Trong tháng 7, trên địa bàn tỉnh dịch Covid -19 tiếp tục diễn biến phức tạp, số ca nhiễm hiện nay tăng, đã đặt ra không ít thách thức trong công tác quản lý, điều hành để phát triển kinh tế và đảm bảo an sinh xã hội. Với sự lãnh đạo toàn diện, trọng tâm của Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh đã đề ra các giải pháp kịp thời nhằm giảm thiểu tác động của dịch bệnh Covid-19, vượt qua khó khăn, tận dụng thời cơ để sớm phục hồi, đẩy mạnh hoạt động sản xuất kinh doanh, phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh. Kết quả thực hiện trên các lĩnh vực như sau:
I. SẢN XUẤT NÔNG LÂM NGHIỆP VÀ THỦY SẢN
1. Nông nghiệp
Cây lương thực có hạt: trong tháng gieo trồng 15.136 ha, thu hoạch 378 ha với sản lượng 1.367 tấn; ước tính đến cuối tháng 7/2021, gieo trồng được 128.273 ha, đạt 95,8% kế hoạch, giảm 5,8% so cùng kỳ, sản lượng thu hoạch 526.059 tấn; trong đó: cây lúa gieo sạ 126.375 ha, thu hoạch 76.552 ha, sản lượng 519.904 tấn.
- Cây lúa:Vụ Hè Thu (gồm Xuân Hè và Hè Thu): trong tháng gieo trồng 14.872 ha, nâng diện tích gieo trồng 74.728 ha, diện tích thu hoạch chủ yếu là lúa vụ Xuân Hè 24.905 ha tăng 8,7% so cùng kỳ, năng suất ước đạt 61,3 tạ/ha, giảm 1,1% so cùng kỳ; sản lượng 152.715 tấn, tăng 7,5% so cùng kỳ, do diện tích thu hoạch tăng.
- Cây ngô: trong tháng gieo trồng 264 ha, thu hoạch 378 ha với sản lượng 1.367 tấn. Đến nay gieo trồng được 1.898 ha, đạt 54,2% kế hoạch, giảm 35,8% so cùng kỳ, thu hoạch 1.725 ha, năng suất quy thóc 35,7 tạ/ha với sản lượng quy thóc 6.155 tấn, đạt 48,5% kế hoạch, giảm 31% so cùng kỳ do chịu ảnh hưởng một phần hạn mặn kéo dài và chuyển đổi sang trồng cây thanh long và một số cây ăn quả khác.
Cây rau đậu các loại: trong tháng gieo trồng 5.366 ha, thu hoạch 3.879 ha với sản lượng 78.558 tấn. Đến nay gieo trồng được 47.246 ha, đạt 75,7% kế hoạch, tăng 11,4% so cùng kỳ, thu hoạch 39.097 ha với sản lượng 773.604 tấn, đạt 64% kế hoạch, tăng 5,4% so cùng kỳ (trong đó: rau các loại 47.033 ha, thu hoạch 38.950 ha với sản lượng 773.148 tấn) so cùng kỳ, do nông dân tăng cường ứng dụng khoa học- kỹ thuật trong sản xuất, mở rộng quy mô trồng rau trong nhà lưới kiểm soát được sâu bệnh, nhiều loại giống mới được đưa vào sản xuất. Đồng thời nông dân Tiền Giang đang phát triển nhiều mô hình trồng rau màu: chuyên canh, luân canh trên nền đất lúa, xen canh lúa và màu…
Chăn nuôi: ước thời điểm 01/07/2021 tổng đàn gia súc, gia cầm của tỉnh như sau: đàn bò 121,2 ngàn con, tăng 2,4%; đàn lợn 279,4 ngàn con, giảm 4,9%; đàn gia cầm (không kể chim cút) 17,8 triệu con, tăng 8,6% so cùng kỳ. Chăn nuôi lợn giảm so cùng kỳ do dịch bệnh Covid-19 trên địa bàn tỉnh Tiền Giang diễn biến phức tạp, dịch vụ vận tải đã ngừng hoạt động, vì vậy khâu tiêu thụ sản phẩm chăn nuôi gặp rất nhiều khó khăn bên cạch đó, giá thức ăn tăng cao, giá thịt lợn hơi thường xuyên liên tục biến động, người chăn nuôi không dự đoán được thị trường nên rất lo lắng khi tái đàn.
2. Lâm nghiệp:
Tổng diện tích rừng hiện có trên địa bàn tỉnh Tiền Giang là 1.928,2 ha (không bao gồm diện tích rừng thuộc đất an ninh quốc phòng), cụ thể: 1.337,4 ha rừng phòng hộ và 590,8 ha rừng sản xuất.
Ước đến hết tháng 7/2021 toàn tỉnh thực hiện trồng mới được 290,4 ngàn cây phân tán, nâng tổng số cây trồng 359,5 ngàn cây, so với cùng kỳ giảm 4,2%. Những cây trồng mới chủ yếu là cây xà cừ, bạch đàn, tràm bông vàng lấy bóng mát để chắn gió, bụi cặp theo các tuyến đường đi, tuyến kênh, đê ở huyện Tân Phước, Chợ Gạo và Gò Công Đông.
3. Thủy hải sản:
Diện tích nuôi thủy sản các loại trong tháng 307 ha tăng 1% so cùng kỳ; ước đến tháng 7/2021 toàn tỉnh thả nuôi được 13.520 ha, đạt 89% kế hoạch và tăng 0,5% so cùng kỳ; Nuôi thủy sản nước ngọt trong 7 tháng đầu năm tỉnh thả nuôi được 4.078 ha, so cùng kỳ tăng 0,3%, nguyên nhân tăng là do ít bị ảnh hưởng hạn mặn kết hợp với mực nước nội đồng đủ nước nên các hộ tiến hành thả nuôi; Nuôi thủy sản mặn, lợ ước tính đến tháng 7 toàn tỉnh nuôi được 9.442 ha, tăng 0,5% so cùng kỳ, diện tích tăng chủ yếu là nuôi tôm sú nuôi quảng canh và nuôi tôm thẻ chân trắng do độ mặn và thời tiết thích hợp thả giống, các hộ nuôi tôm thâm canh và quảng canh cải tiến rất thận trọng trong việc chọn mua giống.
Sản lượng thủy sản trong tháng ước tính thu hoạch 38.782 tấn, tăng 1,6% so cùng kỳ. Bảy tháng đầu năm thu hoạch 183.454 tấn, đạt 62,5% kế hoạch, tăng 2,8% so cùng kỳ; trong đó: sản lượng thu hoạch từ nuôi 97.161 tấn, đạt 59,7% kế hoạch, tăng 2,1% so cùng kỳ; sản lượng khai thác 86.293 tấn, đạt 66% kế hoạch, tăng 3,6% so cùng kỳ.
