(MPI) - Để đánh giá tính hiệu quả của các quy định về khởi sự kinh doanh và tìm ra các giải pháp để cải thiện hơn nữa về chỉ số khởi sự kinh doanh, ngày 16/7/2021, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức Tọa đàm với chủ đề Cải thiện hệ thống Khởi sự kinh doanh của Việt Nam theo hình thức trực tuyến. Cục trưởng Cục Quản lý đăng ký kinh doanh Bùi Anh Tuấn tham dự Tọa đàm tại điểm cầu Bộ Kế hoạch và Đầu tư.
|
Hình ảnh Tọa đàm. Ảnh:MPI |
Ngay từ những năm thập niên 1980, Việt Nam đã bắt đầu thực hiện công cuộc đổi mới với đường lối đổi mới toàn diện về cả kinh tế và xã hội. Với trọng tâm là đổi mới nền kinh tế nhằm tiến hành công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, sau hơn 30 năm thực hiện, nền kinh tế Việt Nam đã tiến bước dài trên con đường hội nhập và phát triển trên tất cả các lĩnh vực. Cùng với sự phát triển của nền kinh tế, lĩnh vực đăng ký kinh doanh là một trong những lĩnh vực có tốc độ phát triển nổi bật nhờ vào hoạt động sản xuất kinh doanh. Với tốc độ gia tăng doanh nghiệp đăng ký thành lập trung bình giai đoạn 2000-2020 là 12,6% việc cải cách liên tục về mặt thể chế, cùng với việc áp dụng công nghệ thông tin với một Hệ thống quản lý hiện đại, lĩnh vực đăng ký kinh doanh và thủ tục Khởi sự kinh doanh đang thể hiện được sức ảnh hưởng không nhỏ trong bức tranh về môi trường kinh doanh của Việt Nam, góp phần lớn trong phát triển nền kinh tế của đất nước.
Bên cạnh đó, những kết quả trong cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh Việt Nam cũng được quốc tế ghi nhận và cộng đồng doanh nghiệp, người dân đánh giá tích cực, cụ thể: chỉ số khởi sự kinh doanh của Việt Nam tăng từ 66,1 điểm đến 85,1 điểm giai đoạn 2004-2020, đứng thứ 115 khi so sánh với môi trường kinh doanh toàn cầu. Những thành quả này bắt nguồn từ tầm nhìn dài hạn, nỗ lực liên tục, bền bỉ và quyết tâm mạnh mẽ của Việt Nam trong tạo lập môi trường kinh doanh thuận lợi, giảm chi phí và rủi ro cho doanh nghiệp; khuyến khích đổi mới sáng tạo; thúc đẩy tăng năng suất lao động và năng lực cạnh tranh của nền kinh tế đúng với tinh thần tự do kinh doanh trong Hiến pháp và là nguyên tắc cơ bản của nền kinh tế thị trường.
Song song với sự phát triển nhanh và mạnh mẽ đó của Việt Nam, nền kinh tế quốc tế cũng đang phát triển với tốc độ chóng mặt, đặc biệt, sự bùng nổ của Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư đã mang đến cho Việt Nam rất nhiều cơ hội và thách thức mới. Trong cải thiện môi trường kinh doanh và thủ tục Khởi sự kinh doanh, Việt Nam và các nước trong khu vực cũng như quốc tế đang không ngừng tăng tốc, áp dụng các công nghệ mới, các sáng kiến mới nhằm tối ưu hóa các khâu trong xử lý thủ tục gia nhập thị trường cho doanh nghiệp, giảm đáng kể thời gian và chi phí.
|
Cục trưởng Cục Quản lý đăng ký kinh doanh Bùi Anh Tuấn. Ảnh: MPI |
Phát biểu tại Tọa đàm, Cục trưởng Cục Quản lý đăng ký kinh doanh Bùi Anh Tuấn cho biết, theo đánh giá của Ngân hàng Thế giới tại Báo cáo DoingBusiness 2020, Việt Nam hiện đang xếp hạng thứ 115/190 quốc gia được nghiên cứu về chỉ số Khởi sự kinh doanh. Những nước có thứ hạng cao trong khu vực đa số đều có số thủ tục thành lập doanh nghiệp ít với thời gian ngắn và chi phí so với phần trăm thu nhập bình quân đầu người rất thấp. Việt Nam hiện đang có lợi thế hơn về chi phí thành lập doanh nghiệp do những nỗ lực trong cắt giảm chi phí, lệ phí đăng ký doanh nghiệp thời gian qua, tuy nhiên, số thủ tục và thời gian thành lập doanh nghiệp vẫn còn khá đáng kể. Nguyên nhân dẫn đến tình trạng này là do một trong những cải cách thời gian vừa qua của Việt Nam vẫn chưa được Nhóm Báo cáo của Ngân hàng trên Thế giới ghi nhận, một trong số nguyên nhân xuất phát từ việc những cải cách chưa kịp thực hiện hiệu quả trong thực tế.
