quốc gia Phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030 họp dưới sự chủ trì của Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, Chủ tịch Hội đồng thẩm định.
Toàn cảnh Phiên họp. Ảnh: MPI

Tham dự phiên họp có Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh; Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương, Phó Chủ tịch Hội đồng thẩm định; Thứ trưởng Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Lê Sơn Hải, Phó Chủ tịch Hội đồng thẩm định; Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Phạm Anh Tuấn, Thành viên Hội đồng thẩm định; Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Quý Kiên, Thành viên Hội đồng thẩm định và các đồng chí lãnh đạo cấp vụ, cục được sự ủy quyền của các Thành viên Hội đồng thẩm định; các đồng chí trong Tổ chuyên gia thẩm định liên ngành và các Cục, Vụ liên quan của Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Ủy ban Dân tộc.

Phát biểu khai mạc Phiên họp, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết, Chương trình mục tiêu quốc gia Phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030 là một trong ba chương trình mục tiêu quốc gia của giai đoạn 2021-2025. Trong giai đoạn 2016-2020, có 21 chương trình mục tiêu và 02 chương trình mục tiêu quốc gia được thực hiện, tuy nhiên đến nay xét theo thực tiễn, chúng ta không xây dựng các chương trình mục tiêu riêng mà xây dựng 03 chương trình mục tiêu quốc gia gồm: 02 chương trình mục tiêu quốc gia cũ là Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới; Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo và an sinh xã hội bền vữngvà 01 chương trình mục tiêu quốc gia mới là Chương trình mục tiêu quốc gia Phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030. Chương trình này có ý nghĩa đặc biệt quan trọng với đồng bào dân tộc miền núi trong giai đoạn tới, với quy mô lớn, cách tiếp cận mới để hỗ trợ cho đồng bào tốt nhất. Do đây là chương trình mới, quy mô lớn, phạm vi rộng, tính chất phức tạp nên Ủy ban Dân tộc đã phối hợp chặt chẽ với các Bộ, ngành, địa phương để xây dựng, hoàn thiện, chỉnh sửa nhiều lần và đến nay cơ bản Báo cáo nghiên cứu khả thi đã đáp ứng được yêu cầu.

Tuy nhiên, vẫn còn một số vấn đề cần xem xét một cách kỹ lưỡng hơn để đảm bảo tính khả thi của Chương trình khi được phê duyệt và triển khai. Tại Phiên họp, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng đề nghị các thành viên Hội đồng thẩm định tập trung thảo luận về 03 vấn đề chính, đó là kinh phí thực hiện cho Chương trình và khả năng cân đối nguồn lực; các nội dung hỗ trợ đầu tư của Chương trình theo các dự án thành phần; các giải pháp để thực hiện Chương trình khi được phê duyệt.

Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh đã trình bày tóm tắt nội dung Báo cáo nghiên cứu khả thi Chương trình. Ảnh: MPI

Tại Phiên họp, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh đã trình bày tóm tắt nội dung Báo cáo nghiên cứu khả thi Chương trình gồm một số thông tin bổ sung: quy trình, quá trình tổ chức việc giải trình ý kiến của Hội đồng thẩm định nhà nước; những vấn đề kiến nghị, đề xuất của Ủy ban Dân tộc trên cơ sở tổng hợp ý kiến của các bộ, ngành, địa phương. Theo Báo cáo nghiên cứu khả thi Chương trình kèm theo Văn bản số 718/BC-UBDT ngày 09/6/2021 của Ủy ban Dân tộc, Chương trình có tên “Chương trình mục tiêu quốc gia Phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2025” với mục tiêu của nhằm thu hẹp dần khoảng cách về mức sống, thu nhập giữa vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi so với bình quân của cả nước, đến năm 2025 giảm 50% số xã, thôn, bản đặc biệt khó khăn; đến năm 2030 cơ bản không còn xã, thôn, bản đặc biệt khó khăn. Chương trình được kết cấu gồm 10 dự án thành phần, trong đó tên của các dự án, tiểu dự án theo đúng tinh thần Nghị quyết số 120/2020/QH14 ngày 19/6/2020 của Quốc hội phê duyệt chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia Phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030.

Tổng vốn thực hiện của Chương trình giai đoạn 2021-2025 là 147.052,781 tỷ đồng, bao gồm: vốn ngân sách trung ương: 104.954.010 tỷ đồng; vốn ngân sách địa phương: 10.016,719 tỷ đồng; vốn tín dụng chính sách: 19.727,020 tỷ đồng; vốn huy động khác: 12.355,033 tỷ đồng.

