(MPI) - Ngày 01/7/2021, dưới sự chủ trì của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Chính phủ họp phiên thường kỳ tháng 6/2021, thảo luận về tình hình kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm và phương hướng, nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2021.
|
Toàn cảnh Phiên họp. Ảnh: chinhphu.vn |
Tình hình kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm 2021 tiếp tục chuyển biến tích cực
Theo chương trình, phiên họp tập trung thảo luận về 4 nội dung: Bối cảnh, tình hình kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm, những kết quả đạt được, những hạn chế, các nguyên nhân, bài học kinh nghiệm và dự báo tình hình, mục tiêu, phương hướng, quan điểm chỉ đạo, các nhiệm vụ, giải pháp trong 6 tháng cuối năm; các nhiệm vụ, giải pháp để tháo gỡ khó khăn liên quan tới công tác phòng chống dịch bệnh Covid-19; một số nội dung liên quan tới hoạt động của doanh nghiệp, cải thiện môi trường đầu tư; công tác chỉ đạo, điều hành của Chính phủ trong thời gian qua.
Báo cáo tại phiên họp, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, trong 6 tháng đầu năm 2021, kinh tế thế giới chứng kiến sự phục hồi không đồng đều, các quốc gia phát triển phục hồi khá mạnh mẽ, ngược lại các quốc gia đang phát triển phục hồi chậm. Trong tháng 6, biến động khó lường do các biến chủng Covid-19 mới liên tục xuất hiện khiến một số quốc gia phải tái lập các biện pháp phòng chống dịch bệnh; ảnh hưởng từ nguồn cung hạn chế, khó khăn trong giao thương làm cho giá cả hàng hóa và lạm phát có xu hướng gia tăng trong ngắn hạn nên các quốc gia phải tính đến sự cân bằng giữa kiềm chế lạm phát, nợ công với duy trì chính sách tài khóa, tiền tệ nới lỏng để hỗ trợ phục hồi kinh tế.
Trong nước, nền kinh tế gặp nhiều thách thức, chủ yếu đến từ các đợt bùng phát dịch Covid-19, sự gia tăng về giá bất động sản, hàng hóa, nguyên vật liệu, chi phí vận tải, rủi ro về thương mại quốc tế… Mặc dù vậy, nhờ sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị, chỉ đạo quyết liệt, kịp thời của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, sự chung sức đồng lòng của cộng đồng doanh nghiệp và người dân, tình hình kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm tiếp tục chuyển biến tích cực, vừa phòng chống dịch Covid-19, vừa phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội và tổ chức thành công nhiều sự kiện chính trị quan trọng của đất nước. Kinh tế vĩ mô được duy trì ổn định, tăng trưởng kinh tế khả quan. Dịch bệnh cơ bản được khoanh vùng, kiểm soát; chiến lược tiêm vắc-xin Covid-19 được đẩy mạnh. Giá cả một số nguyên vật liệu có dấu hiệu giảm; hiện tượng tăng nóng giá bất động sản được kiểm soát. Các chính sách, giải pháp hỗ trợ, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, phát triển thương mại bền vững được khẩn trương xây dựng, ban hành, góp phần củng cố niềm tin, tạo động lực cho quá trình phục hồi kinh tế thời gian tới.
Tăng trưởng kinh tế khả quan dù chịu tác động từ dịch bệnh. Tốc độ tăng GDP 6 tháng đầu năm 2021 đạt 5,64%, cao hơn nhiều so với cùng kỳ năm 2020 (1,82%). Mặc dù vậy, tốc độ tăng trưởng vẫn thấp hơn 0,58 điểm phần trăm so với kịch bản tại Nghị quyết 01/NQ-CP (6,22%), tạo áp lực lớn cho các tháng, quý còn lại năm 2021.
Khu vực nông, lâm nghiệp, thủy sản tăng trưởng tích cực, đạt 3,82%, chủ yếu do năng suất lúa đông xuân cao và các ngành chăn nuôi, thủy sản đều tăng khá. Khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 8,36%; trong đó ngành chế biến, chế tạo tăng trưởng cao, đạt 11,42%, chỉ thấp hơn mức tăng trưởng năm 2011 và 2018. Khu vực dịch vụ chịu ảnh hưởng nặng nề từ dịch bệnh, một số ngành giảm liên tiếp trong cả năm 2020 và 6 tháng đầu năm 2021. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng phục hồi chậm, nếu loại trừ yếu tố giá, chỉ tăng 3,55% so với cùng kỳ (cùng kỳ năm 2020 giảm 5,77%).