II. SẢN XUẤT CÔNG NGHIỆP
Chỉ số sản xuất công nghiệp tháng 7/2021 giảm 0,4% so với tháng trước (ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 0,04%, sản xuất và phân phối điện, khí đốt, nước nóng, hơi nước và điều hòa không khí giảm 5,6%; cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải giảm 1,6%) và tăng 3,3% so cùng kỳ. Các ngành chiếm tỷ trọng lớn trong giá trị sản xuất công nghiệp của tỉnh sản xuất tăng hơn so cùng kỳ, trong đó: Sản xuất đồ uống tăng 19,6%; Sản xuất trang phục tăng 39,5; sản xuất da và các sản phẩm có liên quan tăng 36,9%...
Chỉ số sản xuất công nghiệp 7 tháng đầu năm 2021 tăng 3,1% so cùng kỳ; trong đó: ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 3,1%; sản xuất và phân phối điện, khí đốt, nước nóng, hơi nước và điều hòa không khí tăng 5,6%; cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải giảm 3,2%.
* Ngành công nghiệp chế biến, chế tạo:
- Chỉ số tiêu thụ ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tháng 7/2021 so với tháng trước giảm 0,04% và giảm 10,1% so cùng kỳ. Chỉ số tiêu thụ ngành công nghiệp chế biến, chế tạo cộng dồn từ đầu năm đến cuối tháng 7 năm 2021 giảm 7,3%. Một số ngành có chỉ số tiêu thụ tăng cao: Sản xuất đồ uống tăng 10,1%, trong đó sản xuất bia tăng 10,1%; Dệt tăng 9,2%, trong đó sản xuất hàng may sẳn tăng 40,3%; Sản xuất trang phục tăng 10,3%; Sản xuất da tăng 13,3%, trong đó sản xuất giày dép tăng 2,1%;… Bên cạnh đó một số ngành có chỉ số tiêu thụ giảm so cùng kỳ: Sản xuất chế biến thực phẩm giảm 15,5%, trong đó chế biến, bảo quản thủy sản và các sản phẩm từ thủy sản giảm 29,4%; Chế biến gỗ và sản xuất sản phẩm từ gỗ giảm 10,4%; Sản xuất giấy và sản phẩm từ giấy giảm 5,6%; Sản xuất sản phẩm cao su và plastic giảm 11,85%;…
- Chỉ số tồn kho tháng 7/2021 so với tháng trước tăng 5,2% và so với cùng kỳ giảm 3,4%. Một số ngành có chỉ số tồn kho tăng cao so với cùng kỳ: Sản xuất chế biến thực phẩm tăng 11,4%, trong đó sản xuất thức ăn cho gia súc, gia cầm và thuỷ sản tăng 50,6%; Sản xuất đồ uống tăng 3,3%, trong đó sản xuất bia tăng 3,3%; Sản xuất da tăng 28,1%, trong đó sản xuất va li, túi xách tăng 50,4%; Sản xuất thuốc, hoá dược và dược liệu tăng 32,2%; Sản xuất sản phẩm từ cao su và plastic tăng 41,3%; ... Bên cạnh đó một số ngành có chỉ số tồn kho giảm so cùng kỳ: Dệt giảm 0,9%, trong đó sản xuất sợi giảm 61,4%; Sản xuất trang phục giảm 2,7%; Sản xuất kim loại giảm 39,9%; Sản xuất thiết bị điện giảm 36,3%, trong đó sản xuất mô tơ điện giảm 38,3%; …
* Tình hình thu hút đầu tư và phát triển các khu - cụm công nghiệp:
- Khu công nghiệp: đến nay tỉnh đã được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận chủ trương quy hoạch 7 khu công nghiệp với tổng diện tích 2.083,5 ha; trong đó có 4 khu công nghiệp đi vào hoạt động. Trong tháng, Ban Quản lý các khu công nghiệp không cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư mới. Điều chỉnh giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho 04 lượt dự án tại các khu công nghiệp, cụm công nghiệp, trong đó có 02 lượt dự án điều chỉnh tăng vốn đầu tư với tổng vốn đầu tư tăng là 5,8 triệu USD.
Đến cuối tháng 7/2021, tổng số dự án đầu tư tại các khu công nghiệp là 107 dự án, trong đó: có 78 dự án đầu tư nước ngoài; tổng vốn đầu tư là 2,5 tỷ USD và 4.575,8 tỷ đồng. Diện tích cho thuê của các doanh nghiệp đạt 571 ha/770 ha, chiếm tỷ lệ 74,1% diện tích các khu công nghiệp đang cho thuê.
- Cụm công nghiệp: trên địa bàn tỉnh có 27 cụm công nghiệp được quy hoạch; trong đó có 4 cụm công nghiệp đang hoạt động. Trong tháng không thu hút dự án đầu tư mới. Tổng số dự án đầu tư tại các cụm công nghiệp hiện nay là 79 dự án (trong đó: có 6 dự án đầu tư nước ngoài) với tổng vốn đầu tư 0,2 tỷ USD và 2.306 tỷ đồng, diện tích thuê đất là 89,7/120,6 ha, tỷ lệ lắp đầy đạt 74,5%.
III. ĐẦU TƯ - XÂY DỰNG
Tổng vốn đầu tư thuộc nguồn vốn ngân sách nhà nước do địa phương quản lý thực hiện trong tháng là 291 tỷ đồng, giảm 44,4% so cùng kỳ. Bảy tháng đầu năm 2021 thực hiện 1.716 tỷ đồng, đạt 46,8% kế hoạch, giảm 17,2% so cùng kỳ. Ngay từ đầu năm Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã giao nhiệm vụ cụ thể cho các sở, ngành, UBND các huyện, thành phố, thị xã như: Tuyên truyền rộng rãi về việc triển khai thực hiện các chính sách hỗ trợ các nhóm đối tượng gặp khó khăn do dịch Covid-19, đẩy nhanh tiến độ đầu tư công, nhất là các công trình sạt lở; hỗ trợ nhà đầu tư đẩy nhanh tiến độ, sớm hoàn thành, đưa dự án vào sử dụng. Từ đầu năm các Ban quản lý dự án, chủ đầu tư tập trung triển khai các công trình chuyển tiếp, đồng thời hoàn chỉnh hồ sơ, đấu thầu đưa vào khởi công các công trình mới theo Nghị quyết 39/NQ-HĐND ngày 10/12/2020 của Hội Đồng Nhân Dân tỉnh.
