Skip Ribbon Commands
Skip to main content
Ngày 23/07/2021-17:27:00 PM
Dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh Thừa Thiên Huế
(MPI) – Tại Nghị quyết số 83/NQ-CP ngày 27/5/2020 của Chính phủ ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 54-NQ/TW ngày 10/12/2019 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển tỉnh Thừa Thiên Huế đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, Chính phủ giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với UBND tỉnh Thừa Thiên Huế và các bộ, ngành liên quan hoàn chỉnh đề án “Xây dựng Thừa Thiên Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương trên nền tảng bảo tồn và phát huy giá trị di sản cố đô và bản sắc văn hóa Huế; cơ chế, chính sách đặc thù đối với Thừa Thiên Huế”.
Ảnh minh hoạ. Nguồn: MPI

Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã phối hợp với UBND tỉnh Thừa Thiên Huế hoàn thiện Hồ sơ dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh Thừa Thiên Huế theo trình tự, thủ tục rút gọn quy định tại Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật số 80/2015/QH13 và Luật số 63/2020/QH14 sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật.

Cụ thể, dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh Thừa Thiên Huế được xây dựng trên các nguyên tắc là bảo đảm tuân thủ quy định của Hiến pháp năm 2013 và tính hệ thống của pháp luật; quy định một số cơ chế, chính sách đặc thù phù hợp với yêu cầu phát triển bền vững, gắn với bảo tồn các giá trị di sản văn hóa quốc gia trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế; tăng tính tự chủ, tăng trách nhiệm của chính quyền tỉnh Thừa Thiên Huế; cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh Thừa Thiên Huế phải phù hợp với bối cảnh thực tiễn phát triển của địa phương.

Để đạt được mục tiêu xây dựng và phát triển Thừa Thiên Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương như đã đặt ra tại Nghị quyết số 54-NQ/TW của Bộ Chính trị, Dự thảo Nghị quyết của Quốc hội đề xuất 04 cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh Thừa Thiên Huế.

Một là phí tham quan di tích phải đảm bảo một phần nguồn vốn phục vụ chi đầu tư bảo tồn và trùng tu các công trình văn hóa di tích, di sản quan trọng trên địa bàn tỉnh. Phí tham quan di tích trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế thu đầy đủ vào ngân sách nhà nước và ngân sách địa phương được bố trí đầu tư tương ứng số thu phí tham quan nộp vào ngân sách nhà nước để thực hiện đầu tư trùng tu di tích lịch sử - văn hóa trên địa bàn.

Hai là huy động nguồn lực thông qua thành lập Quỹ bảo tồn di sản Huế, huy động nguồn lực toàn xã hội và có cơ chế tài chính sử dụng phù hợp để huy động nguồn lực khác nhằm đẩy nhanh tiến độ tu bổ, tôn tạo và phục hồi di sản văn hóa Huế, cho phép tỉnh Thừa Thiên Huế được thành lập Quỹ bảo tồn di sản Huế để bổ sung nguồn lực phục vụ công tác bảo tồn di sản văn hóa trên địa bàn tỉnh. Trong đó, việc hình thành Quỹ nhằm tăng cường huy động vốn đầu tư của khu vực kinh tế tư nhân và được phép nhận hỗ trợ của nguồn ngân sách nhà nước của các tỉnh, thành phố trong nước ủng hộ để trùng tu di sản. Quỹ bảo tồn di sản văn hóa Huế là Quỹ quốc gia được Chính phủ thành lập và giao cho tỉnh Thừa Thiên Huế trực tiếp quản lý.

Ba là huy động vốn đầu tư phát triển nhằm tạo điều kiện cho địa phương có cơ chế huy động thêm nguồn lực để thực hiện các dự án trùng tu, thực hiện các dự án cơ sở hạ tầng quan trọng. Quy định mức dư nợ vay của ngân sách tỉnh Thừa Thiên Huế không vượt quá 40% với thu ngân sách tỉnh Thừa Thiên Huế được hưởng theo phân cấp. Điều này sẽ giúp địa phương đảm bảo trần vay nợ để triển khai các dự án đã và đang thực hiện, chủ động cân đối nguồn lực trong kế hoạch đầu tư công.

Bốn là để lại nguồn thu từ sắp xếp, xử lý các cơ sở nhà đất do các cơ quan, tổ chức, đơn vị thuộc Trung ương quản lý nhằm hỗ trợ, tạo điều kiện cho tỉnh sắp xếp lại, quản lý và sử dụng có hiệu quả tài sản và quỹ đất trên địa bàn; đồng thời tăng cường phân cấp, tạo sự chủ động cho tỉnh trong việc thu hút đầu tư. Ngân sách tỉnh Thừa Thiên Huế được hưởng 50% khoản thu tiền sử dụng đất khi bán tài sản công gắn liền trên đất theo quy định của Luật Quản lý, sử dụng tài sản công do cơ quan, tổ chức, đơn vị thuộc trung ương quản lý trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế để đầu tư phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội thuộc nhiệm vụ đầu tư công của tỉnh Thừa Thiên Huế.

Chính phủ trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình có trách nhiệm tổ chức thực hiện Nghị quyết và chỉ đạo các cơ quan liên quan phối hợp với UBND tỉnh Thừa Thiên Huế xây dựng các văn bản hướng dẫn trong quá trình thực hiện. Hội đồng nhân dân và UBND tỉnh Thừa Thiên Huế có trách nhiệm tổ chức thực hiện, bảo đảm nguồn lực thực hiện và kiểm tra, thanh tra, giám sát tình hình thi hành dự thảo Nghị quyết của Quốc hội.

Dự thảo Nghị quyết gồm 09 điều và đang được lấy ý kiến rộng rãi trên Cổng thông tin điện tử Bộ Kế hoạch và Đầu tư./.

Bảo Linh
Bộ Kế hoạch và Đầu tư

  • Tổng số lượt xem: 1070
  •  

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)