Báo cáo tóm tắt Kết quả thẩm định Báo cáo nghiên cứu khả thi Chương trình mục tiêu quốc gia Phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030, Vụ trưởng Vụ Giám sát và Thẩm định đầu tư, Bộ Kế hoạch và Đầu tư Tăng Ngọc Tráng cho biết, ngày 13/10/2020, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 1583/QĐ-TTg về việc thành lập Hội đồng thẩm định nhà nước thẩm định Báo cáo nghiên cứu khả thi Chương trình mục tiêu quốc gia Phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030. Bộ Kế hoạch và Đầu tư với vai trò Cơ quan thường trực của Hội đồng đã hoàn thành xin ý kiến các cơ quan liên quan/các thành viên Hội đồng về hồ sơ Chương trình; phê duyệt Kế hoạch thẩm định của Hội đồng; thành lập Tổ chuyên gia thẩm định liên ngành phục vụ Hội đồng thẩm định.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã có Văn bản số 8315/BKHĐT-GSTĐĐT ngày 16/12/2020 gửi hồ sơ Chương trình xin ý kiến thẩm định của thành viên Hội đồng, các cơ quan liên quan và Văn bản đôn đốc số 3048/BKHĐT-GSTĐĐT ngày 24/5/2021. Đến nay, Bộ đã nhận được ý kiến thẩm định về Báo cáo nghiên cứu khả thi Chương trình của 21/21 thành viên Hội đồng thẩm định nhà nước và 05 cơ quan liên quan.

Hội đồng thẩm định ý kiến, Báo cáo nghiên cứu khả thi Chương trình đã được chuẩn bị khá công phu, được chỉnh sửa nhiều lần trên cơ sở tiếp thu, giải trình ý kiến của các Bộ, ngành liên quan nhằm bảo đảm phù hợp và khả thi trong tổ chức thực hiện. Tuy nhiên, Báo cáo nghiên cứu khả thi Chương trình còn một số tồn tại, như về nguồn lực thực hiện Chương trình, khả năng huy động các nguồn vốn như dự kiến là khó khăn. Nội dung, kinh phí thực hiện một số dự án thành phần cần được tiếp tục rà soát kỹ lưỡng, bảo đảm phù hợp với quan điểm, mục tiêu, phạm vi, đối tượng, nội dung tại Nghị quyết số 88/2019/QH14, Nghị quyết số 120/2020/QH14 cũng như tính khả thi, hiệu quả trong quá trình triển khai. Về các giải pháp thực hiện, cần phân định rõ hơn trách nhiệm của cơ quan chủ trì, cơ quan phối hợp đối với từng nội dung hoạt động của Chương trình. Trường hợp cần áp dụng, cơ chế, chính sách đặc thù trong triển khai Chương trình, đề nghị Ủy ban Dân tộc nghiên cứu, đề xuất cụ thể để có cơ sở báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định.

Phát biểu tại phiên họp, các thành viên Hội đồng thẩm định và đại diện các Bộ: Tài chính, Thông tin và Truyền thông, Tài Nguyên và Môi trường, Tư pháp, Y tế, Giáo dục và Đào tạo, Xây dựng, Công Thương, Quốc phòng, Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Ngân hàng Nhà nước về cơ bản đều nhất trí với báo cáo của Tổ chuyên gia thẩm định liên ngành, đánh giá cao hồ sơ của Ủy ban Dân tộc chuẩn bị đầy đủ theo quy định, các vấn đề đều tương đối đầy đủ, rõ ràng, đã tiếp thu ý kiến của các thành viên Hội đồng thẩm định tại cuộc họp trước và các văn bản đã gửi. Đề nghị làm rõ về kinh phí thực hiện Chương trình, khả năng cân đối nguồn lực, các dự án thành phần Chương trình, các giải pháp để thực hiện Chương trình khi được phê duyệt và cho rằng, để đảm bảo nguồn lực để thực hiện Chương trình, việc huy động ODA và các nguồn lực xã hội khác là cần thiết. Đồng thời, kiến nghị thành lập ban chỉ đạo chung của cả 3 chương trình mục tiêu quốc để tránh trùng lắp, khi Chương trình được thực hiện cần yêu tiên triển khai các chính sách, sau đó mới rà soát bố trí vốn cho từng dự án cụ thể…

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, Chủ tịch Hội đồng thẩm định phát biểu kết luận phiên họp. Ảnh: MPI