Nguồn vốn ngân sách nhà nước cấp tỉnh thực hiện 1.304 tỷ đồng, giảm 16,8% so cùng kỳ, chiếm 76% tổng số; trong đó: vốn trung ương hỗ trợ đầu tư theo mục tiêu thực hiện 243 tỷ đồng, giảm 16%, vốn xổ số kiến thiết thực hiện 673 tỷ đồng, giảm 9,4% so cùng kỳ... Các ngành các cấp yêu cầu các Ban quản lý dự án, Chủ đầu tư tập trung với cường độ cao hơn trong tổ chức thực hiện sau thời điểm giãn cách xã hội, đồng thời ưu tiên đẩy nhanh tiến độ đầu tư công, kể cả tiến độ giải ngân nhằm phát triển kinh tế - xã hội do ảnh hưởng của dịch Covid-19.
Nguồn vốn ngân sách nhà nước cấp huyện thực hiện 313 tỷ đồng, giảm 17,5% so cùng kỳ, chiếm 18,3% tổng số; trong đó: vốn tỉnh hỗ trợ đầu tư theo mục tiêu thực hiện 158 tỷ đồng, giảm 12,7% so cùng kỳ... Hiện nay nguồn vốn đầu tư của huyện, thành phố, thị xã thực hiện chủ yếu nguồn vốn phân cấp, tập trung cho các công trình, dự án giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới nên khối lượng thực hiện không nhiều.
Nguồn vốn ngân sách nhà nước cấp xã thực hiện 99 tỷ đồng, giảm 22,1% so cùng kỳ, chiếm 5,7% tổng số; trong đó: vốn huyện hỗ trợ đầu tư theo mục tiêu thực hiện 67 tỷ đồng, giảm 25% so cùng kỳ... Đối với các công trình do Ban quản lý công trình xã làm chủ đầu tư thực hiện chủ yếu từ nguồn vốn phân cấp để thực hiện các công trình giao thông nông thôn, thủy lợi nội đồng phục vụ địa phương. Ngoài ra các ngành các cấp đẩy nhanh tiến độ thẩm định hồ sơ xây dựng cơ bản của các xã nông thôn mới từ nguồn vốn thủy lợi phí, vốn phân cấp... để tiến hành giải ngân.
IV. THƯƠNG MẠI - GIÁ CẢ - DỊCH VỤ
1. Tổng doanh thu bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng:
Tổng doanh thu bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng trong tháng thực hiện 4.230 tỷ đồng, giảm 13,5% so tháng trước và giảm 20,8% so cùng kỳ. Bảy tháng đầu năm 2021, tổng doanh thu bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng thực hiện 37.425 tỷ đồng, đạt 53,3% kế hoạch, tăng 9,2% so cùng kỳ. Phân theo ngành kinh tế: thương nghiệp 30.690 tỷ đồng, tăng 10,3%; lưu trú 18 tỷ đồng, giảm 46,9%; ăn uống 3.061 tỷ đồng, tương đương cùng kỳ; du lịch lữ hành 5,7 tỷ đồng, giảm 75,6%; dịch vụ tiêu dùng khác 3.649 tỷ đồng, tăng 10,5% so cùng kỳ.
Hiện nay, tình hình Covid-19 trên địa bàn tỉnh Tiền Giang tiếp tục diễn biến phức tạp, số lượng ca dương tính với Covid-19 liên tục được phát hiện, có 10/11 huyện thành thị có ca dương tính, gây tâm lý hoang mang cho người tiêu dùng. Có 10/11 huyện, thành, thị thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ từ ngày 12/7/2021, đến ngày 19/7 có 11/11 huyện thực hiện CT16/TTg các biện pháp tăng cường kiểm tra tình hình dịch bệnh được các ngành các cấp áp dụng chặt chẽ và nghiêm ngặt. Người dân được yêu cầu ở tại nhà, chỉ ra ngoài khi thật sự cần thiết, khi đi ra đường phải mang theo các loại giấy tờ tùy thân và giấy tờ khác để chứng minh ra khỏi nhà trong trường hợp thật sự cần thiết.
2. Xuất - Nhập khẩu:
a. Xuất khẩu:
Kim ngạch xuất khẩu hàng hóa trong tháng thực hiện 260 triệu USD; trong đó: kinh tế ngoài nhà nước 28,4 triệu USD, kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài 231 triệu USD. Bảy tháng xuất khẩu 1.976,7 triệu USD, đạt 60,8% kế hoạch, tăng 21% so cùng kỳ; trong đó: kinh tế nhà nước 4,2 triệu USD, giảm 79,9%; kinh tế ngoài nhà nước 288,7 triệu USD, giảm 16,7%; kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài 1.683,8 triệu USD, tăng 32,9% so cùng kỳ.
Tình hình xuất khẩu một số mặt hàng chủ lực của tỉnh như sau:
- Thủy sản: ước tính tháng 7/2021 xuất 3.153 tấn, với trị giá 6,7 triệu USD. Bảy tháng xuất 51.617 tấn, giảm 18,8%; giá trị xuất 113,2 triệu USD, đạt 35,4% kế hoạch, giảm 26,7% so cùng kỳ.
- Gạo: ước tính tháng 7/2021 xuất 11.216 tấn, với giá trị 6,9 triệu USD. Bảy tháng xuất 78.382 tấn, giảm 46,1%; giá trị xuất 44,9 triệu USD, đạt 32,1% kế hoạch, giảm 39,9% so cùng kỳ. Philippines - thị trường nhập khẩu gạo lớn nhất từ Việt Nam đang chậm lại do gạo Việt Nam đang chịu áp lực cạnh tranh từ gạo giá rẻ của Ấn Độ và việc doanh nghiệp Việt Nam nhập gạo giá rẻ từ Ấn Độ, họ cho rằng sẽ gây tác động đến xuất khẩu gạo Việt Nam, bởi tâm lý của bên nhập khẩu họ băn khoăn tại sao Việt Nam nhập gạo Ấn Độ, từ đó, người ta cũng không muốn mua gạo Việt Nam. Điều này có những tác động đáng kể lên thị trường lúa gạo nội địa trong thời điểm hiện nay.
- Hàng dệt, may: ước tính tháng 7/2021 xuất 8.634 ngàn sản phẩm, với giá trị 43,8 triệu USD. Bảy tháng xuất 90.707 ngàn sản phẩm, giảm 37,2%; giá trị xuất 305,5 triệu USD, đạt 51% kế hoạch, tương đương so cùng kỳ.