Lạm phát ở mức thấp. Chỉ số CPI bình quân 6 tháng chỉ tăng 1,47% so với cùng kỳ năm 2020, là mức tăng thấp nhất kể từ năm 2016, cho thấy còn dư địa để có thể thực hiện những chính sách hỗ trợ, kích thích tăng trưởng kinh tế trong thời gian tới, nhất là những tháng cuối năm 2021 và đầu năm 2022. Các cân đối lớn của nền kinh tế được bảo đảm. Tiến độ thu ngân sách tích cực, lũy kế 6 tháng đạt 57,7% dự toán, tăng 15,3% so với cùng kỳ năm 2020. Xuất nhập khẩu hàng hóa tiếp tục tăng trưởng khá. Xuất khẩu hàng hóa 6 tháng ước tăng 28,4% so với cùng kỳ, nhập khẩu ước tăng 36,1%. Kim ngạch nhập khẩu tăng cao chủ yếu nhập tư liệu sản xuất (chiếm 93,9% tổng kim ngạch), khiến cán cân thương mại hàng hóa nhập siêu 1,47 tỷ USD.
Về thu hút vốn đầu tư toàn xã hội, tăng trưởng tín dụng khá, đạt 5,68% so với cuối năm 2020, cao hơn nhiều so với cùng kỳ năm trước. Ước giải ngân vốn đầu tư nguồn NSNN đến ngày 30/6/2021 là 133,89 nghìn tỷ đồng, đạt 29,02% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao, giảm so với cùng kỳ năm 2020 (34%), trong đó vốn trong nước đạt 31,75%, vốn nước ngoài đạt 7,37%. Thu hút vốn FDI vẫn ở mức thấp, tổng vốn đăng ký 6 tháng năm 2021 giảm 2,6% so với cùng kỳ; trong đó, số vốn thu hút qua hình thức góp vốn, mua cổ phần giảm đến 54,3%. Tình hình đăng ký doanh nghiệp cho thấy mức độ khó khăn, rủi ro còn cao. Số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường 6 tháng đầu năm lên tới 70,2 nghìn doanh nghiệp, tăng 24,9% so với cùng kỳ, phản ánh sức chống chịu của doanh nghiệp suy giảm…
Cải cách hành chính, chất lượng cung ứng dịch vụ công chuyển biến tích cực. Chỉ số cải cách hành chính và Chỉ số hài lòng của người dân với sự phục vụ của cơ quan hành chính năm 2020 đều có sự cải thiện so với năm trước. Công tác an sinh xã hội, chăm sóc sức khỏe Nhân dân được quan tâm, chỉ đạo sát sao. An ninh, quốc phòng được củng cố, an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được bảo đảm; hoạt động đối ngoại được đẩy mạnh. Hợp tác quốc tế đối với tiếp cận vắc-xin và thúc đẩy chuyển giao công nghệ vắc-xin Covid-19 được tập trung tăng cường.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư kiến nghị giữ nguyên các mục tiêu tăng trưởng đã đề ra, phấn đấu đạt tốc độ tăng trưởng ở mức cao nhất
Về dự báo tình hình và kịch bản tăng trưởng kinh tế, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết, kinh tế thế giới được dự báo sẽ tiếp tục khởi sắc. Các tổ chức quốc tế đã liên tục nâng mức dự báo tăng trưởng năm 2021, vào khoảng 5,6 - 6%, là tốc độ phục hồi sau khủng hoảng cao nhất trong 80 năm qua. Tuy nhiên, rủi ro, thách thức vẫn còn đến từ: các biến chủng mới của dịch Covid-19; lạm phát, giá cả có khả năng tăng cao đến hết năm 2021; nợ công và nợ doanh nghiệp gia tăng tại một số nền kinh tế mới nổi và các quốc gia đang phát triển; chủ nghĩa bảo hộ gia tăng, căng thẳng chính trị, thương mại giữa các quốc gia lớn.
