(MPI) – Ngày 30/6/2021, Bộ Kế hoạch và Đầu tư họp về việc tổ chức lập quy hoạch quốc gia, đề cương chi tiết Khung định hướng phát triển tổng thể quốc gia và tổ chức lập các quy hoạch vùng thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, dưới sự chủ trì của Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng.
|
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng chủ trì cuộc họp. Ảnh: MPI |
Tham dự cuộc họp có chuyên gia cao cấp Cao Viết Sinh, Nguyên Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, chuyên gia Nguyễn Bá Ân, Nguyên Tổng thư ký Hội đồng quốc gia về phát triển bền vững và năng lực cạnh tranh; chuyên gia Bùi Tất Thắng, Nguyên Viện trưởng Viện Chiến lược phát triển, các đồng chí Lãnh đạo một số đơn vị thuộc Bộ.
Phát biểu tại cuộc họp, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng gợi mở vấn đề, khi chiến lược phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021-2030 đã có, giờ chúng ta phải triển khai xây dựng quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội ra sao, phân bổ không gian thế nào từ quy hoạch tổng thể quốc gia cho đến quy hoạch các vùng kinh tế, quy hoạch của 63 địa phương, 38 quy hoạch ngành quốc gia.
Với vai trò cơ quan Thường trực Hội đồng thẩm định Nhà nước về quy hoạch; cơ quan tổ chức lập quy hoạch tổng thể quốc gia, quy hoạch vùng, vừa phải tham gia vào quá trình quản lý nhà nước về quy hoạch, xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật, các quy trình hướng dẫn, kinh phí, thanh quyết toán, đấu thầu… Tổ chức thẩm định quy hoạch để trình cấp lên cấp phê duyệt quy hoạch, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng đề nghị, các đơn vị liên quan thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư phải tham gia ngay từ đầu vào quá trình lập các quy hoạch ngành quốc gia, quy hoạch các địa phương.
Đây lần đầu tiên lập quy hoạch tổng thể quốc gia, quy hoạch vùng theo phương pháp tích hợp. Do đó, phải nghiên cứu các mô hình trong nước, nước ngoài ở các góc độ của các ngành khác nhau để vạch ra một đường hướng phát triển đất nước, phân bổ không gian, tạo động lực, kết nối, đồng thời phải chỉ ra được các bệ đỡ, cái nội dung cần bổ sung, liên kết để phát triển đất nước nhanh nhất, bền vững nhất, trên cơ sở phát triển tất cả các tiềm năng, lợi thế, cơ hội, thời cơ nhưng tránh được những rủi ro, thua thiệt, những bất cập.
Về tiến độ, hiện nay chúng ta mới tiến được một bước trong là xây dựng quy hoạch vùng Đồng bằng sông Cửu Long, với sự hỗ trợ của Ngân hàng Thế giới. Đây có thể lấy là hình mẫu, căn cứ để xây dựng, từ cách tiếp cận, tổ chức nghiên cứu, hình thành một quy hoạch của một vùng từ bản các bản đồ, bản vẽ tương đối tốt, dựa vào đó để nhân rộng lên quy hoạch các vùng khác.
Trình bày về tình hình chung thực hiện các quy hoạch theo Luật Quy hoạch, Vụ trưởng Vụ Quản lý quy hoạch Đinh Trọng Thắng cho biết, Vụ Quản lý quy hoạch đang xây dựng thêm các văn bản hướng dẫn thực hiện việc lập quy hoạch. Trong đó, có việc xây dựng hướng dẫn về cách thức, mức độ chi tiết tích hợp quy hoạch tỉnh (đã được ban hành tại Văn bản số 373/BKHĐT-QLQH ngày 22/01/2021 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư). Hướng dẫn về biểu mẫu, nội dung chủ yếu của quyết định của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch tỉnh; hướng dẫn về quy trình và nội dung thẩm định quy hoạch tỉnh đang được xây dựng và xin ý kiến của các bộ ngành. Việc xây dựng thông tư hướng dẫn của Bộ Kế hoạch và Đầu tư về hệ thống thông tin và cơ sở dữ liệu quốc gia về quy hoạch thì Bộ đang làm song song, vừa xây dựng thông tư, vừa xây dựng bản đề mô cơ sở dữ liệu quốc gia về quy hoạch.
Về xây dựng các quy hoạch thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, Vụ trưởng Đinh Trọng Thắng cho biết, đối với các quy hoạch ngành quốc gia, hiện có 38/38 đã được trình thẩm định, trong đó 36/38 quy hoạch đã được phê duyệt nhiệm vụ lập quy hoạch, 7/38 quy hoạch đã được lập và thẩm định xong, 61/63 tỉnh đã được phê duyệt nhiệm vụ lập quy hoạch. Về việc thẩm định quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, hiện có tỉnh Hà Tĩnh và Bắc Giang đã trình nhiệm vụ lập quy hoạch tỉnh và hiện đang tiếp thu ý kiến để trình phê duyệt. Theo báo cáo của các bộ, ngành, địa phương thì trong năm 2021, sẽ có khoảng 11-15 quy hoạch ngành quốc gia sẽ được thẩm định xong và theo kế hoạch có khoảng 25 quy hoạch tỉnh sẽ thẩm định xong.
Về những khó khăn, vướng mắc trong công tác triển khai lập quy hoạch theo Luật Quy hoạch, Vụ trưởng Đinh Trọng Thắng cho rằng, việc triển khai lập quy hoạch còn chậm do các địa phương còn đang lúng túng trong việc phối hợp tổng thể giữa các ngành, lĩnh vực có liên quan khi lập quy hoạch theo phương pháp tích hợp. Cùng với đó, lúng túng trong việc thực hiện quy trình, thủ tục lập và phê duyệt dự toán quy hoạch, lựa chọn nhà thầu, lựa chọn đơn vị tư vấn lập quy hoạch.