- Kim loại thường và sản phẩm (kể cả đồng): ước tính tháng 7/2021 xuất 7.050 tấn, với giá trị 74,2 triệu USD. Bảy tháng xuất 54.094 tấn, tăng 2,8%; giá trị xuất 502 triệu USD, tăng 46,4% so cùng kỳ. Nếu tình hình dịch bệnh Covid-19 được khống chế tốt thì ngành sản xuất kim loại sẽ tăng mạnh trong thời gian tới do Công ty Trách nhiệm hữu hạn gia công Đồng Hải Lượng là doanh nghiệp xuất nhập khẩu ống đồng và linh kiện lớn, hợp tác kinh doanh lâu dài với hơn 800 khách hàng ở trên toàn thế giới và với 188 quốc gia.
Ngoài các mặt hàng chủ yếu, trị giá xuất khẩu một số mặt hàng trong 7 tháng đầu năm 2021 có giá trị xuất khẩu tăng cao như: Giày dép các loại 356,5 triệu USD, tăng 39,8%; Kim loại thường và sp (kể cả đồng) 502 triệu USD tăng 46,4%; Xơ, sợi dệt các loại 61 triệu USD, tăng 64,4%... so cùng kỳ.
b. Nhập khẩu:
Kim ngạch nhập khẩu hàng hóa trong tháng 7/2021 đạt 132,9 triệu USD. Bảy tháng, kim ngạch nhập khẩu 1.136,8 triệu USD, đạt 63,2% kế hoạch, tăng 35,1% so cùng kỳ; trong đó: kinh tế ngoài nhà nước nhập khẩu 59,1 triệu USD, tăng 13,1%, kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài nhập 1.077,6 triệu USD, tăng 36,5% so cùng kỳ. Nguyên liệu nhập khẩu 7 tháng chủ yếu các mặt hàng như kim loại thường khác 425,6 triệu USD, tăng 31,2%; nguyên phụ liệu dệt, may, da, giày 228,6 triệu USD, tăng 69,6%; vải các loại 134,7 triệu USD, tăng 22,8%... so cùng kỳ.
3. Chỉ số giá:
Tình hình dịch Covid-19 trên địa bàn tỉnh diễn biến phức tạp, đến ngày 26/7/2021 có 11/11 huyện có ca dương tính trong cộng đồng đã gây tâm lý hoang mang cho người tiêu dùng. Toàn tỉnh thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ từ ngày 12/7/2021. Các cơ sở kinh doanh ăn uống, giải khát mang về, nhà nghỉ, khách sạn, các loại hàng hóa, dịch vụ không thiết yếu tạm dừng hoạt động từ ngày 12/7/2021. Đến ngày 14/7/2021 có 25 chợ bị phong tỏa phục vụ công tác phòng, chống dịch Covid-19; Ngoài một số chợ truyền thống, các siêu thị, cửa hàng tiện ích hoạt động bình thường và bán hàng bằng các hình thức như: Bán hàng qua điện thoại; Giao hàng tận nơi cho khách hàng... được đẩy mạnh, vì vậy sức mua hàng qua điện thoại, online tăng 30 - 40% là cho giá tăng, sức mua tại các chợ truyền thống giảm từ 20 - 30% so với những ngày bình thường. Mặc khác do giá dầu thế giới luôn biến động tăng tác động làm chỉ số giá tháng 7 tăng. Từ những nguyên nhân trên, tác động đến (CPI) tháng 7/2021 tăng 0,97% so tháng 6/2021(thành thị tăng 0,85%, nông thôn tăng 1%); so cùng kỳ tăng 4,08%. CPI bình quân bảy tháng đầu năm 2021 so cùng kỳ tăng 2,73%.
So với tháng 6/2021, trong 11 nhóm hàng hóa và dịch vụ chính, có 6 nhóm tăng: Hàng ăn và dịch vụ ăn uống tăng 1,48% (trong đó lương thực tăng 0,85%, thực phẩm tăng 2,21% và ăn uống ngoài gia đình tăng 0,01%); Đồ uống và thuốc lá tăng 0,32%; May mặc, mũ nón, giày dép tăng 0,11%; Nhà ở, điện, nước, chất đốt và vật liệu xây dựng tăng 0,78%; Thiết bị và đồ dùng gia đình tăng 0,03%; Giao thông tăng 3,2%. Có 3 nhóm giảm: Bưu chính viễn thông giảm 0,12%; Văn hóa, giải trí và du lịch giảm 0,03%; và nhóm hàng hoá và dịch vụ khác giảm 0,01%. Nhóm Thuốc, dịch vụ y tế tăng và nhóm Giáo dục có chỉ số giá ổn định.
Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 7/2021 tăng so tháng 6/2021 do:
- Giá lương thực tăng 0,85%, thực phẩm tăng 2,21% do tâm lý của người dân thu mua hàng hoá tích trữ tiêu dùng trong mùa dịch bệnh vừa qua, dẫn đến sức mua tăng, giá bán lẻ tăng theo, tác động đến nhóm hàng lương thực, thực phẩm tăng 1,75% so với tháng trước, đóng góp vào mức tăng CPI chung tháng này khoảng 0,52%.
- Giá xăng dầu tăng 6,8% so với tháng trước, do sự phục hồi kinh tế thế giới sau các đợt dịch bệnh Covid, nên nhu cầu sử dụng nhiên liệu sản xuất tăng, tác động giá xăng dầu trong nước tăng theo (ngày 26/6 và ngày 12/7/2021), tính chung: xăng A95 tăng 7,06%, xăng sinh học E5 tăng 7,26%, dầu Diezen 0,05S tăng 7,09%, đóng góp vào mức tăng CPI chung khoảng 0,3%.
- Giá gas ngày 01/7/2021 tăng 9,24% tương ứng tăng 30.000 đồng/bình 12kg so tháng trước; giá dầu hoả tăng 7,33% tương ứng tăng 1.090 đồng/lít vào 26/6 và ngày 12/7/2021. Tác động nhóm gas và chất đốt tăng 8,62%, đóng góp vào mức tăng CPI chung khoảng 0,12%.
- Giá điện sinh hoạt tăng 1,07% do vào mùa hè, nắng nóng; mặc khác do người dân ở nhà nên nhu cầu sử dụng điện nhiều hơn tháng trước (do thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ), dẫn đến giá điện sinh hoạt bình quân trong tháng 7/2021 tăng lên.
