(MPI) – Ngày 24/7/2021, tại Kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa XV, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày Tờ trình tình hình, kết quả thực hiện Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020 và Kế hoạch đầu tư công trung hạn dự kiến giai đoạn 2021-2025. Trong đó tập trung chính vào nội dung Kế hoạch đầu tư công trung hạn dự kiến giai đoạn 2021-2025.
|
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng trình bày Tờ trình tại Kỳ họp. Ảnh: chinhphu.vn |
Quan điểm chỉ đạo Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025: Một là, bám sát, cụ thể hóa các quan điểm, mục tiêu, 03 đột phá, 6 nhiệm vụ trọng tâm theo Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng.
Hai là, đầu tư có trọng tâm, trọng điểm, đồng bộ, hiện đại, tập trung cho các lĩnh vực ưu tiên, vùng động lực, vùng khó khăn, khu vực chịu ảnh hưởng lớn bởi dịch bệnh, thiên tai, biến đổi khí hậu, các công trình, dự án trọng điểm có sức lan tỏa cao; các chương trình mục tiêu quốc gia, dự án quan trọng quốc gia; bảo đảm cơ cấu đầu tư hài hòa, hợp lý, hiệu quả giữa các vùng, miền, lĩnh vực, vừa gia tăng động lực tăng trưởng, vừa bảo đảm an sinh xã hội, thu hẹp chênh lệch vùng miền và khoảng cách giàu - nghèo.
Ba là, kiên quyết khắc phục tình trạng đầu tư manh mún, dàn trải, phân tán, lãng phí, kém hiệu quả; xóa bỏ cơ chế ”xin cho”, tham nhũng, lợi ích nhóm và các hạn chế, bất cập; đẩy mạnh phân cấp, phân quyền đi đôi với tăng cường giám sát, kiểm tra; khen thưởng, kỷ luật kịp thời, nghiêm minh; linh hoạt, kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, nhất là về thể chế, thủ tục hành chính, giải phóng mặt bằng để đẩy mạnh việc thực hiện và giải ngân dự án…
Bốn là, lấy đầu tư công dẫn dắt, kích hoạt các nguồn lực ngoài nhà nước, nhất là đối với đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng theo phương thức đối tác công tư (PPP), các dự án BOT.
Năm là, giảm tỷ trọng vốn đầu tư công, tăng vốn đầu tư xã hội trong cơ cấu vốn đầu tư, nâng cao hiệu quả đầu tư công, giảm hệ số ICOR; tạo chuyển biến rõ nét trong đột phá chiến lược về hạ tầng chiến lược, góp phần hiện thực hóa các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội đề ra.
Phấn đấu tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công bình quân giai đoạn 2021-2025 trên 90%
Tiếp tục thực hiện hiệu quả cơ cấu lại đầu tư công theo hướng giảm tỷ trọng vốn đầu tư công trong cơ cấu vốn đầu tư toàn xã hội, xây dựng cơ chế thu hút nguồn vốn khu vực tư nhân trong và ngoài nước, hoàn thiện cơ bản kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, tạo chuyển biến rõ nét trong đột phá chiến lược về hạ tầng trong nhiệm kỳ nhằm thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội tại văn kiện Đại hội XIII của Đảng.
Phấn đấu tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công bình quân giai đoạn 2021-2025 trên 90%; số dự án hoàn thành trong giai đoạn chiếm trên 80% tổng số dự án được bố trí vốn.
Tổng mức vốn NSNN thuộc kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 là 2.870 nghìn tỷ đồng, bao gồm: 1.500 nghìn tỷ đồng vốn NSTW (trong đó 1.200 nghìn tỷ đồng vốn trong nước, 300 nghìn tỷ đồng vốn nước ngoài) và 1.370 nghìn tỷ đồng vốn ngân sách địa phương (NSĐP).