Trong nước, khó khăn, thách thức, rủi ro còn nhiều, nhất là khi tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, đe dọa trực tiếp tới sản xuất công nghiệp ở các tỉnh khu vực Đông Nam Bộ và Đồng bằng sông Hồng; mùa du lịch đã qua tháng 6 trong khi mùa mưa bão đã đến. Nhiệm vụ đạt được mục tiêu tăng trưởng cả năm 2021 là rất thách thức, đòi hỏi vừa kiểm soát tốt dịch Covid-19 vừa bảo đảm sản xuất, kinh doanh, có giải pháp hỗ trợ nền kinh tế.
Tuy vậy, dự báo tăng trưởng kinh tế Việt Nam của các tổ chức quốc tế vẫn lạc quan, cơ hội và dư địa tăng trưởng kinh tế còn lớn, đến từ: Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XIII mới được thông qua, tạo khí thế mới, động lực mới; Đã cơ bản kiện toàn bộ máy, hoàn thành công tác nhân sự; Các đối tác thương mại, đầu tư quan trọng phục hồi nhanh, là điều kiện thuận lợi để đẩy mạnh sản xuất, xuất khẩu; Khu vực dịch vụ, du lịch có thể tạo sức bật lớn trở lại khi dịch bệnh được kiểm soát; Cân đối ngân sách nhà nước được bảo đảm, một số chỉ số như CPI, thất nghiệp cho thấy còn dư địa để thực hiện chính sách hỗ trợ…
Do vậy, trước mắt Bộ Kế hoạch và Đầu tư kiến nghị giữ nguyên các mục tiêu tăng trưởng đã đề ra, phấn đấu đạt tốc độ tăng trưởng ở mức cao nhất, theo đó kịch bản tăng trưởng kinh tế được xây dựng theo hướng tập trung kiểm soát dịch bệnh và bảo vệ, duy trì sản xuất kinh doanh trong quý III/2021, tạo nền tảng để đẩy mạnh tăng trưởng trong quý IV/2021 do nhu cầu thường tăng cao vào thời điểm cuối năm và đề xuất 02 Kịch bản tăng trưởng.
Trong đó, kịch bản 1: Để đạt được mục tiêu tăng trưởng kinh tế 6%, quý III cần đạt mức tăng trưởng là 6,2% (thấp hơn Nghị quyết 01/NQ-CP 0,5 điểm phần trăm), quý IV tăng 6,5% (thấp hơn Nghị quyết 01/NQ-CP 0,2 điểm phần trăm). Kịch bản 2: Để đạt được mục tiêu tăng trưởng kinh tế 6,5%, quý III phải đạt mức tăng trưởng là 7% (cao hơn Nghị quyết 01/NQ-CP 0,3 điểm phần trăm) và quý IV tăng 7,5% (cao hơn Nghị quyết 01/NQ-CP 0,8 điểm phần trăm).
Trên cơ sở Báo cáo tình hình kinh tế - xã hội tháng 6 và 6 tháng năm 2021, Bộ Kế hoạch và Đầu tư kiến nghị tiếp tục quyết liệt thực hiện Nghị quyết 01/NQ-CP, Nghị quyết 02/NQ-CP và Nghị quyết số 63/NQ-CP của Chính phủ. Bộ trình Chính phủ xem xét, cho ý kiến đối với các nội dung của Báo cáo và chỉ đạo các cấp, các ngành tập trung thực hiện 09 nội dung: Phòng, chống dịch bệnh; Định hướng điều hành kinh tế vĩ mô; Chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, kích cầu nền kinh tế; Tập trung cắt giảm chi phí logistics, chi phí vận chuyển, cải cách thủ tục kiểm tra chuyên ngành; Giải ngân vốn đầu tư công; Chủ động phòng chống, ứng phó với thiên tai, lũ lụt; Đẩy mạnh chuyển đổi số, phát triển kinh tế số; Xây dựng, lập, phê duyệt quy hoạch; Trình Chính phủ xem xét cho phép gửi báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Quốc hội để bổ sung, cập nhật số liệu 6 tháng năm 2021 đối với Báo cáo số 182/BC-CP ngày 8/6/2021 của Chính phủ đã báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội ngày 15/6/2021 để gửi báo cáo Quốc hội./.
Thúy Quyên
Bộ Kế hoạch và Đầu tư