- Một số mặt hàng thuốc hút giá tăng 0,76% do thực hiện giãn cách xã hội, dẫn đến giao thương hàng hoá khó khăn, giá bán lẻ cho người tiêu dùng tăng nhẹ
Bên cạnh đó, một số mặt hàng lương thực thực phẩm có chỉ số giá giảm sâu làm kềm hãm tốc độ tăng trong tháng 7/2021.
- Giá thịt lợn giảm 0,12% so với tháng trước, do nguồn cung được phục hồi sau các đợt bệnh dịch tả lợn Châu Phi, mặc khác do nhu cầu tiêu dùng trong nước có giới hạn, dẫn đến giá giảm nhẹ.
- Giá sắt thép các loại dùng trong xây dựng giảm bình quân từ 2% -3%, tương ứng giảm từ 300- 500 đồng/kg so với tháng trước, nguyên nhân do dịch bệnh bùng phát, thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16, kinh tế khó khăn, nhu cầu xây dựng giảm so với tháng trước.
- Khi xã hội bùng phát dịch bệnh, kinh tế khó khăn, người dân chi tiêu tiết kiệm hơn, dẫn đến giá xe ô tô đã qua sử dụng giảm 0,76%, cùng với đó, điện thoại di động thông minh giảm 0,66%, hoa cây cảnh giảm 1,2%, du lịch trọn gói giảm 0,21% so tháng trước.
Chỉ số giá vàng 24 kara Ngọc Thẩm bình quân trong tháng giảm 1,55%. Hiện nay giá vàng bình quân duy trì ở mức 5.193.000 đồng/chỉ, tăng 231.000 đồng/chỉ so cùng kỳ.
Chỉ số giá đô la Mỹ trong nước bình quân trong tháng giảm 0,01%. Hiện nay giá bình quân Đô la Mỹ duy trì ở mức 23.111 đồng/USD, giảm 176 đồng/USD so cùng kỳ.
4. Du lịch:
Tính chung bảy tháng đầu năm 2021, lượt khách du lịch đến Tiền Giang là 265,2 ngàn lượt khách, đạt 24,1% kế hoạch và bằng 51,7% so cùng kỳ; trong đó: khách quốc tế 3,8 ngàn lượt khách, giảm 96,1% so cùng kỳ. Tổng doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống, dịch vụ lữ hành, hoạt động hỗ trợ du lịch dịch vụ tiêu dùng đạt 6.734,3 tỷ đồng, tăng 4,8% so cùng kỳ; trong đó: doanh thu dịch vụ ăn uống chiếm tỷ trọng 45,5%, ước đạt 3.061 tỷ đồng, tương đương so cùng kỳ; lưu trú đạt 18 tỷ đồng, giảm 46,9% so cùng kỳ...,Trước tình hình dịch Covid-19 tiếp tục có những diễn biến phức tạp trên địa bàn tỉnh đã tác động tiêu cực đến ngành du lịch. Lượng khách du lịch tiếp tục giảm so cùng kỳ, nguyên nhân khách du lịch quốc tế hiện nay chưa được cấp phép nhập cảnh.
5. Vận tải:
Doanh thu, sản lượng vận chuyển, luân chuyển hàng hoá và hành khách 07 tháng đầu năm 2021 đều giảm so với cùng kỳ, nguyên nhân do ảnh hưởng dịch Covid -19. Ở đợt thứ 04 bị ảnh hưởng nặng nề nhất, dẫn đến đa số các doanh nghiệp vận tải, cơ sở sản xuất kinh doanh trên địa bàn tỉnh gặp rất nhiều khó khăn, hoạt động cầm chừng ảnh hưởng đến các đơn hàng xuất khẩu đã ký kết ngay đầu năm... Vì vậy, để duy trì hoạt động sản xuất buộc các doanh nghiệp phải thu hẹp lại quy mô sản xuất, cắt giảm chi phí, giảm số lượng lao động..., trong đó có ảnh hưởng trực tiếp đến kết quả hoạt động của ngành vận tải.
Doanh thu vận tải, kho bãi và dịch vụ hỗ trợ vận tải trong tháng thực hiện 116 tỷ đồng, giảm 12,5% so tháng trước và giảm 28,7% so cùng kỳ. Bảy tháng thực hiện 1.089 tỷ đồng, giảm 6,6% so cùng kỳ; trong đó: doanh thu vận tải hành khách thực hiện 293 tỷ đồng, giảm 11,4%; doanh thu vận tải hàng hóa thực hiện 680,7 tỷ đồng, giảm 4,7% so cùng kỳ. Doanh thu vận tải đường bộ thực hiện 532,2 tỷ đồng, giảm 4,6%; doanh thu vận tải đường thủy thực hiện 441,4 tỷ đồng, giảm 9,5%; doanh thu kho bãi, dịch vụ hỗ trợ vận tải 115,8 tỷ đồng, giảm 4,9% so cùng kỳ. Nguyên nhân doanh thu vận tải giảm là do diễn biến phức tạp dịch bệnh Covid-19, tỉnh Tiền Giang thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 15 và 16 của Thủ tướng Chính phủ ảnh hưởng đến doanh thu vận tải.
Vận tải hành khách trong tháng đạt 1.251 ngàn hành khách, giảm 31,4% so tháng trước và giảm 60,8% so cùng kỳ; luân chuyển 18.008 ngàn hành khách.km, giảm 43,1% so tháng trước và giảm 56,6% so cùng kỳ. Bảy tháng, vận chuyển 16.840 ngàn hành khách, giảm 15,4% so cùng kỳ; luân chuyển 315.151 ngàn hành khách.km, giảm 8,6% so cùng kỳ; trong đó: vận tải đường bộ 8.094 ngàn hành khách, giảm 4,5% và luân chuyển 303.103 ngàn hành khách.km, giảm 7,4% so cùng kỳ; vận tải đường thủy 8.746 ngàn hành khách, giảm 23,4% và luân chuyển 12.048 ngàn hành khách.km, giảm 31,8% so cùng kỳ.
Vận tải hàng hóa trong tháng đạt 795 ngàn tấn, giảm 4,8% so tháng trước và giảm 15% so cùng kỳ; luân chuyển 105.841 ngàn tấn.km, giảm 3,5% so tháng trước và giảm 12,7% so cùng kỳ. Bảy tháng, vận tải 6.451 ngàn tấn hàng hóa, giảm 3,7% so cùng kỳ; luân chuyển 822.627 ngàn tấn.km, giảm 5,4% so cùng kỳ; trong đó: vận tải đường bộ 1.580 ngàn tấn, tăng 9,3% và luân chuyển 165.207 ngàn tấn.km, giảm 7,7% so cùng kỳ; vận tải đường thủy 4.871 ngàn tấn, giảm 7,3% và luân chuyển 657.420 ngàn tấn.km, giảm 4,8% so cùng kỳ.
