(MPI) - Theo báo cáo của Tổng cục Thống kê, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản tháng 7 diễn ra trong điều kiện thời tiết tương đối thuận lợi cho sinh trưởng và phát triển của cây trồng, vật nuôi. Các địa phương trên cả nước tập trung đẩy nhanh tiến độ gieo cấy lúa mùa, chăm sóc lúa hè thu và thu hoạch lúa hè thu sớm, bảo đảm gieo trồng và thu hoạch trong khung thời vụ tốt nhất.
|
Ảnh minh họa. Nguồn: MPI |
Tính đến ngày 15/7/2021, cả nước gieo cấy được 1.099,6 nghìn ha lúa mùa, bằng 99,4% cùng kỳ năm trước, trong đó các địa phương phía Bắc gieo cấy 909,2 nghìn ha, bằng 99,7%; các địa phương phía Nam gieo cấy 190,4 nghìn ha, bằng 97,8%. Hiện nay, các địa phương đang khẩn trương hoàn thành công tác gieo cấy lúa mùa, các trà lúa đã cấy phát triển tương đối tốt, diện tích trà lúa sớm đang trong giai đoạn hồi xanh, đẻ nhánh.
Đến trung tuần tháng 7, cả nước gieo cấy được 1.949,6 nghìn ha lúa hè thu, bằng 100,7% cùng kỳ năm trước, trong đó các địa phương phía Bắc đạt 177,9 nghìn ha, bằng 102,2%; các địa phương phía Nam đạt 1.771,7 nghìn ha, bằng 100,5%, riêng vùng Đồng bằng sông Cửu Long đạt 1.507,9 nghìn ha, bằng 99,1%. Đến nay, phần lớn các trà lúa hè thu đang ở giai đoạn làm đòng đến chín, các trà lúa sớm đã cho thu hoạch với diện tích đạt 436,4 nghìn ha, bằng 87,1% cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, diện tích thu hoạch lúa hè thu chậm hơn so thời điểm cùng kỳ năm trước, một phần do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nhiều địa phương thực hiện giãn cách xã hội nên việc vận chuyển gặp khó khăn, chi phí vận chuyển cao hơn làm cho việc thu mua lúa của thương lái chậm lại, trong khi đó giá lúa có xu hướng giảm nên nông dân chưa tích cực thu hoạch.
Tính đến ngày 15/7/2021, vùng Đồng bằng sông Cửu Long đã xuống giống được 294,9 nghìn ha lúa thu đông, bằng 95,9% cùng kỳ năm trước. Trong vụ lúa thu đông năm nay, ngành Nông nghiệp đã chỉ đạo các địa phương ưu tiên sử dụng các giống lúa có tính chống chịu với rầy nâu, vàng lùn và lùn xoắn lá, bệnh cháy lá, cháy bìa lá và giống cứng cây để hạn chế đổ ngã. Hiện nay, lúa thu đông đang ở giai đoạn mạ, đẻ nhánh đến làm đòng; sinh trưởng và phát triển tốt.
Đến giữa tháng 7, các địa phương trên cả nước đã gieo trồng được 738 nghìn ha ngô, bằng 101,8% cùng kỳ năm trước; 74,8 nghìn ha khoai lang, bằng 92,5%; 147,5 nghìn ha lạc, bằng 95,5%; 23,5 nghìn ha đậu tương, bằng 89,7%; 863,7 nghìn ha rau, đậu, bằng 101,3%.
Theo Báo cáo, chăn nuôi trâu, bò trong tháng 7 gặp khó khăn do dịch viêm da nổi cục vẫn đang diễn biến phức tạp tại nhiều địa phương. Để kiểm soát tốt tình hình dịch bệnh, giảm thiệt hại cho người chăn nuôi, chính quyền địa phương và các cơ quan chuyên ngành cần triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp phòng, chống dịch bệnh: tổ chức tốt việc tiêm vắc-xin; phát hiện và xử lý kịp thời các ổ dịch mới; xử lý nghiêm các trường hợp vận chuyển, mua bán trâu, bò trái phép, không rõ nguồn gốc. Ước tính tổng số trâu của cả nước tính đến thời điểm cuối tháng 7/2021 giảm 3,3% so với cùng thời điểm năm 2020; tổng số bò tăng 2,3%.
Chăn nuôi lợn đối mặt với những khó khăn khi giá thức ăn chăn nuôi tăng cao trong khi giá bán lợn hơi giảm, hiện giá thịt lợn hơi giảm về mức dưới 60.000 đồng/kg. Ước tính tổng số lợn của cả nước tính đến thời điểm cuối tháng 7 tăng 6,1% so với cùng thời điểm năm trước. Chăn nuôi gia cầm phát triển ổn định trong tháng Bảy, tuy nhiên, tại một số địa phương đã phát hiện chủng vi-rút cúm gia cầm mới A/H5N8 (lần đầu tiên xuất hiện ở Việt Nam). Để ngăn chặn loại vi-rút này, chính quyền địa phương cần phối hợp với các cơ quan chuyên ngành chủ động tiến hành các biện pháp phòng chống dịch bệnh. Ước tính tổng số gia cầm của cả nước tính đến thời điểm cuối tháng 7 tăng 4,8% so với cùng thời điểm năm 2020.
Tính đến ngày 20/7/2021, cả nước không còn dịch tai xanh ở lợn; dịch cúm gia cầm còn ở Hà Nội, Quảng Ninh, Thái Bình, Lạng Sơn, Nghệ An, Hà Tĩnh; dịch lở mồm long móng còn ở Thái Nguyên, Nghệ An, Hà Tĩnh; dịch tả lợn châu Phi còn ở 33 địa phương và dịch viêm da nổi cục còn ở 34 địa phương chưa qua 21 ngày.
Sản lượng thủy sản tháng 7/2021 ước tính đạt 804,1 nghìn tấn, giảm 0,3% so với cùng kỳ năm trước, bao gồm cá đạt 552,3 nghìn tấn, giảm 1,6%; tôm đạt 135,8 nghìn tấn, tăng 3,4%; thủy sản khác đạt 116,0 nghìn tấn, tăng 1,5%.
Sản lượng thủy sản nuôi trồng trong tháng ước tính đạt 448,1 nghìn tấn, giảm 0,3% so với cùng kỳ năm trước, bao gồm cá đạt 276,6 nghìn tấn, giảm 2,1%; tôm đạt 123,2 nghìn tấn, tăng 3,7%; thủy sản khác đạt 48,3 nghìn tấn, tăng 0,4%. Tính chung 7 tháng năm 2021, sản lượng thủy sản ước tính đạt 4.900,1 nghìn tấn, tăng 2,2% so với cùng kỳ năm trước, bao gồm sản lượng thủy sản nuôi trồng đạt 2.552,9 nghìn tấn, tăng 3,3%; sản lượng thủy sản khai thác đạt 2.347,2 nghìn tấn, tăng 1,1% (sản lượng thủy sản khai thác biển đạt 2.242,7 nghìn tấn, tăng 1,2%)./.
Thanh Loan
Bộ Kế hoạch và Đầu tư