Phương án kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 phải bố trí theo thứ tự ưu tiên của pháp luật. Tổng số dự án thực hiện trong giai đoạn 2021-2025 dưới 5.000 dự án, giảm hơn một nửa so với giai đoạn 2016-2020, trong đó thu hồi dứt điểm số vốn ứng trước kế hoạch, hoàn thành các dự án chuyển tiếp, khởi công mới khoảng 2.236 dự án.
Mức vốn bố trí bình quân cho 01 dự án là 210,4 tỷ đồng, cao gấp 2,4 lần so với giai đoạn 2016-2020 (88 tỷ đồng/dự án). Bố trí đủ vốn đầu tư cho các chương trình, dự án trọng điểm quốc gia và 03 Chương trình mục tiêu quốc gia; hoàn thành công tác giải phóng mặt bằng của dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành và đáp ứng yêu cầu tiến độ để cơ bản hoàn thành tuyến đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông, đường vành đai 3, 4 của khu vực động lực Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, kết nối vùng đồng bằng sông Cửu Long, tuyến nối Tây Nguyên với Nam Trung Bộ, khu vực miền núi phía Bắc, tuyến đường ven biển, hành lang kinh tế Đông - Tây.
Kiên quyết siết chặt kỷ luật và kiểm soát chặt chẽ mục tiêu, hiệu quả sử dụng vốn đầu tư
Huy động tối đa các nguồn lực đầu tư của nền kinh tế, trọng tâm là bảo đảm nguồn lực NSNN cho đầu tư tối thiểu là 2.870 nghìn tỷ đồng, trong đó vốn NSTW là 1.500 nghìn tỷ đồng.
Tăng cường triển khai quyết liệt hơn nữa Luật Đầu tư công, đẩy mạnh công tác chuẩn bị đầu tư, nhất là các dự án quan trọng quốc gia, dự án trọng điểm; kiên quyết cắt giảm thủ tục không cần thiết, giao dự toán, giải ngân vốn đầu tư công gắn với trách nhiệm giải trình của tổ chức, cá nhân, nhất là người đứng đầu.
Rà soát hoàn thiện các cơ chế, chính sách, quy định pháp luật về đầu tư công và các luật pháp có liên quan; kịp thời tháo gỡ vướng mắc, khó khăn, nghiên cứu sớm có quy định pháp luật phù hợp đối với việc tách giải phóng mặt bằng, tái định cư ra khỏi dự án đầu tư để đẩy nhanh tiến độ. Tiếp tục đơn giản hóa cao nhất về trình tự, thủ tục; tăng cường thực hành tiết kiệm, chống thất thoát, lãng phí trong đầu tư công.
Tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo, phân cấp, phân quyền, phân công, phân nhiệm, cá thể hóa trách nhiệm đi đôi với phối hợp, giám sát, kiểm tra, đánh giá việc thực hiện và khen thưởng, kỷ luật kịp thời, nghiêm minh. Kiên quyết cắt giảm số lượng, kiểm soát chặt chẽ số dự án và thời gian bố trí vốn, bảo đảm mục tiêu, hiệu quả, tính liên tục trong đầu tư công.
Tập trung rà soát, cương quyết loại bỏ những dự án chưa thật sự cần thiết, cấp bách, kém hiệu quả, ưu tiên nguồn vốn cho các dự án, công trình trọng điểm, cấp bách, tạo động lực cho phát triển nhanh và bền vững. Nâng cao chất lượng công tác chuẩn bị và tổ chức thực hiện dự án đầu tư công, bảo đảm phù hợp với thực tế, hạn chế phải điều chỉnh trong quá trình triển khai; kiểm soát chặt chẽ phạm vi, quy mô, tổng mức đầu tư của từng dự án.
Kiên quyết siết chặt kỷ luật, kỷ cương, tăng cường kiểm tra, thanh tra, kiểm toán, giám sát, hậu kiểm, xử lý nghiêm vi phạm; kiểm soát chặt chẽ mục tiêu, hiệu quả sử dụng vốn đầu tư; bảo đảm công bằng, công khai, minh bạch, phòng, chống tham nhũng, lợi ích nhóm./.
Đức Trung
Bộ Kế hoạch và Đầu tư