* Công tác quản lý phương tiện giao thông:
Trong tháng đăng ký mới 4.137 chiếc xe mô tô xe máy, 307 chiếc xe ô tô, 11 xe đạp điện và 18 xe khác. Tổng số xe đang quản lý trên địa bàn tỉnh 1.354.947 chiếc, trong đó mô tô xe máy 1.312.971 chiếc, xe ô tô 41.186 chiếc, 152 xe ba bánh, 192 xe đạp điện và 446 xe khác.
6. Bưu chính viễn thông:
Doanh thu trong tháng 7/2021 đạt 262 tỷ đồng, tăng 0,1% so tháng trước; trong đó: doanh thu bưu chính đạt 25 tỷ đồng, tăng 1% và viễn thông 245 tỷ đồng, tương đương so tháng trước. Bảy tháng doanh thu dịch vụ bưu chính, viễn thông đạt 1.851 tỷ đồng, tăng 7,1% so cùng kỳ; trong đó: doanh thu bưu chính đạt 163 tỷ đồng, tăng 42,6% và viễn thông 1.688 tỷ đồng, tăng 4,6% so cùng kỳ.
Tổng số thuê bao điện thoại có trên mạng đến cuối tháng 7/2021 là 98.525 thuê bao, mật độ bình quân đạt 6 thuê bao/100 dân (chỉ tính thuê bao cố định và di động trả sau). Thuê bao internet có trên mạng cuối tháng 7/2020 là 278.280 thuê bao, mật độ internet bình quân đạt 15,8 thuê bao/100 dân. Số lượng điện thoại cố định có dây, không dây tiếp tục giảm, do thị trường phát triển thuê bao dần bảo hòa dẫn đến khách hàng dần chuyển sang sử dụng điện thoại di động, trong đó chủ yếu là điện thoại di động trả trước. Số thuê bao điện thoại di động có sử dụng internet (3G, 4G) đến cuối tháng 6 năm 2021 là 1.366.583 thuê bao.
V. TÀI CHÍNH - NGÂN HÀNG
1. Tài chính:
Tổng thu ngân sách nhà nước trong tháng thực hiện 854,5 tỷ đồng; trong đó: thu ngân sách trên địa bàn 670 tỷ đồng, thu từ doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài 200 tỷ đồng. Bảy tháng, thu 12.596 tỷ đồng, đạt 93,8% kế hoạch, giảm 9,8% so cùng kỳ; trong đó: thu ngân sách trên địa bàn thực hiện 5.956 tỷ đồng, đạt 56,1% dự toán và giảm 2,3% so cùng kỳ; thu nội địa 5.781 tỷ đồng, đạt 55,9% dự toán, giảm 3% so cùng kỳ (trong thu ngân sách trên địa bàn: thu từ doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài 1.877 tỷ đồng, đạt 54,4% dự toán, giảm 7,3% so cùng kỳ; thu từ khu vực kinh tế ngoài quốc doanh đạt 651 tỷ đồng, đạt 46,5% dự toán, giảm 8,2% so cùng kỳ...).
Tổng chi ngân sách nhà nước trong tháng 931 tỷ đồng; trong đó: chi đầu tư phát triển 300 tỷ đồng. Bảy tháng, chi 7.374 tỷ đồng, đạt 60,2% dự toán, giảm 31,8% so cùng kỳ; trong đó: chi đầu tư phát triển 2.077 tỷ đồng, đạt 56,1% dự toán, gảm 31,2% so cùng kỳ; chi hành chính sự nghiệp 3.628 tỷ đồng, đạt 52,8% dự toán và giảm 11,2% so cùng kỳ.
2. Ngân hàng:
Đến cuối tháng 6/2021, vốn huy động đạt 77.831 tỷ, tăng 2,6% so với cuối năm 2020, bình quân mỗi tháng tăng 0,44%/tháng. Huy động vốn chủ yếu ở khu vực dân cư, chiếm tỷ trọng 88,9% tổng nguồn.Tổng dư nợ toàn tỉnh đến cuối tháng 6/2021 đạt 71.016 tỷ đồng, tăng 10,44% so với cuối năm 2020, bình quân tăng 1,7%/tháng. Tăng trưởng dư nợ cao hơn 5,7% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, dư nợ khối Ngân hàng Thương mại nhà nước và cổ phần nhà nước chiếm 62,9%. Có thể thấy, trong 6 tháng đầu năm, mặc dù trước tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp nhưng dư nợ đạt mức tăng cao, điều này hỗ trợ rất lớn trong việc cung ứng vốn phục vụ sản xuất của nền kinh tế. Cơ cấu tín dụng chuyển dịch theo hướng tích cực tập trung vào lĩnh vực sản xuất, kinh doanh nhất là lĩnh vực ưu tiên theo chủ trương của Chính phủ. Kiểm soát chặt chẽ tín dụng vào các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro, tăng cường quản lý rủi ro đối với cho vay phục vụ nhu cầu đời sống, tín dụng tiêu dùng. Ước đến cuối tháng 7/2021, nguồn vốn huy động đạt 77.889 tỷ đồng, tăng 2,7%; tổng dư nợ đạt 71.163 tỷ đồng, tăng 10,7% so với cuối năm 2020.
*Nợ xấu: đến cuối tháng 6/2021 là 739,60 tỷ đồng, tỷ lệ 1,04%, giảm 0,21% so với cuối năm 2020. Trong đó khối NHTM nhà nước là 1,01%; khối còn lại là 1,10%.Tỷ lệ nợ xấu ở mức thấp, nằm trong sự kiểm soát, có chuyển biến tích cực theo chiều hướng giảm. Trong đó, nợ nhóm 3 chiếm 17,15%, nhóm 4 chiếm 27,89%, nhóm 5 chiếm 54,30%. Ước đến cuối tháng 7/2021, nợ xấu là 745 tỷ đồng, tỷ lệ nợ xấu 1,1%, tăng 0,01% so với cuối năm 2020.
VI. KHOA HỌC CÔNG NGHỆ
Đến cuối tháng 7/2021, thẩm định nội dung 13 nhiệm vụ ( 06 cấp tỉnh, 07 cấp cơ sở); nghiệm thu kết thúc 08 nhiệm vụ; nghiệm thu giai đoạn 12 nhiệm vụ; Quyết định triển khai 16 nhiệm vụ; Quyết định công nhận 12 nhiệm vụ và Gia hạn 04 nhiệm vụ KH&CN.