Đối với những cải cách đã thực hiện nhưng chưa được ghi nhận qua quá trình khảo sát thực tế, năm 2020, Việt Nam đã ban hành Nghị định số 22/2020/NĐ-CP ngày 24/02/2020 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 139/2016/NĐ-CP ngày 04/10/2016 quy định lệ phí môn bài. Theo quy định tại Nghị định này thì doanh nghiệp thành lập mới sau khi Nghị định này có hiệu lực sẽ được miễn lệ phí môn bài trong năm đầu thành lập hoặc ra hoạt động sản xuất, kinh doanh. Vì vậy, thủ tục Khai, nộp lệ phí môn bài không còn thuộc một trong tám thủ tục của Quy trình khởi sự kinh doanh tại Việt Nam. Cải cách này kỳ vọng sẽ giúp quy trình khởi sự kinh doanh tại Việt Nam cắt giảm được 1 thủ tục, 1 ngày thời gian và cắt giảm 2.000.000 chi phí.
Tuy nhiên, tại Báo cáo, Ngân hàng Thế giới vẫn chưa ghi nhận cải cách này khi thực hiện khảo sát. Đây là một cải cách rất lớn về cắt giảm thời gian, chi phí cho doanh nghiệp và đã được triển khai trong thực tế. Việc ghi nhận cải cách này sẽ cải thiện đáng kể thứ hạng của Việt Nam trong khu vực và trên thế giới riêng đối với Chỉ số Khởi sự kinh doanh thời gian tới.
Đối với những thay đổi chưa được ghi nhận do ban hành sau thời gian khảo sát tại Luật doanh nghiệp 2020, 02 thủ tục về Làm con dấu doanh nghiệp và gửi thông báo mẫu con dấu cho cơ quan đăng ký kinh doanh cũng đã được bãi bỏ theo quy định mới. Nghị định số 122/2020/NĐ-CP được xây dựng và ban hành ngày 15/10/2020 đã tích hợp 03 quy trình gồm: đăng ký bảo hiểm xã hội, khai trình lao động và đăng ký sử dụng hóa đơn vào quy trình đăng ký doanh nghiệp. Theo đó, thay vì thực hiện 4 thủ tục tại 4 cơ quan khác nhau, doanh nghiệp sẽ chỉ phải chuẩn bị 01 bộ hồ sơ, kê khai 01 biểu mẫu, thực hiện thủ tục tại 01 cơ quan và nhận 01 kết quả. Các cơ quan sẽ chia sẻ thông tin với nhau thông qua mạng điện tử giữa các hệ thống dữ liệu của mỗi cơ quan. Những cải cách này sẽ được ghi nhận trong Báo cáo tiếp theo và sẽ giúp mỗi doanh nghiệp đăng ký thành lập tiết kiệm được 02 ngày thời gian, 450.000 phí làm con dấu. Không những thế, với việc liên thông điện tử các cơ quan nhà nước và áp dụng thực hiện đăng ký trực tuyến tại một đầu mối, thời gian đăng ký thành lập trong thực tế sẽ còn được cắt giảm nhiều hơn so với quy định hiện hành, giúp doanh nghiệp giảm tối đa chi phí thực hiện.
Tại Tọa đàm, các chuyên gia đã cùng thảo luận, đánh giá tính hiệu quả của các quy định về Khởi sự kinh doanh và trao đổi các giải pháp để cải thiện hơn nữa về chỉ số Khởi sự kinh doanh của Việt Nam. Kỳ vọng trong Báo cáo DoingBusiness 2021, Quy trình khởi sự kinh doanh của Việt Nam sẽ cắt giảm chỉ còn 3 thủ tục với 6 ngày thời gian. Như vậy, triển vọng về cải cách thứ hạng của Việt Nam trong Bảng xếp hạng khu vực và thế giới là rất lớn, đây là bằng chứng cho những nỗ lực cải thiện lĩnh vực đăng ký kinh doanh trong nước và cũng là bước tiền đề cho những cải cách mạnh mẽ hơn nữa của Việt Nam trong tương lai./.
Thanh Loan
Bộ Kế hoạch và Đầu tư