Phát biểu tại phiên họp, các thành viên Hội đồng thẩm định và đại diện các Bộ: Tài chính, Thông tin và Truyền thông, Tài Nguyên và Môi trường, Tư pháp, Y tế, Giáo dục và Đào tạo, Xây dựng, Công Thương, Quốc phòng, Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Ngân hàng Nhà nước về cơ bản đều nhất trí với báo cáo của Tổ chuyên gia thẩm định liên ngành, đánh giá cao hồ sơ của Ủy ban Dân tộc chuẩn bị đầy đủ theo quy định, các vấn đề đều tương đối đầy đủ, rõ ràng, đã tiếp thu ý kiến của các thành viên Hội đồng thẩm định tại cuộc họp trước và các văn bản đã gửi. Đề nghị làm rõ về kinh phí thực hiện Chương trình, khả năng cân đối nguồn lực, các dự án thành phần Chương trình, các giải pháp để thực hiện Chương trình khi được phê duyệt và cho rằng, để đảm bảo nguồn lực để thực hiện Chương trình, việc huy động ODA và các nguồn lực xã hội khác là cần thiết. Đồng thời, kiến nghị thành lập ban chỉ đạo chung của cả 3 chương trình mục tiêu quốc để tránh trùng lắp, khi Chương trình được thực hiện cần yêu tiên triển khai các chính sách, sau đó mới rà soát bố trí vốn cho từng dự án cụ thể…

Phát biểu kết luận Phiên họp, thay mặt Hội đồng thẩm định nhà nước, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng đánh giá cao công tác chuẩn bị, tiếp thu, giải trình của Ủy ban Dân tộc; Tổ chuyên gia thẩm định liên ngành đã tích cực, với tinh thần trách nhiệm cao chuẩn bị hồ sơ tương đối đầy đủ giúp cho Hội đồng thẩm định; các bộ ngành, thành viên trong Tổ thẩm định liên ngành đã phối hợp chặt chẽ giúp công tác giải trình của Ủy ban Dân tộc. Các ý kiến tại Phiên họp đã rõ ràng, cụ thể đưa ra những tồn tại của Báo cáo nghiên cứu khả thi, do vậy Ủy ban Dân tộc phải tiếp tục nghiên cứu, tiếp thu, rà soát lại một lần nữa ý kiến của các thành viên Hội đồng thẩm định và kết luận của Hội đồng để hoàn thiện hồ sơ nhanh nhất và tốt nhất.

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho rằng, với 118 chính sách tích hợp, đây là một Chương trình khó, do vậy Ủy ban Dân tộc và các bộ ngành, địa phương phải phối hợp chặt chẽ, rà soát kỹ lưỡng để tránh trùng lắp, xử lý vấn đề của các dự án đã và đang làm của 21 chương trình mục tiêu giai đoạn trước, 02 chương trình mục tiêu quốc gia cũ và 02 chương trình mục tiêu quốc gia chuẩn bị xây dựng.

Căn cứ để xây dựng và quyết định Báo cáo nghiên cứu khả thi cần bám sát Nghị quyết số 88/2019/QH14 và Nghị quyết số 120/2020/QH14. Theo đó, về vốn, nguồn lực phải đảm bảo cân đối đủ ở mức tối thiểu. Ngân hàng Nhà nước phải chủ trì phối hợp với Ủy ban Dân tộc để có một phương án cụ thể về huy động nguồn lực, cần thiết phải báo cáo Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo.

Về nội dung của các dự án thành phần, cần rà soát kỹ lưỡng, kể cả các dự án đã giải trình, khi rà soát lại nếu thấy không phù hợp thì tiếp tục loại bỏ; thực hiện đúng mục tiêu, đối tượng, nội dung quy định tại Nghị quyết số 88/2019/QH14 và Nghị quyết số 120/2020/QH14 để đảm bảo khả thi, hiệu quả trong quá trình triển khai.

Trên cơ sở ý kiến của Hội đồng, Chủ tịch Hội đồng thẩm định đề nghị Ủy ban Dân tộc khẩn trương giải trình và hoàn thiện Báo cáo nghiên cứu khả thi Chương trình, gửi cơ quan thường trực Hội đồng. Sau khi nhận được hồ sơ hoàn chỉnh của Chương trình, giao Tổ chuyên gia thẩm định liên ngành hoàn thiện dự thảo Báo cáo kết quả thẩm định, gửi xin ý kiến biểu quyết của các thành viên Hội đồng. Trên cơ sở ý kiến biểu quyết của Hội đồng, Tổ chuyên gia thẩm định liên ngành hoàn thiện Báo cáo kết quả thẩm định, trình Chủ tịch Hội đồng ký trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định chủ trương đầu tư Chương trình./.

Thúy Quyên
Bộ Kế hoạch và Đầu tư

  • Tổng số lượt xem: 5325
  •  

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)