VII. CÁC VẤN ĐỀ XÃ HỘI
1. Lao động việc làm:
Tính đến tháng 7/2021, tư vấn cho 18.076 lượt lao động, tăng 8,6% so với cùng kỳ, đạt 90,4% kế hoạch năm; tư vấn nghề cho 4.287 lượt lao động, tư vấn việc làm 2.220 lượt lao động, tư vấn việc làm cho 10.680 lượt lao động thất nghiệp, tư vấn pháp luật lao động và tư vấn khác cho 889 lượt lao động; giới thiệu việc làm cho 1.969 lượt lao động, tăng 72% so với cùng kỳ, đạt 49,2% kế hoạch năm; đã giới thiệu cho 539 lao động có được việc làm ổn định, giảm 9,1% so với cùng kỳ.
Trong tháng 7, tư vấn cho 155 lượt lao động có nguyện vọng đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài, giảm 1,9% so với cùng kỳ, có 01 lượt lao động đăng ký tham gia, tương đương so với cùng kỳ. Xuất cảnh 14 lao động, tăng 133,3% so với cùng kỳ, trong đó xuất cảnh qua Nhật Bản là 07 lao động, Đài Loan là 05 lao động và thị trường khác là 02 lao động. Tiếp nhận 4.474 người đăng ký thất nghiệp, giảm 12,6% so với cùng kỳ, giải quyết cho 5.532 trường hợp hưởng cấp thất nghiệp, tăng 44,7% so với cùng kỳ, với tổng số tiền chi trả hơn 59 đồng, tăng hơn 2 tỷ đồng, tương đương tăng 5,1% so với cùng kỳ.
2. Chính sách xã hội:
Quỹ đền ơn đáp nghĩa vận động được 252 triệu đồng, lũy kế từ đầu năm vận động được 4 tỷ đồng đạt 40% kế hoạch năm tương đương cùng kỳ năm 2020, xây dựng 15 căn nhà tình nghĩa với tổng kinh phí 600 triệu đồng đạt 12% kế hoạch năm giảm 25% so với cùng kỳ; sửa chữa 16 căn nhà tình nghĩa với tổng kinh phí 320 triệu đồng đạt 32% kế hoạch năm giảm 22% so với cùng kỳ.
Quỹ Bảo trợ trẻ em vận động tiền mặt được hơn 30 triệu đồng; lũy kế từ đầu năm vận động được hơn 1,9 đồng, trong đó tiền mặt là gần 1,7 tỷ đồng; hàng hóa là hơn 230 triệu đồng đạt 54,9% kế hoạch năm, hỗ trợ cho khoảng 157 trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, khó khăn thông qua các hoạt động thăm và trao tặng quà; tặng “Mái ấm Khuyến học”, “Tiếp sức đến trường”.
3. Hoạt động y tế:
Theo báo cáo của Sở Y tế tỉnh Tiền Giang: kể từ ngày 05/6/2021, khi có trường hợp mắc COVID-19 đầu tiên ngoài cộng đồng, đến ngày 25/07/2021 đã có 119 ổ dịch với 1.988 bệnh nhân (914 bệnh nhân đã được Bộ Y tế công bố mã số, số bệnh nhân còn lại đang chờ cấp mã số), 168 bệnh nhân được điều trị khỏi và 31 ca tử vong. UBND tỉnh thành lập 03 bệnh viện Dã chiến điều trị Covid-19 với 5 cơ sở điều trị. Quy mô 1.060 giường bệnh (Bệnh viện dã chiến số 1 là 350 giường (2 cơ sở); Bệnh viện dã chiến số 3 là 650 giường (3 cơ sở); Bệnh viện Dã chiến số 2 là bệnh viện tuyến cuối của tỉnh chuyên về điều trị Covid-19 với quy mô 60 giường bệnh), đồng thời phối hợp với Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh tham mưu thành lập bệnh viện Dã chiến trực thuộc Bộ Quốc phòng (bệnh viện Dã chiến số 6) với quy mô 500 giường bệnh. Ngoài ra, Ủy ban nhân dân tỉnh quyết định thực hiện cách ly xã hội toàn tỉnh trong vòng 14 ngày, kể từ 00 giờ ngày 19/7/2021, theo tinh thần Chỉ thị số 16/CT-TTg ngày 31/3/2020 của Thủ tướng Chính phủ, trước đó ngày 12/7/2021 tỉnh đã thực hiện cách ly toàn xã hội 10/11 huyện, thành, thị theo Chỉ thị số 16/CT-TTg.
Trong tháng 7 có 09/44 bệnh truyền nhiễm được ghi nhận. Cộng dồn so với cùng kỳ có 08 bệnh tăng (Sốt xuất huyết +7,6%, tay chân miệng +220,5%, tiêu chảy +5,1%, uốn ván khác +11,1%, viêm gan siêu vi A +100%, viêm gan siêu vi B +25%, viêm não do vi rút +100, Covid-19 +100%); 09 bệnh giảm (liên cầu lợn ở người -100%, ho gà -100%, lao phổi -11,3%, lỵ a míp -100%, quai bị -65,1%, sởi -55,4%, thương hàn -16,7%, thủy đậu -29,7%, viêm gan siêu vi C -50%); 27 bệnh tương đương và hoặc không xảy ra ca mắc. Phòng chống HIV/AIDS bảy tháng đầu năm toàn tỉnh có 5,920 người nhiễm HIV; 1,805 người chuyển sang AIDS; tử vong do AIDS: 997 người.
Số lượng bệnh đến khám ngoại trú và điều trị nội trú đều giảm nhiều giảm so với cùng kỳ năm 2020: tổng số lần khám bệnh trong tháng 265.853 lượt người, giảm 37,1%; tổng số người điều trị nội trú 12.510 lượt người, giảm 34,6%. Công suất sử dụng giường bệnh bình quân trong tháng đạt 52,5%.
4. Hoạt động giáo dục:
Ngành Giáo dục và Đào tạo đã tổ chức thi tốt nghiệp THPT năm 2021 vào các ngày 07 và 08/7/2021 với hơn 16.000 thí sinh dự thi, chấm thi tốt nghiệp THPT năm 2021 từ ngày 09/7/2021 đến 26/7/2021. Hướng dẫn thí sinh điều chỉnh nguyện vọng xét tuyển vào đại học, cao đẳng năm 2021. Thành lập Hội đồng xét tuyển và công bố điểm chuẩn tuyển sinh vào lớp 10 năm học 2021-2022.