Một điểm nghẽn cơ bản hiện nay là việc xác định nguồn vốn lập quy hoạch đối với các quy hoạch có tính chất kỹ thuật chuyên ngành, còn chưa thống nhất trong việc dùng vốn sự nghiệp hay vốn đầu tư công, do quan điểm khác nhau là quy hoạch kỹ thuật chuyên ngành là nằm trong hay ngoài hệ thống quy hoạch quốc gia.
|
Toàn cảnh cuộc họp. Ảnh: MPI |
Phát biểu tại cuộc họp, các ý kiến đều thống nhất, khung định hướng phát triển tổng thể quốc gia là cơ sở để xây dựng quy hoạch tổng thể quốc gia. Tất cả nội dung trong khung định hướng phải rõ ràng để Bộ Kế hoạch và Đầu tư và các bộ, ngành bám theo để xây dựng quy hoạch. Định hướng ưu tiên phát triển cho từng ngành đã được cụ thể hóa trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021-2030, còn việc định hướng không gian kinh tế - xã hội, phải tính tới tầm nhìn đến năm 2050 để cụ thể hóa. Đặc biệt, việc tích hợp, phải nêu nguyên tắc và quy định rõ trong khung định hướng, đưa các phương án, mục tiêu làm cho không gian rộng hơn, thoáng hơn và nên đưa ra các phương án để Quốc hội quyết định. Bản chất của Khung định hướng phát triển tổng thể quốc gia là xác định những gì đưa vào quy hoạch, độ sâu của mỗi vấn đề, trả lời những vấn đề lớn còn đang có ý kiến khác nhau, định hướng phát triển các thành phố lớn, xác định không gian phát triển cả về quy mô và đẳng cấp cho từng đối tượng.
Theo đó, ý kiến cho rằng, có 6 điểm cần thống nhất trong khung quy hoạch quốc gia. Một là, quy hoạch tổng thể quốc gia là một bước cụ thể hóa quan điểm tổng quát của Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045, trong đó tư tưởng tổng quát vẫn là phát triển phát triển nhanh và bền vững. Đến năm 2030, Việt Nam là nước có nền công nghiệp hiện đại và thu nhập trung bình cao. Đến năm 2045, Việt Nam là một nước phát triển thu nhập cao.
Hai là, quy hoạch là tổ chức không gian phát triển quốc gia để khai thác hợp lý nhất thế mạnh của từng vùng, địa phương. Thứ ba, định vị tọa độ phát triển lớn của quốc gia, định hình đất nước vào cuối thời kỳ quy hoạch, hình dung các mặt lớn, làm cơ sở để triển khai quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh, quy hoạch ngành cấp quốc gia. Thứ tư, chỉ nêu những vấn đề lớn, tầm quốc gia, vùng lớn, ở mức độ Quốc hội quyết định, còn các vấn đề thấp hơn đã có các quy hoạch ngành cấp vùng. Thứ năm, yêu cầu mới của Luật quy hoạch là tổng thể và tích hợp. Thứ sáu, quy hoạch được duyệt thì là văn bản có tính pháp lý để triển khai ngay.
Phát biểu kết luận cuộc họp, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh, vấn đề quy hoạch nói chung có những vấn đề quan trọng. Thứ nhất, mức độ chi tiết của các quy hoạch của các quy hoạch quốc gia và quy hoạch vùng, mức độ chi tiết đến đâu để hài hòa giữa định hình về không gian phát triển theo Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội mà không bị bó buộc, trong quá trình thực hiện phát sinh có thể linh hoạt. Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho rằng, quy hoạch tổng thể quốc gia sẽ chung nhất, xuống đến quy hoạch vùng là mức độ chi tiết hơn, tiếp đó quy hoạch tỉnh, quy hoạch các ngành, lĩnh vực. Thứ hai, vấn đề tích hợp là rất khó, Bộ Kế hoạch và Đầu tư phải bám sát ngay từ đầu trong quá trình xây dựng quy hoạch của các ngành, địa phương để có quy hoạch tốt, lấy cơ sở để xây dựng quy hoạch vùng, quy hoạch tổng thể quốc gia.
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng thống nhất, xây dựng Khung định hướng quy hoạch để các bộ, ngành xây dựng quy hoạch theo khung đó. Về khung định hướng, phải cụ thể các vấn đề cụ thể như: phát triển số, kinh tế biển, mô hình tăng trưởng xanh,… vì khi quyết định mô hình tăng trưởng xanh thì sẽ xác định các dự án, rồi mới phân bổ không gian, từ đó quyết định không gian định tổ chức để thực hiện các mục tiêu đó.
Chúng ta phải có các tư tưởng đổi mới, xác định việc lập quy hoạch phải có sự tham gia của tư vấn nước ngoài để có những ý tưởng mới, đột phá, bài học, kinh nghiệm hay để giúp đất nước phát triển nhanh. Trong khung định hướng phải thể hiện các quan điểm, tư tưởng, yêu cầu, định hướng, kết cấu, cùng với tư vấn xây dựng dựng khung định hướng rồi tổ chức hội thảo, hội nghị nhiều vòng xin ý kiến hoàn thiện, để các Bộ, ngành lập quy hoạch theo khung định hướng này và định hướng phát triển của Việt Nam trong thời gian tới./.
Thúy Quyên
Bộ Kế hoạch và Đầu tư