5. Hoạt động văn hóa – thể thao:
Trong tháng 7/2021, do tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp trên địa bàn tỉnh Tiền Giang tổ chức tuyên truyền phòng chống dịch bệnh Covid-19 trên Đài Phát thanh huyện và cấp xã để Nhân dân được biết (mỗi ngày ít nhất 3 lượt) và trên 225 lượt xe loa tuyên truyền (bao gồm xe chuyên dụng và xe máy gắn loa di động); các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục, thể thao đông người đã tạm dừng; Tạm ngưng phục vụ tại Bảo tàng, Thư viện tỉnh, các di tích trực thuộc, Trung tâm Văn hóa – Nghệ thuật, Trung tâm Phát triển Du lịch, Trung tâm Đào tạo, Huấn luyện và Thi đấu thể dục thể thao để thực hiện phòng, chống dịch Covid-19 kể từ ngày 12/7/2021; Tổ chức huấn luyện, ăn ở khép kín cho vận động viên tại Trung tâm Đào tạo, Huấn luyện và Thi đấu Thể dục Thể thao tỉnh; các vận dộng viên được về nhà thì tổ chức huấn luyện qua hình thức online.
6. Tình hình an ninh trật tự và an toàn xã hội: (Theo báo cáo của ngành công an)
Tội phạm về trật tự xã hội xảy ra 118 vụ (tăng 42 vụ so với liền kề, giảm 05 vụ so với cùng kỳ), bị thương 14 người, tài sản thiệt hại trị giá khoảng 4,9 tỷ đồng. Điều tra khám phá bước đầu đạt tỷ lệ 52,5% (62 vụ), bắt xử lý 116 đối tượng, thu hồi tài sản trị giá khoảng 272 triệu đồng.
Phát hiện, xử lý 32 tụ điểm cờ bạc, 196 đối tượng liên quan (khởi tố 13 vụ, 53 bị can về hành vi đánh bạc và tổ chức đánh bạc); 27 vụ, 35 đối tượng phạm tội về ma túy và xử lý hành chính 209 đối tượng sử dụng trái phép chất ma túy; 02 vụ - 02 đối tượng có hành vi buôn bán, vận chuyển hàng cấm, thu giữ 6.940 bao thuốc lá điếu nhập lậu (khởi tố vụ án, khởi tố bị can) và xử lý phạt tiền 04 trường hợp vi phạm pháp luật về môi trường, khai thác cát trái phép.
7. Trật tự an toàn giao thông: (Theo báo cáo ngành công an tỉnh)
Giao thông đường bộ: Tai nạn giao thông trong tháng xảy ra 49 vụ, giảm 08 vụ so tháng trước và tăng 12 vụ so cùng kỳ, làm chết 27 người, giảm 03 người so tháng trước và tăng 02 người so cùng kỳ, bị thương 23 người, giảm 11 người so tháng trước và tăng 06 người so cùng kỳ. Nâng tổng số vụ từ đầu năm đến nay 373 vụ, tăng 175 vụ so cùng kỳ, làm chết 177 người, tăng 54 người so cùng kỳ, bị thương 250 người tăng 147 người so cùng kỳ.
Vi phạm trật tự an toàn gia o thông đường bộ trong tháng xảy ra 2.671 vụ giảm 857 vụ so tháng trước và giảm 6.314 vụ so cùng kỳ. Đã xử lý tạm giữ giấy tờ và phương tiện 2.286 vụ, tước giấy phép lái xe 199 vụ, phạt tiền 385 vụ với số tiền phạt 3.049 triệu đồng. Nâng tổng số vụ vi phạm trật tự an toàn giao thông đường bộ từ đầu năm đến nay 21.188 vụ, giảm 20.219 vụ so cùng kỳ. Đã xử lý tạm giữ giấy tờ và phương tiện 17.162 vụ, tước giấy phép lái xe 1.215 vụ, phạt tiền 4.026 vụ với số tiền phạt 18.848 triệu đồng.
Giao thông đường thủy: Trong tháng không xảy ra. Từ đầu năm đến nay trên địa bàn tỉnh xảy ra 03 vụ tai nạn, so cùng kỳ giảm 02 vụ, số người chết và bị thương không phát sinh, tương đương so với cùng kỳ.Vi phạm trật tự an toàn giao thông đường thủy trong tháng xảy ra 3.690 vụ, tăng 1.840 vụ so tháng trước và tăng 1.831 vụ so cùng kỳ. Đã xử lý vi phạm lập biên bản tạm giữ giấy tờ 696 vụ và phạt tiền tại chỗ 2.994 vụ với số tiền phạt: 572,7 triệu đồng. Nâng tổng số vụ vi phạm trật tự an toàn giao thông đường thủy từ đầu năm đến nay 9.671 vụ tăng 16 vụ so cùng kỳ. Đã xử lý vi phạm lập biên bản tạm giữ giấy tờ 1.659 vụ và phạt tiền 8.012 vụ với số tiền phạt: 2.638 triệu đồng.
8. Tình hình cháy nổ, môi trường
Tình hình cháy nổ, thiên tai trên địa bàn tỉnh Tiền Giang trong tháng 7/2021 đã xảy ra 1 vụ cháy do chập điện, chưa xác định thiệt hại tài sản; 3 vụ lốc xoáy và 3 điểm sạt lỡ, với 44 căn nhà tốc mái, 2 căn nhà bị sập, gãy 1 trụ điện và gãy đổ 1,7 ha bắp ( ngô), ước tính thiệt hại gần 1.009 triệu đồng. Tính từ đầu năm đến nay trên địa bàn tỉnh đã xảy ra 08 cơn lốc xoáy với 100 căn nhà (sập 5 căn, tốc mái 95 căn), 1,7 ha cây bắp thiệt hại 100% và 179 cây thiệt hại 100%. Ước tính thiệt hại trên 1.595 triệu đồng.
Phát hiện 02 tổ chức vi phạm lĩnh vực môi trường như: không báo cáo kết quả giám sát chất thải định kỳ (một năm một lần trước ngày 31 tháng 01 hàng năm) cho cơ quan đã phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường thuộc thẩm quyền phê duyệt của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh theo quy định; khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường không giấy phép. Quyết định xử phạt hành chính về lĩnh vực môi trường đối với 2 tổ chức với số tiền là 100 triệu đồng./.
Cục thống kê tỉnh Tiền Giang